NỘI DUNG: THANH ĐÌNH / ĐỒ HỌA: Z.K

Kỷ nguyên Roman Abramovich chuẩn bị khép lại ở Chelsea. 19 năm, 2 tỷ bảng tiền chuyển nhượng, 13 HLV khác nhau và 21 danh hiệu, tất cả kết thúc như giấc mộng. Một giấc mộng đẹp mà chỉ tỷ phú người Nga mới có thể viết ra.

Có một giai thoại kể rằng khi hiệp một trận chung kết Champions League 2004/05 kết thúc với tỷ số 3-0 nghiêng về Milan, Roman Abramovich đã quay sang bạn bè của mình và đặt cược Liverpool sẽ đăng quang. Dĩ nhiên, sau đó ông thắng.

Không phải tỷ phú người Nga yêu mến Liverpool, nhất là khi mối quan hệ kình địch giữa Chelsea và đội bóng thành phố Cảng bắt đầu nóng dần lên. Đơn giản vì khi ấy Abram chưa biết nhiều về bóng đá. Ông thiên về cảm xúc và vẫn bị ấn tượng bởi những gì đã xảy ra trong trận MU-Real tại Old Trafford năm 2003.

Màn trình diễn bùng nổ của Ronaldo, phong cách cởi mở của hai đội và cuộc ngược dòng của MU là những yếu tố khiến Abram đi đến quyết định mua Chelsea không lâu sau đó. “Cảm xúc và sự phấn khích dâng trào trong tôi khi xem bóng đá, tính khó đoán của nó làm tôi mê say, và tôi muốn trở thành một phần của thế giới ấy”, Abrammovich tâm sự với học giả người Mỹ Lee Igel.

Thoạt đầu không ai ở Chelsea từng nghe nói về Abramovich. Lục tung cả mạng internet cũng không biết gì nhiều, ngoài vài dòng giới thiệu trên Forbes, rằng ông ta là người giàu 15 thế giới với khối tài sản hàng chục tỷ đô.

Với Ken Bates, Chủ tịch Chelsea, vậy là quá đủ. CLB đã được rao bán ròng rã 18 tháng trời mà không ai đoái hoài, trong khi tình hình tài chính thì quá ư bi đát. Mặc dù giành vé tới Champions League nhưng The Blues không có tiền mua sắm. 6 tuần đầu mùa hè họ chỉ mang về 2 thủ môn dự bị theo dạng chuyển nhượng tự do. HLV Claudio Ranieri yên tâm đi nghỉ hè vì cho rằng đội hình mùa tới chẳng có gì xáo trộn.

Đó là lý do cuộc đàm phán diễn ra chóng vánh. Abramovich nghĩ rằng thương lượng sẽ rất cam go, vậy nên cẩn thận mang theo phiên dịch dù biết tiếng Anh như một chiến thuật câu giờ. Ai ngờ chưa đầy nửa tiếng, tức 8h30 tối Thứ Ba, ngày 1/07/2003, giao dịch hoàn tất. Tỷ phú người Nga sở hữu Chelsea với giá 60 triệu bảng, kèm thêm 80 triệu bảng khác để trang trải nợ nần.

Chelsea chính thức sang trang. Với Abramovich họ thay đổi từng ngày. Không, chính xác là từng giờ.

Khi trực thăng của Abramovich lần đầu tiên đáp xuống sân tập Harlington của Chelsea gần Heathrow, quan sát khung cảnh hoang tàn, ông nói, chúng ta nên cải tạo mọi thứ và bắt đầu từ sân tập. Rồi tỷ phú người Nga gặp Ranieri, hỏi rằng cần gì để đạt được mục tiêu? HLV người Italia đưa ra một vài cái tên cần mua, Abram khoát tay, tốt nhất là chúng ta nên có 2 ngôi sao cho mỗi vị trí.

Chỉ vài tuần, chứng kiến số lượng lớn các ngôi sao đổ bộ xuống Stamford Bridge, chính Ranieri cũng phát hoảng. 127 triệu bảng đã được chi ra trong mùa hè 2003 nóng bỏng đó, một con số siêu thực. Phó chủ tịch Arsenal, David Dein nói rằng “Abramovich đã đậu chiếc xe tăng lên bãi cỏ và bắn ra những tờ 50 bảng”.

Tuy nhiên chính ông này cũng không khỏi ghen tỵ trước màn đổi đời ngoạn mục của đối thủ cùng thành phố. Dein đã hất tung bát súp khi biết thông tin Abramovich từng muốn mua Arsenal nhưng bên nghiên cứu thị trường lại xếp đội bóng này vào dạng không muốn bán.

Số tiền Abramovich đầu tư vào Chelsea không dừng ở đó. Sau 19 năm, tổng chi phí cho mua sắm cầu thủ ở Stamford Bridge vượt quá 2 tỷ bảng, nhiều hơn bất cứ CLB nào khác trong cùng thời gian. Là một doanh nhân, tỷ phú người Nga có niềm đam mê với các phi vụ chuyển nhượng và trực tiếp tham gia vào phần lớn các giao dịch.

Những ngày đầu tiếp quản Chelsea, bên cạnh Abram luôn là chiếc laptop có chứa cơ sở dữ liệu của hàng ngàn cầu thủ. Sau thì không cần nữa, ông không những biết về cầu thủ mà Chelsea cần mua mà còn hiểu đội bóng sẽ vận hành thế nào nếu có anh ta.

Và Abramovich cũng hiểu rằng để chiến thắng cần có một HLV tài năng. Vì vậy Ranieri khốn khổ phải ra đi sau một mùa giải được đánh giá là thành công với bản thân ông cũng như Chelsea, song với Abram là không đủ. Jose Mourinho sẽ tới để đưa Chelsea thành một thế lực thực sự.

Nhưng Mourinho cũng không tồn tại lâu.

Chelsea của Abramovich không hoạt động dựa trên nguyên tắc nào, chỉ tuân theo một tôn nhỉ: thành công. Ngay khi nhận thấy vài dấu hiệu bất ổn, tỷ phú người Nga sẽ hành động. 19 năm qua, Stamford Bridge chứng kiến 13 HLV đến rồi đi, chưa kể các HLV tạm quyền.

Dĩ nhiên việc sa thải HLV rất tốn kém. Riêng tiền bồi thường đã lên đến 95 triệu bảng. Đó là chưa kể Abram còn hào phóng bù đắp thiệt hại tinh thần mà những người ông coi như bạn bè bằng các món quà xa xỉ. Năm 2007, vài ngày sau khi mất việc, Mourinho nhận được từ ông chủ cũ một chiếc Ferrari 612 Scaglietti phiên bản giới hạn.

Có điều sự tàn nhẫn của Abram luôn mang lại kết quả. Ngay sau mỗi lần sa sút, một thời kỳ thành công lại mở ra. Như hiện tại, không ai trách cứ Abramovich vì đã không cho Frank Lampard thời gian. Thomas Tuchel đến và mang về 3 chiếc Cúp trong 12 tháng, bao gồm chức vô địch Champions League và FIFA Club World Cup để hoàn tất bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ của Abram. Sau 19 năm, 21 danh hiệu lấp đầy phòng truyền thống ở Stamford Bridge.

Tuchel từng tiết lộ buổi đầu gặp Marina Granovskaia, Giám đốc Chelsea đã huỵch toẹt: “Trở thành HLV The Blues đồng nghĩa với việc ông phải giành danh hiệu. Rất rõ ràng. Thắng ở lại, thua ra đi. Tuchel thích sự thẳng thắn đó dù đòi hỏi có hơi kỳ lạ.

Carlo Ancelotti cũng từng có trải nghiệm tương tự, với 10 cuộc phỏng vấn trước khi được bổ nhiệm và các câu hỏi thường liên quan đến tầm nhìn, quản trị và phương pháp làm việc. “Không vấn đề gì nếu nhìn nhận dưới góc độ kinh doanh, nhưng hơi khác thương về mặt bóng đá”, HLV người Italia viết trong tự truyện.

“Phi chính thống, nhưng tinh vi và hiệu quả”, một lãnh đạo Premier League nhận xét về cách thức hoạt động của Chelsea trên tờ Independent.

Sự hiệu quả còn được thể hiện ở góc độ tài chính, tất nhiên. Ngay năm đầu của kỷ nguyên Abramovich, doanh thu Chelsea tăng 62%. Đến bây giờ, nó tăng 282%. Theo công bố mới nhất từ Forbes, giá trị của Chelsea là 3,2 tỷ bảng, cao thứ 7 thế giới.

Như đã nói, Abramovich không biết nhiều về bóng đá khi mua Chelsea. Ông cũng biết rằng không có công thức nào cho thành công trong bóng đá. Vì vậy, ông học hỏi.

Ấn tượng lớn nhất của Ranieri trong lần đầu gặp Abramovich là “sự khát khao thành công” của một người luôn hỏi “chúng ta cần làm gì để cải thiện?”. Ông cũng có mối quan hệ gần gũi với các cầu thủ và cố gắng thu thập kiến thức từ họ.

Các nhà tài phiệt, đặc biệt đến từ Nga, thường được mô tả với các thú vui bệnh hoạn, liên quan đến gái đẹp và những bữa tiệc xa hoa. Đó không phải Abramovich. Thỉnh thoảng ông mới nhấp chút rượu vang và rít một tẩu thuốc. Đồng thời, thích bên cạnh mình là những người có thể mang lại cho ông sự thú vị và hiểu biết.

Hernan Crespo, một trong những ngôi sao đầu tiên được đưa về Stamford Bridge, kể rằng thông qua người phiên dịch, Abramovich đặt ra vô số câu hỏi. Ông biết Crespo đến từ Serie A, giải đấu hàng đầu thế giới thời điểm đó, nên muốn anh chia sẻ các kiến thức về y tế, dinh dưỡng, chế độ tập luyện, phương pháp quản lý… “Có nhiều thứ tôi không rành, nhưng ông ấy vẫn muốn lắng nghe”, Crespo nói.

Vì vậy, Chelsea hiện tại khác xa so với 19 năm trước, với cơ sở vật chất hiện đại và một Học viện hàng đầu. Họ cũng trở thành một CLB được yêu mến với giá vé thấp, sẵn sàng mở cửa sân vận động và khách sạn Millennium phục vụ cộng đồng trong cuộc khủng hoảng Covid-19, giúp đỡ cộng đồng Do Thái với quỹ từ thiện hoạt động hiệu quả. Chelsea còn hơn một CLB bóng đá.

Sắp tới Chelsea còn lập một quỹ từ thiện khác, hình thành từ lợi nhuận bán CLB. Theo chỉ đạo của Abramovich, nó được dùng để giúp đỡ tất cả các nạn nhân của cuộc chiến tranh tại Ukraine, bao gồm việc tài trợ ngân sách để đáp ứng những nhu cầu cần thiết và cấp bách của các nạn nhân, cũng như hỗ trợ quá trình phục hồi trong lâu dài.

Đây có thể coi là hành động cuối cùng cho cộng đồng của Abramovich với tư cách ông chủ Chelsea, bên cạnh đặc ân dành riêng cho CLB. The Blues vẫn còn nợ ông 1,5 tỷ bảng, nhưng Abram tuyên bố hủy món nợ ấy. Như ông nói, “Tiền bạc và kinh doanh chưa bao giờ là thứ tôi bận tâm, thứ duy nhất có ý nghĩa chính là tình yêu thuần túy tôi dành cho bóng đá và CLB”.

Thật ra ngay khi mua Chelsea năm 2003, Abramovich đã nói điều này. “Cuộc mua bán này không phải để kiếm tiền. Nếu để kiếm tiền, tôi có nhiều cách đơn giản và ít rủi ro hơn”, ông cho biết trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi với BBC.

19 năm qua, người hâm mộ Chelsea đắm mình trong tình yêu của Abramovich. Nhưng cuộc sống này không có gì là mãi mãi. Sức ép từ chính phủ Anh và mối lo ngại bị trừng phạt, dẫn đến tương lai đầy rủi ro cho The Blues, tỷ phú người Nga quyết định bán đi CLB ông yêu mến. Một quyết định đau đớn, nhưng cần thiết.

“Chelsea đã tồn tại trước khi tôi đến và tiếp tục phát triển khi không còn tôi. Trọng trách của tôi là duy trì thành công và xây dựng cho tương lai. Vì vậy tôi không ngại đưa ra quyết định phù hợp và đúng thời điểm nhằm đảm bảo tham vọng dài hạn”, Abramovich nói với Forbes về thói quen sa thải HLV. Câu nói này cũng có thể áp dụng vào bây giờ.

“Trong bối cảnh hiện tại, tôi đã đi đến quyết định sẽ bán CLB, vì tôi tin điều đó có lợi cho Chelsea, người hâm mộ, các nhân viên, cũng như những đối tác và nhà tài trợ”, tỷ phú người Nga viết trong bức thư chia tay.

Nhưng Chelsea sẽ tốt khi không còn Abramovich? Không ai biết cả. Thật khó tìm ra ông chủ nào có tình yêu, sự đam mê và đặt lợi ích CLB lên trên hết như Abram. Ông là duy nhất. Người hâm mộ The Blues biết điều đó. Và những yêu bóng đá trên toàn thế giới cũng biết điều đó.

 On Football