Nội dung: Hà Quang Minh / Đồ họa: Z.K

Paul Pogba là ai ở MU lúc này? Rất khó có thể định nghĩa anh rõ ràng nhất. Và bởi vậy, giữa Old Trafford sẽ luôn có những người còn hô vang tên anh bên cạnh những người chỉ muốn tống khứ anh ra đi chừng nào anh còn xuất hiện trong màu áo đỏ.

Giữa một mùa Hè mà các CLB đều bị ảnh hưởng quá lớn bởi Covid-19 suốt 2 năm qua, chuyện chuyển nhượng luôn là một bài toán khó. Không ai có thể nghĩ một CLB tầm cỡ như Real Madrid mà phải loay hoay để cân đối một khoản phí chuyển nhượng khoảng 150 triệu euro cho một siêu sao trong khi họ vẫn chưa phải bỏ ra một đồng nào để mua sắm. Và giữa khó khăn chập trùng ấy, vụ Pogba ở MU là một ví dụ điển hình nhất để mô tả một thị trường mùa Hè đang bế tắc.

“Ở MU, đã từng có những ngôi sao giỏi hơn còn bị bán đi”, phát biểu ấy của Glazer như một cảnh báo lớn cho tình trạng dùng dằng của Pogba lúc này. Nó là một thông điệp rất cụ thể được gửi tới danh thủ Pháp và người đại diện Raiola. Nó cho thấy sự cứng rắn nhất quán và cần thiết của MU, một CLB không có tuyên ngôn nhưng hành động thì luôn minh chứng rằng ở Old Trafford, đừng cá nhân nào có quyền đặt mình trên đội bóng cả.

Nhưng bán Pogba là một bài toán khó. Cái khó không nằm ở chỗ ai có thể thay thế được cầu thủ người Pháp này. Từ Goretzka cho tới Camavinga, từ kinh nghiệm dạn dày tới tuổi trẻ tiềm năng, nếu MU đã gọi, chắc chắn sẽ có đáp từ. Cái khó nằm ở chỗ ai sẽ mua Pogba lúc này và nó không chỉ là khó khăn riêng của một mùa Hè ảnh hưởng nặng từ Covid-19 đơn thuần mà là cái khó chung có thể tồn tại ở bất kỳ CLB nào trong hệ thống chuyển nhượng hiện thời.

Và để hiểu cái khó này, chúng ta có lẽ nên nhìn sự việc từ 3 góc độ: từ Raiola, từ MU và từ Pogba.

Từ Raiola, một trong số hiếm hoi những người đại diện cầu thủ tài ba nhất trên thế giới hiện nay, chúng ta có lẽ cần phải có một góc nhìn dẹp bỏ hoàn toàn mọi yêu-ghét liên quan đến CLB. Câu hỏi đơn giản nhất, nhưng lại quan trọng nhất, mà mỗi chúng ta cần trả lời chính là “Raiola làm việc vì ai, và vì cái gì?”

Có thể nói một cách sòng phẳng, Raiola trước tiên làm việc vì chính ông ta, và vì quyền lợi của chính mình. Nhưng điều đáng nói là quyền lợi của một người đại diện luôn gắn chặt với quyền lợi của một cầu thủ mà ông ta nắm giữ trong tay. Hãy nhìn lại cả câu chuyện dài của Raiola với Ibrahimovic chúng ta sẽ rõ. Ibra đến Barca với một hợp đồng đầy hứa hẹn. Ibra rời Barca là bởi anh ta không hạnh phúc ở đó, anh ta muốn ra đi. Người buộc phải thực hiện những sở nguyện đó của Ibra, không ai khác, chính là Raiola bởi ông ta đang khai thác được rất nhiều từ chính danh thủ này.

Khi một người đại diện khai thác được rất nhiều quyền lợi từ một cầu thủ, ông ta sẽ có một đời sống sung túc đáng mơ ước. Nhưng ông ta cũng có thêm một thứ: gánh nặng trách nhiệm. Ông ta buộc phải làm cho cầu thủ nhận thấy chính họ đang có những cơ hội tốt hơn, năm nay tốt hơn năm trước, năm sau sẽ phải tốt hơn năm nay, để từ đó, cầu thủ chỉ chú tâm vào một mục đích: chơi bóng.

Với trường hợp của Paul Pogba, Raiola đang làm đúng. Nếu chúng ta phải nêu tên các siêu sao hàng đầu hiện đang chơi ở Premier League hôm nay, cái tên Paul Pogba liệu có xứng đáng ở vị trí top 5 bên cạnh những người như Kevin de Bruyne, Harry Kane hay không? Hãy đừng dùng cảm tính để dễ dàng gạt bỏ Pogba nếu như bạn không ưa thích gì cầu thủ này bởi nhiều lý do. Và mặc cho chúng ta có cố gắng phủ nhận giá trị của Pogba với Premier League đi nữa, giới chuyên gia uy tín vẫn khẳng định rằng Pogba là một trong số hiếm những siêu sao đẳng cấp thế giới của Premier League lúc này.

Ở cương vị một siêu sao, chắc chắn Pogba cần được hưởng quyền lợi như một siêu sao. Hơn ai hết, Raiola ý thức được điều đó như một trách nhiệm hàng đầu của mình. Và ở hè 2021 này, khi hợp đồng giữa Pogba và MU chỉ còn 1 năm nữa là đáo hạn, Raiola đã có cơ hội để tái xác định giá trị cầu thủ con cưng của mình.

Tại Premier League hiện nay, lương Pogba đang hưởng ở mức 290 ngàn bảng Anh/ tuần, đứng hàng thứ tư. Xếp trên anh có 3 người: Kevin de Bruyne (350 ngàn), Sterling (300 ngàn) và De Gea (375 ngàn). Trong bảng xếp hạng lương này, thực sự chỉ Kevin de Bruyne là người xứng tầm đứng trên Pogba mà thôi. Còn lại, nó là sự bất hợp lý mà đặc biệt là ở trường hợp của De Gea. Bất hợp lý này Raiola chắc chắn không chấp nhận. Bởi thế, ông ta phải thực hiện nhiệm vụ của mình.

Và cách mà Raiola thực hiện nhiệm vụ cũng rất rõ ràng: Nếu không có một hợp đồng với mức lương xứng tầm, hãy để chúng tôi ra đi bởi sẽ có nơi khác trả chúng tôi mức lương mà chúng tôi mong muốn.

Raiola đã làm đúng. Nếu như những CLB như Real, PSG có thể sẵn sàng trả từ 20 - 40 triệu euro/năm (ước tính khoảng từ 330 - 650 ngàn bảng Anh/tuần) thì việc MU trả cho Pogba 290 ngàn bảng, thua xa cả David De Gea, rõ ràng cần phải được xem xét lại trong một hợp đồng tái ký (nếu có). Đơn giản, nếu Raiola thoả hiệp với MU, ký một hợp đồng 5 năm với mức lương không thay đổi so với hợp đồng cũ, khả năng ông sẽ bị Pogba sa thải là có bởi dễ hiểu, thoả hiệp ấy đồng nghĩa với “kém năng lực”.

Khi sir Alex Ferguson nghỉ hưu, và sau đó một thời gian Pogba được MU mua về, Raiola đã ngạo mạn cho rằng “điều đó chứng tỏ tôi đã đúng”. Raiola thậm chí còn tuyên bố “với tôi, những chê bai Ferguson dành cho mình chính là những lời khen”. Rõ ràng, Raiola đã làm quá xuất sắc nhiệm vụ của mình nhưng không hẳn là phía MU cũng đang không làm quá tốt nhiệm vụ của họ ở giai đoạn khó khăn trong đàm phán hợp đồng này.

MU hiện có một quỹ lương phình to với mức gần 178 triệu bảng Anh/mùa. Họ có thể “cố thêm” vài triệu nữa để đáp ứng mức lương đủ giữ chân Pogba nhưng thực hiện việc tăng lương dễ dàng như thế có phải là quyết định sáng suốt hay không? Ở đây đừng vội chỉ nhìn vào chất lượng đóng góp của cầu thủ đơn thuần mà hãy nhìn vào các hoàn cảnh rộng khác. MU là một tổ chức và để vận hành một tổ chức luôn cần nhiều hơn một con người ngôi sao.

Pogba hiện đã 28 tuổi và giả sử, nếu có một hợp đồng tái ký 5 năm với MU, với mức lương tạm cho là ngang bằng Kevin de Bruyne (350 ngàn bảng/tuần), điều gì sẽ xảy ra trong tương lai? Chúng ta cần đi vào câu hỏi của thời tương lai ấy để hiểu rõ tại sao mọi việc dậm chân tại chỗ và bản thân giới lãnh đạo MU cũng chỉ mong một CLB như PSG liều lĩnh xuống tiền rước Pogba về Paris mà thôi.

Nếu một hợp đồng như thế được tái ký, điều đó đồng nghĩa với việc Pogba trở thành một tài sản khó có thể thu hồi lại đầu tư ở giai đoạn cuối của sự nghiệp tại MU. 4 năm nữa, Pogba sẽ ở vào tuổi 32 và mối quan hệ MU - Pogba sẽ quay lại hoàn cảnh hôm nay, khi 2 bên chỉ còn đúng 1năm ràng buộc. Lúc ấy, MU cũng sẽ phải đứng trước quyết định khó khăn: tái ký hay bán đứt.

Nhưng nếu bán đứt Pogba tuổi 32, chắc chắn giá trị thu lại chẳng là bao so với Pogba đang 28 tuổi của hiện tại. Lúc đó, khả năng phải chấp nhận bán rẻ để thu hồi lại được đồng nào hay đồng ấy là có. Tuy nhiên, bán cho ai mới là quan trọng?

Khi MU đã đẩy mức lương của Pogba lên đến con số vượt ngưỡng 300 ngàn bảng Anh/tuần, điều đó cũng đồng nghĩa Pogba đã xếp vào chiếu hiếm hoi các ngôi sao lĩnh lương cao nhất thế giới. CLB nào có thể trả được cho anh ta khoản lương ấy đây, ngoại trừ 4 cái tên: Real, Barca, Man City và PSG. Nhưng bản thân các CLB kể trên (trừ PSG) cũng chả dại gì rước một lão tướng về để trả mức lương như vậy. Và nếu PSG có được Champions League trong 4 năm tới, họ cũng sẽ không đồng ý trả tiền nhiều như thế nữa bởi họ sẽ tự thân chuyển đổi sang một chu kỳ phát triển khác.

Câu chuyện xử trí ra sao với các ngôi sao già luôn là bài toán hóc búa của các CLB lớn. Khi họ đã được trả một mức lương ở đỉnh, cực khó để họ có thể thoả hiệp một mức thấp hơn rất nhiều. Họ ý thức mình đã qua thời đỉnh cao nhưng họ không thể hạ giá một cách quá mức. Trong khi đó, CLB chủ quản lại cần cơ cấu lại nguồn đầu tư để phát triển lực lượng kế thừa.

Nếu Pogba đang 24-25 tuổi, MU sẽ dễ dàng xử lý tình thế này hơn vì ở thời điểm 2025, Pogba lúc đó vẫn còn có thể bán được giá cho một CLB lớn nào đó. Nhưng thực tế thì khác. Tuổi tác Pogba chênh lệch so với giả định kia đúng bằng 1 khoảng thời gian để tiếp tục đàm phán hợp đồng mới sau khi tái ký. MU lúc này rõ ràng đứng trước hai lựa chọn: bán Pogba hoặc giữ anh ta lại và biến anh ta thành một huyền thoại để sau này chia tay nhau êm đẹp kiểu Rooney, Scholes hay Roy Keane.

Giữ lại là việc rất khó bởi bản chất mối quan hệ Pogba - MU khác hẳn các mối quan hệ mà những nhân tố như trên hoặc Cantona, Evra… đã có. Bản thân lực lượng ủng hộ viên MU cũng không hoàn toàn 100% ủng hộ Pogba, tin tưởng vào việc anh ta sẽ là một biểu tượng CLB. Nhưng bán Pogba thì không hề dễ chút nào khi các CLB muốn có Pogba như PSG hay Real đều nhìn vào hè 2022 với hi vọng họ có thể có được Pogba với chi phí rẻ hơn nhiều lần.

Cái cách Real không ra giá mua Mbappe cũng tương tự như cách PSG hay Real không đề nghị MU cho trường hợp Pogba lúc này. Khi Mbappe tỏ ra quyết tâm không tái ký với PSG, Real thừa hiểu ý muốn tới Madrid của Mbappe lớn thế nào. Vậy thì tại sao phải trả 150 triệu euro phí chuyển nhượng trong khi có thể tác động để chờ 1 năm sau với một khoản lót tay mềm mại hơn rất nhiều mà cả Mbappe lẫn người đại diện của anh đều hài lòng.

PSG cũng vậy thôi, dù họ có vẻ quyết tâm có Pogba nếu MU bán “rẻ”. Những mối liên hệ với Raiola đủ để PSG tạo ra một tác động mang đầy hứa hẹn về những khoản phí lót tay hậu hĩnh mà Raiola sẽ nhận được. Và với những người như Raiola, việc đưa cầu thủ của mình về 1 CLB lớn, có tham vọng, có đội hình chất lượng, có nhiều tiền là mục đích lớn nhất của họ. Họ không cần màu cờ sắc áo. Thứ họ cần, đơn giản, mèo đen hay mèo trắng cũng như nhau, miễn là bắt được nhiều chuột.

Song, cơ bản nhất trong mối quan hệ nhằng nhịt này vẫn chỉ là “ý chỉ” của cầu thủ ngôi sao. Nếu Pogba nhắn cho Raiola một tin nhắn đại ý “Tôi không cần biết những thứ khác, tôi chỉ cần biết tôi phải ở lại MU”, chuyện đàm phán sẽ khác. Nhưng rõ ràng, Pogba không thể hiện điều đó bằng bất kỳ hành động hay lời nói nào. Anh tránh đề cập đến đi hay ở và nó khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi “Pogba có đặt MU trong trái tim mình hay không?”.

Thật ra, trả lời câu hỏi này là vô cùng khó và nặng tính chủ quan. Yêu MU hay không, điều đó chỉ một mình Pogba biết. Nhưng chúng ta có thể hiểu, tình yêu phải là hai chiều. Bản thân Pogba cũng có quyền được đòi hỏi và cảm nhận một tình yêu mà cộng đồng MU dành cho mình. Nếu có một tình cảm như thế được anh cảm nhận, có thể nó sẽ tác động cực lớn đến quyết định đi ở của bản thân anh.

Phải thừa nhận, người Anh vốn dĩ đã không ưa người Pháp nói chung và họ vẫn mang định kiến ấy vào trong những đánh giá đối với các cầu thủ Pháp, đặc biệt là với Pogba. Cụ thể, trong một bài viết gần đây, một tay bút khá có tiếng của Anh là Oliver Kay có thể liệt kê ra bằng số cụ thể các ưu điểm của Pogba (28 bàn thắng, 29 kiến tạo) một cách đầy lý tính nhưng song song đó lại chỉ trích nhược điểm của Pogba đầy cảm tính là “rất nhiều lần kém phong độ”. “Rất nhiều” là bao nhiêu? Giả sử, Kay đưa ra bằng số cụ thể, chẳng hạn “anh ta có đến 68 trận đá dưới phong độ” thì rõ ràng đánh giá sẽ thuyết phục hơn. Và đối với các cầu thủ khác, như Fernandes, hay như các cầu thủ người Anh như Maguire thì sao? Không bao giờ họ nhận được kiểu phê phán “mắc rất nhiều sai lầm” một cách chung chung như thế.

Pogba như một con người muốn thuộc về MU nhưng không tìm thấy mình ở MU là vậy. Anh muốn chứng minh mình tại Old Trafford khi quay trở lại từ Juventus nhưng cuối cùng, thứ anh nhận về lại là những lời chê nhiều hơn là những lời khen. Và thực tế, ở MU, Pogba đã chơi như thế nào? Hãy thử hình dung một MU không có Pogba suốt thời gian qua, có lẽ chúng ta sẽ hiểu.

Một cầu thủ có thể đá tốt nhiều vị trí: tiền vệ tấn công, tiền vệ trung tâm, tiền vệ trái, tiền vệ trụ trong hệ thống hai trụ nhưng lại không tìm được mình ở MU rõ ràng là một nghịch lý. Khi MU mua Fernandes, có thể nói đó là bổ sung để cùng Pogba san sẻ gánh nặng. Nhưng khi MU mua Van de Beek, nó lại là câu chuyện kiểu “anh có thể sẽ bị thanh trừng”. Niềm tin không được xây dựng thì làm gì có niềm tin để mà đổ vỡ? Cơ bản trong mối quan hệ giữa MU - Pogba là thế. Họ không tạo dựng sự tin tưởng nhau nên không có tình cảm hai chiều.

Từ lúc còn nhỏ, Pogba đã được chính mẹ anh đặt biệt danh là “La Pioche”, có nghĩa là “thằng hề”. Ở đây không phải là ám chỉ Pogba như một thằng hề nghĩa đen mà biệt danh ấy thực tế được khơi gợi từ quân bài “Joker” trong bộ bài Tây. Mẹ anh hay trêu chọc anh bằng câu “La Pioche, il va piocher le village“ (Có chú hề vác cái búa chim đi trong làng”. Dường như, cái biệt danh ấy đã ám vào số phận của Pogba lúc này. Anh như một La Pioche, chú hề và cũng có nghĩa khác là cái búa chim, ở MU suốt những năm qua.

Quân bài Joker nhiều khi được coi là một “biến bài” (wild card) với giá trị gán vào nó tuỳ thuộc, có thể thấp kém nhất nhưng cũng có thể cao giá nhất. Cái búa chim cũng vậy thôi, ở đúng hoàn cảnh thì nó phát huy tác dụng rất tốt. Nhược bằng không, như ở giữa đầm lầy chẳng hạn, nó cũng chỉ là một công cụ vô tri, vô dụng không hơn không kém.

Pogba là gì với MU lúc này? Pogba là gì trong mắt những người yêu bóng đá, những chuyên gia bóng đá? Không ai minh định được anh là một tài năng sáng giá hay là một thứ tầm xàm. Nhưng họ vẫn cứ quả quyết anh là thế nào đó theo cách nghĩ và định kiến của họ. Trong khi đó, vẫn có những CLB, những HLV muốn có anh, vẫn có những danh thủ muốn chơi bóng cùng anh.

Còn giờ đây, ở Old Trafford, chỉ có thể định nghĩa về anh bằng 1 khái niệm duy nhất: Anh là cơn đau đầu của MU, khi họ không biết phải xử trí lá “biến bài” ấy theo cách nào. Một miếng gân gà đúng nghĩa…

 Bản quyền thuộc OnSports
Từ khóa: