NỘI DUNG: THANH ĐÌNH / ĐỒ HỌA: Z.K

Làn sóng phẫn nộ với nhà Glazer ở MU đã lên đến đỉnh điểm. Nhưng sự chống đối của người hâm mộ liệu có thay đổi được gì? Có lẽ là không. Nhà Glazer vẫn là ông chủ, và kẻ thù ở Old Trafford.

Những màn trình diễn kém cỏi, các thống kê gây sốc, mùa thứ 5 liên tiếp trắng tay cùng chính sách điều hành thiếu hiệu quả đã kích động sự tức giận của người hâm mộ MU lên đến đỉnh điểm. Như mọi lần, mũi dùi lại chĩa vào nhà Glazer, thủ phạm khiến Quỷ đỏ đánh mất ánh hào quang và ngày một lún sâu vào sự tầm thường.

Sau 17 năm, CĐV MU không muốn chịu đựng thêm nữa. Họ tuần hành từ quán rượu Tollgate đến Old Trafford, giơ cao các biểu ngữ trên khán đài, tràn vào sân tập Carrington, đốt pháo sáng, thuê trực thăng mang thông điệp chống nhà Glazer… Họ đã làm mọi thứ có thể. Họ muốn đám chủ Mỹ phải cuốn gói ngay lập tức. Và họ có lý do để làm vậy.

Gần hai thập kỷ qua, MU trở thành con bò sữa của nhà Glazer. Vào tháng 1 các cổ đông đã nhận được khoản cổ tức chi trả một năm hai lần trị giá 11,3 triệu bảng. Là những cổ đông lớn nhất, 6 anh chị em nhà Glazer chia đều khoản tiền 8,8 triệu bảng. Tháng 6 tới họ sẽ nhận khoản cổ tức tiền mặt khác trị giá 0,09 đô la cho mỗi cổ phiếu sở hữu.

Tính đến nay, nhà Glazer đã thu lại từ MU hơn 200 triệu bảng. Họ cũng kiếm được hàng trăm triệu khác thông qua việc bán cổ phiếu tại sàn chứng khoán New York. Như năm ngoái, anh em nhà Glazer đã hai lần bán, đợt đầu trị giá 74 triệu bảng và đợt hai trị giá 137 triệu, ngay sau sự kiện Cristiano Ronaldo trở lại khiến cổ phiếu tăng 7%. Dĩ nhiên số tiền thu được đi thẳng vào túi các ông chủ người Mỹ.

Trong khi đó, MU vẫn ngập trong nợ nần. Báo cáo tài chính mới nhất cho thấy tổng nợ ròng của CLB hiện ở mức 439,7 triệu bảng. Theo tính toán, kể từ khi nhà Glazer chiếm quyền sở hữu, Quỷ đỏ đã mất 1,5 tỷ bảng tiền lãi, trả nợ và các khoản chi khác.

Như cáo buộc của người hâm mộ MU, nhà Glazer đang vắt kiệt đội bóng, sau đó mô tả họ là “con quỷ hút máu”, “ký sinh trùng”. Việc đầu tư cho chuyển nhượng chỉ nhằm mục đích tăng giá cổ phiếu hoặc thu hút tài trợ, và lịch sử hào hùng của CLB bị vấy bẩn bởi lòng tham không đáy.

Người hâm mộ Quỷ đỏ có thể lật nhào đế chế nhà Glazer, hoặc ít nhất khiến các ông chủ Mỹ lắng nghe? Nếu tin điều đó, bạn đã quá ngây thơ.

Nhà Glazer đã bị phản đối ngay khi chưa tiếp quản MU. Mùa hè 2005, Joel, Avram và Avie được ông bố Malcom Glazer cử đến Anh để hoàn tất việc thu gom 98% cổ phần của CLB. Cả ba đã có chuyến tham quan thú vị ở London, sau đó đến Manchester vào buổi tối. Họ không biết rằng ngoài các quan chức đội bóng còn có hơn 400 người hâm mộ tụ tập ở Old Trafford.

Đội ngũ an ninh của MU không thể kiểm soát tình hình và cần trợ giúp của cảnh sát chống bạo động để hộ tống chiếc xe thùng chở anh em nhà Glazer. Đám đông la hét: “Bọn Glazer đi chết đi” rồi ném đá rào rào. Hai người đã bị bắt nhưng bầu không khí vẫn sục sôi. Khi các ông chủ mới vào được bên trong Old Trafford, một cổng thép xung quanh lối vào được dựng lên và hai đầu đường hầm bên dưới khán đài Đông bị khóa chặt. “Khá là đáng sợ”, một người trong đoàn tùy tùng nhà Glazer nói.

Phong trào chống Glazer không ngừng lan rộng và chưa bao giờ nguội lạnh kể từ đó. Các tổ chức phản đối liên tục được lập ra. Mới nhất là nhóm 1958, những người phát động phong trào đứng ngoài Old Trafford cho đến phút 17 ở trận gặp Norwich nhằm nhắc nhở về 17 năm thống khổ dưới triều đại Glazer.

Cùng với đó là các cuộc ly khai. FC United được lập ra năm 2005 bởi một số CĐV MU trung thành và hiện đang chơi ở hạng 7 trong hệ thống bóng đá Anh. Để trở thành đối trọng với đội bóng chính, họ sẽ phải đi một chặng đường dài. Nhất là khi MU không còn là MU của 17 năm trước.

Bây giờ MU là một siêu cường với doanh thu thương mại khổng lồ. Đếm vội, Quỷ đỏ đang có 61 nhà tài trợ, bao gồm 25 đối tác toàn cầu, 8 đối tác khu vực, 14 đối tác truyền thông và 14 đối tác tài chính.

Ban đầu, Ed Woodward và Richard Arnold tìm kiếm các bản hợp đồng trong một căn phòng nhỏ ở Mayfair. Cả hai không bao giờ rời khỏi văn phòng cho đến khi có được điều mình muốn. Các nhân viên nhanh chóng làm theo. Một nhân viên từng bám theo Giám đốc điều hành của đối tác tiềm năng khi ông này du lịch cùng gia đình tận Bali để chốt được hợp đồng.

Không lâu sau, căn phòng ấy trở nên quá chật chội. MU thuê một mặt sàn rộng ở Pall Mall, trung tâm London, với giá 5 triệu bảng/năm khi số lượng nhân viên tăng chóng mặt. Rồi họ thuê thêm trụ sở ở Green Park, đồng thời đặt thêm văn phòng ở Hồng Kông, Bắc Mỹ. Khi chia tay nhà tài trợ áo đấu Chevrolet, MU lập tức chuyển sang TeamViewer với gói tài trợ lớn hơn nhiều. Các nhân viên giờ không cần đến tận Bali để có hợp đồng. Họ biết rằng có hàng trăm công ty trên thế giới sẵn sàng trả gấp 10 lần thỏa thuận hiện tại để được gán với MU.

Dưới thời nhà Glazer, MU bị ám ảnh bởi chủ nghĩa thương mại và trở thành cỗ máy kiếm tiền không ngơi nghỉ. So với trước khi họ tiếp quản CLB, doanh thu thương mại tăng 600%. Bóng đá bây giờ là thứ yếu. Ngay sau một trận đấu, thay vì nghỉ ngơi, các cầu thủ được yêu cầu phục vụ đối tác. Một nhóm phải tỏ ra thích thú với bát mì Nhật Bản, một nhóm quảng cáo cho nhà sản xuất lốp xe Indonesia còn nhóm khác giơ cao những hộp khoai tây chiên xuất xứ từ Malaysia.

Edward Freedman là Giám đốc bán hàng của MU thời cựu Chủ tịch Martin Edwards, người rất biết cân bằng giữa lợi ích thương mại và thể thao. Vì vậy ông rất phẫn nộ với cách tiếp cận thực dụng của nhà Glazer. “Họ không hiểu giá trị của thương hiệu”, Freedman nói, “Một khi kiếm tiền từ những thứ không tương thích với thương hiệu cũng chính là cách hủy hoại thương hiệu nhanh chóng. Cùng với họ, toàn bộ sự hấp dẫn, vinh quang của MU đã mất”.

Nhưng nhà Glazer đâu quan tâm đến những thứ cao siêu. Các ông chủ Mỹ chỉ cố gắng tối đa hóa món hàng đang có.

Để hiểu nhà Glazer, cần biết gốc tích của họ. Abraham Glazer là một người Do Thái ở Lithuania, một phần của Đế quốc Nga. Theo trào lưu từ cuối thế kỷ 19, ông di cư đến Mỹ để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên nó không như mong đợi. Là thợ kim hoàn chuyên sửa chữa đồng hồ, Abraham rất chật vật để nuôi sống gia đình với 7 đứa con.

Nhà Glazer còn khốn khổ hơn khi ông bố Abraham qua đời đột ngột. Cậu con trai cả 15 tuổi Malcolm bây giờ là trụ cột chính. Vì vậy, Malcolm quyết định bỏ học để tiếp quản cửa hiệu sửa đồng hồ cùng 300 USD tiền mặt mà bố để lại. Cậu vừa sửa vừa bán đồng hồ dạo khắp vùng Rochester.

Đến một ngày, Malcolm nhận thấy căn cứ Không quân Sampson là nơi hái ra tiền. Vì vậy, đã chuyển hẳn cửa hiệu tới đây và chuyên bán đồng hồ trang sức cho cánh lính tráng. Công việc làm ăn phát đạt đến mức Malcolm có thể nuôi sống cả đại gia đình, đồng thời tích lũy được số tiền kha khá.

Điều đáng nể là Malcolm không để đồng tiền chết dí một chỗ. Ông đầu tư vào bất động sản, mua các căn hộ song lập và văn phòng giá rẻ rồi cải tạo lại cho thuê. Thật ra nói là cải tạo cho sang, trên thực tế Malcolm chỉ sửa những thứ bị hỏng hoàn toàn. Với vóc dáng dị tướng và mái tóc đỏ, Malcolm bị dân địa phương gọi là “yêu tinh”, kẻ biến thành phố thành khu ổ chuột.

Nhờ sự nhạy bén, Malcolm vẫn ổn sau ngày căn cứ Không quân Sampson bị đóng cửa và buôn bán đồng hồ thất bát. Thậm chí ông còn trở thành chủ doanh nghiệp lớn khi mua thêm nhiều bất động sản ở New York, sau đó vươn rộng khắp nước Mỹ. Rồi Malcolm tiến hành đa dạng hóa danh mục đầu tư. Ông mua lại Ngân hàng Quốc gia Savannah, phát triển, biến nó thành công cụ trong các giao dịch bất động sản.

Đến đầu những năm 1980, Malcolm đã có trong tay hàng trăm triệu đô. Ông tiếp tục giàu có hơn nữa với các vụ mua lại những công ty èo uột, tái cơ cấu, mở rộng kinh doanh trước khi bán đi khi được giá. Ngoài ra, ông còn gom trái phiếu rác trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Đến khi kinh tế phục hồi, các công ty làm ăn có lãi, ông kiếm được gấp đôi khoản đầu tư ban đầu.

Quan điểm của Malcolm rất rõ ràng, phải kiếm lời lớn từ chi phí đầu tư thấp nhất. Và ông mua MU theo cách ấy. Trong số 800 triệu bảng cho ra để mua 80% cổ phần, có đến 600 triệu là tiền vay. Một phần là khoản vay bảo đảm từ chính tài sản của CLB, phần dưới dạng khoản vay thanh toán bằng hiện vật rồi bán cho các quỹ đầu cơ.

Thực dụng là từ duy nhất để mô tả Malcolm Glazer. Và ông ta dạy các con, từ Avram, Kevin, Bryan tới Joel, Ed và Darcie, cũng nên như thế. Nhiều lần phải công du đâu đó cùng một trong các con, Malcolm đều ở trong những căn phòng thuê chật chội với 2 chiếc giường đơn. Ông cũng không hài lòng nếu con trai diện chiếc quần hàng hiệu.

“Bryan nó đang mặc chiếc quần 200 đô của Hugo Boss. Quần tôi á? Nó được bán ở bách hóa và tôi mua đợt giảm giá chỉ còn 19,95 đô”, Malcolm nói với người ông thuê để việt tự truyện cho mình, “Tôi trân trọng cái quần của mình hơn cái cách nó đối xử với quần của nó. Tại sao à? Vì tôi vẫn nhớ cái ngày tôi không có nổi 20 đô để mua cái quần tử tế”.

Tiền là trên hết, tiết kiệm đến mức bủn xỉn và thực dụng tới từng xu trở thành tôn chỉ hoạt động của nhà Glazer ngay cả khi ông bố Malcolm qua đời năm 2014. Họ mua MU vì cảm thấy đó là món hời, sau đó điều hành đội bóng với ý nghĩ các lãnh đạo trước đã khai thác kém hiệu quả lợi ích thương mại. Họ đang cố gắng tối đa hóa lợi nhuận, trong khi dưới con mắt của người hâm mộ, đơn giản là vắt kiệt đội bóng.

Tất nhiên nhà Glazer chẳng quan tâm đến người hâm mộ làm gì. Trong một tuyên bố năm 2005, Joel nói rằng “người hâm mộ rất quan trọng, là huyết mạch của câu lạc bộ. Chúng tôi sẽ liên hệ và cho họ biết điều gì đang diễn ra ở CLB”. Thế nhưng ông bố Malcolm chưa từng đặt chân đến Manchester trong khi những người con của ông cũng hiếm khi hiện diện ở Old Trafford.

Vào năm 2021, sau sự kiện Super League, Joel Glazer lần đầu “liên lạc” với người hâm mộ, sau đó đưa ra những lời hứa hẹn. Sự phẫn nộ của các CĐV MU giảm xuống lúc đó, trước khi bùng lên dữ dội vào bây giờ. Họ đã nghe những lời giả dối quá nhiều và không muốn thêm nữa. Tuy vậy, đó là việc của người hâm mộ. Nhà Glazer vẫn ở Florida và tận hưởng những điều tuyệt vời mà MU mang lại.

 On Football
Từ khóa: