Barca xuống chơi Europa League và câu hỏi của thời đại dành cho Xavi

Barca thất bại trước Bayern, bị loại khỏi Champions League nhưng quan trọng nhất là vẫn còn cách quá xa hình mẫu của Xavi.

Hoàng Thông Le Foot

Barcelona bị loại khỏi vòng bảng Champions League sau 21 năm

Xavi: 'Barca bắt đầu lại từ con số 0'

Lạc quan và niềm hy vọng là những thứ một đội bóng cần có. Đấy cũng là những thứ mà người thuyền trưởng đội bóng cần gieo vào đầu các học trò trước mỗi trận đánh. Nhưng thắng một trận đấu đâu thể chỉ dựa vào mỗi niềm tin. Thái độ đóng một vai trò quan trọng, nhưng thực lực mới chính là nền tảng quyết định.

Chưa cần bàn tới thái độ của các cầu thủ Barca sẽ được thể hiện như thế nào tại Allianz Arena, nhưng nền tảng lại chính là thứ rõ ràng họ thiếu đi. Vì lẽ đó, Xavi và các học trò dù có thể nuôi hy vọng hoặc thể hiện ra bên ngoài rằng họ vừa muốn giải quyết ân oán với Bayern Munich, vừa muốn tự định đoạt số phận của mình ở Champions League bằng một chiến thắng, song có lẽ trong thâm tâm, họ cũng đủ tỉnh táo chứ chưa cần đến việc phải nhận thức một cách thực tế để hiểu rằng đối thủ mạnh và đáng sợ ra sao. Barca của Xavi giống như “lạc quan giữa đám đông, nhưng trong lòng thì lại không”. Người hâm mộ, từ trung lập đến cả các Culer, rõ ràng cũng đã lường trước kết cục của đại diện xứ Catalunya.

Để rồi, sau 90 phút bóng lăn tại một sân đấu không khán giả vì những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở Đức, câu hỏi không quá hóc búa nhưng lại rất được mong chờ “Liệu Barcelona có phải dừng bước ở vòng bảng Champions League lần đầu tiên kể từ mùa giải 2000/01?”, cũng đã có câu trả lời không mấy bất ngờ.

Khi Benfica ghi liền 2 bàn trong 22 phút đầu tiên trước Kyiv, Barca hiểu rằng họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải đánh bại Bayern. Đến khi trận đấu trôi qua được nửa giờ đồng hồ, môn xác suất thống kê cho thấy cơ hội vượt qua vòng bảng của Barca chỉ còn 13,5%. Đấy là lúc Bayern mới chỉ còn đang “khởi động” cho nóng máy. Khi Thomas Muller ghi bàn mở tỷ số, cơ hội của thầy trò Xavi giảm xuống còn 4,3%. Và rồi, cú vung chân không thương tiếc của Leroy Sane đẩy cánh cửa đi tiếp của Barca chỉ còn 1,7% vỏn vẹn. Cuối cùng, 3-0 từ cú làm bàn của Musiala trở thành dấu chấm hết.

Lần đầu tiên sau 21 năm, đội chủ sân Camp Nou không thể vượt qua vòng bảng Champions League, sau khi bại trận 0-3 trước Bayern và Benfica thì giành chiến thắng 2-0 trước Dynamo Kyiv. Barca đành phải lần đầu tiên trong lịch sử hít thở bầu không khí Europa League. Còn Bayern trở thành đội bóng có chuỗi trận liên tiếp đánh bại Barca nhiều nhất (4 lần) trong lịch sử cúp C1/Champions League.

Xavi lạc quan giữa đám đông, nhưng trong lòng thì lại không

Thực tế, có một chi tiết lịch sử dễ dàng bị bỏ qua hoặc hiểu lầm trong dữ kiện vừa được nêu. Không phải liên tiếp từ mùa giải 2001/02 đến trước mùa giải này Barca đều vượt qua được vòng bảng Champions League. Bởi lẽ, mùa giải 2003/04, gã khổng lồ xứ Catalunya từng không có được suất dự Champions League.

Chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những dữ kiện và “fact” kiểu như: Lần gần nhất Barca không vượt qua được vòng bảng Champions League, bấy giờ những Ansu Fati, Pedri và Gavi còn chưa chào đời; hay như khi Barca chơi ở UEFA Cup mùa 2003/04, Gavi – cầu thủ 17 tuổi – còn chưa cất tiếng khóc chào đời, còn Gerard Pique thì chuẩn bị bước sang tuổi 17.

Thực ra, những thống kê ấy nêu ra cũng chẳng để giải quyết hay làm sáng tỏ điều gì, và chúng cũng không cần thiết làm công việc ấy. Chỉ là, chúng khắc họa sự suy tàn của đế chế Barca với đỉnh điểm là mùa giải này, chúng mang đến một cảm giác về một mớ hỗn độn chưa được giải quyết của tình trạng CLB hiện thời mà sẽ mất rất lâu để Xavi thu xếp ổn thỏa. Lạc quan hơn một chút thì mùa 2003/04 khi ấy, Xavi là một thành viên của đội hình Barca và bấy giờ anh 23 tuổi. Nghĩa là, đã từng có những ngày tháng tươi đẹp diễn ra sau đó.

Nhưng, vẫn thêm một cái “nhưng” nữa, bóng đá của năm 2021 khác với năm 2004 nhiều lắm. Một lò đào tạo ưu tú liên tục sản sinh ra các tài năng mỗi năm giờ đây là không đủ để xây nên một kỷ nguyên hay một đế chế xưng bá trời Âu như xưa. Bởi câu hỏi của thời đại này chính là: Những tài năng được sản sinh ra phục vụ và phù hợp cho một thứ bóng đá gì? Và tiếp đến, thứ bóng đá ấy có còn thống trị và thành công trong thời đại này?

Bóng đá thời nay, vốn chỉ trôi qua có 6 năm kể từ ngày Xavi chia tay sự nghiệp thi đấu cho Barca, đã dịch chuyển nhanh chóng và khác hẳn với cái thời đại mà vị tân thuyền trưởng của đội chủ sân Camp Nou còn là một biểu tượng. Sự dịch chuyển kia, nhanh chóng ở cả nghĩa đen lẫn bóng.

Thời kỳ hoàng kim của Xavi, Barca của anh và đội tuyển Tây Ban Nha đơn giản là những thế lực không thể bị đánh bại. Những đội bóng này vô địch Euro, World Cup và Champions League theo các cấp độ tương ứng. Trong các kỳ Euro 2008 và 2012, khi Tây Ban Nha vô địch, hết Xavi rồi đến người đồng đội keo sơn Iniesta giành danh hiệu Cầu thủ hay nhất giải đấu. Barca của anh thì vô địch Champions League 2 lần và vào đến bán kết 4 lần khác.

Đấy là giai đoạn cực thịnh của tiki-taka, khi những cá nhân như Xavi, Iniesta, Puyol, Messi trở thành những mảnh ghép trình bày hoàn hảo bức tranh bóng đá của Pep Guardiola. Nói như Philipp Lahm, thì “Cùng với nhau, họ nâng sự cân bằng giữa tấn công và phòng ngự lên một đẳng cấp mới. Kích thước cơ thể không phải thứ quyết định, cả trong tấn công lẫn phòng ngự". Một cách đơn giản, Barca ngày đó là hình mẫu của cả tinh cầu.

Tuy nhiên, thời thế đã khác.

Barca bây giờ quá yếu so với các ứng viên vô địch Champions League

Sức hấp dẫn của Barca đã giảm đi trông thấy, lối chơi thiên về kiểm soát bóng áp đảo và đá ma dần bị đặt dấu hỏi. Việc một đội bóng kiểm soát bóng vượt trội vẫn là nền tảng để kiểm soát thế trận và tổ chức tấn công, song đó phải là kiểm soát bóng có chủ đích, ban bật và phối hợp có động cơ tiếp cận vòng cấm đối thủ, những đường chuyền theo trục dọc hướng về phía trước được khuyến khích.

Ngay từ thời điểm những năm 2010 hay 2012, khi Inter Milan và Chelsea loại Barca khỏi bán kết Champions League bằng thứ bóng đá đổ bê tông trước khung thành, lối chơi của đội bóng xứ Catalunya đã cho thấy những hạn chế.

Ngày nay, trước những đối thủ tiếp cận trận đấu với toàn bộ quân số đứng dưới bóng và co cụm trước vòng 16m50, những giải pháp thiên về kỹ thuật ít có khả năng hóa giải, những đường chuyền ngang tuần tự từ cánh này sang cánh kia hòng kéo dãi chiều ngang sân của đối thủ rất dễ tạo thành một khối chữ U vô hại trên bản đồ nhiệt. Thay vào đó, những đường nét tấn công dựa trên phản công nhanh, chuyển trạng thái – tức đề cao tốc độ; tìm cách phát huy lợi thế biên như bóng chết, vốn có thể mang tới 30% tổng số bàn thắng cả mùa của một đội – tức đề cao thể hình,… ngày càng được phát huy.

Chính Bayern Munich là tấm gương sáng tỏ nhất phản ánh dòng chảy bóng đá hiện tại. Một thứ bóng đá kỹ thuật có, sức mạnh có, tốc độ có và chiến thuật có. Họ có những cầu thủ kỹ thuật với tư duy nhạy bén, họ có những cầu thủ giàu sức mạnh, họ có những cơn lốc đường biên và họ có một lối chơi vận dụng các vị trí đầy linh hoạt từ một bộ óc trẻ trung, mang hơi thở thời đại là Julian Nagelsmann. Nếu nhìn vào cả 3 bàn thắng Bayern ghi vào lưới Barca, mỗi bàn đều là sự tụ hội của tất cả những phẩm chất, chứng minh sự ưu trội về các yếu tố cần thiết của bóng đá đương thời.

Đầu năm 2018, trong một cuộc phỏng vấn được xem là kinh điển với ký giả lừng danh Diego Torres của tờ El Pais (Tây Ban Nha), Xavi từng nhận định rằng vai trò của các HLV sẽ ngày càng ít đi và sự thành bại trong một trận đấu sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các cầu thủ. Philipp Lahm cũng có cùng nhận định như vậy.

Song, giữa Xavi và Lahm lại giải thích cho quan điểm của họ theo cách hoàn toàn trái ngược nhau. Khi Xavi nói vai trò của các cầu thủ sẽ càng trở nên quyết định, anh lại muốn nhấn mạnh và đề cao yếu tố kỹ thuật và tư duy. Xavi từng nói: “Tài năng luôn thắng thể chất. Ngày mà chuyện đó không còn diễn ra nữa thì bóng đá sẽ trở nên nhàm chán biết nhường nào. Cá nhân tôi luôn cho rằng tài năng xếp thứ nhất, vì vậy thứ chúng ta cần làm là khai thác điều đó: Giúp các cầu thủ hiểu rõ những câu hỏi vì sao".

Còn với Lahm, anh xếp yếu tố thể chất ngang hàng với tư duy và từng viết trên tờ The Guardian như thế này: “Bóng đá ngày càng nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, đề cao tính thể chất hơn. Ngay cả Guardiola cũng phải học cách thích nghi tại Man City. Trường phái bóng đá của ông ấy vẫn dễ nhận ra trên sân, nhưng đội bóng của Pep đã chơi phòng ngự hơn. Những ngôi sao ưu tú của bóng đá hiện tại là Trent Alexander-Arnold, Paul Pogba, Vinicius Junior, Alphonso Davies hay Erling Haaland,… - đấy lại là những vận động viên giống với Usain Bolt hơn là giống với một Xavi cao 1m70".

Rõ ràng, quan điểm của Lahm sát sườn và việc viện dẫn ra những cầu thủ nổi cộm đương thời khiến người ta gật gù hơn. Tuy nhiên, cũng đừng vội đánh giá Xavi đang mang tư tưởng lỗi thời. Bởi những gì anh nói là cách đây gần 4 năm và mang màu sắc “ăn cây nào rào cây ấy”, còn những gì Lahm viết là cách đây vài tháng. Trong 4 năm ấy, có thể, Xavi cũng đã lật sang một trang mới, có một cái nhìn mới.

Cụ thể, ký giả Dermot Corrigan trên tờ The Athletic từng dẫn lại phát biểu của một người thân cận với Xavi, như sau: “Triết lý của Johan Cruyff vẫn có giá trị, nhưng cách thực hành của Cruyff có thể không còn hiệu quả với bóng đá ngày nay nữa. Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều trong 10 năm qua. Những cầu thủ giờ đây trẻ hơn, nhưng đã có nhiều kinh nghiệm và sự chuẩn bị, họ nhận thức đầy đủ những yêu cầu mà bóng đá đỉnh cao đòi hỏi – gồm kỹ chiến thuật đến công nghệ".

Bên cạnh đó, nếu nhìn qua những quyết định thay đổi nhân sự bộ máy ban huấn luyện của Xavi tại Barca trong một tháng qua, có vẻ như cựu tiền vệ người Tây Ban Nha ý thức rõ tầm quan trọng về khâu thể chất trong bóng đá ngày nay. Sau hàng loạt các chấn thương cùng vấn đề thể trạng không được đảm bảo của các cầu thủ tại Barca những năm gần đây, khi các buổi tập được cắt ngắn hoặc được thiết kế giảm tải cho những thành viên “cao tuổi” trong đội, HLV thể lực Albert Roca cùng chuyên gia vật lý trị liệu Juanjo Brau lần lượt bị bãi nhiệm. Họ được thay thế bằng những người đã làm việc với Xavi ở CLB Al-Sadd là Carlos Nogueira và Torres. Chưa rõ phương pháp của những người mới này ra sao, ít ra Xavi muốn một sự thay đổi.

Depay vô hại trước hàng thủ Bayern

Trở lại với thực tại, nhìn từ trận thua Bayern, với một đội bóng có truyền thống và thiên hướng luôn hướng đến bóng đá tấn công như Barca, chuyện hàng thủ dễ tổn thương hay hàng thủ không phải là điểm mạnh gần như trở thành điều tất yếu. Chọn tấn công hay phòng thủ là vấn đề về triết lý, tư tưởng. Kiểm soát bóng thật nhiều để hướng đến kiểm soát thế trận không chỉ là cách phát triển tấn công, mà còn là cách hạn chế và che giấu điểm yếu phòng ngự. Nhưng giờ, cái thế mạnh ấy cũng là quá khứ. Ghi chỉ 2 bàn ở vòng bảng Champions League là một con số vô cùng tồi tệ với Barca.

Không thể chắc việc Xavi tìm kiếm giải pháp tấn công thông qua những tiền đạo cánh, giao phó niềm tin vào những pha xử lý cá nhân của những cầu thủ này có phải xuất phát từ hệ lụy chất lượng nhân sự vừa thiếu lượng, vừa thiếu chất của hoàn cảnh hiện tại hay không. Tương lai sẽ trả lời. Song, đó không nên là một hướng đi bền lâu bởi sự thiếu ổn định và phụ thuộc.

Chỉ cần nhìn vào trận đấu trước Bayern, Sergino Dest hay Ousmane Dembele – những tiền đạo cánh trong hệ thống 4-3-3 về lý thuyết – chẳng thể làm nên tích sự gì. Và khi phương án A ấy phá sản, không có một phương án B hay mảng miếng gì khả dĩ. Đó là chưa kể, Barca không có lấy nổi bóng để bơm cho những tiền đạo cánh. Đã ít ỏi lại còn kém hiệu quả.

Trong 45 phút đầu trước Bayern, Barca chỉ kiểm soát bóng có 35,8%. Tỷ lệ của cả trận là Bayern 52% và Barca 48% - một sự bù đắp lớn trong hiệp 2 với lý do đơn giản là Bayern không còn quá thiết tha khi đã nắm chắc phần thắng.

Với 7 pha dứt điểm mà Barca có được, chỉ 2 trong số này đi trúng đích và lại là những pha dứt điểm từ bên ngoài vòng cấm. Giá trị bàn thắng kỳ vọng của đội khách chỉ là 0,38. Trong 6 lượt trận vòng bảng Champions League mùa này, có đến một nửa là mức bàn thắng kỳ vọng của Barca dưới 0,4.

Memphis Depay – người đang gánh vác thường xuyên hàng công của Barca mùa giải hiện tại, trong bối cảnh Ansu Fati chấn thương, còn Dembele phập phù phong độ - tuy tạo ra 17 cơ hội ở vòng bảng Champions League, nhưng chưa thể tung ra được bất kỳ pha dứt điểm trúng đích nào và 0 có bàn thắng nào.

Barca, xét ở khoản tạo ra các cơ hội ăn bàn, rõ ràng đang không đạt trình độ của 16 đội bóng còn lại cuối cùng của Champions League. Từ trước đến nay, chỉ có AS Roma mùa 2002/03 và Villarreal mùa 2005/06 là từng giành quyền đi tiếp sau vòng bảng khi ghi được chỉ 3 bàn thắng tổng cộng. Và có một con số còn gây sốc hơn, 9 trận đấu liên tiếp đã qua ở Champions League, Barca chưa trận nào ghi được nhiều hơn 1 bàn. Tức là tròn 365 ngày trôi qua.

Barca của hiện tại là một tập thể không sẵn sàng, không được chuẩn bị để (hoặc) trở thành phòng ngự chắc chắn, (hoặc) trở thành tấn công hiệu quả. Hãy hy vọng, đấy chỉ là vì lý do nhân sự, của hoàn cảnh bi đát mà nền tài chính và quản lý thượng tầng yếu kém tiền Joan Laporta để lại, chứ không phải là sự lỗi thời của cả hệ tư tưởng.