NỘI DUNG: DŨNG PHAN / ĐỒ HỌA: Z.K

Ngày 5 tháng 7 năm 1984, sân vận động San Paolo ở Naples nêm chặt 85.000 khán giả cuồng loạn. Tất cả gào thét một cái tên đang vẫy chào bên dưới thảm cỏ xanh. Chàng trai ấy chính là Diego Maradona. Rồi từ đây, Naples sẽ đón về những đam mê cuồng loạn, những vinh quang chiến thắng, những gian trá lừa lọc, và cả nước mắt dành cho người hùng của họ.

“Tôi muốn cho người dân ở đây được hạnh phúc, họ xứng đáng với điều đó!”

Khi Maradona mang lại chiến thắng cho CLB Napoli, ông đã dõng dạc phát biểu câu đó. Đối với một nơi khác, câu nói đó cũng nhàn nhạt như những lời giáo điều thường gặp khác. Nhưng với Napoli thì mang ý nghĩa lớn lao hơn nhiều. Nước Ý vốn nặng nề về phân biệt vùng miền, tính “địa phương chủ nghĩa”. Còn Napoli ư? Họ chính là “Châu Phi của nước Ý”. Sự gặp nhau giữa Maradona với Napoli là chuyện tình giữa một cầu thủ thiên tài nhưng rất người với những cổ động viên yêu như để chết. Đấy là cuộc hôn phối của một thiên thần, nhưng cũng là một con quỷ trưởng thành từ khu ổ chuột ở ngoại ô phía nam của Buenos Aires, đã đến vùng đất này và được yêu thương trong vòng tay đùm bọc của một thành phố đầy rẫy tội phạm dưới sự thống trị của tập đoàn mafia Camorra.

Ngày 3/11/1985, Juventus gặp Napoli. Đội chiến thắng là Napoli với tỉ số sát nút 1-0, người ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu chính là Maradona với cú sút phạt đã được phân tích không phải bởi những nhà báo, mà là các nhà vật lý. Những nhà khoa học ấy đã vẽ ra một phương trình với hướng gió, sức cản không khí, trọng lực trái đất, rồi đi đến kết luận Maradona không sút mà chỉ vuốt nhẹ trái bóng đi lên vừa đủ, và rót xuống vừa khớp khung thành. Bàn thắng ấy không chỉ thể hiện tài năng của Maradona, mà nó còn giải phóng một sự bí bức trong lòng những người dân Naples. Đã có 5 người ngất xỉu, 2 người lên cơn đau tim sau chiến thắng đó.

Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu của chuỗi niềm vui bất tận mà “Cậu bé vàng” sẽ đem đến cho thành phố này. Đầu tiên, hãy nói về vị thế của Napoli. Đội bóng thành lập vào năm 1926, và trước khi Maradona tới, Napoli chưa hề vô địch quốc gia. Mùa giải 1983/1984, họ hơn nhóm rớt hạng 1 điểm. Điều đó cũng giống như hôm nay Ronaldo chọn Southampton chứ không phải Manchester United, Messi chọn Brest chứ không phải chọn PSG. Cái điều tuyệt luân và vĩ đại ở đây là chuyện ngôi sao ấy lại đưa đội bóng của mình vô địch. Kỳ tích vô tiền khoáng hậu ấy đã được ăn mừng bằng một sự điên loạn ở thành phố vốn đã nhiều sự điên khùng này.

Ngày Napoli chính thức vô địch quốc gia mùa giải 1986/1987, một lễ ăn mừng hoành tráng nhất lịch sử, và kinh động cả người chết đã diễn ra. Vâng, tôi đang nói theo nghĩa đen của việc đó. Khi nghĩa trang thành phố Napoli đã bị vạch sơn xanh lên đó bằng dòng chữ: “Thật tiếc cho quý vị. Quý vị có biết quý vị đã bỏ lỡ điều gì không?”

Người chết bị đánh thức, và người sống cũng không được yên. Hàng trăm đứa bé ra đời không hiểu gì bỗng bị đặt tên là Diego. Nếu tính từ năm 1976, thì đã có 12.370 người được đặt theo tên Diego Armando. Gần 20.000 lá phiếu cử tri đã được ghi thành “Maradona muôn năm” trong cuộc bầu cử địa phương diễn ra ngay sau đó. Naples yêu Maradona không chỉ bởi anh đem đến cho họ chiến thắng, hay cho họ chạm vào những vinh quang mà họ chưa từng đạt được, mà còn cho người Napoli một niềm kiêu hãnh sung sướng trước những kẻ luôn dè bỉu và đè đầu cưỡi cổ họ như Juventus hay AC Milan. Với Maradona trong tay, Napoli vươn lên thành một thế lực khi giành thêm một Scudetto nữa vào mùa giải 1989/1990, không chỉ thành công ở đấu trường trong nước, mà còn thành công ở Châu Âu với danh hiệu UEFA Cup (tức Cup C3) vào mùa giải 1988/1989. Tạo nên những điều kỳ vĩ ấy, Maradona đã trở thành vị thánh ở thành phố này.

Nhưng Naples không chỉ có tình yêu, mà còn có cạm bẫy. Không chỉ có bóng đá, mà còn có tình dục vá ma túy. Không chỉ có màu xanh bầu trời, mà còn có màu đen của Camorra. Một nửa thiên thần khép lại, một nửa ác quỷ của Maradona bước ra để thâu nạp lấy nó, và mở đường cho sự diệt vong. Maradona không như hậu bối Messi ngoan ngoãn, rụt rè, và có lẽ còn hơi khờ. Maradona cực kỳ duyên dáng, thông minh và còn là một tay khiêu vũ giỏi. Messi hướng nội, còn Maradona hướng ngoại. Maradona quyến rũ các bóng hồng và Maradona cũng bị những người mẫu, diễn viên, ca sĩ, MC truyền hình quyến rũ ngược lại. Các tai tiếng về hiếp dâm, con rơi, chối bỏ, bu đầy quanh ông. Nhưng ông an toàn, bởi vì ông được ngưỡng mộ đến điên dại ư? Không, là vì camorra ở cạnh ông.

“Bất kỳ vấn đề nào của anh giờ cũng sẽ là của tôi”. Đó là câu nói của ông trùm băng đảng Carmine Giuliano dùng để làm quen với Maradona vào ngày gặp nhau đầu tiên của hai người. Nụ cười nhã nhặn ấy là khởi nguyên của bi kịch dành cho siêu sao bóng đá lớn nhất mọi thời đại. Với vòng tay bao bọc của gia đình Giuliano, Maradona có ma túy chơi từ thứ 2 đến thứ 4 trước khi quay lại phòng tập vào thứ 5 để cuối tuần ra sân. Với sự bảo kê của camorra, những vấn đề scandal đời tư không thể chạm được vào Maradona, vì có thể sáng mai sẽ lềnh bềnh một cái xác tại Vịnh Napoli. Phần ác quỷ của Maradona được tự do tung cánh, trước khi bị chính nước Ý bẻ gãy trong một trận đấu định mệnh ta sẽ nói ở phần sau bài viết. Camorra đã kiểm soát Maradona thông qua cơn nghiện. Còn Maradona luôn về nhà trong tình trạng phê pha sau khi “quăng tao cái boong” với bạn bè. Tuy nhiên, Maradona là thiên tài trong tất cả các thiên tài. Dù tan hoang như vậy thì ông vẫn thắng, vẫn vô địch, vẫn đi bóng qua liên tục, vẫn bị phạm lỗi, vẫn đứng dậy và vẫn ghi bàn. Maradona đã bị tiêu diệt từ chính bên trong (ma túy), lẫn bên ngoài - nền công nghiệp bóng đá luôn tìm mọi cách để “vắt sữa” ông.

Với ma túy, Maradona hạnh phúc trong ngắn hạn và đau khổ trong dài hạn.

Linh hồn Maradona không chỉ ở Napoli, mà nó còn dành cho Argentina. Sinh ra ở khu ổ chuột ở ngoại ô phía nam của Buenos Aires, nên Maradona thấu hiểu được cảm giác của người lao động Argentina. Thấu hiểu được cái nghèo, cái khổ, cái thiếu ăn, và cái cảm giác muốn giải phóng mọi thứ qua môn bóng đá. Năm 1982, một sự kiện đã xảy ra ở Argentina, “Bà đầm thép” Margaret Thatcher điều lực lượng hải quân Anh đến tái chiếm quần đảo Falkland vừa bị chính quyền Argentina tuyên bố chủ quyền. Chiến thắng thuộc về người Anh, còn người Argentina mất đi quần đảo ấy. 4 năm sau, Anh gặp Argentina tại tứ kết World Cup 1986, Maradona ghi hai bàn thắng. Chúng thể hiện đúng hai mặt sáng-tối của con người ông. Một bàn thắng bằng tay thể hiện sự gian dối, một bàn thắng từ pha solo qua 6 cầu thủ thể hiện phẩm chất của một thiên tài kiệt xuất. Tuy nhiên, câu chuyện còn đặc biệt hơn thế. Bàn thắng bằng tay ấy được Maradona gọi là “Bàn tay của Chúa”. Maradona đã dùng cái “tà đạo” lẫn cái thiên tài để giải tỏa ấm ức của người dân Argentina sau vụ quần đảo Falkland. Maradona là cầu thủ mang cả linh hồn dân tộc vào trong bóng đá. Tổng thống Argentina, ông Alberto Fernandez về sau đã đúc kết lại: "Maradona chỉ đem tới cho người Argentina niềm vui. Maradona là Argentina!"

34 năm sau chức vô địch World Cup 1986, Valdano đã khóc trước màn hình tivi khi được hỏi về Maradona. Ngày Argentina vô địch World Cup 1986, đó như một câu chuyện cổ tích về một cậu bé nghèo khổ sinh ra từ một khu ổ chuột, nhưng đã chinh phục mọi nấc thang danh vọng, và gieo vào lòng người dân Argentina những niềm vui khó tả, cùng một danh hiệu vinh quang đầy mơ ước. Hôm đó, Maradona gọi cho mẹ, và bà nói “Con đã biến mẹ thành người mẹ hạnh phúc nhất trần gian". Từ năm 15 tuổi, Maradona đã chăm sóc tất cả mọi người trong gia đình. Cả cuộc đời, Maradona luôn tự làm tổn thương chính mình, nhưng chưa bao giờ Maradona làm tổn thương gia đình.

Từ Napoli đến Argentina, Maradona được sùng kính vì ông không chỉ biết cách đem đến niềm vui qua trái bóng mà còn gieo cả niềm tự hào dân tộc, tự hào vùng miền, chống phân biệt giai cấp, và cảm giác được giải phóng của những người lao động. Maradona đem bóng đá vượt qua khuôn khổ bóng đá, quanh ông còn là chính trị và xã hội.

Cuộc đời này là những sự sắp xếp của định mệnh. Ở hai nơi tạo ra Maradona, ở hai nơi Maradona được yêu quý nhất, lại chính là nơi diễn ra sự sụp đổ của Maradona. Đấy là ngày Italia gặp Argentina tại bán kết World Cup 1990. Những nhà tổ chức đã đưa ra một quyết định ngu xuẩn đấy là tổ chức trận đấu giữa Argentina và Italia tại sân vận động San Paolo – sân nhà của Napoli, nơi Maradona được thờ phụng như Chúa Trời. FIFA và FIGC đã đẩy nước Ý vào trong sự chia rẽ khủng khiếp nhất giữa miền Bắc và miền Nam, họ đã đẩy Napoli càng lúc càng xa nước Ý, và họ đã đẩy Maradona vào trong sự lựa chọn của số phận, nơi ông không thể chiến thắng.

120 phút kết thúc với tỉ số hòa 1-1 và hai đội bước vào loạt penalty định mệnh. Maradona với tấm băng đội trưởng trên tay sút quả bóng quyết định. Quãng đường anh đi chỉ dài hơn 30 mét, nhưng đó giống như quãng đường đi xuống địa ngục. Người Naples chết lặng trước khoảnh khắc của định mệnh, một khoảnh khắc đau lòng làm sao là không thể đảo ngược. Quả bóng lăn vào lưới mang theo hai trái tim đã chết của hai người yêu nhau. Trận đấu ngu xuẩn đó kết thúc cũng là lúc sợi dây liên kết của Maradona và Naples, với nước Ý đứt phựt. Kể từ đó, nước Ý không còn yêu Maradona. Kể từ đó, vinh quang chính thức khép lại để liên tục nhận về sụp đổ. Và kể từ đó, Maradona không còn được bảo vệ. Truyền thông, quan tòa, cục thuế, và cả cảnh sát phòng chống ma túy bắt đầu tấn công Maradona. Ông trùm băng đảng Carmine Giuliano cũng bị truy vết và phải bỏ rơi người bạn của mình.

Nhưng Maradona là ai? Maradona là người có cá tính mạnh mẽ. Maradona lao tới đương đầu, chiến đấu, chống lại. Nhưng ông cô đơn và quá nhỏ bé. Còn những người chống lại ông giờ đây nào phải là những hậu vệ của Juventus hay AC Milan? Hôm nay chống lại ông là truyền thông, quan tòa, cục thuế, cảnh sát. Và họ đã đánh bại được Maradona. Ngày 14 tháng 2 năm 1991, từ một cuộc điều tra bắt đầu tiến hành tại Naples. Kết quả có 9 người vào tù, 16 người chạy trốn, và 1 đoạn ghi âm cho thấy Maradona xuất hiện trong đường dây mafia tại Naples, để trao đổi về ma túy và gái. Đoạn ghi âm đã tiêu diệt anh, như kết quả xét nghiệm sau đó 3 năm trên nước Mỹ sẽ tiêu diệt Maradona mãi mãi.

Hôm đó, Maradona ra tòa, đối mặt với thẩm phán. Những công tố viên không còn bao dung với người hùng nữa. Maradona nhận án tù treo 1 năm, 2 tháng tù ngồi, và nộp phạt 5 triệu lira. Ngày đến Naples, Maradona đến giữa 85.000 cổ động viên gào thét tên mình. 6 năm sau, ông rời đi không kèn, không trống. Người viết nhớ đến một câu nói trong bộ phim “Người Nhện” do nhân vật phản diện Norman Osborn đã nói: "Đám đông thích thú kẻ anh hùng, và càng thích thú gấp bội khi thấy người hùng diệt vong."

Maradona ở Naples là câu chuyện như trong Kinh Thánh, nơi ấy có một người hùng, có một vị chúa, và có cả một con quỷ.

Ngày 25 tháng 11 năm 2020, Diego Maradona trút hơi thở cuối cùng. Thế giới bóng đá đã quen dần với sự ra đi lần lượt của những huyền thoại bóng đá. Nhưng sao cái chết của Maradona để lại nhiều bâng khuâng và cảm xúc thế? Đám tang của Maradona đã đứng trên 2 chữ cầu thủ, vượt ra ngoài khuôn khổ bóng đá. Đất nước Argentina tuyên bố quốc tang ba ngày. Tang lễ của ông được tổ chức tại phủ Tổng thống - vinh dự chưa từng có với một cầu thủ bóng đá. Hàng nghìn người Argentina trèo lên các tòa nhà cao tầng, lao vào đám viếng khiến cảnh sát chống bạo động phải xịt vòi rồng. Pháo hoa được bắn mỗi khi đoàn xe đi ngang qua. Nhiều người đi ô tô hoặc xe máy lần lượt nhập vào đoàn rước với chiếc áo số 10 trên lưng. Trong đám tang ông, CĐV của Boca Juniors và River Plate ôm nhau khóc. “Vua bóng đá” Pele viết dòng trạng thái với lời hẹn ước sẽ chơi bóng cùng nhau trên thiên đàng. Những người nghệ sĩ đường phố Brazil vẽ những bức graffiti chân dung Maradona trên các bức tường ở khu ổ chuột Rio de Janeiro. Và ở cái nơi thờ phụng lẫn chứng kiến sự sụp đổ của Maradona, mọi hoạt động của thành phố đã gần như dừng hẳn lại để tưởng niệm. Người Naples xuống đường trong đêm, diễu hành trên các con phố với pháo sáng, nến và hoa. Đội chủ sân Napoli viết trên mạng dòng trạng thái: “Diego, Tình yêu duy nhất và bao la. Đây là nhà của anh, đây là những người bạn của anh. Naples sẽ yêu người mãi mãi!”

Maradona đã sống một cuộc đời ngụp lặn trong cả thiên đường và địa ngục, tuyệt diệu, nhưng kinh khủng, tuy ngọt ngào mà gian dối. Một cuộc đời đáng ngưỡng mộ, mà không ai dám làm theo và không đủ bản lĩnh để làm được.

Một năm sau cái chết của Maradona, còn lại là những niềm đau lịch sử, những hư vô trống trải và những câu chuyện truyện kỳ về một cầu thủ có lẽ là “tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả” (trước và sau, không ai như thế).

 On Football
Từ khóa: