Nội dung: Hoàng Thông / Đồ họa: Z.K

HLV bóng chết hay những tình huống bóng cố định, vốn có nguồn gốc từ Đan Mạch và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thế giới bóng đá hiện đại. Cả Man Utd và Arsenal mới đây đều thuê những HLV bóng chết trước thềm mùa giải mới.

World Cup 2018, tuyển Anh vào tới bán kết với những bàn thắng từ bóng cố định giữ vai trò chủ đạo. 12 bàn Tam Sư thời điểm đó ghi được, đến 9 bàn là từ bóng cố định – một kỷ lục của giải đấu. 9 bàn này, 4 từ phạt góc và 2 từ đá phạt hàng rào (3 là từ penalty).

Tối ưu mọi cơ hội có được từ một giải đấu chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng là công việc không thể bỏ qua nếu một đội tuyển muốn gặt hái thành công. Vì lẽ đó, tầm quan trọng của các pha bóng cố định không thể bị phớt lờ. Southgate và các cộng sự trong ban huấn luyện của ông hẳn hiểu rõ điều đó.

Trong cuộc đối đầu với Đức tại vòng 16 đội, ngay phút thứ 16, Harry Maguire đã có một cơ hội trong vòng 16m50 từ một quả phạt góc. Cú dứt điểm của anh bị cản phá bởi thủ thành Neuer. Nhưng pha dàn xếp tổ chức phạt góc ấy là một bài vở đã được sử dụng trước đó và về sau tiếp tục được tái hiện.

Tam Sư bố trí 5 cầu thủ trong vòng cấm. Sterling là người có thể hình thấp bé nhất, với vị trí gần sát vòng 5m50 và có nhiệm vụ níu giữ (khóa) cầu thủ đối phương. 4 người còn lại là Kane, Stones, Rice và Maguire sẵn sàng cho các tình huống di chuyển đón bóng.

Vùng không gian ở trước cột gần và cột xa là hai nơi mặc định chứng kiến các cầu thủ áo trắng ập vào khai thác. Kane hướng ra cột xa, Rice và Stones hướng về cột gần. Song, tất cả chỉ là những pha di chuyển “chim mồi” lôi kéo các cầu thủ áo đen.

Chính Maguire, người ở vị trí xa khung thành tuyển Đức nhất lại có những bước di chuyển chậm rãi, từ tốn và chủ đích đón bóng ở chính diện khung thành của Neuer, nơi khoảng trống được các đồng đội mở ra từ những pha di chuyển hút người và từ việc Sterling khóa đối thủ.

Cuối cùng, chính Maguire là người nhận bóng dứt điểm. Một cầu thủ áo đen đã ập tới, nhưng xét ở cự ly di chuyển phòng ngự, cầu thủ này không có lợi thế so với Maguire.

Cách bố trí nhân sự như vậy của tuyển Anh trong những quả đá phạt góc còn được nhìn thấy trong trận đấu vòng bảng với Scotland…

…Hay trước Ukraine, trận đấu mà Tam Sư cuối cùng cũng ghi bàn từ các pha bóng cố định.

Người ghi bàn tuy khác, nhưng cách thức tổ chức dàn xếp đá phạt góc, cũng như đá phạt hàng rào (không phải sút trực diện về phía khung thành) của tuyển Anh đều cho thấy bài vở rõ ràng: Luôn có người níu giữ đối phương, luôn có các pha di chuyển tỏa ra hai cột để dụ đối phương, và luôn có người sẵn sàng đánh trực diện khung thành.

Cũng tại kỳ Euro 2020, người Italia tạo nên hình ảnh thú vị bởi những tình huống dàn xếp đá phạt cố định độc đáo. Đội tuyển của Roberto Mancini thường tạo thành hai hàng rào chắn trước khung thành đối thủ ở những quả đá phạt trực tiếp (free kick). Đến khi quả bóng chuẩn bị rời chân người sút phạt, những hàng rào thiên thanh liền vỡ tan ra như bông hoa bồ công anh trong gió, hoặc như những chú chim bồ câu bên ngoài Dinh tổng trấn Palazzo Ducale tại Quảng trường Piazza San Marco của Venice đập cánh bay lên.

Ai đứng đằng sau ngón nghề và chỉ dấu đầy tính sáng tạo, nhưng cũng kỳ quặc ấy? Đằng sau những pha dàn dựng đá phạt cố định của Azzurri là Gianni Vio, một trong những HLV bóng chết nổi tiếng nhất đất nước hình chiếc ủng.

Cũng như Maurizio Sarri, Gianni Vio từng là một nhân viên ngân hàng. Maurizio Sarri tại ngân hàng Banca Toscana và Gianni Vio tại một chi nhánh của ngân hàng Unicredit ở Mestre. Cả hai cũng tình cờ gặp nhau khi tham gia khóa học lấy bằng HLV tại ngôi trường danh giá đẳng cấp “Ivy League” Coverciano nằm ở ngoại ô Florence của Italia.

Gianni Vio bắt đầu sự nghiệp huấn luyện ở những CLB dưới đáy kim tự tháp bóng đá Italia và tạo nên tên tuổi bởi chính những bài vở trong các tình huống bóng cố định, gồm phạt góc lẫn phạt hàng rào. Song, nếu như Sarri từng nổi tiếng tại Empoli với một quyển sổ tay màu đen ghi chép 33 bài đá phạt cố định, thì Vio còn kinh hơn thế. Đến nay, đếm sơ sơ, Vio có không dưới 4830 bài đá phạt cố định.

Tuy nhiên, chính tuyển Đan Mạch mới là đội tuyển duy nhất trong cả kỳ Euro đã qua ghi bàn từ một tình huống đá phạt hàng rào trực tiếp, với pha làm bàn đẹp mắt từ Mikkel Damsgaard trong trận bán kết trước tuyển Anh.

Trước thời điểm bóng rời chân Damsgaard, các trung vệ Andreas Christensen, Simon Kjaer và Jannik Vestergaard – 3 cầu thủ cao nhất bên phía Đan Mạch – tạo thành một hàng rào bên trái hàng rào phòng ngự của tuyển Anh. Giữa hai hàng rào ấy là một khoảng trống nhỏ, tạo ra giữa Harry Kane và Christensen.

Khi Damsgaard bắt đầu lấy đà, các đồng đội của cầu thủ 21 tuổi lập tức di chuyển sang phải, hướng về phía hàng rào Tam Sư và chắn tầm nhìn của Jordan Pickford. Cú sút của Damsgaard đưa quả bóng đi ngay dưới xà ngang và Pickford nhận không ít búa rìu dư luận về kỹ thuật sử dụng tay dưới (bottom hand) thay vì tay trên (top hand) lúc rướn tới bóng.

Song, thủ môn của Everton nên được cảm thông. Bên cạnh lực sút, sự chính xác từ Damsgaard, chính cách tổ chức hàng rào của Đan Mạch góp phần giúp cú đá ấy hoàn thành nốt phần việc còn lại. Lúc quả bóng xuất hiện trong tầm nhìn của Pickford, mọi thứ đã quá muộn.

Bàn thắng mở tỷ số ấy tuy không đủ để giúp thầy trò HLV Kasper Hjulmand đặt vé vào chung kết, nhưng nó ít nhiều cho thấy thành quả huấn luyện của Mads Buttgereit, HLV bóng chết của tuyển Đan Mạch tại giải đấu này.

“Chính cái cách từng cầu thủ tạo lập hàng rào và di chuyển trong tình huống này giúp Mikkel thành công với cú sút của cậu ấy,” Buttgereit chia sẻ trên Sky Sports. “Đó mới là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi.”

“Bên ngoài đường biên, HLV có thể là người vạch ra mọi kế hoạch, mọi giáo án trên sân tập và thảo luận về những chi tiết nhỏ nhất, song chính các cầu thủ mới là những người thực thi trên sân,” vẫn lời từ Buttgereit. “Các cầu thủ biết rõ họ cần phải làm gì trong tình huống định sẵn, nhưng trước sự quan sát của hơn 6 vạn người, cùng rất nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động, duy trì sự tập trung và chính xác là một thử thách. Vậy nên, trong tình huống ấy, các cầu thủ đã cho thấy cái tài của họ.”

Buttgereit có thể từ chối nhận mọi công lao về mình, nhưng nếu không có những sự chuẩn bị và mánh khóe truyền đạt cho các cầu thủ, sẽ không có hàng rào 3 người của tuyển Đan Mạch được tạo ra trước khung thành Pickford, và Euro 2020 có thể cũng sẽ không chứng kiến bàn thắng nào được ghi trực tiếp từ một tình huống đá phạt. Vai trò của những HLV bóng chết trong các pha bóng cố định vì lẽ đó khẳng định được giá trị.

Thực tế, những chuyên gia bóng chết vốn hiện diện tương đối hiếm trong hàng ngũ các ban huấn luyện khắp bóng đá cựu lục địa. Nhưng chiều hướng đang dần thay đổi. Trong lúc những vị trí thu hút nhất trên các trang báo đều được dành cho các thương vụ chuyển nhượng cầu thủ, vẫn có những bản hợp đồng đáng chú ý khác diễn ra nơi hậu trường.

Nếu việc Man Utd chiêu mộ Jadon Sancho chiếm trọn spotlight, còn một thương vụ cũng đáng chú ý khác mà đội chủ sân Old Trafford đã thực hiện trong mùa hè này. Đó là sự bổ sung trong ban huấn luyện Ole Gunnar Solskjaer. Eric Ramsay, cựu trợ lý tại đội U23 của Chelsea đã gia nhập Old Trafford và sẽ giữ cương vị HLV bóng chết của Quỷ đỏ. Trong khi, Arsenal cũng đã mang về Nicolas Jover từ Man City, thay thế vai trò HLV bóng chết của Andreas Georgson tron ban huấn luyện Mikel Arteta.

Ramsay rất được Solskjaer đề cao và HLV người Na Uy miêu tả vị chuyên gia mới 29 tuổi là một “HLV tiến bộ” với những “ý tưởng mới”. Solskjaer cho rằng những tình huống bóng cố định, nhất là phòng ngự bóng cố định, chính là khâu mà đội bóng của ông cần phải cải thiện.

Mùa giải 2020/21, Man Utd là đội nhận số bàn thua từ bóng cố định nhiều thứ hai Ngoại hạng Anh (14 bàn), chỉ sau Leeds Utd (15 bàn). Trong khi, ở mặt trận tấn công, số bàn thắng Quỷ đỏ ghi được từ bóng cố định cũng chỉ có 7.

Ramsay là một người Xứ Wales, từng đến Chelsea từ Shrewsbury – nơi mà anh giữ lần lượt các vai trò từ trưởng ban huấn luyện học viện, quản lý học viện, rồi trợ lý HLV trưởng – vào tháng 8 năm 2019. Ramsay được đánh giá là một trong những HLV trẻ giàu triển vọng nhất của nước Anh và từng là gương mặt trẻ nhất từng lấy bằng HLV UEFA Pro vào tháng 9 năm 2019, ở tuổi 27.

Ramsay từng theo học chuyên ngành khoa học thể thao tại ĐH Loughborough, và có thể nói là đồng môn của Kieran McKenna (cũng là một thành viên trong ban huấn luyện Solskjaer ở Man Utd) từ 2010 đến 2013. Hiện tại, Ramsay đang theo học lấy bằng Tiến sĩ cũng tại ĐH Loughborough.

Mùa giải trước, trợ lý Martyn Pert và HLV thủ môn Richard Hartis là những người phụ trách huấn luyện trong các tình huống bóng cố định của Man Utd. Giờ đây, vai trò ấy sẽ được trao lại cho Ramsay. Tom Green là chuyên gia phân tích những tình huống bóng cố định của Quỷ đỏ và vẫn sẽ tiếp tục giữ công việc này.

Jover thì lại là nhân vật quen mặt với Arteta khi cả hai từng làm việc tại Man City. “Chuyên môn của cậu ấy sẽ cực kỳ hữu ích và có giá trị với Arsenal,” nhà cầm quân người Tây Ban Nha nhận xét.

Thứ “chuyên môn” mà Arteta nhắc đến đã thật sự phát huy tác dụng tại đội chủ sân Etihad. Kể từ khi gia nhập The Cityzens vào năm 2019, Jover giúp đội bóng của Pep Guardiola biến những tình huống bóng cố định, từ điểm yếu trở thành một trong những vũ khí của họ.

Thống kê từ Sky Sports chỉ ra, mùa giải 2018/19, Man City ghi 11 bàn từ bóng chết (xếp thứ 10 Ngoại hạng Anh) và để thủng lưới 9 bàn cũng từ các tình huống tương tự (ít thứ 3 giải đấu). Sang mùa giải 2019/20, họ ghi 17 bàn (nhiều nhất) và thủng lưới 7 bàn (ít thứ hai) từ bóng chết. Mùa giải 2020/21, các học trò của Pep ghi 13 bàn (nhiều thứ tư) và thủng lưới 6 bàn (ít thứ hai) cũng từ bóng chết.

Arsenal thực tế vào mùa giải trước là đội để thủng lưới ít nhất trong những tình huống bóng cố định tại Ngoại hạng Anh. Không thể phủ nhận thành quả đến từ nỗ lực của người tiền nhiệm Georgson – người đã quyết định chia tay Arsenal sau khoảng 1 năm để trở về CLB cũ Malmo – nhưng với sự xuất hiện của Jover, Pháo thủ thành London hy vọng hiệu quả tấn công từ những pha bóng cố định sẽ được cải thiện vào mùa giải tới.

Mùa giải đã qua, Arsenal chỉ ghi có 6 bàn từ những tình huống bóng chết. Tuy nhiên, nếu nhìn vào xu hướng chung của cả Ngoại hạng Anh, tỷ lệ phần trăm đóng góp của những bàn thắng từ bóng chết ngày càng suy giảm theo thời gian.

Kể từ khi hãng thống kê Opta bắt đầu thu thập các dữ liệu vào năm 2007, tỷ lệ phần trăm số bàn thắng từ bóng chết (không xét penalty) trong tổng số bàn thắng ghi được của các đội đã giảm từ mức 26% vào mùa giải 2007/08, xuống chỉ còn 19,2% vào mùa giải 2020/21. Trong suốt quãng thời gian này, có 3 thời điểm đồ thị vực lên là mùa 2009/10 ở mức 28,5%, mùa 2016/17 ở mức 24% và mùa 2018/19 ở mức 23%, nhưng xu hướng tổng thể vẫn là đi xuống.

Điều này có nghĩa, giá trị của những bàn thắng từ bóng chết sẽ trở nên quan trọng và mang đến một lợi thế cạnh tranh nhất định. Nói như Walter Zenga, người từng dẫn dắt CLB Catania của Italia và giúp đưa tên tuổi của Gianni Vio ra ánh sáng, thì: “Một đội bóng có khoảng 200 tình huống đá phạt cố định mỗi mùa giải. Vậy tại sao lại phung phí đi 200 cơ hội để ghi bàn?”

Khi còn theo học tại trường Coverciano, Vio từng lấy bằng HLV thông qua bài luận văn có nhan đề: “Đá phạt cố định: Tiền đạo ghi 15 bàn mỗi mùa”. Vào năm 2004, Vio hợp tác cùng nhà tâm lý học Alessandro Tettamanzi viết một quyển sách có nhan đề “That Extra 30 Per Cent” (tạm dịch “Thêm đến 30%”). Vì sao lại là 30%? “Đó là số bàn thắng mà những tình huống đá phạt cố định có thể đóng góp thêm cho đội bóng,” Vio lý giải. “Bạn cứ như có thêm một tiền đạo.”

Có một điểm chung giữa Gianni Vio, Nicolas Jover, Andreas Georgson và Mads Buttgereit là họ đều từng ở một giai đoạn nhất định nào đó trong đời làm việc dưới trướng Matthew Benham. Benham là ông chủ của hai CLB Brentford và FC Midtjylland. Ông vốn xuất thân từ một tay đánh bạc chuyên nghiệp và sau này khi điều hành những CLB bóng đá, Benham luôn mang tư duy tiếp cận qua số liệu và phân tích, nhất là trong việc lựa chọn những HLV chuyên trách cho đội bóng.

Từ khi mua lấy Brentford vào năm 2012, Benham đã lèo lái CLB đi từ League One (tức giải hạng 3 của Anh) trở thành tân binh Premier League vào mùa giải tới. Việc áp dụng phân tích dữ liệu trong khâu chuyển nhượng đã giúp Brentford gặt hái thành công như hiện tại. Trong khi tại chính Midtjylland, CLB Đan Mạch mà Benham làm chủ từ năm 2014, ông đã thử nghiệm hàng loạt những ý tưởng mới – bao gồm tối đa hóa lợi thế của những tình huống bóng chết.

“Tại Midtjylland, ngay từ trước khi Matthew Benham đến, chúng tôi đã luôn tìm kiếm những ‘lợi thế biên’ và tự hỏi làm cách nào để phát huy tối đa nguồn lực sẵn có,” Buttgereit, người từng làm việc tại học viện bóng đá của Midtjylland, chia sẻ. “Benham đến và không thay đổi nền tảng này. Tư duy của ông ấy là tiếp tục phát triển hơn nữa. Không những vậy, ông ấy còn mang đến khía cạnh dữ liệu và chúng tạo nên một sự kết hợp tuyệt hảo.”

Được trang bị thêm vũ khí dữ liệu và sử dụng mô hình HLV chuyên trách, Midtjylland giành chức vô địch quốc gia Đan Mạch lần đầu tiên trong lịch sử CLB vào mùa giải 2014/15. Trên hành trình đăng quang ấy, Midtjylland đạt hiệu suất ghi bàn từ bóng chết ở mức kinh ngạc.

Midtjylland ghi tổng cộng 25 bàn từ những tình huống bóng chết sau 33 trận đấu vào mùa giải đó, tức chiếm đến 39% tổng số bàn thắng ghi được. Cách biệt bàn thắng từ bóng chết tạo ra so với đội xếp ngay sau lên tới 14 bàn. Cũng chỉ có 3 đội bóng khác ở giải vô địch quốc gia Đan Mạch năm đó ghi bàn từ bóng chết ở mức hai con số như Midtjylland.

Một trong những nguồn cảm hứng thôi thúc Buttgereit phát triển những mô hình trong các tình huống đá phạt cố định là trận chung kết Champions League 2012. Bayern Munich đã không thể ghi được bàn thắng nào từ 20 quả đá phạt góc trước Chelsea. Ngược lại, Didier Drogba lại tận dụng tình huống phạt góc duy nhất mà The Blues được hưởng để ghi bàn gỡ hòa vào những phút chính thức cuối cùng.

Công trình của Buttgereit tại Midtjylland nhanh chóng được các CLB Đan Mạch khác áp dụng. Từ đó, cái “lợi thế biên” mà chuyên gia bóng chết người Đan Mạch từng nhắc tới không còn là thủ thuật của riêng họ nữa.

Để đột phá, Buttgereit và các cộng sự tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi và phát minh ra những mô hình mới, những cách thức mới hòng khai thác điểm yếu của các đối thủ từ những quả đá phạt hàng rào, phạt góc và thậm chí cả ném biên.

“Bạn cần phải đi trước đón đầu,” Buttgereit nói trên Sky Sports. “Một khi đi trước một bước, bạn sẽ đặt đối thủ vào thế phải dự đoán, họ cứ nghĩ sẽ bắt bài nhưng rồi bạn trao cho họ một kết quả bất ngờ. Điều đó mới đáng sợ hơn.”

“Lấy ví dụ, HLV của đối thủ nói với các cầu thủ rằng ‘bóng sẽ tìm tới cột gần, hãy chú ý khu vực đó’ và các cầu thủ của ông ta dùng một vài tiểu xảo để di chuyển trước đến cột gần. Thế nhưng, các cầu thủ của bạn đột ngột di chuyển theo hướng khác, hoặc thay vì đánh vào cột gần, bạn tìm cách đưa quả bóng hướng đến cột xa, bấy giờ các cầu thủ đối phương hoàn toàn bị đánh lừa. Trò chơi đấu trí thì luôn có rất nhiều mánh khóe.”

Cũng theo Buttgereit, yêu cầu đặt ra trong những tình huống dàn dựng đá phạt cố định luôn là sự đa dạng, linh hoạt, cởi mở trước những ý tưởng mới và chịu khó quan sát đến từng chi tiết. “Tôi không đơn thuần chỉ xem một đối thủ và phán, ‘OK, chúng ta sẽ làm thế này, thế kia.’ Tôi quan sát họ, vạch ra kế hoạch, rồi lại xem họ lần nữa và lần nữa. Kế hoạch cứ thế được phát triển.”

“Ban đầu bạn có thể hoài nghi chính bản thân mình, nhưng càng quan sát các trận đấu cặn kẽ, càng luyện tập trên sân, bạn sẽ càng cảm thấy chắc chắn về tính hiệu quả mà phương pháp mang lại. Luôn tồn tại những sự chống đối hoặc ngờ vực từ những người theo phương pháp cũ hoặc dựa trên kinh nghiệm, nhưng cảm giác thỏa mãn sẽ đến một khi phương pháp mới của bạn thành công. Sau cùng, chính các cầu thủ là người sẽ đến và nói rằng bạn đã đúng.”

Mọi bài vở trong những tình huống bóng cố định sẽ chỉ thành công nếu người đá phạt đưa quả bóng đi chính xác. Nhưng bàn thắng của Damsgaard chỉ ra rằng, hành động của những cầu thủ khác, xung quanh vòng cấm đối thủ cũng quan trọng không kém.

“Nhiều người sẽ nói rằng thứ bạn cần là một cầu thủ đá phạt chuẩn xác, điều này đúng,” vẫn lời từ Buttgereit trên Sky Sports. “Nhưng bạn cũng sẽ cần một cấu trúc và hệ thống linh hoạt. Bóng đá về tổng thể là như vậy. Sẽ có những HLV nói rằng, ‘chúng tôi có 11 cầu thủ xuất sắc nhất, vậy nên chỉ cần đưa quả bóng cho họ, giúp họ có động lực thế là đủ.’ Nhưng cũng sẽ có những HLV với tầm nhìn rõ ràng cùng định hướng cụ thể về lối chơi mà ông ấy mong muốn.”

“Thông thường, một ban huấn luyện sẽ có một vị trợ lý kiêm phụ trách những tình huống bóng cố định. Song, không phải người trợ lý nào cũng có đam mê thật sự với những pha bóng cố định. Đây có lẽ là lý do vì sao sự thành công giữa các CLB vẫn còn một cách biệt rất lớn.”

Mấu chốt vấn đề trong phát biểu của Buttgereit không nằm ở việc một đội bóng có nên bổ nhiệm một HLV chuyên trách bóng chết hay không, mà là ở niềm say mê và hào hứng của người đó trong công việc. Có thể kể ra một trường hợp là CLB West Ham. Mùa giải trước, The Hammers là đội ghi bàn từ bóng cố định nhiều nhất Ngoại hạng Anh (16 bàn), cũng như là đội để lọt lưới ít thứ ba giải đấu từ bóng cố định (7 bàn). Thành quả này đến từ công sức của các trợ lý Paul Nevin và Kevin Nolan.

Nolan vốn không có chức danh HLV chuyên trách bóng chết ở West Ham, nhưng anh lại là một chuyên gia về bóng chết thời còn làm cầu thủ. Những tình huống bóng chết đích thực là đam mê và là chuyên môn của cựu cầu thủ 39 tuổi này. Thời Nolan còn khoác áo Bolton của Sam Allardyce, đội bóng này đã luôn duy trì được những thành tích ngoài mong đợi nhờ vào sự hiệu quả trong các tình huống bóng cố định.

Công việc mà Nevin và Nolan ở West Ham còn chỉ ra rằng, một HLV chuyên trách về bóng chết phải cân bằng, tập trung ở cả mặt trận phòng ngự lẫn tấn công.

“Nếu bạn ghi rất nhiều bàn thắng từ bóng chết, nhưng vẫn để thủng lưới ngần ấy từ những tình huống tương tự, theo tôi đó là sự lãng phí thì giờ,” Buttgereit nhận định. “Ví dụ như tuyển Đan Mạch ở kỳ Euro đã qua, chúng tôi ghi 2 bàn từ bóng chết và cũng không để lọt lưới bàn nào từ những tình huống này. Đấy là điều căn bản.”

“Vấn đề không nằm ở phương pháp nào mới là đúng và nên áp dụng, không phải phòng ngự khu vực hay phòng ngự một-kèm-một. Bởi lẽ, bạn có thể phòng ngự hiệu quả bằng nhiều cách khác nhau. Vấn đề là cái nào phù hợp với các cầu thủ của bạn nhất và họ thích phương pháp nào nhất. Để tìm ra câu trả lời, bạn phải nói chuyện với họ, tiếp nhận phản hồi và đi tìm sự đồng thuận.”

“Bạn có thể dự đoán đối thủ và lên phương án đề phòng cho các cầu thủ của mình. Một phần công việc là như vậy. Nhưng phần còn lại là bạn phải chỉ cho họ cách thức phòng ngự. Nếu nhìn vào một số cầu thủ tham gia phòng ngự bóng chết, bạn sẽ thấy đôi khi họ chỉ đứng yên đợi quả bóng tìm đến. Một số khác thì lúc nào cũng mặc định cần phải bật cao hết mức, nhưng chính họ lại chưa sẵn sàng và chưa được chuẩn bị.”

“Theo tôi, mấu chốt nằm ở vị trí cơ thể. Một cầu thủ quan sát khu vực xung quanh anh ta và đối thủ, định vị không gian và đưa ra phản ứng đủ nhanh. Và để nhận biết rõ không gian thì bạn cần phải chỉ cho các cầu thủ. Ví dụ, bạn cần phải xem 50 quả đá phạt góc có sự tham gia của một cầu thủ cụ thể nào đó, rồi mới có thể chỉ dẫn anh ta.”

Những gì Buttgereit nói có nghĩa rằng công việc của một HLV chuyên trách bóng chết là làm việc với từng cầu thủ, phát triển từng cá nhân. Đó cũng là điều mà Gianni Vio từng đề cập trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo tại Venice: “Tất cả những gì tôi có thể nói là bạn cần phân tích những cầu thủ mình có trong tay, rồi tìm ra giải pháp tương ứng với bộ kỹ năng của từng cầu thủ ấy. Có những cầu thủ hết sức đặc biệt nhờ vào khả năng đọc hiểu trận đấu.”

Ngày càng nhiều CLB lớn của bóng đá châu Âu chú trọng vào những chi tiết nhỏ có thể làm nên lợi thế cạnh tranh, bao gồm những tình huống bóng cố định. Liverpool có thể xem là ông lớn tiên phong trong việc thuê một HLV ném biên vào năm 2018, khi bổ nhiệm chức danh chuyên gia (hay HLV) ném biên đối với Thomas Gronnemark.

Ném biên, cũng là một tình huống bóng cố định, xưa nay vốn luôn bị đánh giá thấp bởi các cầu thủ lẫn HLV, chứ chưa cần nói đến chức danh HLV ném biên. Gần như không có một tài liệu nào về ném biên xem nó như một phương án thoát áp lực và khai thác không gian để tạo ra cơ hội. Trong hầu hết các pha ném biên, hình ảnh quen thuộc luôn là các cầu thủ đứng yên, giằng co nhau, lao vào những trận không chiến và bóng chủ yếu được ném dọc theo đường biên (down the line).

Thậm chí, ném biên còn bị xem là một pha bóng đáng tiếc, lãng phí. Vậy nên, hầu hết đều quan niệm tìm cách hạn chế rủi ro mất bóng đến mức thấp nhất. Ném biên là để đoạt chiếm lãnh thổ, hơn là tạo ra một pha kiểm soát bóng chất lượng. Cho đến khi Thomas Gronnemark xuất hiện ở Liverpool, quan niệm cũ mới dần bị xóa nhòa. Tất cả dần thấy được đâu là sự lợi hại mà một quả ném biên có tính toán có thể mang lại.

Mùa giải 2017/18 ở Premier League, Liverpool để mất quyền kiểm soát bóng 15% từ những tình huống ném biên. Thời đấy, con số này có thể xem là thành công, khi thấp thứ 6 giải đấu. Mùa hè 2018, Gronnemark gia nhập CLB vùng Merseyside, tỷ lệ giành quyền kiểm soát bóng sau các pha ném biến của Liverpool tăng dần. Đến mùa giải 2020/21, họ chỉ còn mất bóng 8,5% từ những quả ném biên – thấp thứ 4 giải đấu, sau Man City (6,9%), Chelsea (7,8%) và Leeds Utd (cũng 7,8%).

Song, Liverpool thuê Gronnemark không chỉ để giúp họ giành lại quyền kiểm soát bóng sau một pha “khởi động” bóng sống. Liverpool và Gronnemark xem ném biên là một tình huống bóng cố định mang lại cơ hội dẫn đến bàn thắng.

Theo Gronnemark, ném biên chia làm 3 loại – ném xa, ném nhanh và ném thông minh. Nhiều đội bóng trước đây chỉ chú trọng đến ném biên xa, nhưng không tiếp cận có phương pháp.

Ở Liverpool, Gronnemark tập luyện hai kỹ năng cho các cầu thủ là ném nhanh và ném thông minh. Không có mô hình cụ thể với các quả ném biên, thay vào đó, HLV ném biên người Đan Mạch giúp các học trò của Jurgen Klopp tư duy và tự tìm kiếm phương án.

Trong các tình huống ném biên, phòng ngự khu vực và phòng ngự một-kèm-một cũng tồn tại. “Đôi khi là cả vùng xám, tức mỗi thứ một ít,” Gronnemark từng nhận xét trên The Athletic. Do đó, ném quả bóng vào chân đồng đội hay ném nó vào một khoảng trống chính là hai phương pháp để thoát áp lực từ đối thủ, đồng thời mở ra cơ hội lên bóng/tấn công.

Dù không có mô hình cụ thể, nhưng nguyên tắc ném biên thông minh nằm ở kỹ năng di chuyển và phối hợp giữa các cầu thủ. Một cầu thủ chạy chỗ ở điểm mù sau lưng đối phương để sẵn sàng nhận bóng ở vùng không gian trống, một cầu thủ khác thì di chuyển lùi về vài bước sau tình huống ném biên để tự tạo ra góc nhìn thuận lợi cho việc nhận bóng, chuyển hướng bóng và thoát áp lực hoàn toàn,…

Tại kỳ Euro 2020, tuyển Anh là một minh chứng cho việc tìm kiếm lợi thế cả từ những pha ném biên. Cụ thể là ở trận gặp Croatia mở màn chiến dịch.

Kieran Trippier, người bất ngờ được Gareth Southgate lựa chọn cho vị trí hậu vệ biên trái, cả trận có 21 pha trao đổi bóng qua lại với Raheem Sterling (combo phối hợp nhiều thứ 4 tuyển Anh ngày hôm ấy). Trong số này, Trippier chuyền bóng cho Sterling 12 lần, với 3 lần là từ ném biên.

Pha ném biên ở phút thứ 5 mà Trippier dành cho Sterling đã dẫn đến một cơ hội ăn bàn. Trippier ném biên trên phần sân nhà, 5 cầu thủ Tam Sư thu hút 6 cầu thủ Croatia về gần biên trái. Điểm mấu chốt trong pha theo kèm của Croatia là việc Marcelo Brozovic theo sát Mason Mount. Trong khi người theo Sterling là Sime Vrsaljko.

Thay vì ném bóng dọc theo biên, Trippier ném bóng vào khu vực hành lang trong cánh trái, nơi Brozovic bỏ lại. Sterling thoát khỏi Vrsaljko và bắt đầu đánh chiếm vùng không gian trống trải đó. Tiền đạo của Man City chuyền bóng cho Phil Foden. Pha dứt điểm sau đó bóng đi đập cột dọc.

Theo nhận xét từ Buttgereit, xu hướng bổ nhiệm các HLV chuyên biệt hóa từng khía cạnh trong đội ngũ ban huấn luyện rồi sẽ tiếp tục. Song, bản thân việc đề ra một chức danh cụ thể, như HLV bóng chết, chưa phải là giải pháp đảm bảo.

“Một HLV bóng chết xuất hiện cùng ý tưởng, ‘chúng ta sẽ có được lợi thế cạnh tranh trước đối thủ’ không phải là cách,” Buttgereit nói với Sky Sports. “Chúng ta không nên tư duy như vậy. Nếu một đội bóng muốn trở nên lợi hại ở những tình huống bóng cố định, họ cần giải quyết các câu hỏi về tinh thần tập thể, làm sao để mọi cá nhân, mọi thành viên trong đội từ các cầu thủ cho đến ban huấn luyện, đều thấm nhuần ý tưởng mới.”

“Một vấn đề không đơn thuần chỉ được khắc phục bằng việc bổ nhiệm một cá nhân. Đó vẫn là trách nhiệm của toàn bộ các thành viên. Tôi từng nhận được một vài lời mời từ các CLB, nhưng tôi cảm thấy họ chưa thật sự sẵn sàng. Lúc tôi đặt ra các câu hỏi về hình dung của họ trong công việc này, họ không cho thấy đã có sẵn câu trả lời.”

“Cá nhân tôi xem bức tranh ấy khá đơn giản. Có những việc tôi muốn làm và có những việc tôi không nghĩ là ý tưởng hay. Chẳng hạn, tôi không cho rằng giải pháp tối ưu là việc một CLB thuê một chuyên gia đến hướng dẫn các cầu thủ cứ mỗi 1 hoặc 2 lần hàng tuần. Để tạo nên một tập thể mạnh ở những tình huống bóng cố định, bạn phải tạo ra sự gắn kết trong mối quan hệ giữa các cầu thủ. Bạn cần phải thấu hiểu và thân thiết với họ, vì đây là công việc phát triển từng cá nhân.”

Ngoài ra, đây còn là câu hỏi về văn hóa ở mỗi CLB. Buttgereit dẫn chứng, thành công của Midtjylland trong những tình huống bóng chết xuất phát từ sự đồng lòng và chuyên tâm của toàn thể bộ máy, từ cấp học viện cho đến đội một, và đặc biệt không lệ thuộc vào ý chí cá nhân của HLV trưởng.

“Tại hầu hết các CLB, HLV trưởng là người quyết định mọi vấn đề chuyên môn của đội bóng,” Buttgereit chia sẻ. “HLV trưởng sẽ quyết định có nên bổ sung một chuyên gia nào đó hay không.”

“Tại Midtjylland, đó không phải là quyết định của HLV trưởng, mà là chiến lược của cả CLB. Vì thế, khi tôi còn huấn luyện ở cấp học viện, tôi đã bắt đầu xây dựng các mô hình trong những tình huống bóng cố định cho lứa U14 và U15. Tôi sẽ có những buổi tập luyện thêm cùng những cầu thủ đá phạt tốt nhất. Ví dụ, chúng tôi tập những bài đá phạt góc Olimpico, tức là những tình huống mà bạn tìm cách ghi bàn trực tiếp từ một quả phạt góc. Bầu không khí tuy mang tính cạnh tranh, nhưng vẫn chỉ mang bản chất tập luyện.”

“Đến khi tôi làm việc ở những cấp độ cao hơn, mọi thứ dần mang tính hệ thống. Hàng tuần, tôi làm việc tới từng nhóm nhỏ trong các tình huống bóng cố định. Bằng cách đó, chúng tôi giáo dục và phát triển các cầu thủ những kỹ năng cần thiết. Mục tiêu đặt ra là ngay cả khi không có được sự phục vụ của những cầu thủ đá phạt tốt nhất trong đội hình, toàn bộ công sức luyện tập vẫn sẽ không trở nên vô nghĩa.”

Lý giải cho sự suy giảm theo thời gian của số lượng bàn thắng từ bóng cố định tại Premier League, Buttgereit tin rằng nguyên nhân là vì công tác huấn luyện thủ môn ngày càng được chú trọng, cũng như sự khan hiếm của những chân đá phạt cự phách. “Chúng ta ngày càng khó tìm thấy những đá phạt thượng hạng,” Buttgereit nói.

Một lần nữa, minh chứng là ngay tại kỳ Euro 2020, như đã nói, bàn thắng từ Mikkel Damsgaard vào lưới tuyển Anh là pha đá phạt hàng rào thành bàn duy nhất của giải đấu. Tầm quan trọng của khía cạnh kỹ thuật dường như đang bị xem nhẹ.

“Nếu tôi đến một CLB mới, tôi sẽ tìm cách dạy kỹ thuật đá phạt kiểu top-spin thay vì side-spin. Khi đó, bạn sẽ có ít những quả đá phạt đưa quả bóng đi trúng hàng rào hoặc vọt xà, vì những cú top-spin luôn đẩy quả bóng bay vọt lên và sau đó rơi chúi xuống. Kỹ thuật này khó học và có lẽ vì vậy không nhiều cầu thủ có thể làm được. Tuy nhiên, ở Midtjylland, có nhiều cầu thủ rất giỏi ở kỹ năng này, vì họ tập luyện từ khi còn ở lứa trẻ và lên đến đội một.”

Một yêu cầu khác cũng được đặt ra là sự kiên nhẫn. Những sự cải thiện ở khả năng phòng ngự lẫn tấn công trong các pha bóng cố định không đến ngay tức thì, đôi khi đó còn là bài toán thử-sai. Và sự kiên nhẫn trong bóng đá hiện đại dần trở thành một thứ xa xỉ.

Ngay tại Arsenal lúc này, Jover có lẽ cũng đã bắt đầu cảm thấy sức ép, sau khi đội bóng của Mikel Arteta đã để thủng lưới 3 bàn từ những tình huống phạt góc trong hai trận giao hữu tiền mùa giải.

“Chúng ta cần phải hiểu rõ cơ chế,” Buttgereit nhấn mạnh. “Không phải muốn sửa là sửa được ngay. Arsenal và Man Utd sẽ không bất thình lình giỏi hơn trong các pha bóng cố định nếu những con người xung quanh Nicolas Jover và Eric Ramsay không hòa cùng ý tưởng với họ. Những chuyên gia này cần được hỗ trợ, cần được trao niềm tin và nhất là sự kiên nhẫn. Như ngay tại tuyển Đan Mạch ở kỳ Euro đã qua, chúng tôi sẽ không thành công trong các pha bóng cố định nếu mọi thành viên trong ban huấn luyện và các cầu thủ cùng đồng lòng.”

Vai trò của những tình huống bóng cố định, lẫn vai trò kéo theo của các chuyên gia, các HLV bóng chết sẽ chỉ được nhìn nhận đúng đắn và sâu rộng chỉ khi quan niệm “ghi bàn từ phạt góc là thứ rẻ tiền” không còn tồn tại.

 ON Sports
Từ khóa: