Koeman bị ‘trảm’ khiến Solskjaer ‘bay ghế’ nhanh hơn?

Việc Barca sa thải HLV ở thời điểm này có thể tạo nên tác động nhất định tới MU trong việc giải quyết tương lai của Solskjaer.

Tương lai của Koeman và Solskjaer trong thời gian khá giống nhau. Họ giống như “ngọn đèn trước gió”, có thể tắt bất cứ lúc nào. Trận thua trước Rayo Vallecano chính là giọt nước tràn ly, thúc đẩy Ban lãnh đạo Barcelona sớm đưa ra quyết định.

Đương nhiên, sau khi HLV người Hà Lan mất việc, người ta sẽ lại so sánh với Solskjaer. Cuối tuần qua, họ cùng thua trước đại kình địch ở giải quốc nội. Điểm chung là cả hai trận đấu đó đều thổi bùng lên sự căm phẫn.

Trận thua trước Rayo Vallecano là giọt nước tràn ly, đẩy Koeman rời Barca

Ở góc độ nào đó, việc những người đứng đầu Barcelona đưa ra quyết định nhanh chóng có thể tác động tới tâm lý của những người hâm mộ và thậm chí là cả Ban lãnh đạo MU.

Không phải Solskjaer tốt hơn Koeman nên được giữ lại, mà thay vào đó, MU chỉ thiếu một giọt nước tràn ly để đưa ra quyết định giống như Barcelona. Sau trận thua trước Liverpool vừa qua, Solsa đã trở thành HLV có nguy cơ bị sa thải cao nhất Premier League. Ban lãnh đạo MU đã nhóm họp để quyết định tương lai của HLV người Na Uy nhưng dường như, mọi thứ vẫn là chưa đủ để đưa ra phán quyết lớn.

Giờ đây, khi nhìn sang Barcelona, những nhân vật chóp bu của Man Utd có thể sẽ được “tiếp thêm động lực” để thực hiện một cuộc đổi thay.

Thực tế, nếu so sánh trên nhiều khía cạnh, Solskjaer có nhiều cơ sở để thành công hơn so với Koeman ở Barcelona.

Việc Koeman bị sa thải có thể khiến Solskjaer bay ghế nhanh hơn

Có thể nói, HLV người Hà Lan là người “đen đủi” nhất trong số những chiến lược gia từng cầm quân ở CLB nhiều năm qua. Ông tới ở thời điểm Barcelona đang chìm dưới đáy bởi sự khủng hoảng tài chính.

Khoản nợ lên tới 1,3 tỷ euro đã mang tới sức ép lớn cho Chủ tịch Laporta và dàn cộng sự. Trước sức ép ấy (cộng thêm áp lực từ Ban tổ chức La Liga), Barcelona đã phải chia tay những ngôi sao tốt nhất như Messi, Griezmann trong mùa Hè qua.

Đội ngũ theo Koeman ở mùa giải này chỉ là những cầu thủ theo dạng chuyển nhượng tự do (Aguero, Depay, Eric Garcia), một vài trụ cột đã bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp (Pique, Busquets, Alba) hay những cầu thủ mặt búng ra sữa (Fati, Pedri, Gavi…).

Rõ ràng, để kỳ vọng tập thể như vậy có thể “làm mưa làm gió” quả thực là điều khó khăn. Thay vào đó, Koeman đang tập trung xây dựng nền móng, để giúp CLB có ngôi sao tương lai.

Nhưng Solskjaer thì khác. Trong mùa Hè vừa qua, ông đã được cấp tiền để mang về những ngôi sao tốt nhất như Ronaldo, Sancho hay Varane. Tổng chi của Man Utd dưới thời Solsa đã lên tới hơn 300 triệu bảng.

Có nghĩa rằng, Man Utd xây dựng đội ngũ chiến thắng, chứ không phải co kéo như Barcelona. Hãy thử nhìn sang Chelsea, sau khi được cấp hơn 200 triệu bảng mua sắm, Lampard đã mất việc chỉ sau một thời gian không thành công.

Khác với Koeman, Solskjaer có nhiều điều kiện để thành công hơn

Kể từ thời hậu Sir Alex Ferguson, hiếm có HLV nào của Man Utd nhận được sự kiên nhẫn như vậy, dù không có danh hiệu như Solskjaer. Bên cạnh đó, hãy thử làm phép so sánh. Trong gần 2 năm dẫn dắt Barcelona, Koeman đạt tỷ lệ chiến thắng tới 58%, tức cao hơn cả Solskjaer ở MU (54,88%).

Nhưng chuyện gì cũng có giới hạn của nó. Khi mà làn sóng phản đối đang ngày một tăng cao, giới chủ Quỷ đỏ cũng bắt đầu dao dộng.

Trận đấu với Tottenham cuối tuần này có thể quyết định tương lai của HLV Solskjaer. Nếu MU tiếp tục thất bại, có khả năng cao Solsa sẽ mất việc. Có lẽ, ngay từ lúc này, bản danh sách HLV mới đã được đặt lên bàn của những ông chủ tại Old Trafford.

 Minh Long