NỘI DUNG: THANH ĐÌNH / ĐỒ HỌA: Z.K

Khi cả thế giới rúng động trước chiến sự ở Ukraine, đó là lúc để nhớ về câu chuyện phi thường từng được viết bởi Didier Drogba, người đã dùng bóng đá để hàn gắn đất nước và kiến tạo hòa bình.

Đôi khi có những câu chuyện phi thường được tạo ra mà không ai biết trước.

Đó là một buổi chiều tháng 10/2005, mọi người dân Bờ Biển Ngà đều dừng tất cả công việc để ngồi trước TV và dõi theo những diễn biến ở một nơi cách xa gần 6 ngàn cây số. Tại Omdurman, thành phố đông dân nhất Sudan nằm bên bờ tây sông Nile, Những chú voi - biệt danh của đội tuyển Bờ Biển Ngà - chạm trán đội chủ nhà Sudan trong trận cuối vòng loại World Cup 2006.

Trước năm 2005, Bờ Biển Ngà khá vô danh trên phương diện bóng đá. Họ thậm chí còn không thể vượt qua vòng loại để góp mặt ở VCK CAN Cup 2005. Chiến tích lớn nhất Bờ Biển Ngà có được là chức vô địch châu Phi 1992, sau loạt luân lưu kỳ lạ với Ghana ở trận chung kết. Phần lớn các quả penalty, cả hai thủ môn đều không đổ người mà chỉ nghiêng sang một bên. Khá tình cờ, họ luôn chọn hướng ngược lại so với hướng sút. Trong trường hợp hiếm hoi đoán đúng, bằng cách nào đó bóng vẫn đi vào lưới dù bay sát thủ môn. Cuối cùng Bờ Biển Ngà giành chiến thắng với tỷ số… 11-10.

Dĩ nhiên quốc gia Tây Phi này chưa một lần giành vé tới World Cup. Nhưng đây là thời điểm để thay đổi điều đó. Họ đang ở buổi bình minh của một Thế hệ Vàng, với Didier Drogba, ngôi sao khoác áo Chelsea, Kolo Toure, nhân tố quan trọng làm nên mùa giải bất bại của Arsenal và Didier Zokora, người sau này trở thành cầu thủ khoác áo Bờ Biển Ngà nhiều nhất lịch sử. Ngoài ra còn có Emmanuel Eboue, tài năng đang lên cũng của Arsenal và Yaya Toure trẻ trung thuộc biên chế Olympiakos.

Lúc này Bờ Biển Ngà có 19 điểm và mục tiêu duy nhất là đánh bại Sudan, đồng thời hy vọng Cameroon, đội đứng đầu bảng 3 với 20 điểm, không giành trọn vẹn 3 điểm trước Ai Cập. Didier Drogba cùng đồng đội đang đứng trước ngưỡng cửa lịch sử, qua đó mang lại niềm vui cho đất nước đang chìm đắm trong bạo lực.

Bắt đầu vào tháng 9/2002, cuộc nội chiến đã nổ ra ở Bờ Biển Ngà với 7 lực lượng tham chiến. Cuối cùng, chính phủ của Tổng thống Laurent Gbagbo kiểm soát miền nam trong khi phe nổi dậy được gọi là Lực lượng mới của Bờ Biển Ngà do Guillaume Soro lãnh đạo chiếm giữ miền bắc.

Nhớ lại quãng thời gian đó, Sebastien Gnahore, một cựu cầu thủ đã rời Bờ Biển Ngà, nói: “Thật khủng khiếp. Tôi có thể nghe thấy tiếng nổ súng bên ngoài ngôi nhà khi gọi cho em gái mình. Tất cả những gì tôi quan tâm mỗi buổi sáng thức dậy là liệu gia đình có ổn không? Cả nhà tôi đã trốn dưới gầm giường suốt bốn ngày, chỉ thỉnh thoảng mới lén ra ngoài tìm thức ăn”.

Các cuộc giao tranh diễn ra ở khắp các thành phố lớn và chỉ giảm thiểu khi cả hai bên xây dựng tuyến phòng thủ dọc theo đường phân chia bắc nam. Nếu nhìn trên bản đồ, vùng đệm ngăn cách hai miền giống như vết sẹo thảm khốc cắt đôi đất nước. Bạo lực ít thường xuyên hơn khi có sự tham gia của quân đội Pháp và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc, nhưng đến năm 2005, căng thẳng lại gia tăng, đưa đất nước Tây Phi đến bờ vực một cuộc tắm máu khác.

Tương tự Gnahore, phần lớn các tuyển thủ Bờ Biền Ngà đều không có mặt ở quê hương khi bạo lực bùng phát. Nhiều người có sự nghiệp và cuộc sống sung túc ở châu Âu. Ví dụ như Drogba. Anh tới Chelsea năm 2004 với phí chuyển nhượng 24 triệu bảng. Lương của anh đương nhiên rất cao bởi anh là mục tiêu yêu thích của tân HLV Jose Mourinho.

Khi ông chủ giàu có Roman Abramovich hỏi “anh thích mua tiền đạo nào?”, Mourinho trả lời ngay không suy nghĩ: “Drogba”. Tỷ phú người Nga nhíu mày nói: “Đó là ai? Đang chơi ở đâu?”. “Đừng quan tâm chuyện đó làm gì. Ông chỉ cần chi tiền thôi”, Mourinho đáp. Và không lâu sau, máy bay riêng của Abramovich đáp xuống sân bay Farnborough mang theo Drogba. Sau này mối quan hệ giữa Drogba và ông chủ Chelsea luôn rất tốt, đảm bảo anh có một cuộc sống thoải mái ở Tây London. Thế nhưng điều đó không có nghĩa Drogba thờ ơ trước những gì đang xảy ra ở quê nhà.

Tuổi thơ của Drogba vốn chìm trong nghèo đói. Vì mỗi bữa ăn hàng ngày đã là một bài toán khó, anh lớn lên trong tình trạng suy dinh dưỡng. Tới châu Âu là con đường duy nhất để thoát nghèo, và ông chú Michel Goba đang lao động ở Pháp chính là chìa khóa. Có điều Goba chỉ có thể bảo lãnh một người. Do đó, cậu bé 5 tuổi Drogba được chọn.

Nhưng vì quá nhớ nhà, Drogba lại hồi hương. Thật không may, nền kinh tế Bờ Biển Ngà sụp đổ vào thập niên 1980 bởi cuộc suy thoát toàn cầu và hạn hán. Tình trạng thất nghiệp và tham nhũng lan tràn. Ngay cả bố mẹ Drogba cũng mất việc làm, buộc họ phải gửi anh sang Pháp lần nữa. Điều họ không ngờ là Drogba sẽ trở thành ngôi sao bóng đá chứ không phải nhân viên kế toán như mong muốn.

Sao cũng được, làm cầu thủ cũng tốt bởi những khoản tiền lớn Drogba gửi về. Rắc rối là cuộc nội chiến nổ ra khiến cuộc sống của gia đình anh lại chao đảo. Abidjan, nơi Drogba sinh ra, là địa điểm giao tranh giữa quân đội Pháp và phiến quân ủng hộ Gbagbo, dẫn đến nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Từ một nơi được coi là thủ đô kinh tế của Bờ Biển Ngà, Abidjan bị biến thành đống hoang tàn.

Những tin tức tồi tệ từ quê hưởng gửi đến khiến Drogba khó có thể tập trung vào bóng đá. Thời điểm ấy anh lại đang vật lộn để thích nghi với phong cách bóng đá Anh cũng như chiến thuật của Mourinho. Như Drogba chia sẻ, anh bị sốc văn hóa và mất một thời gian dài thích nghi. Đôi khi để tìm kiếm bàn thắng anh phải ngã vờ, dẫn đến sự chỉ trích ngày một tăng từ phía người hâm mộ. Ngay cả CĐV Chelsea cũng la ó Drogba sau những lần anh ngã xuống khi tranh chấp. Tất cả khiến tiền đạo Bờ Biển Ngà nung nấu ý định ra đi khi mùa 2005/06 kết thúc.

Mặc dù vậy tại đất nước mình, Drogba vẫn là một ngôi sao.

Trở lại buổi tối tháng 10/2005 ở Omdurman, Sudan, Drogba biết mình phải làm gì đó. Hôm ấy trên sân Al-Merrikh, anh cùng đồng đội đã chơi bằng cả trái tim. Tiền vệ Kanga Akale mở tỷ số cho Bờ Biển Ngà phút 22. Aruna Dindane, chân sút khoác áo Lens, hoàn tất cú đúp vào các phút 51 và 73, khiến bàn gỡ phút 89 của Sudan không mang nhiều ý nghĩa.

Vậy là Bờ Biển Ngà đã hoàn thành phần việc của họ, giờ chờ đợi tin tức từ trận đấu giữa Cameroon và Ai Cập. Thật tuyệt vời, Mohammed Shawky của Ai Cập đã ghi bàn phút 79, san hòa cách biệt với Cameroon. Phút bù giờ thứ 4, Cameroon được hưởng phạt đền. Lúc này các cầu thủ Bờ Biển Ngà đang nghe tin qua đài radio chỉ biết chắp tay cầu nguyện.

Có lẽ những lời nguyện cầu của Drogba và các tuyển thủ Bờ Biển Ngà đã đến tai Chúa. Người đã khiến cú sút của Pierre Wome dội cột dọc ra ngoài. Cả đội Cameroon thất thần vì sẽ bỏ lỡ World Cup sau 4 kỳ liên tiếp tham dự. Ngược lại, những người Bờ Biển Ngà lạc vào men say bất tận. Họ sẽ tới World Cup, lần đầu tiên.

Trở lại phòng thay đồ sau chiến thắng, đội trưởng Cyril Domoraud mời giới truyền thông vào phòng thay đồ. Theo thường lệ các cầu thủ Bờ Biển Ngà sẽ thực hiện nghi lễ cầu nguyện. Nhưng lần này hơi khác. Buổi cầu nguyện được biến thành bài diễn thuyết của Drogba.

“Hỡi những người đàn ông, phụ nữ trên khắp mọi miền đất nước Bờ Biển Ngà, từ Bắc, Nam, Trung, Tây! Hôm nay chúng tôi đã cho thấy mọi người dân đều có thể sống và tồn tại cùng một mục đích chung, chia sẻ niềm vui vượt qua vòng loại World Cup”, Drogba nói với chiếc micro trên tay, “Chúng tôi hứa rằng World Cup sẽ đoàn kết mọi người”.

Ngừng một lát, Drogba quỳ xuống và các đồng đội cùng làm theo. Nghi thức cầu nguyện bắt đầu. Và tiếng của Drogba lại vang lên: “Hôm nay, chúng tôi quỳ gối xin tất cả người dân hãy tha thứ. Xin hãy tha thứ cho nhau. Đất nước giàu có và tươi đẹp của chúng ta không thể bị tàn phá vì chiến tranh nữa. Xin hãy buông vũ khí, đi bầu cử. Và tất cả sẽ tốt đẹp hơn”.

Rồi tất cả cùng đứng dậy, khoác vai nhau đồng thanh hát: “Chúng tôi muốn hạnh phúc. Hãy ngừng bắn”.

Bên cạnh các hình ảnh về chiến thắng lịch sử trước Sudan, đoạn clip về bài phát biểu của Drogba được phát rộng rãi trên truyền hình, thậm chí trong nhiều ngày sau đó. Nó làm thức tỉnh mọi người dân Bờ Biển Ngà, đồng thời thuyết phục chính phủ và các lực lượng nổi dậy ngừng bắn để khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình.

Vào đầu năm 2007, hai phe Bắc, Nam đã ký hiệp định hòa bình chính thức. Tổng thống Laurent Gbagbo tuyên bố kết thúc tình trạng chiến tranh. Vài tháng sau, Drogba hồ hởi nói: “Chứng kiến hai nhà lãnh đạo sát cánh bên nhau cùng hát quốc ca là một khoảnh khắc đặc biệt. Tôi cảm thấy Bờ Biển Ngà như được tái sinh”.

Câu chuyện phi thường về sức mạnh bóng đá hóa giải chiến tranh chưa kết thúc ở đó. Drogba bắt đầu tìm thấy niềm vui ở Chelsea và chơi với phong độ hủy diệt. Mùa 2006/07, anh ghi 33 bàn ở mọi đấu trường, trở thành Vua phá lưới Premier League rồi đoạt giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi. Ngày về nhận giải, Drogba thông báo rằng trận đấu giữa Bờ Biển Ngà với Madagascar vào tháng 6/2007 sẽ được tổ chức tại Bouake, trung tâm đầu não của quân nổi dậy.

Khi trận đấu diễn ra, trước mắt Drogba và đồng đội là cảnh tượng không tưởng. Những người lính buông lơi súng ống, lính chính phủ hay quân nổi dậy, người bắc hay người nam, tất cả cùng khoác vai uống bia và cổ vũ bóng đá. Sự phấn khích từ Bouake lan ra cả đất nước Bờ Biển Ngà. Lần đầu tiên sau nhiều năm họ trở thành một khối thống nhất, tận hưởng làn gió mát mang tên hòa bình được gửi tới từ vị thần Drogba.

Sau cuộc phiêu lưu dài với bóng đá, Drogba chính thức giải nghệ năm 2018. Nói đến anh, người ta không chỉ nhớ về một huyền thoại sân cỏ mà còn về một người hùng góp công hàn gắn đất nước và mang tới hòa bình. Và sứ mệnh của Drogba chưa kết thúc.

“Tôi thích vai trò lãnh đạo, nhưng tầm nhìn của tôi không bó buộc ở vai trò huấn luyện viên. Một huấn luyện viên chỉ có thể ảnh hưởng lên một đội bóng, trong khi tôi muốn tác động đến cả một quốc gia”, Drogba nói với tư cách Đại sứ thiện chí của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, đồng thời là Phó Chủ tịch của tổ chức Hòa bình và Thể thao.

 On Football
Từ khóa: