Ed Woodward sắp ra đi, MU được gì và mất gì?

Vào tháng tới, phó Chủ tịch MU, Ed Woodward sẽ rời khỏi CLB. Đó có thể là động thái tạo ra bước ngoặt lớn cho Quỷ đỏ.

Thực tế, không phải tới tận bây giờ, câu chuyện tương lai của Ed Woodward mới được xác định. Vào tháng 4 năm nay, khi cơn thịnh nộ ở CLB lên tới đỉnh điểm vì vụ gia nhập European Super League, MU đã thông báo rằng vị phó Chủ tịch đội bóng sẽ rời khỏi công việc vào cuối năm.

Quyết định ấy có thể thay đổi, tạo nên bước ngoặt của CLB? Đúng là vậy! Bởi lẽ, trong những năm qua, Ed Woodward luôn là gương mặt tranh cãi. Chỉ đáng tiếc rằng, sự phản đối dành cho vị sếp của Quỷ đỏ nhiều hơn những gì ông nhận được.

Phó Chủ tịch MU, Ed Woodward từ chức vào tháng tới

Có thể xem người đàn ông 49 tuổi này là hình ảnh tiêu biểu cho đội bóng thời hậu Sir Alex Ferguson. Đây là giai đoạn mà MU thực sự lạc lõng trong hành trình chinh phục danh hiệu lớn nhưng đối với Ed Woodward thì lại là nổi bật nhất.

Tờ Bleacher Report từng ví ông giống như “chàng trai vàng” của nhà Glazer. Người đàn ông có tấm bằng loại ưu về kế toán và thuế này bắt đầu đặt chân tới Old Trafford vào năm 2005, trong vai trò cố vấn cho những ông chủ người Mỹ.

Vai trò của ông không quá liên quan tới chuyên môn nhưng lại vô cùng quan trọng, đó là người lập kế hoạch tài chính.

Tới năm 2007, Ed Woodward đảm nhận vai trò mới, khi phụ trách các hoạt động thương mại và truyền thông của MU.

Không thể phủ nhận, Ed Woodward là nhà kinh tế tài ba. Năm 2005 (trước khi ông tới), doanh thu thương mại của Quỷ đỏ chỉ là 48,7 triệu bảng. Tới năm 2012 (trước khi ông đảm nhận vai trò phó Chủ tịch), con số ấy đã tăng lên thành 117,6 triệu bảng.

Với tài xoay sở của vị sếp này, MU vẫn có thể đứng vững sau cơn bão Covid-19 vừa qua, trong bối cảnh nhiều đội bóng lớn như Barcelona, Juventus, Real Madrid liêu xiêu vì khủng hoảng tài chính.

MU nằm trong số ít những CLB không hề cắt giảm nhân viên hay lương cầu thủ. Hay nói cách khác, dưới triều đại của Ed Woodward, CLB này nằm trong số những đội bóng phát triển ổn định và vững vàng nhất thế giới.

Cái tài của phó chủ tịch MU ở chỗ, ngay cả khi Quỷ đỏ không thành công trong nhiều năm liên tiếp nhưng họ vẫn thu hút được các nhà tài trợ. Ở góc độ tài chính, Ed Woodward đã biết tận dụng giá trị thương hiệu của CLB tới từng xu.

MU trở thành cỗ máy kiếm tiền thực sự dưới thời Ed Woodward

“Màn trình diễn của đội bóng chẳng có tác động gì tới khía cạnh thương mại của đội bóng” - vị sếp này chia sẻ vào năm 2018.

Có thể xem Ed Woodward đơn thuần là một “con buôn” chính hiệu. Cũng như giới chủ người Mỹ, ông có thể ngửi ra được “mùi tiền” ở bất kỳ đâu.

Thế nhưng, sở dĩ ông bị phản đối quá nhiều (tới việc phải từ chức) nằm ở khía cạnh… nhìn thấy được, đó là thành tích. Ông trời không cho ai tất cả. Ed Woodward cũng vậy. Bên trong bộ não siêu việt về kinh doanh, ông chỉ là “gã học việc” nếu xét tới khía cạnh chuyên môn bóng đá thuần túy.

Đơn giản, Ed Woodward là người ngoại đạo. Ông được đào tạo về tài chính và luật. Trong quá khứ, người đàn ông ấy thậm chí còn chẳng biết tới trái bóng tròn hay méo. Chính vì lẽ đó, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới thành tích của đội bóng, nhất là tính định hướng về khía cạnh thể thao.

Ed Woodward từng vỗ ngực tự hào đầu tư gần 1 tỷ bảng xây dựng đội hình cho MU. Họ cùng với Man City là những đội bóng chi tiền nhiều nhất Premier League trong 10 năm gần đây. Điều đó không sai! Có chăng, ông chỉ sai ở… nhìn người.

Nếu như Man City của Pep Guardiola mua sắm với định hướng rõ ràng, cố gắng vá từng lỗ hổng theo từng năm thì MU mua bán theo kiểu… thích là nhích. Một minh chứng rõ nhất là trường hợp của Alexis Sanchez. Họ sẵn sàng trả mức lương tới 500.000 bảng/tuần để khiến Man City buộc phải rút lui.

MU thời Ed Woodward cũng phá kỷ lục chuyển nhượng để chiêu mộ Pogba, rồi sau đó chi tới 80 triệu bảng (kỷ lục cho một trung vệ) để có được chữ ký của Maguire hay 50 triệu bảng để mua Wan Bissaka. Đó đều là những con số không tưởng.

Năm 2018, phó Chủ tịch Man Utd từng có mâu thuẫn liên quan tới HLV Mourinho về vấn đề chuyển nhượng. Hai người không tìm tiếng nói chung về định hướng. Để rồi, vài tháng sau đó, “Người đặc biệt” đã phải ra đường.

Ed Woodward không có chuyên môn về bóng đá, dẫn tới việc MU thiếu định hướng

Thực tế, Ed Woodward cũng bắt đầu cảm thấy ông không thể kham hết mọi công việc ở MU. Đó là lý do mà trong năm nay, họ đã bổ nhiệm John Murtough vào vị trí Giám đốc bóng đá và cựu cầu thủ Darren Fletcher vào vị trí Giám đốc kỹ thuật. Họ có vai trò quan trọng trong việc định hướng MU.

Trong đó, vai trò chính của Murtough liên quan tới việc định hướng, phát triển CLB theo trung và dài hạn. Ông cũng có vai trò quan trọng trong việc tuyển mộ lực lượng. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, Ed Woodward vẫn “cài cắm” người bạn Matt Judge (bạn học đại học của ông) đảm nhận khâu đàm phán chuyển nhượng.

Matt Judge vẫn là kẻ ngoại đạo. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình đàm phán. Đơn cử như mùa Hè năm ngoái, MU mất cả mùa Hè chỉ để theo đuổi Jadon Sancho, một thương vụ kéo dài lê thê. Có một chi tiết đáng nói về người đàn ông ấy. Evra từng tiết lộ rằng Van De Sar đã phải thông qua mình để nhắn Matt Judge… nghe điện thoại. Và cũng như Ed Woodward, Matt Judge lạc lõng trong những chuyên môn về bóng đá.

Sau khi Ed Woodward ra đi, MU có thể định hướng đội bóng một cách đàng hoàng, theo đúng chuyên môn bóng đá đơn thuần. Nhưng tất nhiên, họ vẫn cần một “quái kiệt” kinh doanh như ông để bù đắp vào khoảng trống. Đã đến lúc, MU cần tách biệt vai trò, để phát triển một cách định hướng và nghiêm túc hơn.

 Minh Long
Từ khóa: