NỘI DUNG: DŨNG PHAN / ĐỒ HỌA: Z.K

Đấy là thời điểm 13 giờ trưa theo giờ địa phương, trên sân vận động Luigi Ferraris ngập nắng đang diễn ra trận đấu thuộc vòng 3 Serie A 2021/22 giữa đội chủ nhà Sampdoria và Inter Milan. Nhiệt độ trên sân khoảng 30 độ C, bầu không khí oi ả khó chịu. Những cổ động viên của đội chủ nhà Sampdoria đang ngáp ngắn ngáp dài vì mỏi mệt với cái giờ thi đấu tréo ngoe xuất hiện chỉ để chiều lòng các fan Châu Á. Nhưng rồi, tất cả đã nhanh chóng phải bật dậy để hoan hô một người đến từ Viễn Đông. Maya Yoshida – trung vệ thép người Nhật Bản vừa ghi bàn gỡ hòa 1-1 cho Sampdoria trước đội khách Inter Milan vào phút 33 của hiệp 1.

Maya Yoshida, người vừa chuyển từ Southampton sang Sampdoria vào hồi tháng 1 năm ngoái, được coi là người Châu Á nhẵn mặt tại sân chơi Châu Âu. Vào năm 2012, Southampton chỉ bỏ ra cái giá 3 triệu bảng để lấy Yoshida về từ CLB VVV-Venlo của Hà Lan. Tuy nhiên, những gì “The Saints” giành được lại vượt quá mong đợi. Với chiều cao 1m89, lối đá điềm tĩnh kết hợp với sự khéo léo và tính kỷ luật của người Châu Á, Yoshida nhanh chóng trở thành mảnh ghép quan trọng của đội bóng vùng Đông Nam nước Anh. Trung vệ Nhật Bản từng đá cặp với Virgil van Dijk, từng mang băng đội trưởng đội bóng, và chia tay với di sản 190 lần ra sân cùng dấu ấn của 9 bàn thắng. Anh có 8 năm gắn bó cho Southampton, và trở thành 1 trong 3 cầu thủ có thâm niên nhất đội trước ngày rời đi. Chuyện một cầu thủ Châu Á ghi bàn là một hình ảnh lạ lẫm của 20 năm trước, nhưng là hình ảnh rất đỗi quen thuộc của vài năm trở lại đây. Tương tự là chuyện của khái niệm thâm niên. Nhiều cầu thủ Châu Á từ vị thế của kẻ học việc đã dần thành trụ cột ở các đội bóng tại Châu Âu.

Tuy nhiên Yoshida không phải là người Châu Á nổi bật nhất ở Premier League nói riêng hay Châu Âu nói chung. "Danh hiệu" này được nhiên thuộc về “người mà ai cũng biết là người nào đấy”, Son Heung-min - siêu sao cả thế giới thèm muốn. Thành tựu cá nhân mà Son Heung-min giành được chỉ có thể miêu tả bằng bốn chữ “tiền vô cổ nhân” – thời trước chưa ai được vậy! Khác với người đồng hương Park Ji Sung mạnh về thành tích tập thể, và dẫu là huyền thoại Châu Á nhưng chủ yếu vẫn là cầu thủ dự bị ở Manchester United. Không như tiền bối Cha Bum-kun thi đấu ở Bundesliga và đóng đinh ở nước Đức. Son Heung-min tạo lập được vị thế cá nhân ở CLB ở một cái tầm khác. Năm 2019, Son được đề cử cho danh hiệu Quả Bóng Vàng Châu Âu, hai năm liên tục nằm trong đề cử của FIFA FIFPro World11, được hàng triệu người thế giới dõi theo khi đoạt giải Puskas cho bàn thắng đẹp nhất năm 2020, vượt qua Harry Kane, Aubameyang, Eden Hazard…để giành giải cầu thủ hay nhất năm của thành phố London mùa giải 2018/2019.

Thành tích ghi bàn của Son Heung-min tại sân chơi Châu Âu cũng là chưa có tiền lệ với một cầu thủ xuất thân từ châu Á. Anh đã có hơn 150 bàn cho các CLB châu Âu, trong đó có 20 bàn sau 78 trận chơi cho Hamburger SV, 29 bàn sau 87 trận chơi cho Bayer Leverkusen, và đặc biệt là 109 bàn sau 284 trận cho Tottenham Hotspur. Và nếu không có gì bất ngờ xảy ra, thì khả năng mùa giải này Son có thể vượt qua Teddy Sheringham để lọt vào top 10 chân sút xuất sắc nhất trong lịch sử đội bóng thành London. Được khắc tên trong biên niên sử vĩ đại đó là thành tựu đáng tự hào với bất kỳ một người Châu Á nào.

Khi so sánh về các cầu thủ, chúng ta thường dễ bị cảm tính chi phối. Vậy nên để trả lời câu hỏi Son có phải là cầu thủ châu Á thành công nhất với bóng đá châu Âu hay không, hãy để những đồng bảng Anh, lạnh lùng và không thiên vị, lên tiếng. Một thời gian dài, các cầu thủ Châu Á bị xem là các bản hợp đồng thương mại, có mặt chỉ để "bán áo", và lương lậu thì cũng không đáng kể, do không có nhiều đóng góp về chuyên môn. Nhưng còn Son thì sao? Cầu thủ người Hàn Quốc vừa đặt bút ký vào bản hợp đồng có thời hạn 5 năm để gắn bó với Tottenham đến hè 2025, qua đó được nhận mức lương 250.000 bảng/tuần, giúp anh lọt vào top 10 cầu thủ nhận lương cao nhất Premier League. Son cũng được transfermarkt định giá lên tới 85 triệu Euro, ngang hàng với Sadio Mane, xếp trên João Félix, Phil Foden hay ngôi sao mới nổi Pedri. Giá trị của Son xếp thứ 15 trên bảng xếp hạng các cầu thủ được định giá cao nhất thế giới.

Nếu Son Heung-min là một ngôi sao đã được định danh, thì Takefusa Kubo là bản hợp đồng quái quỷ đã tạo ra vụ scandal chuyển nhượng giữa Barcelona và Real Madrid. Chàng trai bé nhỏ đến từ Tokyo FC này thực chất chính là tài năng trẻ trưởng thành từ lò đào tạo La Masia. Sau đó, vì vi phạm luật chuyển nhượng của FIFA đối với các cầu thủ trẻ dưới 18 tuổi ngoài Châu Âu, Barcelona phải gửi trả anh về quê hương. Real Madrid nhanh chóng đánh hơi được "mùi lợi lộc" từ tài năng thú vị này, liền bỏ ra 2 triệu bảng để có được anh trong mùa hè 2019. Barcelona đương nhiên là giận điên lên được, nhưng đã quá muộn màng để có thể đem Kubo trở lại Camp Nou. Dẫu chỉ ở cấp độ trẻ, Kubo cũng đã làm được cái việc chưa có tiền lệ, là người Châu Á đầu tiên được Barca và Real tranh giành. Một cầu thủ phải đặc biệt cỡ nào mới được hai gã khổng lồ Tây Ban Nha để mắt chứ? Ngoài ra, với những gì đang diễn ra, người ta có thể dự báo được một tương lai rực rỡ của chàng trai này. Bởi lẽ con đường anh đi, sự đào tạo mà anh được nhận, cùng số lượng CLB Châu Âu mà Kubo khoác áo cho đến lúc này, là gần như tương đồng với Son Heung-min.

Dấu ấn của người Châu Á tại Châu Âu đang lớn dần qua mỗi mùa giải. Cả về số lượng, lẫn chất lượng, thể hiện qua thâm niên và vai trò trong đội bóng. Vào mùa giải 2000/2001, chỉ có duy nhất một cầu thủ Châu Á tại Ngoại Hạng Anh, đấy là danh thủ người Iran Karim Bagheri của Charlton Athletic. Nhưng sau 21 năm, đã có 39 cầu thủ Châu Á chinh chiến ở giải đấu cao nhất xứ sương mù. Mùa giải 2021/2022 chứng kiến 6 cầu thủ Châu Á thi đấu cho các CLB Ngoại hạng, đa phần đá chính, với 2 trong đó đang đầu quân cho nhóm “Big 6”. Mùa hè 2021 vừa qua là một mùa hè sôi động của những người Châu Á, khi Takehiro Tomiyasu chuyển đến Arsenal, Kyogo Furuhashi cập bến Celtic, Hwang Hee-chan đến Wolves. Bên ngoài quần đảo Vương quốc Anh, Lee Kang-in rời Valencia để chuyển đến Mallorca, từ Genoa, tiền đạo người Uzbekistan là Eldor Shomurodov đến AS Roma nơi Hidetoshi Nakata huyền thoại từng tạo nên tên tuổi. Thống kê mới nhất, có tới 155 cầu thủ Châu Á đang hiện diện ở các giải vô địch quốc gia Châu Âu, và có 28 người đang thi đấu cho 5 giải vô địch hàng đầu. Nếu xét đến cả các giải đấu hạng dưới ở châu Âu, có đến hơn 200 cầu thủ Nhật Bản đang góp mặt.

Nếu như ngày xưa, những trường hợp như hai huyền thoại bóng đá Iran Mehdi Mahdavikia và Vahid Hashemian, những người đã trải qua hơn 10 mùa giải chinh chiến ở Bundesliga trong màu áo đội bóng từ Hamburger SV, Eintracht Frankfurt đến cả Bayern Munich, là điều hiếm hoi, thì giờ đây, những Maya Yoshida, Son Heung-min, Makoto Hasebe đều đang trên đường gây dựng mình thành các “cây đại thụ” Châu Á tại Châu Âu. Hay bên kia nước Nga xa xôi, là “hotboy” Sardar Azmoun, tiền đạo chủ lực của Zenit Saint Petersburg, tác giả của 58 bàn sau 90 trận cho đội bóng nước Nga, vua phá lưới của giải Ngoại Hạng Nga mùa giải 2019/2020, và đã có 4 bàn thắng tại Champions League. Tất cả các thành tựu của các cầu thủ Châu Á trên được ví bằng hình tượng con sóng, những con sóng Châu Á vỗ đến các bờ biển Châu Âu.

Tuy nhiên, để tạo nên một vị thế hoành tráng như vậy, đó là cả một hành trình dài chinh phục của lớp lớp thế hệ cầu thủ người Châu Á tại các quốc gia Châu Âu.

Thành tựu và sự ghi nhận từ các HLV Châu Âu mà những cầu thủ Châu Á có được hôm nay không phải đến từ ngày một ngày hai, mà là nỗ lực của hàng thập kỷ. Thuở ban đầu, bóng đá Châu Á nổi bật lên 3 bông hoa lẻ loi giữa lòng Châu Âu. Dù cô đơn, nhưng vai trò của họ đủ để đặt những viên gạch đầu tiên để người Châu Âu phải không quên. Họ lần lượt là Paulino Alcantara, tiền đạo từng thi đấu cho Barcelona những năm 20 thế kỷ trước, là Yasuhiko Okudera, cầu thủ Châu Á đầu tiên được thi đấu ở Bundesliga, và cuối cùng là Cha Bum Kun – chủ nhân của 2 chức vô địch UEFA Cup với Eintracht Frankfurt và Bayer Leverkusen.

Khi bạn đi tìm kiếm 10 cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử Barcelona, bạn sẽ thấy cái tên Paulino Alcantara bên cạnh những Lionel Messi, Luis Suarez… Nếu tính trên tất cả các mặt trận, cầu thủ sinh ra tại Philippines này đã ghi 395 bàn sau 399 trận. Do thi đấu vào thời đại của thuở hồng hoang bóng đá, Paulino Alcantara không được biết đến nhiều, nhưng thành tựu của ông thì đã khắc vào lịch sử và trở thành một thách thức không nhỏ cho các hậu bối khoác áo CLB xứ Catalunya.

Sau Paulino 5 thập kỷ, người Châu Á thứ hai tạo nên dấu ấn đậm nét ở châu Âu là Yasuhiko Okudera, trong màu áo FC Cologne của Bundesliga. Ông vô địch Bundesliga mùa giải 1977/1978, tham dự Cup C1 Châu Âu mùa 1978/1979. Năm đó, Cologne lọt vào tới bán kết và chỉ để thua Nottingham Forest thần thoại của Brian Clough. Với những gì đã đạt được, Yasuhiko Okudera không chỉ ra một con đường tới Châu Âu cho các cầu thủ Nhật Bản, mà còn góp phần thúc đẩy quá trình chuyên nghiệp hóa bóng đá ở đất nước Mặt trời mọc.

Nếu bóng đá Nhật Bản có Yasuhiko Okudera, thì bóng đá Hàn Quốc có Cha Bum Kun, người được coi là một trong những tiền đạo hay nhất Bundesliga trong thời đại của mình. Ông là tác giả của 121 bàn thắng trên đất Châu Âu, được liên đoàn Lịch sử Bóng đá và Thống kê Quốc tế (IFFHS) trao tặng giải Cầu thủ thế kỷ của châu Á. Chính tài năng của Cha Bum Kum đã đặt nền móng để sau đó Bundesliga trở thành cái nôi cho các cầu thủ Hàn Quốc cất cánh.

Tuy nhiên, như đã nói, 3 huyền thoại Châu Á kể trên dù đã đặt các viên gạch đầu tiên thì cũng chỉ là những bông hoa lẻ loi. Bóng đá Châu Á bị đánh giá thấp là một vấn đề có tính hệ thống, do “gien di truyền” và lịch sử với môn thể thao vua. Khi Karim Bagheri ký hợp đồng với Charlton Athletic vào mùa hè năm 2000 với mức phí 400.000 bảng, huyền thoại người Iran này chính là người Châu Á đầu tiên thi đấu tại Premier League. Tức bạn có thể hiểu là gần trọn vẹn thế kỷ 20, không có cầu thủ Châu Á nào chơi bóng ở giải đấu hạng cao nhất ở xứ sở sương mù.

Khoảng cách tính bằng thế kỷ ấy cũng chính là khoảng cách giữa bóng đá Châu Á và bóng đá Châu Âu. Khi Manchester United thành lập năm 1878, ở Việt Nam là thời vua Tự Đức, tại Nhật Bản đang trải qua cuộc cải cách lớn mang tên Minh Trị Duy Tân, còn bán đảo Triều Tiên vẫn chưa hề chia đôi, khái niệm Hàn Quốc có lẽ trong mơ cũng không tồn tại. Có nghĩa rằng, những người Châu Á ngày đó không thể tưởng tượng về cái gọi là thành lập đội bóng Manchester United, về quả bóng tròn, những khán đài với người hâm mộ, cách chơi bóng đá hiện đại hay bộ luật Cambridge. Khoảng cách trình độ giữa người Châu Á và người Châu Âu không đơn thuần là đến từ chủng tộc, chiều cao, cân nặng, không chỉ ở ngôn ngữ, văn hóa, mà còn là một khoảng trời của lịch sử.

Vào những năm 40-50 của thế kỷ trước, người Nhật Bản nổi tiếng với chiều cao khiêm tốn, hay được gọi là “Nhật lùn”. Chính phủ Nhật đánh giá rằng chiều cao thấp bé đã không còn là vấn đề cá nhân mà chính là sự tự tôn của dân tộc, là bộ mặt của quốc gia. Năm 1952, Nhật ban hành Luật cải thiện chất lượng dinh dưỡng, tiến hành một cuộc cách mạng để thay đổi chiều cao của dân tộc. Sau 40 năm, Nhật Bản đã nâng chiều cao trung bình của người dân lên 10cm, đạt mức 172cm với nam và 157cm với nữ. Điều đó có nghĩa, chiều cao, cân nặng, thể lực, thể hình, tốc độ có thể cải thiện bằng chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, và văn hóa, ngôn ngữ có thể hòa nhập theo thời gian.

Tuy nhiên, lịch sử lại là một khái niệm vô hình, là điều gì đó rất khó để san lấp. Và người Nhật cần một con người đặc biệt, một vị vua gọi tên ý chí Châu Á giữa lòng Châu Âu để thu hẹp khoảng cách. Tên ông là Kazu Miura, tức King Kazu huyền thoại. Năm 1982, chàng thiếu niên 15 tuổi Kazu Miura “khăn gói quả mướp” một thân một mình đến Sao Paolo, Brazil để học đá bóng. Anh làm đủ mọi nghề, sống giữa các khu ổ chuột của gái điếm và tệ nạn, lưu lạc 7 năm ở thánh địa bóng đá của thế giới chỉ để nêu bật lên ước mơ chơi bóng. Ngôn ngữ ư? Văn hóa ư? Kazu sẵn sàng chinh phục nó. Những gì mà Kazu trải qua, so sánh với chuyện nồi cơm điện và kim chi củ cải mà cha con nhà Son Heung-min giấu trong ký túc xá cũng đã là thiên đường. Câu chuyện của Kazu đã làm rúng động người Nhật Bản, và người Nhật cùng hướng về ông trong một giấc mơ chung. Kazu Miura không phải là tài năng quái kiệt như Yasuhiko Okudera hay Cha Bum Kum cùng thế hệ. Nhưng Kazu Miura là “King”, là người nổi tiếng nhất. Bởi anh truyền cảm hứng cho lớp lớp hậu bối đi sau, bởi anh hơn họ bằng ý chí của một con người bình thường đã thách thức các ngọn núi cao, những ngọn núi mà người Châu Á sợ hãi. Kazu chính là nguyên mẫu của nhân vật truyện tranh Tsubasa mà đứa trẻ nào yêu bóng đá cũng từng đọc.

Trong cuốn tự truyện “Son Heung-min, đường đến Châu Âu”, tuyển thủ Hàn Quốc đúc kết rằng “thích nghi” chính là điều kiện tiên quyết với bất cứ cầu thủ Châu Á nào đến Châu Âu. Nó đòi hỏi cả sự hòa nhập tự nhiên lẫn ý chí. Và Kazu đã mở ra tinh thần ấy cho người Châu Á. Đến thập niên 90, Hidetoshi Nakata chính là biểu tượng tột đỉnh của bóng đá Châu Á giữa lòng Serie A. Được mệnh danh là “Beckham Châu Á”, Nakata mang đến cho thị trường Châu Âu một luồng gió mới không chỉ bằng tài năng sân cỏ, mà anh còn rực sáng ở những khung hình quảng cáo tại Châu Âu. Không được đá chính nhiều như Son Heung-min sau này, và tài năng cá nhân cũng khó mà bì được với hậu bối Hàn Quốc, nhưng Nakata hơn hẳn Son Heung-min về sự quyến rũ ngoài sân cỏ, về thần thái hiếm có khó tìm, về cách anh lan tỏa hình ảnh cầu thủ Châu Á ra thế giới trong thời đại chưa có mạng xã hội. Ngày đó, Nakata – một người Châu Á đã tề danh và đứng cùng với những Beckham, Rivaldo, Roberto Carlos… trong các đoạn băng quảng cáo của Pepsi, Nike…

Cùng thời với Nakata còn có hai cầu thủ Châu Á xuất sắc khác. Đấy là một cầu thủ Iran đã có tên trong danh sách đăng ký thi đấu của Bayern Munich trong trận chung kết Champions League 1998/1999 với Manchester United, Ali Daei. Bạn có nghe quen không nhỉ? Ồ, đó chính là cái tên mà Cristiano Ronaldo đã phải rất vất vả mới phá được kỷ lục ghi bàn nhiều nhất của ĐTQG gần đây đấy. Ali Daei đã có 109 bàn cho đội tuyển quốc gia, một kỷ lục khiến Ronaldo phải mất 15 năm để có thể phá vỡ. Ali cũng từng chơi cho Bayern Munich và Hertha Berlin. Người thứ 2 nổi tiếng cùng thời Nakata là Hong Myeong-bo, người đội trưởng của đội tuyển Hàn Quốc với cú penalty vào lưới Tây Ban Nha ở World Cup 2002. Anh là cầu thủ Châu Á duy nhất từng đoạt Quả Bóng Đồng World Cup, là người châu Á đầu tiên tham dự 4 vòng chung kết World Cup. Khi Pele lập ra bản danh sách "những cầu thủ vĩ đại nhất còn sống" gọi là FIFA 100, có hai người Châu Á góp mặt, người thứ nhất là Hidetoshi Nakata và người còn lại chính là Hong Myeong-bo.

Sau thế hệ của Nakata, bóng đá Châu Á chứng kiến thêm nhiều tài năng mới tạo được dấu ấn tại lục địa già. Những cuộc xâm lăng màu da vàng có thể kể ra đây như Sun Jihai thi đấu cho Manchester City từ năm 2002 đến 2008, Daisuke Matsui chơi ở Ligue 1 từ năm 2005 đến 2012, Makoto Hasebe thi đấu ở Bundesliga từ năm 2007 tới nay và ở tuổi 37 đã trở thành một cây đại thụ thâm niên tại nước Đức. Hay Shunsuke Nakamura, chàng tiền đạo lãng tử của Celtic với cú đá phạt không thể nào quên vào lưới Manchester United. Và đặc biệt, thế hệ thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 không thể không nói đến Park Ji-sung, người đã cùng Manchester United giành những danh hiệu cao quý nhất từ Premier League đến Champions League. Giá trị của Pak Ji-sung không chỉ qua những thành tích tập thể, mà còn là tiếng nói dõng dạc về khả năng của người Châu Á qua biệt danh "Park ba phổi", để nói lên thể lực dồi dào của anh.

Thập niên thứ hai của thế kỷ 21 chứng kiến sự nổi bật của “samurai” Yuto Nagatomo, người từng đeo băng đội trưởng tại Inter Milan và có 8 mùa giải tại nơi này. Cùng thời điểm với Nagatomo, ở bên kia thành phố Milano ta thấy Keisuke Honda khoác áo AC Milan. Nước Anh cũng không thể không nhắc đến Shinji Okazaki vô địch cùng Leicester City bằng những bàn thắng đáng nhớ, và đương nhiên cả Shinji Kagawa - học trò cưng của Juergen Klopp, một trong những bản hợp đồng cuối cùng của Sir Alex Ferguson tại Manchester United trước khi nghỉ hưu.

Nhưng lịch sử không phải dễ dàng san lấp bằng ý chí hay tài năng bột phát. Và người Châu Á có thứ vũ khí thứ 3, nhưng là thứ vũ khí quyết định cho ngày các con sóng Châu Á vỗ bờ ở Châu Âu, đó là thương mại. Nhật Bản chiến hậu kinh tế kỳ tích đã đưa quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ vào cuối thập niên 80. Cũng vào thập niên 80-90 xuất hiện khái niệm “Con rồng Châu Á” gọi tên Hồng Kong, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc. Kinh tế Châu Á bước vào giai đoạn đại nhảy vọt, dân số và thị trường cũng tăng trưởng mỗi năm theo sự lớn mạnh của con hổ vừa tỉnh giấc mang tên Trung Quốc. Khi kinh tế đủ mạnh, những doanh nghiệp Châu Á bắt đầu đầu tư vào dịch vụ giải trí, bóng đá cũng không nằm ngoài cuộc chơi.

Vào năm 1994, King Kazu qua Serie A khoác áo Genoa. Hãng truyền hình Nhật Bản Fuji Television, đơn vị đã mua bản quyền phát sóng Serie A trên lãnh thổ Nhật Bản, chính là doanh nghiệp đứng sau vụ chuyển nhượng này. Toàn bộ lương bổng của Kazu là do họ chi trả, và hàng ngàn người Nhật đã bay qua Italia để nhìn Kazu ra sân. Tiền trở thành yếu quyết để người Châu Á thu hẹp khoảng cách địa lý, trình độ đẳng cấp để có thể góp mặt ở các sân chơi Châu Âu. World Cup 2002 được tổ chức ở Nhật Bản – Hàn Quốc cũng nằm trong “con đường tơ lụa” đó. Ký ức đen tối về những tiếng còi méo của trọng tài có thể khiến người hâm mộ các đội tuyển Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Italia phẫn nộ khi nghĩ về World Cup 2002. Nhưng hành trình của tuyển Nhật Bản, và đặc biệt là tuyển Hàn Quốc, cùng vẻ đẹp trai tựa ngôi sao K-Pop của Ahn Jung-hwan tại kỳ World Cup đầu tiên ở miền Viễn đông năm đó, lại chính là một bước tiến cần thiết của người Châu Á.

Bóng đá cuối thập niên 90 càng lúc càng giống một nền công nghiệp, nơi tiền bạc dần đóng vai trò lớn. Và những ông chủ thính nhạy Châu Âu đã nhìn ra một mỏ vàng là các cầu thủ Nhật Bản, Hàn Quốc. Trình độ khá, giá thành rẻ, nhưng lợi nhuận mang đến là tối đa. Nhưng người Châu Âu không ngờ rằng, người Châu Á còn phản công bằng việc đánh thẳng vào thượng tầng lãnh đạo.

Không chỉ dừng ở việc xuất khẩu cầu thủ Châu Á sang Châu Âu ăn tập hòng nâng cao trình độ, người Châu Á còn thuê ngược lại người Châu Âu để làm việc cho mình, dạy cho mình đá bóng. Năm 1991, một thương vụ bom tấn với thế giới đã nổ ra, khi đội bóng Sumitomo Metal của Nhật Bản ký hợp đồng với “Pele trắng” Zico. Nên nhớ, thời điểm đó Zico đang được cơ cấu cho vị trí Bộ trưởng thể thao Brazil, còn J-League 1 phải đến năm 1993 mới ra đời. Thương vụ Zico đã nói lên sức mạnh tài chính của người Nhật, sự đầu tư nghiêm túc và chứng minh cho câu nói “tiền có thể sai khiến được quỷ thần.” Zico được các cổ động viên Nhật Bản đặt tên là "God of Football" - Chúa của bóng đá, và được dựng tượng ngoài sân vận động của đội Kashima.

4 năm sau hợp đồng của Zico, Nhật Bản ký hợp đồng với một HLV người Pháp đến từ Monaco. Vị HLV ấy ở đó một mùa giải, dẫn dắt Nagoya Grampus, trước khi thực hiện vụ đào thoát qua Anh và trở thành huyền thoại. Tên của vị HLV đó là Arsene Wenger! Sau này, Nhật Bản còn đón về những Michael Laudrup, Gary Lineker… cũng như hôm nay sở hữu Fernando Torres hay Andres Iniesta. Tất cả đều đến khi đã xế chiều, nhưng sự xuất hiện của họ có ý nghĩa lớn với bóng đá Nhật Bản. Gần đây, chúng ta chứng kiến Trung Quốc trong giấc mộng vươn cánh còn có những động thái quyết liệt khủng khiếp hơn. Sức hút của đồng Nhân dân tệ đã kéo nhiều cầu thủ đang ở đỉnh cao phong độ tới Trung Quốc chơi bóng, mà điển hình là những Axel Witsel, Mousa Dembele, Alex Teixeira hay Oscar, Pelle, Tevez.

Trong khoảng nửa thập kỷ trở lại đây, ngành công nghiệp bóng đá Châu Á bước lên một tầm mới. Thay vì mua cầu thủ, các tỷ phú châu Á mua luôn đội bóng Châu Âu. Trong danh sách 20 đội bóng đang thi đấu tại Premier League, Southampton và Wolverhampton thuộc quyền sở hữu của người Trung Quốc, còn Leicester City là của gia đình Srivaddhanaprabha người Thái Lan. Ở giải hạng nhất Anh, doanh nhân Malaysia Vincent Tan Chee Yioun sở hữu CLB xứ Wales Cardiff City. Bên cạnh đó là 4 CLB khác cũng của các ông chủ Trung Quốc. Bên ngoài xứ sương mù, nổi tiếng nhất chính là gia đình Zhang sở hữu Inter Milan. Tuy nhiên đẳng cấp cao nhất phải kể đến các ông chủ Trung Đông, điển hình là tỷ phú Sheikh Mansour của UAE sở hữu Manchester City, và Nasser Al-Khelaifi – ông chủ Qatar sở hữu PSG. Những đồng tiền dầu mỏ này lột xác hai đội bóng Manchester City và PSG, gây đảo điên thị trường chuyển nhượng, và thậm chí cười ngạo cả các tên tuổi lớn như Barcelona hay Real Madrid.

Dẫu thế, trong cơn sốt tiền bạc đó, Châu Âu và Châu Á cũng đã có một sợi dây liên hệ bền chắc, có ý nghĩa tối quan trọng cho sự phát triển của bóng đá Châu Á bên cạnh đồng tiền, đó chính là việc thành lập hàng trăm lò đào tạo bóng đá trên khắp các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, hay các quốc gia Đông Nam Á… cùng những chương trình học bổng theo diện “du học bóng đá”. Năm 2002, hiệp hội bóng đá Hàn Quốc thực hiện chương trình “du học bóng đá” để chọn các cầu thủ trẻ xuất sắc nhất từ các giải học đường và gửi đi 6 lứa cầu thủ. Lứa cuối cùng vào năm 2008 đã đưa một chàng trai đặc biệt sang Hamburger SV từ khi 16 tuổi. Tên chàng trai đó là Son Heung-min. Phần còn lại như chúng ta hay nói, thuộc về lịch sử!

Ngày 7 tháng 12 năm 2019, Tottenham tiếp Burnley trên sân nhà, trong khuôn khổ vòng 16 Premier League. Phút 31, nhận bóng từ vòng cấm đội nhà, Son Heung-min cố gắng chuyền cho đồng đội nhưng như anh kể lại là không tìm được phương án nào khác, vì thế anh bắt đầu rê bóng và ghi bàn. Anh không biết mình vừa làm được điều gì, cho đến khi xem lại đoạn băng video. Nhưng những người xem qua truyền hình đã được chứng kiến một khung cảnh lịch sử, nó bao gồm hình ảnh của 10 người Châu Âu – Nam Mỹ - Châu Phi (bao gồm 7 cầu thủ đối phương, 2 đồng đội và 1 trọng tài) đuổi theo một người Châu Á đang dốc bóng. Nhận bóng ở phút 30:55 trong vòng 16m50 đội nhà, cho đến khi trái bóng chui vào lưới ở phút 31:07, Son đã chạy 81m, qua mặt 10 cầu thủ, và sau đó ăn mừng trong vui sướng chỉ trong có 12 giây.

Bàn thắng ấy không phải được ghi bằng kỹ thuật lắt léo như pha ghi bàn của Maradona vào lưới tuyển Anh tại Mexico 86, cũng không kỹ thuật như bàn thắng của Messi vào lưới Getafe năm nào. Đấy chỉ thuần túy là thể hình, thể lực và tốc độ, thứ đã giam cầm người Châu Á phía sau bức tường đẳng cấp với Châu Âu. Nhưng bằng bàn thắng của mình, Son Heung-min đã cho thấy không còn sự khác biệt. Bàn thắng ấy cũng giúp Son giành giải FIFA Puskás 2020 - giải bàn thắng đẹp nhất năm được FIFA trao tặng. Đấy là một bàn thắng không chỉ đẹp, mà còn đứng cao hơn thế, đấy là chiến thắng trong cuộc đua tranh "thế giới phẳng" của người Châu Á với người Châu Âu ở bóng đá hiện đại.

Có thể khẳng định rằng sau nửa thế kỷ miệt mài chinh phục, người Châu Á đã có một vị trí vững vàng trong lòng bóng đá Châu Âu. Trong cơn sóng vỗ bờ của những người Châu Á, con sóng Việt Nam có thể tham gia vào không? Hẹn các bạn ở phần 2 của serie này, với bài viết “Bóng đá Việt Nam, 2 thập kỷ vọng xuất ngoại”.

 Bản quyền thuộc OnSports