NỘI DUNG: HOÀNG THÔNG / ĐỒ HỌA: Z.K

DNA của Barcelona là gì? Đó không chỉ là một thứ bóng đá thêu hoa dệt gấm trên sân, thêu nên cảm xúc mãn nguyện trong lòng người hâm mộ đội bóng này, mà thứ bóng đá ấy phải được dệt nên từ những “nghệ nhân” là những sản phẩm cây nhà lá vườn của Barcelona.

“Vinh quang không bao giờ có thể trường tồn. Không sớm thì muộn, chúng tôi cũng sẽ ngừng chiến thắng. Sau đó là quãng thời gian CLB sẽ phải đánh giá xem, liệu tất cả chúng ta có còn tiếp tục tin tưởng nhau, tin tưởng vào triết lý và lối chơi này nữa hay không?” Năm 2012, trong mùa giải cuối cùng tại vị ở Camp Nou, Pep Guardiola đã phát biểu như vậy.

Bấy giờ, Barca vẫn còn đang trong giai đoạn cường thịnh của họ. Đặc biệt là 4 năm dưới thời Guardiola, đội chủ sân Camp Nou đã gặt hái được 14 trên tổng số 18 danh hiệu có thể, trong đó có 2 chiếc cúp bạc Champions League và 3 chức vô địch LaLiga.

Càng tự hào hơn với người hâm mộ đội bóng khi những thành công ấy được xây nên dựa trên nền tảng là các cầu thủ cây nhà lá vườn của lò đào tạo La Masia. Cuối tháng 11 năm 2012, trong trận đấu trên sân Ciudad de Valencia trước Levante tại LaLiga, Dani Alves bất ngờ dính chấn thương, Guardiola tung vào sân Martin Montoya để thay thế. Trong vòng 60 phút tiếp theo, Barca thi đấu trên sân với 11 cầu thủ cùng trưởng thành từ La Masia. Một thứ bóng đá đẹp, với nền tảng La Masia chính là DNA Barca.

Nhưng gần một thập kỷ sau, đội chủ sân Camp Nou đã “ngừng chiến thắng” như cái cách Guardiola từng nói. Lần cuối cùng Barca nâng cao chiếc cúp Champions League là vào năm 2015. Trong khi, hai mùa giải gần nhất, đội bóng xứ Catalunya chỉ mang về phòng truyền thống thêm một danh hiệu Copa del Rey.

Lời dự đoán của Pep Guardiola năm nào đã ứng nghiệm. Nhưng đáng nói hơn cả là vế thứ hai trong phát biểu của Pep có vẻ cũng đúng: Barca còn đánh mất niềm tin vào bản thân lẫn lối chơi của họ.

Khoản nợ khổng lồ 1,3 tỷ euro là vấn đề lớn của Barca. Nhưng với những người đã đem lòng yêu đội bóng này, đó chưa phải là nỗi lo lớn nhất. Thứ đáng lo hơn cả là Barca đang mất đi niềm tin vào những điều đặc biệt làm nên CLB. Sự kiệt quệ về mặt tài chính khiến họ không còn đủ sức cạnh tranh với các đối thủ tại đấu trường châu Âu. Song như đã nói, điều quan trọng nhất là Barca đang đứng trước nguy cơ đánh mất bản sắc của chính mình.

Cựu tiền vệ Sergi Samper của Barcelona từng chia sẻ trên tờ The Athletic rằng: “Tôi luôn nhớ Guardiola từng nói, rằng khi Barca giành chiến thắng, chúng tôi có thể dễ dàng tiếp tục duy trì phong cách ấy. Nhưng khi kết quả tồi tệ đến, đó là lúc tất cả sẽ cùng xem xét liệu có thực sự nên tin tưởng vào cách chơi này hay không? Giờ tôi đã không còn là người của Barca, song với những gì đội bóng đang thể hiện ra bên ngoài, niềm tin đó có lẽ đã vơi đi ít nhiều. Ý tưởng về cách chơi, cách huấn luyện trong hệ thống đào tạo trẻ cũng đã có nhiều thay đổi, cả những sự thay đổi ở cấp điều hành CLB. Điều đó có nghĩa là chúng tôi đã mất đi bản sắc, đánh mất DNA của đội bóng này.”

CLB xứ Catalunya từ lâu đã cam kết phát triển các cầu thủ trẻ và dành sự ưu tiên cho tài năng hơn thể chất trong nhiều thập kỷ. Chính Johan Cruyff trong giai đoạn dẫn dắt Barca từ 1988-1996 đã giữ cho mối quan hệ giữa đội trẻ và đội một luôn bền chặt. Cố huyền thoại người Hà Lan đã đặt những viên gạch đầu tiên cho DNA của Barca mãi về sau.

Xavi Roca, một cầu thủ trẻ từng ăn tập tại lò La Masia vào thời điểm đó, và là bạn đồng môn của con trai cố huyền thoại Johan Cruyff là Jordi Cruyff, cho biết: “Johan Cruyff không chỉ xem các trận đấu của chúng tôi, ông ấy còn tham gia một số buổi tập của đội trẻ để cho chúng tôi thấy những nguyên tắc và ý tưởng mà ông ấy muốn chúng tôi học hỏi. Khi tôi còn là đội trưởng của Barca B, sẽ có các cầu thủ đội một thường tham gia cùng trong buổi tập, có thể đó là khoảng thời gian họ trở lại sau chấn thương hoặc không được ra sân. Tôi thậm chí còn nhớ một ngày nọ Romario đến muộn trong buổi tập của đội trẻ.”

Mối liên hệ chặt chẽ giữa đội trẻ và đội một Barca tiếp tục được duy trì theo nhiều cách khác nhau dưới thời các HLV sau này như Louis van Gaal, Frank Rijkaard và tiêu biểu nhất là Pep Guardiola. HLV người Tây Ban Nha thậm chí đã trao cơ hội để Sergi Roberto có màn ra mắt trong trận bán kết Champions League, và cũng là trận El Clasico tại Santiago Bernabeu khi mới chỉ 19 tuổi.

Sergi Samper cũng là một ví dụ khác khi anh từng được Guardiola đôn lên tập cùng đội một khi mới 18 tuổi. Samper rèn luyện mỗi ngày cùng những Lionel Messi, Xavi hay Andres Iniesta. Samper nói rằng lên đội một không quá khó như mọi người vẫn nghĩ, vì anh đã dành cả một thập kỷ để sẵn sàng cho mục tiêu ấy.

Kể từ thời Johan Cruyff, tất cả các cấp độ tại Barcelona đều được đào tạo theo triết lý ‘Juego de posicion’. Các bài rondo hay đá ma, cùng những bài tập khác khi đó được áp dụng giống hệt nhau ở mọi lứa, cho dù bạn là một đứa trẻ 8 tuổi mới gia nhập học viện hay là một cầu thủ đẳng cấp từng vô địch World Cup.

Vẫn lời từ Sergi Samper chia sẻ: “Đối với tôi, việc thi đấu cho Barca là mơ ước cả đời. Tôi đến Camp Nou xem các trận đấu từ khi còn rất nhỏ. Tôi, cũng như toàn bộ các thành viên trong gia đình đều là những hội viên, những socio của CLB. Nhưng tôi đã sống với điều đó như một lẽ thường. Trong nhiều năm, đội một của Barca hầu hết đều là những cầu thủ trưởng thành từ La Masia, nhiều người trong số họ đã được lên luyện tập cùng đội một khi còn rất trẻ.”

“Các buổi tập của chúng tôi từ khi còn nhỏ cho tới trưởng thành không có nhiều sự thay đổi, vì vậy mà đôi khi không cần nhìn, chúng tôi cũng biết người đồng đội của mình đang ở đâu. Chúng tôi không khác gì chơi theo bản năng. Hệ thống 4-3-3 cũng được coi là kim chỉ nam trong xuyên suốt khoảng thời gian tôi gắn bó với CLB. Dĩ nhiên chơi cho đội một nhiều áp lực hơn vì cả thế giới đều dõi mắt theo bạn. Nhưng lối chơi vẫn không đổi, chúng tôi vẫn làm như những gì đã được đào tạo từ bé.”

Sự nghiệp của Samper sau đó diễn ra không suôn sẻ vì những chấn thương nghiêm trọng làm gián đoạn quá trình phát triển của anh, dù hiện tại Samper cũng mới chỉ 26 tuổi và đang thi đấu tại Vissel Kobe cùng với người đàn anh Iniesta.

Tiền vệ người Tây Ban Nha tuy vậy cũng chỉ là một trong rất nhiều những sản phẩm ưu tú khác của lò La Masia. Lứa cầu thủ ấy thậm chí đã từng suýt vô địch giải hạng nhì của Tây Ban Nha trong mùa giải 2013/14 khi được dẫn dắt bởi HLV Eusebio Sacristan. Nhưng không một thành viên nào của Barca B bấy giờ - gồm tiền đạo Sandro Ramirez hiện tại của Getafe, hậu vệ Sergi Gomez của Espanyol hay thủ thành Jordi Masip của Valladolid – có thể bứt phá và tìm thấy chỗ đứng ở đội một.

Chia sẻ về chiến tích này, Samper hồi tưởng: “Mùa giải Segunda A năm ấy, chúng tôi về thứ ba, điều đó thật ngoạn mục. Có cảm tưởng nhiều người trong chúng tôi đang hướng đến một vị trí trong đội hình chính thức của Barca. Nhưng đội một vào thời điểm đó ở một đẳng cấp chơi bóng không thể tưởng nổi. Ở đó, có những cầu thủ xuất sắc nhất trên thế giới và họ đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Và điều này cũng giống như một rào cản lớn để chúng tôi có thể chiếm được một suất đá chính từ những người đàn anh.”

Vào mùa hè năm 2014, Barca tiếp tục bổ sung thêm những Luis Suarez, Marc-Andre ter Stegen và Ivan Rakitic. Với Luis Enrique trên cương vị người thuyền trưởng đội bóng, mùa giải sau đó, đội chủ sân Camp Nou đã giành được cú ăn ba Champions League, LaLiga và Copa del Rey. Việc ký hợp đồng với những siêu sao quốc tế cũng là một phần trong DNA của Barca. Từ chính thế hệ của Johan Cruyff, Diego Maradona, cho đến Ronald Koeman và Hristo Stoichkov của thế hệ Dream Team 1992, hay sau này là Ronaldinho trong đội hình vô địch Champions League 2005, hoặc Dani Alves và Javier Mascherano kỷ nguyên Guardiola.

Tuy nhiên đó chưa phải là những rào cản lớn nhất đối với các cầu thủ trẻ tại La Masia. Điều khó khăn hơn cả là việc Barca thường ký hợp đồng với các cầu thủ tầm trung để lấp đầy đội hình. Các cầu thủ như Andre Gomes, Paco Alcacer, Aleix Vidal, Paulinho, Yerry Mina hoặc Douglas có thể coi là ví dụ điển hình. Những cầu thủ này luôn phải vật lộn để thích nghi với cách chơi bóng của Barca. Ở chiều ngược lại, những cầu thủ trẻ vốn được đào tạo để sẵn sàng vươn lên đội một bị chững lại bởi những bản hợp đồng mới của đội chủ sân Camp Nou.

Samper từng chia sẻ về vấn đề này như sau: “Họ là những rào cản với chúng tôi. Barca phải ký hợp đồng với những cầu thủ từ bên ngoài để hướng tới mục tiêu giành được mọi danh hiệu. Nhưng đôi khi những bản hợp đồng mới lại không thực sự cải thiện tình hình. Có rất nhiều cầu thủ cây nhà lá vườn đủ khả năng để chơi cho đội một, họ chỉ cần có cơ hội thể hiện mà thôi. Nên nhớ, Barca từng gặt hái kết quả tốt nhất khi sở hữu nhiều cầu thủ tự đào tạo.”

Hơn 800 triệu euro là con số đã được chi cho những bản hợp đồng mới tại Camp Nou. Song, điều đó không thật sự cải thiện chất lượng đội một Barca. Bên cạnh đó, có một thực tế đáng buồn là không một cầu thủ trẻ nào do La Masia phát triển gặt hái được thành công ở đội một cũng trong giai đoạn này. Đằng sau màn ra mắt của Sergi Roberto vào năm 2011, người hâm mộ Barca đã phải chờ đến 8 năm để nhìn thấy một cầu thủ ưu tú khác như Ansu Fati tạo nên tiếng vang ở đội một.

Francisco Javier Garcia Pimienta hiểu rõ hoàn cảnh bấy giới của Barca hơn bất cứ ai. Ông từng là cầu thủ trẻ của Barca, ra mắt đội một dưới thời Johan Cruyff, sau đó huấn luyện ở các lứa trẻ La Masia và Barca B giai đoạn từ 2018 đến 2021.

Pimienta nói trên tờ The Athletic như sau: “Lứa thế hệ sinh năm 1995-1996 từng vô địch U19 châu Âu năm 2014 có nhiều cầu thủ rất giỏi. Nhưng không cầu thủ nào trong đội hình được lên đội một. Chỉ có một người được chơi nhiều hơn vài trận, đó là Munir El-Haddadi (hiện đang khoác áo Sevilla). Tôi từng huấn luyện lứa cầu thủ 1999-2000, và chúng tôi cũng vô địch U19 châu Âu cách đây 3 năm. Rất nhiều cầu thủ lứa này không được lên đội một.”

Đồng môn của Munir El-Haddadi gồm Adama Traore hiện đang chơi cho Wolverhampton, hay thủ môn Andre Onana của Ajax. Lứa vô địch giải trẻ châu Âu năm 2018 mà Pimienta dẫn dắt có tiền vệ Riqui Puig, thủ môn Inaki Pena và hậu vệ Oscar Mingueza vẫn đang chơi cho Barca. Một vài cầu thủ đã phiêu bạc sang những CLB Tây Ban Nha khác hoặc những giải vô địch quốc gia châu Âu còn lại như hậu vệ trái Juan Miranda ở Real Betis, Monchu chơi cho Granada, tiền đạo cánh Carles Perez tại Roma, tiền đạo Abel Ruiz ở Braga hay hậu vệ phải Mateu Morey ở Dortmund.

“Những cầu thủ ấy đều đủ trình độ chơi cho đội một Barca, nhưng họ thiếu đi niềm tin từ đội bóng. HLV ở đội một cần đặt cược vào những cầu thủ này,” Pimienta cho biết. “Thay vì mang về những cầu thủ khác từ bên ngoài, họ nên trao cơ hội cho Monchu, Miranda hay một cầu thủ nào đó của Barca B. Các học trò của tôi đã chứng minh được rằng họ đủ khả năng để thi đấu cho đội một.”

Người ngoài nhìn vào sẽ nghi ngờ rằng những cầu thủ kể trên không đủ khả năng chơi cho đội một Barca, vì họ cũng đang dạt trôi ở Nhật Bản, Wolverhampton, Roma hay Getafe. Nhưng với những người tin vào triết lý của Johan Cruyff ở Barca, các cựu cầu thủ La Masia như El-Haddadi, Sergi Gomez hoặc những tài năng của các lứa thế hệ khác là Rafinha, Marc Bartra hoặc Marc Muniesa không thể trở thành những cầu thủ hàng top ở những CLB lớn khác không có nghĩa là họ không đủ phẩm chất cần có tại đội chủ sân Camp Nou.

Điều này một lần nữa nhấn mạnh sự độc đáo của Barca, khi triết lý ở đội một và lứa trẻ là như nhau, dễ dàng mang đến cuộc chuyển tiếp. Nhưng nếu những cầu thủ trẻ gia nhập đội bóng khác, mọi thứ cũng sẽ khác, khi họ phải thích nghi lại từ đầu và có thể thất bại.

Nếu để nói về khâu đào tạo trẻ tại Barca thì có lẽ Albert Puig là người am hiểu hơn cả. Ông đã làm việc tại La Masia trong 11 năm từ 2003 đến 2014 và đi lên trong vai trò của một tuyển trạch viên đến chức Giám đốc của học viện. Theo lý giải của Albert Puig, mô hình đào tạo ở La Masia cho phép các cầu thủ trẻ nhiều cơ hội thi đấu ở đội một hơn những CLB khác. Ngay cả một vài cầu thủ từng nhiều lần vô địch Champions League cũng khó trở thành huyền thoại nếu họ không được trao cơ hội đúng thời điểm.

“Chúng ta phải xem xét và hỏi liệu những cầu thủ không thể góp mặt ở đội một là vì họ kém tài hay do thiếu cơ hội,” Albert Puig chia sẻ khi được tờ The Athletic hỏi về khoảng cách 8 năm giữa Roberto và Fati. “Xavi, Messi và Iniesta đều là những tài năng kiệt xuất. Nhưng những Busquets, Puyol, Jordi Alba cũng sẽ không thể vươn tới đỉnh cao nếu không có được những cơ hội và niềm tin. Tài năng là một chuyện nhưng bạn cũng cần được trao cơ hội để thể hiện. Kể từ khi Pep ra đi, Barca không còn trao quá nhiều cơ hội cho những cầu thủ trẻ.”

Kể từ sau sự ra đi của Pep Guardiola vào năm 2012, Barcelona đã dần mất niềm tin vào La Masia cũng như những măng non trưởng thành học viện La Masia của họ. Không chỉ những người trong cuộc, mà cả một người ngoài cuộc như Leonardo Bonucci cũng có những chia sẻ về câu chuyện này.

“Barca chiến thắng theo cái cách mà họ tin trong dòng chảy lịch sử của CLB, từ thời của Johan Cruyff,” hậu vệ của Juventus nói trên The Athletic. “Guardiola đã trao cơ hội cho rất nhiều cầu thủ từ học viện của CLB, những người mà trước đó không ai biết gì về họ. Ông ấy có 3 hoặc 4 cầu thủ hàng đầu và bắt đầu truyền đạt ý tưởng của mình cho một số cầu thủ từ học viện, những người có chất lượng nhưng không phải là những sao số đã thành danh. Theo thời gian, họ dần trở thành những cầu thủ lớn.”

Tuy nhiên, thế hệ vĩ đại đó giờ đã gần như biến mất sau sự ra đi của Lionel Messi ở kỳ chuyển nhượng mùa hè 2021. Trong các nhiệm kỳ chủ tịch trước đây của Sandro Rosell và Josep Maria Bartomeu, đội bóng xứ Catalunya đều nhắm tới việc ký hợp đồng với các cầu thủ đẳng cấp thế giới nhằm thay thế những tượng đài đã ra đi của đội bóng, nhưng kết quả lại không thành công.

Barca vì thế lao đao trong chính tình hình nhân sự của đội bóng này. Khi những cầu thủ trẻ thì không có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân, còn các thủ mới được đem về sân Camp Nou lại chẳng thể thích nghi được với lối chơi của đội bóng này. Trong đó, Ousmane Dembele, Philippe Coutinho hay Antoine Griezmann có thể coi như những ví dụ điển hình nhất. Chưa kể, cũng trong 8 năm qua, họ còn phí tiền của vào những cầu thủ hạng trung khác.

Vẫn những chia sẻ đến từ Xavi Roca, người giờ đây đang là Giám đốc thể thao tại CLB AEK Larnaca của Đảo Síp: “Rất khó để hoà nhập tại một môi trường như Barca, trừ khi bạn được làm quen với cách chơi đó từ khi còn nhỏ. Từng là cầu thủ và sau này là giám đốc thể thao, tôi đã chứng kiến nhiều cầu thủ rất giỏi nhưng không thấm nhuần được triết lý ‘Juego de posicion’ tại Barca. Đơn giản là bạn không thể hoà nhập được ngay trên sân, nếu không được tập luyện để thấm nhuần triết lý ấy trong suốt nhiều năm. Vì vậy mà những cầu thủ La Masia có lợi thế hơn những tân binh từ bên ngoài nếu họ được trao cơ hội ở đội một Barca.”

Rất khó để chỉ ra thời điểm những người đứng đầu tại Camp Nou dần đánh mất niềm tin vào sự độc đáo trong triết lý của họ. Sau sự ra đi của Pep Guardiola, phó tướng và cũng là người bạn lâu năm của ông, Tito Vilanova, có lẽ là HLV tin tưởng sử dụng những cầu thủ trẻ nhất. Song căn bệnh ung thư quái ác ập đến và cướp đi Tito, Barca phải chia tay người thuyền trưởng của họ. Đội chủ sân Camp Nou tiếp tục mất đánh mất định hướng của đội bóng, họ không còn đặt nhiều niềm tin vào những cầu thủ trẻ của La Masia như trước nữa.

“Điều quan trọng là những cầu thủ trẻ sẽ không thể lên đội một nếu HLV không chọn họ,” Xavi Martin, người từng là giám đốc học viện La Masia từ 2019 đến 2021, cho biết. “Guardiola đủ dũng cảm để tin dùng Pedro và Sergio Busquets, dù 1 năm trước đó họ chỉ chơi ở giải hạng ba. Pep tin tưởng La Masia, Tito Vilanova - người đã an nghỉ - cũng như vậy. Đến cuối cùng, Barca cần một HLV dám tin tưởng vào những cầu thủ trẻ. Dù cầu thủ có tài năng đến đâu đi chăng nữa, họ cũng không thể thành công nếu không có cơ hội thi đấu.”

Một thách thức đặt ra cho những HLV gần đây của Barca, chẳng hạn như trường hợp của Ernesto Valverde giai đoạn 2017 đến 2020, là họ phải chịu quá nhiều áp lực từ thượng tầng. Điều này một phần đến từ cách làm bóng đá của những vị chủ tịch thời trước. Với Rosell và Bartomeu, theo nhà sử học Angel Iturriaga, cả hai nhân vật này đều không muốn gặt hái những vinh quang bằng hình mẫu mà họ đã kế thừa từ thời Joan Laporta trong nhiệm kỳ đầu, vì khi đó sự thành công của họ sẽ không được công nhận.

Nhà sử học Iturriaga lý giải: “Thực tế là hai ông chủ tịch này hướng đến hình mẫu giống như Florentino Perez tại Real Madrid, có nghĩa là một CLB chi tiền để đem về rất nhiều ngôi sao. Bộ ba Messi, Suarez và Neymar đã chinh phục cả châu Âu dưới thời Luis Enrique có thể coi là một ví dụ điển hình. Chính thành công với cú ăn 3 năm 2015 đã càng thôi thúc giới lãnh đạo CLB thời đó tin vào con đường mới. Song, thành công ấy khó có thể có tính kế thừa và tiếp nối. Việc thay đổi mô hình vận hành qua các đời chủ tịch và giám đốc khác nhau khiến Barca trở thành một đội hạng hai ở châu Âu như hiện tại.”

Cuối cùng mọi thứ dẫn đến kết quả của ngày hôm nay. Barca dưới thời Bartomeu đã bị đặt vào một đường xoắn ốc chi tiêu khủng khiếp, không có sự kiểm soát và không có tương lai. Họ vay nóng, trả lương cho các ngôi sao được mang về trong đội hình cao hơn thị trường từ 30-50%, đồng thời, chi phí dành cho những người đại diện, môi giới chuyển nhượng cũng phá giá thị trường từ 20-33%. Thậm chí, có những thời điểm Barca quyết định ký hợp đồng với một cầu thủ mà không biết rằng trong tay mình có đủ tiền hay không, chẳng hạn như thương vụ Antoine Griezmann khi ngay trong đêm chiêu mộ tiền đạo người Pháp, ban lãnh đạo Bartomeu đã vay nóng tới 85 triệu euro.

Ban lãnh đạo Bartomeu mang trong họ một niềm tin rằng doanh thu hàng năm sẽ luôn tăng – và thực tế là những dự báo của công ty kiểm toán Deloitte cho thấy điều đó – để bù đắp cho mức chi tiêu khủng. Nhưng đến khi đại dịch bùng phát, một yếu tố ngoại cảnh bất khả kháng đã đẩy toàn bộ kế hoạch chệch khỏi quỹ đạo, nền tài chính CLB rơi xuống vực thẳm. Nếu là một công ty, xét ở khía cạnh kế toán tài chính, Barca coi như xong đời.

Hồi tháng 3 năm nay, sau khi Bartomeu từ chức và cuộc bầu cử chủ tịch Barca được diễn ra, Joan Laporta lúc đắc cử nhiệm kỳ thứ hai đã hứa với các hội viên của CLB rằng ông sẽ đưa triết lý và truyền thống dưới thời Johan Cruyff trở lại. Bản thân Ronald Koeman tuy là sự lựa chọn dưới thời ban lãnh đạo cũ, nhưng nhà cầm quân người Hà Lan từng là môn đệ dưới thời của thánh Johan Cruyff và duy trì một mối quan hệ thân thiết với gia đình huyền thoại quá cố. Phần nào, thì việc không thể tìm kiếm được một HLV khác như mong muốn, cũng như nền tài chính eo hẹp càng khiến Laporta vẫn phải trông cậy vào sự lựa chọn Koeman. Bên cạnh đó, con trai của Johan là Jordi Cruyff cũng trở lại Camp Nou trong vai trò cố vấn của ban lãnh đạo.

Tuy vậy, khó có thể xác định niềm tin của ban lãnh đạo Laporta hiện tại vào DNA đội bóng lớn ra sao, nhất là dựa trên hoạt động chuyển nhượng hồi mùa hè vừa qua cùng màn trình diễn trên sân của Barca vài tháng qua.

Mùa hè 2021, người hâm mộ Barca tiếp tục chứng kiến những bản hợp đồng vá víu như Sergio Aguero 33 tuổi và Luuk De Jong 31 tuổi cập bến đội chủ sân Camp Nou. Trong khi, những măng non triển vọng như Miranda hay Monchu lại phải khăn gói ra đi. Đương nhiên, nhìn một cách công tâm, chính nền tài chính thê thảm, hệ quả từ thời Bartomeu đã đẩy Barca vào cảnh phải chuyển nhượng kiểu vá víu và bán đi những cầu thủ trẻ như vậy.

Trên sân, Barca cũng không còn tôn sùng thứ bản sắc "Juego de posicion". Hệ thống kim chỉ nam 4-3-3 từng gắn với thành công của Guardiola hay Pimienta cũng bị đặt dấu hỏi. Nói là quay trở lại với truyền thống, song cách Koeman bày binh bố trận khiến người ta phải ngán ngẩm. Barca của ông đã chơi với sơ đồ ba trung vệ trong cả hai trận đấu gặp Bayern Munich và Benfica tại vòng bảng Champions League, sau đó là thử nghiệm 4-2-3-1 trước Atletico Madrid ở LaLiga vòng đấu gần nhất. Kết quả là đội chủ sân Camp Nou đã bị đánh bại trong cả ba trận đấu, mà không ghi được bất kỳ bàn thắng nào. Barca để thua, nhưng điều quan trọng hơn cả là họ đã không chơi với thứ bản sắc của chính mình.

Koeman từng giải thích rằng đã qua cái thời Barca của những năm về trước, chất lượng đội hình hiện tại, cùng những ca chấn thương không còn cho phép đội bóng chơi thứ bóng đá tiki-taka trứ danh. Đồng ý rằng thực tế ấy không thể phủ nhận, nhưng việc tuyên bố lứa cầu thủ hiện tại không thể chơi theo thứ bóng đá truyền thống là một sự phủ nhận với giá trị của La Masia, dù đó lại chính là thứ mà Joan Laporta tuyên bố muốn đề cao. Mối quan hệ bất ổn giữa Laporta và Koeman vì lẽ đó cũng nảy sinh.

“Chứng kiến kỳ chuyển nhượng gần nhất, tôi nhận thấy Barca không còn tin vào La Masia,” cũng nhà sử học Iturriaga đã nói. “Koeman là huyền thoại của CLB, nhưng ông ấy không phù hợp với phong cách của Barca trong vai trò HLV. Ông ấy cũng không tin tưởng hệ thống đào tạo trẻ. Oscar Mingueza và Ilaix Moriba được trao cơ hội mùa trước vì Barca thiếu cầu thủ. Họ không phải những tài năng lớn nhất, nhưng những cầu thủ này lại hợp với triết lý của Koeman.”

Tuy vậy, Koeman cũng có những lời bào chữa của riêng ông khi khẳng định mình đã tạo cơ hội cho những cầu thủ cây nhà lá vườn như Gavi 17 tuổi hay Nico 19 tuổi. Trong đó, Gavi đã có màn ra mắt ấn tượng trong màu áo tuyển Tây Ban Nha vừa qua, cũng như được ra sân tiếp trong trận chung kết Nations League trước Pháp.

Song, điểm sáng duy nhất suốt quãng thời gian qua, có lẽ là chiến thắng 3-0 trước Levante tại LaLiga vào hồi cuối tháng 9. Bản thân tỷ số đã là một sự giải thoát, nhưng đáng chú ý hơn cả là màn trình diễn của 9 cựu cầu thủ Barca B đã chơi trọn vẹn cả 90 phút ngày hôm đó, trong đó có Riqui Puig, Mingueza, hậu vệ trái 18 tuổi Alejandro Balde hay tài năng trẻ Ansu Fati. Chính Fati cũng đã ghi bàn đẹp mắt ấn định tỷ số, trong ngày mà tài năng sáng giá này trở lại sau 10 tháng ngồi ngoài vì chấn thương đầu gối.

Garcia Pimienta, cựu HLV đội trẻ của Barca, đã nói: “Sự vĩ đại của La Masia nằm ở việc nó luôn sản sinh những cầu thủ rất giỏi. Mỗi năm thường có 2 hoặc 3 cầu thủ đủ khả năng chơi cho đội một nếu họ được trao cơ hội và thật sự được tin tưởng. Chúng ta đã thấy trường hợp của Gavi và Nico mùa này. Họ hiểu rõ lối chơi triết lý của Barca và thi đấu với niềm tự hào của một cầu thủ Barca chân chính.”

“Thành công vang dội trong quá khứ của Barca là khi đội bóng vô địch Champions League cũng như các danh hiệu LaLiga liên tiếp. Đó cũng là thời điểm đội một của CLB gồm nhiều cầu thủ và HLV trưởng thành từ La Masia. Họ là những cầu thủ và HLV đều thấm nhuần tư tưởng bóng đá của CLB, họ tin vào ý tưởng và cùng chung chí hướng.”

Nếu xem nền tài chính ảm đạm là một bất lợi với Barca trên thị trường chuyển nhượng, thì đấy cũng chính là cơ hội vàng để CLB này trở lại với bản ngã của họ, chính là đôn những tài năng từ học viện La Masia lên hàng ngũ đội một. Bản thân tất cả, từ thượng tầng, ban huấn luyện cho tới người hâm mộ đội bóng sẽ cần phải chấp nhận một thực tế rằng các danh hiệu có thể sẽ rời xa Barca trong một thời gian. Song, rất có thể một thế hệ mới sẽ xuất hiện và đủ khả năng thách thức các danh hiệu lớn nhất sau giai đoạn ấy. Không dễ để chấp nhận thực tại này, nhưng tin dùng những cầu thủ trẻ cũng sẽ là cách tốt nhất để CLB vượt qua khó khăn hiện tại và hướng đến những thành công trong tương lai tại Camp Nou.

Cựu giám đốc học viện La Masia, ông Xavi Martin đã nhấn mạnh: “Khi Barca giành chiến thắng nhờ các cầu thủ La Masia, họ thắng đẹp mắt hơn và mang lại cảm giác phấn khích hơn. Đồng thời, khi Barca thua với các cầu thủ La Masia, nỗi buồn cũng vơi đi hơn. Họ thua đấy, nhưng ít nhất là họ đã dùng những cầu thủ cây nhà lá vườn.”

“Một thực tế rõ ràng là khi có nhiều cầu thủ từ La Masia, Barca trải qua giai đoạn vinh quang nhất. Đó là cốt lõi vấn đề mà CLB cần phải duy trì, và nhất là phải bảo vệ bằng mọi giá, từ chủ tịch đến những nhân viên ở CLB. Bằng không, mọi thứ sẽ thất bại.”

Không chỉ những người tại Madrid, mà không ít người ngoài nhìn vào triết lý của Barca sẽ chế giễu. Họ tin rằng những thành công của CLB, nhất là dưới thời Guardiola, đơn giản là vì may mắn chủ yếu, bởi thời thế giúp Barca sở hữu một lứa thế hệ tầm cỡ world-class giáng thế cùng một thời điểm. Nhưng thành công nào mà không có yếu tố may mắn, người nắm bắt lấy vận hội là người giỏi. Và cách Barca đầu tư cho La Masia trong quá khứ, há chẳng phải để một thời điểm nào đó, họ được hái quả?

Đội chủ sân Camp Nou rõ ràng cần lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ. Việc chấp nhận sử dụng các cầu thủ từ đội trẻ có thể mang đến nhiều rủi ro, khi áp lực thành tích trong quá khứ sẽ luôn là gánh nặng với bất kỳ vị HLV nào. Song nó cũng là điểm mốc để đưa Barca trở lại với chu kỳ thành công của đội bóng này. Một chu kỳ được nuôi dưỡng bởi những cầu thủ mang trong mình mình thứ DNA Barca, nhưng đang đứng trước thách thức là bị lãng quên bởi chính những con người vốn hiểu về nó nhất.

“Với tôi, DNA Barca là thứ hoàn toàn không thể bị hoài nghi,” Samper chốt. “Đội một Barca phải trở thành hình mẫu để các cầu thủ trẻ nhìn vào tin tưởng và đi theo. Đấy là lợi thế của Barca so với các đội khác, và cũng là thứ làm nên nét độc đáo của CLB. Song, đáng tiếc thay, có vẻ như niềm tin đó đã phai nhạt.”

 Bản quyền thuộc OnSports
Từ khóa: