NỘI DUNG: THANH ĐÌNH / ĐỒ HỌA: Z.K

46 năm trước một trận cầu lịch sử đã diễn ra giữa đại diện hai miền Nam - Bắc. Còn hơn cả trận bóng đá thông thường, đó là cuộc sum họp giữa những người anh em, đồng bào sau nhiều năm bị chia cắt.

Có thể bạn sẽ hơi bất ngờ khi biết rằng bóng đá du nhập vào nước ta từ rất sớm, và trận đấu bóng đá đầu tiên được lịch sử ghi nhận là cuộc so tài giữa tuyển Sài Gòn và Chiến hạm King Alfred. Những thập niên đầu thế kỷ 20, phong trào bóng đá, khi ấy được gọi là bóng tròn, diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước. Ở Nam Kỳ có CLB Ngôi sao Gia Định, Saigon Sport còn Bắc Kỳ nổi tiếng với bộ tứ CLB Hà Nội, Ánh Chớp, Ngọn Giáo Thần và Lạc Long.

Tuy nhiên, vì bóng tròn vẫn đang trong thời kỳ phôi thai, lại thêm sự phân chia ba kỳ dưới thời Pháp thuộc và điều kiện đi lại, truyền tin khó khăn, đã không có trận đấu nào diễn ra giữa Bắc và Nam. Phải đến năm 1950, một sự kiện như vậy mới được tổ chức bởi Liên đoàn bóng tròn Nam Kỳ. Nhân dịp đầu năm mới, giải giao hữu Bắc - Trung - Nam diễn ra tại sân Vườn Ông Thượng, tức công viên Tao Đàn sau này. Đội tuyển Nam Kỳ giành ngôi đầu.

Năm 1951, ba đội đại diện Bắc - Trung - Nam lại gặp nhau để tranh Cúp Hoàng đế Bảo Đại trên sân Tự Do (Huế). Năm 1952, ba đội so tài ở sân Mangin dưới chân Cột Cờ Hà Nội. Cả hai năm này, đội giành chiến thắng chung cuộc vẫn là tuyển Nam Kỳ.

Như đã biết, sau Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương (07/1954), đất nước bị chia làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Thế nhưng bóng đá vẫn tiếp tục lăn trên sân cỏ hai miền.

Tuyển miền Nam Việt Nam là một trong những đội bóng hàng đầu châu Á, từng đoạt cúp Mederka, huy chương Vàng SEA Games trong khi hệ thống giải quốc gia khá đồ sộ với 65 đội tham dự 5 giải đấu. Miền Bắc cũng không kém cạnh. Vào năm 1957, giải hạng A có 12 đội mạnh nhất còn hạng B có đến 81 đội chia làm 16 bảng. Tuyển miền Bắc thường nằm trong tốp 4 đội mạnh nhất giải GANEFO.

Trong hoàn cảnh nào tình yêu với trái bóng của cầu thủ hai miền vẫn rực cháy. Và họ mơ về một trận cầu của tình anh em giữa Bắc và Nam.

Cuối cùng thì ngày đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối cũng đã tới. Trưa ngày 30/04/1975, xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc lập, Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, miền Nam hoàn toàn giải phóng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm của dân tộc ta chính thức kết thúc.

Trong một dịp nói trên truyền hình nhân ngày 30/04 lịch sử, ông Mai Đức Chung, cựu danh thủ của CLB Tổng cục Đường sắt, cho biết: “Nghe tin lá cờ Tổ quốc Việt Nam bay phấp phới trên Dinh độc lập, người dân miền Bắc chúng tôi vui sướng lắm. Ai nấy đổ ra đường với cờ quạt rầm rộ. Từ trẻ con đến người lớn đều ăn mừng sự kiện đất nước thống nhất hoàn toàn. Sung sướng lắm, phấn khởi lắm bởi điều gì đó nặng nề của đất nước đã được tháo bỏ, từ nay Nam - Bắc là một”.

Vậy cầu thủ miền Nam khi đó tâm trạng ra sao? Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Trí Công của Bongdaplus, danh thủ Hồ Thanh Cang của CLB Hải Quan nói rằng giống như nhiều người miền Nam khác, ông đã rất lo lắng trước sự kiện 30/04. Nhưng rất nhanh chóng, sự thân thiện của quân giải phóng đã xua tan mọi âu lo. “Chiều 30/04 tôi còn cùng mấy anh em ra sân Tao Đàn giăng lưới chơi bóng”, ông nói.

Sau ngày 30/04, người dân miền Nam bắt tay vào tái thiết và ổn định cuộc sống, bóng đá tạm gác lại. Cho tới một ngày, các lãnh đạo nghĩ rằng đã đến lúc bóng đá nói riêng và thể thao nói chung hồi sinh. Nhân ngày 02/09, Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một trận đấu đã được tổ chức trên sân Cộng Hòa giữa Hải Quan và Ngân Hàng.

Hải Quan nguyên là Quan Thuế trước đây còn tiền thân của Ngân Hàng là Việt Nam Thương Tín. Tuy tên thay đổi nhưng nòng cốt chính vẫn là những cầu thủ cũ của hai đội, như Hồ Thanh Cang, Phạm Văn Lắm, Đỗ Thới Vinh, Đỗ Cẩu và Võ Thành Sơn, Lê Văn Tâm, Hương, Cầu, Long, Tiếu.

Hải Quan đã đánh bại Ngân Hàng với tỷ số 3-1, nhưng tất cả những người trên sân đều chiến thắng. Đó là bằng chứng thép cho việc không có màn “tắm máu” nào như báo chí nước ngoài mô tả, chỉ có sự hòa hợp dân tộc, tình đoàn kết và dựng xây.

Vào năm 1976, ông Mai Đức Chung cùng các đồng đội ở Tổng cục đường sắt có chuyến du đấu 8 tỉnh Trung Quốc. Được thành lập bởi giới công nhân hỏa xa, Tổng cục đường sắt sớm vươn lên trở thành một trong những đội hàng đầu miền Bắc và thường được chọn làm đại diện cho bóng đá Việt Nam trong các trận giao hữu quốc tế.

Một ngày nọ, Tổng cục đường sắt nhận được chỉ thị từ cấp trên phải trở về để làm nhiệm vụ đặc biệt. Khi biết sẽ được vào miền Nam chơi bóng, như ông Mai Đức Chung chia sẻ, “tôi cùng các anh em vui mừng khôn tả, đến mức không ăn không ngủ được, sung sướng hơn cả được đi nước ngoài”.

Ý tưởng về trận cầu thống nhất hình thành bởi ông Lê Bửu, người được giao nhiệm vụ tiếp quản, gây dựng lại thể thao các tỉnh, thành phía Nam sau ngày giải phóng. Năm 1976, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi ấy là Chủ tịch UBND TP.HCM đã bày tỏ sự băn khoăn về phong trào TDTT TPHCM coi bộ hơi yếu, ông mới đề xuất xây dựng phong trào TDTT quần chúng, người người luyện tập, nhà nhà luyện tập. Năm ấy cũng là lần đầu tiên mọi người tại thành phố biết đến khẩu hiệu: “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Rồi ông Lê Bửu báo cáo Thành ủy về kế hoạch tổ chức một trận bóng giao lưu học hỏi giữa hai miền Nam Bắc. “Anh Sáu Dân (tức cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) có hỏi mời ai vào? Tôi nói mời đội Đường sắt. Đồng chí liền hỏi tại sao? Tôi đáp, vì chúng ta chuẩn bị làm đường sắt từ Bắc vô Nam, từ Nam ra Bắc nên đội bóng đó thể hiện cho sự đoàn kết của giai cấp công nhân.

Anh Sáu lại hỏi: Thế đội đó sẽ thi đấu với đội nào? Tôi đề xuất đá với đội Cảng Sài Gòn, bởi đây cũng là đội bóng của giai cấp công nhân, lại là đội bóng lớn nhất phía Nam”, ông Lê Bửu, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT nhớ lại.

Đây cũng là lời giải thích cho việc tại sao Thể Công, đội bóng vô địch hạng A miền Bắc với lứa cầu thủ lẫy lừng như Vương Tiến Dũng, Nguyễn Cao Cường, Nguyễn Trọng Giáp, Quản Trọng Hùng, Phan Văn Mỵ lại không được chọn làm sứ giả đầu tiên của bóng đá miền Bắc vào miền Nam thi đấu.

Rồi chuyến bay quân sự 11.12 cũng hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nơi từng chứng kiến cuộc tháo chạy trong hoảng loạn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Bây giờ, không khí xúc động tràn ngập khi hai đội trưởng, Phạm Huỳnh Tam Lang của Cảng Sài Gòn và Phạm Văn Lắm của Hải quan ra nhà ga sân bay chào đón các đồng nghiệp đến từ miền Bắc. Cái ôm của họ không chỉ là giữa những người mến tài nhau mà giờ mới gặp, đó còn là cái ôm của tình anh em, tình đồng bào.

Dĩ nhiên sau bao năm chia cắt, người hai miền không khỏi tò mò và cả sự dè chừng. Trang Thesefootballtimes trích lời ông Mai Đức Chung, rằng “tất cả chúng tôi đều háo hức muốn xem Sài Gòn vì chưa ai từng tới đây, chỉ nghe đồn đó là Paris của Phương Đông”. Tuy nhiên, ông và đồng đội đều nhận lời cảnh báo “tình hình Sài Gòn chưa thật ổn, vẫn còn nguy hiểm nên không ai được đi một mình”. Hầu hết các cầu thủ không thể ngừng nghĩ về những lời nói đó.

Người dân Sài Gòn cũng chưa bao giờ gặp các cầu thủ miền Bắc, chỉ nghe đồn “dân ngoài Bắc thiếu ăn, 7 người bám vào ngọn đu đủ không gẫy”. Thế nên mới có chuyện khi Mai Đức Chung cùng đồng đội bước ra sân tập luyện trước trận, nhiều khán giả ùa vào nắn tay nắn chân, sau đó không ngừng cảm thán “sao các chú trẻ khỏe, đẹp giai, thư sinh đến thế”.

Có vẻ như chính các cầu thủ ngoài Bắc lại có phần nhỉnh hơn về mặt thể hình. Trung vệ Lê Khắc Chính của Đường sắt cho biết: “Hồi đó đội chúng tôi có chiều cao khá đồng đều, gần như ai cũng trên mét bảy. Ngược lại, cầu thủ người Sài Gòn trông nhỏ con hơn”.

Mong muốn chiêm ngưỡng các cầu thủ từ Bắc vào bằng xương bằng thịt, cộng thêm tình trạng “đói” bóng đá quá lâu, người dân Sài Gòn tràn ngập Cộng Hòa, sân sẽ sớm đổi tên thành Thống Nhất. Sức chứa 25.000 người rõ ràng không đủ. Dù 19h30 ngày 07/11/1976 trận đấu mới bắt đầu nhưng từ 14h, sân vận động đã được phủ kín bởi 40.000 khán giả khiến cửa vào sân phải đóng lúc 15h. Người xem tràn ra hành lang và lấp đầy cả đường pitch.

“Tôi chưa bao giờ thi đấu trong bầu không khí như vậy, cảm giác như khán giả sắp tràn vào sân vậy”, cầu thủ Hoàng Gia của Đường sắt nói, “Khi tiếng còi khai cuộc vang lên, chúng tôi biết rằng người hâm mộ vẫn đang tìm mọi cách để vượt qua cánh cổng. Bên ngoài cảnh sát phải bắn chỉ thiên để vãn hồi trật tự”.

Việc lựa chọn Đường sắt và Cảng Sài Gòn đá trận giao hữu Bắc - Nam của ông Lê Bửu không xuất phát phát từ khía cạnh chuyên môn, nhưng tình cờ đây lại là cuộc chạm trán thú vị giữa hai phong cách bóng đá.

Cảng Sài Gòn chơi với sơ đồ 4-2-4 linh hoạt, chuộng lối chuyền ngắn và nhanh theo triết lý của HLV Flavio Costa từng dẫn đội ở thập niên 1950. Trong khi đó, HLV Trần Duy Long của Đường sắt từng theo học ở Học viện Thể thao Kiev vào những năm 1940. Vì vậy đội của ông như các đội Đông Âu khác, gắn bó với hệ thống 4-3-3, chơi bóng dài và thiên về thể lực.

Ngoài ra còn có những cuộc đối đầu đầy hứa hẹn giữa các ngôi sao bóng đá hai miền. Mai Đức Chung sẽ phải tìm cách vượt qua Phạm Huỳnh Tam Lang; Trần Văn Xinh, Tư Lê cũng phải làm công việc tương tự với Lê Khắc Chính; còn ở hàng tiền vệ, Mười “xìu”, Dương Văn Thà chạm trán Lê Thụy Hải, Phạm Kỳ Thụy.

Mặc dù vậy, đây không phải trận đấu đặt nặng chuyện thắng thua. Khi cầu thủ hai đội bước ra sân, sân Cộng Hòa như nổ tung. Các khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay vang trời. Ông Mai Đức Chung không bao giờ có thể quên khoảnh khắc xúc động ấy: “Chúng tôi nắm chặt tay nhau cất giọng hát bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Ai cũng hạnh phúc, rưng rưng xúc động và nghẹn ngào một hồi lâu”.

Theo lời ông Chung thuật lại, ông ghi bàn đầu tiên của trận đấu bằng pha băng lên rồi bật cao đánh đầu sau cú tạt bóng từ biên phải của đồng đội Minh Điểm. Bàn thứ hai xứng đáng là một siêu phầm, khi tiền vệ Lê Thụy Hải sút bóng rất căng từ gần vòng cung giữa sân vào lưới. Cố danh thủ Lê Thụy Hải từng kể về tình huống này: “Tôi có bóng từ giữa sân, quay lại đã thấy trung vệ Tam Lang sừng sững nhào lên. Sau chút ngập ngừng, do thủ môn Lưu Kim Hoàng đã xuất tướng, tôi co chân sút thật mạnh từ khoảng cách 40m, bóng vẽ một đường cong rồi chui vào góc cao cầu môn”.

Đội Đường sắt thắng chung cuộc 2-0, song như đã nói, thắng thua không quan trọng. Cầu thủ hai đội ôm chầm lấy nhau trong tiếng hô vang dậy của người hâm mộ. Họ đã mang tới một màn trình diễn của tình đoàn kết, xua tan những hoài nghi và đưa nhân dân hai miền xích lại gần nhau. Riêng về bóng đá, trận đấu này đặt nền móng cho sự phát triển của bóng đá nước nhà trong thời kỳ thống nhất.

Gần nửa thế kỷ đã trôi, những chứng nhân lịch sử năm nào người còn người mất. Thế nhưng buổi tối lịch sử ở sân Cộng Hòa sẽ còn được nhớ mãi trong tâm trí người hâm mộ và lịch sử của cả dân tộc.

 On Football
Từ khóa: