NỘI DUNG: HÀ QUANG MINH / ĐỒ HỌA: Z.K
Người ta đang nói nhiều về PSG. Và người ta sẽ còn phải nói nhiều hơn nữa về đội bóng ấy. Kẻ giàu và mạnh vẫn luôn là tâm điểm của sự dư luận mà. Nhưng để nói về kẻ giàu và mạnh một cách khách quan nhất nhiều khi không đơn giản chút nào…
PSG thật ra chưa từng là cái tên từ Ligue 1 được yêu thích ở bên ngoài biên giới nước Pháp. Ligue 1, với thành tích nghèo nàn của mình ở các cúp châu Âu, vẫn luôn bị xem là một giải đấu nhà quê (farmers’ league) khi so sánh với Premier League, Serie A, Bundesliga, La Liga. Những người yêu bóng đá Pháp quen thuộc hơn với cái tên của Marseilles từ thời Bernard Tapie và Lyon sau này. Với họ, PSG là một chút gì đó nhạt nhoà, thiếu sức sống và chẳng có ấn tượng nào khác ngoài hình ản cái tháp Eiffel vốn dĩ mang tính biểu tượng của cả một thành phố.
Nhưng thực tế, PSG là một “hoàng tử” đúng nghĩa của Ligue 1 với dấu vết trưởng giả ngay từ khi mới ra đời. Đó là một đội bóng trẻ, đúng nghĩa, khi bề dày lịch sử của nó mới chỉ đong đầy nửa thế kỷ. Nhưng sự ra đời của nó lại gắn liền với một cái tên khá lừng lẫy trong thế giới bóng đá thế kỷ 20. Đó là Santiago de Bernabeu, người đã đưa ra lời khuyên cho nhóm doanh nhân thủ đô nước Pháp về cách kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng để xây dựng nên PSG. Và nếu PSG ra đời ở TBN chứ không phải ở Pháp, rất có thể họ đã trở thành một dạng CLB hội đoàn như Real, Barca, Bilbao, Osasuna… cũng nên.
Trong suốt những năm tồn tại của mình, PSG chưa bao giờ là một CLB nghèo. Họ luôn là một trong số những đội bóng giàu nhất nước Pháp khi chủ sở hữu luôn luôn là những nhà đầu tư nặng tay nhất ở đất hước hình lục lăng. Lấy “Công viên các Hoàng tử” làm sân nhà, sự giàu có của PSG cho thấy họ đúng nghĩa là một ông hoàng của Ligue 1 ở mọi thời kỳ. Nhưng trước khi được đầu tư bởi người Qatar, sự giàu có ấy nếu so sánh với các đại gia châu Âu thì cũng chẳng khác gì so một điền chủ nhỏ ở vùng nông thôn với những nhà đại tư bản ở các đô thị lớn. PSG đã từng như một hoàng tử nhà quê, một quý tộc tỉnh lẻ không đủ sức nặng và tiếng nói trước những đối thủ lớn châu lục, đặc biệt là ở những kỳ chuyển nhượng sôi động mỗi mùa hè.
Họ đã từng có những cầu thủ tốt nhất, những Quả bóng vàng đúng nghĩa như George Weah, như Ronaldinho hay những danh thủ tầm cỡ như Luis Fernandez, Djorkaef, Ginola, Leonardo, Rai, Anelka… Và ngoài Fernandez và Rai, hai người hiếm hoi chung thuỷ với PSG đến tận khi sự nghiệp về chiều, tất cả đều bỏ PSG ra đi đến những chân trời nhiều hứa hẹn hơn ở châu Âu. Có lẽ, tất cả đều không tin rằng ở Pháp nói chung và ở PSG nói riêng, họ có thể làm được điều gì đó lớn lao, chẳng hạn như chinh phục Champions League.
Và PSG đã từng là bước đệm như thế của nhiều ngôi sao lớn. Từ Paris, họ tới Milan, họ sang Barca, họ tìm đường toả sáng tại Premier League. Ở những điểm đến ấy, họ trở thành những ngôi sao sáng, thậm chí là siêu sao mà quá khứ với màu áo xanh-đỏ cùng logo có chiếc tháp Eiffel nhanh chóng bị lãng quên hoặc trở nên quá nhạt nhoà.
Trong khi những danh thủ rời PSG đã có được danh hiệu lớn, thậm chí là chức vô địch Champions League, thì ở Paris, đội bóng ấy vẫn vật vã ở một giải đấu bị độc chiếm bởi Lyon và chỉ thi thoảng xuất hiện ở Champions League như một vận may nào đó mà thôi. Nếu đã có ai từng sực nhớ đến PSG, chắc người ấy sẽ lại chỉ nhắc về năm 1996, với chiếc cúp châu Âu duy nhất của họ tính cho đến lúc này, chiếc cúp châu Âu gắn liền với HLV huyền thoại của CLB: Luis Fernandez.
Nhắc lại câu chuyện 1996 của Fernandez, chúng ta cũng nên kể lại cách mà ông rời PSG ra đi. Là một cầu thủ bắt nguồn từ học viện của CLB và sau này trở lại trong vị trí HLV trưởng, có lẽ không ai thấm nhuần văn hoá của PSG như Fernandez. Sau chiến thắng trước Rapid Vienna ở cúp C2 1996, PSG tổ chức tiệc ăn mừng ở Brussels. Ở đó, giới chức CLB mời Yannick Noah, tay vợt vô địch Roland Garos 1983 và cũng là một nhân vật giải trí tiếng tăm, tham dự trong vai trò nhân vật truyển cảm hứng. Giới phóng viên thể thao trước đó đã có những bài viết hết lời ca ngợi Yannick Noah, như thể nhân vật ấy mới là người tạo nên chiến thắng của PSG. Và Fernandez cảm thấy bị xúc phạm. Ông đợi đúng lúc tiệc đang cao trào, khi các quý phu nhân của các VIPs đang vây quanh Noah ở một góc khán phòng, để cất lên thông báo: “Vâng, thưa quý vị. Tôi sẽ chia tay PSG”. Sau hôm đó, Fernandez khởi hành đến Bilbao.
Và kéo theo chuyến ra đi ầm ĩ của Fernandez là gì? Yuri Djorkaef sang Inter Milan. Người được kỳ vọng có thể thay thế Djorkaef trong tương lai lâu dài là Nicolas Anelka nhưng rồi Anelka cũng rời bến sang Arsenal chỉ sau 10 trận ra sân cho PSG mà thôi.
Thế kỷ mới, bóng đá cũng sang trang. Vị thế hoàng tử sa cơ của PSG càng rõ nét hơn khi ngay cả ở Ligue 1 họ cũng không còn là một đội bóng giàu có đáng gờm nữa khi Lyon bắt đầu trỗi dậy. Thành tích kém cỏi, các ngôi sao lớn như Ronaldinho, Okocha rời đi, PSG mất dần giá trị. Họ thậm chí còn không được xếp vào nhóm 20 CLB có thị giá hàng đầu ở châu Âu, nơi mà Lyon vẫn góp mặt và thi thoảng Marseilles lại nhảy chân vào. So với biển trời, PSG thậm chí từng thua kém cả những Celtic, Everton, Aston Villa hay West Ham Utd. Trước mắt họ, xuống hạng đã bắt đầu là một nguy cơ sắp thành hình.
Nhưng rồi mọi thứ đổi thay đúng 10 năm trước, khi QSI xuất hiện và hoàn tất vụ mua bán chóng vánh. PSG đã bắt đầu đời sống vương giả đúng nghĩa của mình chính từ thời điểm này khi CLB trở thành tài sản của một vương quốc, một hoàng quyền. Nhiều người vẫn quen với gương mặt của Al-Khelaifi và tưởng rằng đó là chủ nhân của PSG nhưng thực tế không phải. Quốc vương Qatar, Tamim bin Hamad al-Thani, mới chính là chủ nhân đích thực của PSG và ý chỉ của ông mới là quyết định cuối cùng đối với các vấn đề của CLB.
Bắt đầu từ những cái tên ngôi sao hạng khá như Javier Pastore, Menez, Gamiero, Matuidi, Sirigu năm 2011, PSG leo thang chóng mặt trong cuộc chạy đua vũ trang và khiến phần còn lại của châu Âu phải lo ngại. 2012 là Ibrahimovic, một cầu thủ từng được coi là “quá oách để chơi ở Ligue 1”, là Thiago Silva, là Verratti. 2013 là Lucas Moura, là Cavani. 2015 là Di Maria và đỉnh điểm là 2017 với Kylian Mbappe và Neymar. PSG bắt đầu trở thành một cái rốn hút các ngôi sao và tên họ luôn được nhắc đến trong tốp cạnh tranh hàng đầu mỗi khi mở cửa TTCN và có một siêu sao nào đó được đồn đoán là sắp được “lên sàn”.
Trong những vụ mua sắm của PSG, có lẽ vụ bị bàn tán nhiều nhất vẫn là trường hợp của Neymar. Nó như một cú trả thù ngọt ngào cho việc PSG để mất Ronaldinho vào tay Barca với cái giá rẻ mạt cách đó hơn 10 năm, và trực tiếp hơn là việc Barca "dám" lôi kéo ngôi sao Verratti của họ. Đến lúc này, vẫn không ai hiểu được tại sao PSG có thể thoát được các quy định ngặt nghèo của UEFA về tài chính để có thể chi 222 triệu euro cho Neymar ở cùng một mùa Hè mà họ chi 145 triệu euro cho Mbappe. Thậm chí, còn có tin đồn rằng chính QSI, thông qua các kênh đầu tư nào đó của mình, đã tài trợ tiền để Neymar đơn phương phá vỡ hợp đồng với Barca và sau đó PSG chỉ việc ký kết với Neymar như một cầu thủ tự do.
Câu “bỏ tiền mua danh hiệu” vẫn là cửa miệng của rất nhiều người khi nói về PSG, như họ từng nói về Chelsea, về Man City nhưng rõ ràng, xu hướng ấy là không thể nào chống lại. Và nếu nhìn vào thực tế, chúng ta sẽ nhận thấy tiền bỏ ra không phải để mua danh hiệu mà nó là một thương vụ đầu tư sinh lời đầy khôn ngoan của hoàng gia Qatar.
2011, QSI mua lại 70% cổ phần PSG từ Colony Capital của Mỹ với giá 50 triệu euro. 2012, họ hoàn tất mua nốt 30% còn lại với giá 30 triệu euro. Tổng chi phí để mua PSG càch đây 10 năm chưa bằng một nửa phần tiền họ mua Neymar. Nhưng giá trị của PSG thì đã thay đổi rất nhiều. Nếu tính tổng số chuyển nhượng phí mà PSG đã chi trong 10 năm qua là 1,3 tỷ euro rồi trừ đi 450 triệu euro tiền họ bán cầu thủ, rõ ràng chúng ta thấy QSI đã đổ vào PSG 950 triệu euro đầu tư. Đổi lại họ được gì?
Theo báo cáo mới nhất của Forbes, giá trị của PSG hiện nay vào khoảng 2,1 tỷ euro. Giá trị này đang tăng rất nhanh trong 2 năm vừa qua khi mà PSG có những tăng trưởng thực sự về doanh số cũng như tầm ảnh hưởng trong công chúng. Nếu so sánh với giá trị của PSG được Forbes công bố vào tháng 05/2019 là 850 triệu euro thì rõ ràng, chúng ta nhận thấy bất chấp Covid-19, thương hiệu PSG đã phát triển như thế nào. Một phần góp nên sự tăng trưởng ấy có lẽ là việc họ đã vào đến chung kết Champions League 2019/20 và cho thấy họ luôn là ứng viên hàng đầu cho vị trí ở bán kết giải đắu này ở mỗi mùa giải.
Trong khi đó, theo báo cáo của Deloitte, ở năm tài khoá 2020, PSG đã vươn lên là CLB có doanh thu đứng thứ 7 trên thế giới, bám sát Man City (chỉ thua Man City 9 triệu euro) và đã vượt mặt Chelsea, Juventus, Arsenal. Lượng CĐV có đăng ký (fan base) của PSG đã tăng gần gấp 4 lần trong 6 năm qua và tính tới cuối năm 2020, PSG đã có tới 90 tài khoản theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội. Với chi phí cơ bản mà QSI bỏ ra cho PSG 10 năm qua, bao gồm chuyển nhượng và tiền mua lại cổ phần CLB như đã tính ở trên là 950 triệu euro, ai có thể phủ nhận đây là một vụ làm ăn không có lời, nhất là khi từ 2016 tới nay, doanh thu của PSG luôn vượt mức 500 triệu euro mỗi năm.
Nếu so sánh với con số 1 tỷ euro mà cựu chủ tịch Bartomeu đã chi ra cho chuyển nhượng ở Barcelona trong nhiệm kỳ của mình và dẫn tới khoản nợ 1,4 tỷ euro mà đa số là ngắn hạn, có lẽ cái gọi là “bỏ 950 triệu mua danh hiệu” mà người ta đang giễu cợt PSG nói riêng và những Chelsea, Man City nói chung nên bị xem là thiển cận.
Cái việc mà PSG mơ ước từ hơn hai mươi năm trước và tưởng như không bao giờ có thể trở thành sự thật là được nhận diện toàn cầu bây giờ đã là một thực tế hiển nhiên. Việc thương hiệu phát triển đến mức độ đó cũng là lý do để những hợp đồng với các khách hàng được gia hạn với thời gian lâu dài hơn. Điển hình là Nike Jordan, với bản gia hạn 10 năm, nó cho thấy PSG thật sự đã tạo ra cho đối tác của mình một niềm tin chắc chắn rằng đây là một hạng mục đầu tư tốt. So sánh với việc Barca chỉ được Rakuten gia hạn thêm đúng 1 năm và hiện đang rất vất vả trong việc đàm phán với đơn vị tài trợ áo đấu mới hết hạn là Beko, chúng ta sẽ hiểu rằng việc đổ tiền mua ngôi sao của PSG không vô ích chút nào.
“Ici C’est Paris”, đó là dòng chữ chúng ta vẫn nhận ra mỗi khi xem PSG chơi trên sân nhà. Và bản thân dòng chữ ấy đã nói lên tất cả về bản sắc của PSG, về văn hoá CLB và cách mà CLB định vị mình trong thị trường bóng đá.
“Đây là Paris”, một tiêu ngữ (motto) đơn giản nhưng đủ nói lên tất cả. Nó là sự hãnh diện của một địa danh được coi là kinh đô ánh sáng, là văn minh, là đẳng cấp. Và PSG đã từng định vị mình đúng như một CLB cao cấp kiểu “hàng hiệu” (luxury). Họ từng có những kết hợp với các nhãn hàng thời trang đình đám như Cartier, như St. Dupont… để phát triển mảng vật phẩm thương mại của mình. Cách làm ấy đã là một định nghĩa khẳng định “hoàng quyền” và sự khác biệt đối với phần còn lại của bóng đá Pháp nói riêng và châu Âu nói chung nhưng nó đã được thay đổi để phù hợp với con đường phát triển.
Nếu ở quá khứ, hình ảnh xa xỉ mà PSG xây dựng gắn liền với những phù phiếm của giới thượng lưu, như cái cách mà những quý bà vây quanh Yannick Noah năm nào, là một đối lập cực rõ nét với hình ảnh bình dân, gần gụi đại kình địch của họ là Marseilles mang lại thì cách định vị của PSG hôm nay đã khác. Họ giữ sự tinh tế của một đô thị trung tâm của nước Pháp nhưng bắt đầu cũng có những dịch chuyển gần hơn nữa với tính đại chúng. Đơn giản, một đội bóng đá sống bằng đại chúng chứ không phải là một thứ tiêu khiển riêng của tầng lớp thượng lưu. Những sản phẩm xa xỉ quá mức, với giá bán khá đắt đỏ của thời đoạn 2012-2016 đã không còn nữa. Sản phẩm của PSG bây giờ dễ tiếp cận hơn, với mức giá cũng bình dân hơn.
Ở Marseilles, người ta nói thành phố có một mũi đinh ba quyền lực bao gồm Toà thị chính - Bến cảng - CLB bóng đá thì ở Paris, PSG cũng bắt đầu đánh dấu tầm ảnh hưởng của mỉnh trong lòng một nước Pháp đã có nhiều thay đổi. PSG hôm nay đang hướng tới một kế hoạch “Pháp hoá” đội bóng của mình, dựa trên chủ trương phải tăng số lượng tuyển thủ Pháp trong cơ cấu của CLB. Đó là lý do họ để mắt đến Paul Pogba bởi đó là một trong những đại diện tiêu biểu của Les Bleus đương đại, đồng thời cũng là người có ảnh hưởng đến Mbappe, một siêu sao của tương lai.
Sự đa dạng của PSG ở diện mạo cầu thủ cũng là đại diện của sự đa dạng của xã hội Pháp hiện nay, với đủ những thành phần từ bản địa đến nhập cư. Nhưng nổi bật trong hình hài PSG hiện đại này, chúng ta vẫn nhận thấy nét đặc trưng PSG của những thập niên cũ, đặc biệt là thời kỳ 90s. Đó là sự gắn bó với các ngôi sao Nam Mỹ, như Rai, Leonardo một thời và bây giờ là Neymar, Di Maria, Marquinhos. Người gìn giữ và duy trì sợi dây gắn kết này chính là Leonardo, vị giám đốc thể thao được Al-Khelaifi tin tưởng gần như tuyệt đối.
Và bản thân PSG cũng đang cố gắng chứng tỏ mình đi được bằng hai chân, chuyển nhượng và đào tạo, thay vì chỉ là một đội bóng mua sắm và mua sắm. Chính trong phát biểu trên tạp chí France Football, khi được hỏi về trường hợp của Pogba và những tăng cường, Leonardo đã khiến nhiều người bất ngờ khi nói đại ý rằng PSG vẫn hướng đến việc có thể mượn cầu thủ trước mắt thay vì dồn quá nhiều tiền cho một mục tiêu và dẫn tới mất cân bằng.
Thực tế, lò đào tạo trẻ của PSG cũng vẫn được xem là một trong những trung tâm tốt của bóng đá Pháp. Nhưng phải thừa nhận, sự khắc nghiệt trong cạnh tranh vị trí chưa cho phép nhiều nhân tố trẻ được góp mặt ở đội hình chính của PSG như trường hợp của Kimpembe. Hãy nhìn vào Kingsley Coman, người đã giết chết giấc mơ vô địch Champions League của PSG năm 2020, chúng ta sẽ hiểu. Một cầu thủ giỏi như vậy, là tuyển thủ Pháp nhưng cũng khó chen chân trên một hàng công với Di Maria, Mbappe, Neymar và Cavani (ở thời điểm ấy).
Áp lực cạnh tranh này sẽ buộc các cầu thủ ở học viện của PSG đứng trước hai con đường: hoặc trở thành Kimpembe, hoặc trở thành Coman. Những cái tên đã rời PSG như Rabiot, Timothy Weah, Ikone, Augustine, Areola đều thuộc diện chất lượng cao cả. Nhưng ở PSG, chất lượng cần phải là thượng thừa.
Và PSG cũng không chỉ định vị mình là một CLB bóng đá đơn thuần. Họ, khởi điểm là một CLB hội đoàn kiểu Real, Barca, vẫn giữ những đội thể thao khác như boxing, bóng ném, bóng bầu dục, Judo và mới đây là thể thao điện tử. Ở phương diện này, PSG rất giống với Real và có thể nói phần nào họ đã sao chép mẫu hình Real.
Đầu tháng 06/2021, PSG kỷ niệm 50 năm thành lập CLB bằng một chức vô địch đầu tiên. Đó là chức vô địch bóng đá nữ. Kể từ khi QSI đầu tư vào PSG, đây là danh hiệu khó nhằn thứ ba đối với họ (sau Champions League của bóng đá Nam và Champions League bóng đá nữ). Đơn giản, ở giải VĐQG Pháp môn bóng đá nữ, Lyon là bất khả chiến bại.
PSG nữ đã về nhì rất nhiều lần trong cuộc đua với Lyon rồi, thậm chí còn thua cả Lyon ở chung kết Champions League 2017. Điều đó cho thấy, để có thành tích trong bóng đá là cực khó, bất chấp có đầu tư nhiều thế nào đi nữa.
Người ta vẫn nói về PSG bằng cái diễn dịch đầy mỉa mai là “Paris Say Goodbye” mỗi khi họ bị loại khỏi Champions League. Phải nói thẳng, đó là một ám ảnh thật sự với PSG khi mọi nguồn đầu tư của họ đều được xem là để chinh phục giải đấu danh giá bậc nhất này.
Với 27 danh hiệu mà PSG đoạt được kể từ khi QSI xuất hiện, rõ ràng việc thành công quốc nội đã trở thành một thói quen, một bắt buộc đúng nghĩa khi PSG mạnh vượt trội so với đối thủ. Đòi hỏi lớn với họ lúc này phải là Champions League bởi chỉ có Champions League mới nâng tầm thương hiệu PSG lên một bậc ngõ hầu họ có thể góp mặt vào chiếu “4 tỷ” (giá trị đội bóng) mà những Barca, Real, Man Utd< Bayern… đang thường xuyên hiện diện.
Nói gì thì nói, mọi đầu tư của QSI cho PSG có sinh lợi ở lĩnh vực kinh doanh nào đi nữa thỉ cũng chưa được xem là thành công trọn vẹn nếu chưa có chức vô địch Champions League. Kinh doanh thể thao dù sao cũng vẫn phải căn cứ trên thành tích sân cỏ. Người hâm mộ có thể yêu mến đội bóng rất nhiều nhưng họ sẽ luôn mòn mỏi chờ đợi đội bóng ấy “đáp lại” bằng danh hiệu cao quý nhất. Chỉ có danh hiệu mới khiến mở rộng lực lượng ủng hộ viên bền vững nhất. Còn việc mua sắm ngôi sao ư? Nó chỉ là hiệu ứng mang tính nhất thời bởi mỗi ngôi sao đều chỉ có một thời hạn hành nghề mà thôi. Không lẽ, để nuôi dưỡng tình yêu của ủng hộ viên, đội bóng cứ phải miệt mài đi mua những tên tuổi lớn?
Việc PSG may mắn có được Messi ở mùa Hè này đã mở ra một cơ hội thực sự. Đúng là PSG quá may mắn khi Barca bị quá nhiều ràng buộc không thể vượt qua. Đúng lúc ấy thì Man City đã có Grealish và Pep không còn dư ngân sách cho cuộc đoàn tụ học trò cũ. May mắn hơn nữa, có Messi, PSG dễ bề giữ chân Mbappe hơn bởi ai mà chẳng muốn được chơi cạnh một siêu sao thiên tài.
Với việc World Cup 2022 diễn ra ở Qatar vào mùa Đông năm tới, chuyện quyết định danh hiệu Quả bóng vàng 2022 sẽ dựa rất nhiều trên kết quả của Champions League 2021/22 và kỳ World Cup này. Và nếu như 3 danh thủ Messi - Neymar - Mbappe của PSG cùng toả sáng ở Champions League, họ rất nhiều khả năng sẽ biến PSG trở thành CLB chi phối giải thưởng cá nhân cao quý kể trên như Barcelona đã từng.
Messi luôn hoài niệm về bộ ba MSN ngày nào và quả thực, ở PSG, Mbappe có thể là nhân vật thay thế hoàn hảo nhân tố S của bộ 3 ngày nào để tạo thành một MNM đe doạ cả châu Âu. Chắc chắn, đội hình của PSG hiện tại đã ở tầm của một galacticos đúng nghĩa rồi và điều họ cần là phải mang lại được kết quả cuối cùng như galacticos của Real đã từng.
Do đó, PSG cần phải “Say Goodbye” lần cuối với những thất bại ở Champions League. Messi thực tế không còn nhiều thời gian và hai năm hợp đồng của anh chính là thời hạn để PSG leo lên đỉnh châu Âu. Tấm gương Man City vẫn còn đó. Trong bảng tổng sắp giá trị đội bóng, Man City thực tế chỉ còn kém Man Utd khoảng 200 triệu euro mà thôi. Nếu ở tháng 05 vừa rồi Man City vượt qua Chelsea để lên ngôi vô địch Champions League, rất có thể họ sẽ san bằng “tỷ số” với đối thủ cùng thành phố. Nhưng giờ thì Man City đã phải đợi chờ thêm và chính những kẻ đợi chờ như Man City cũng là đối thủ đe doạ PSG rất lớn trong cuộc chơi khốc liệt này.
Luis Fernandez, trong một phát biểu gần đây trên tờ L’Equipe, đã cảnh báo rằng nếu PSG không vô địch, họ sẽ có nhiều nguy cơ phá sản. Thực tế, Fernandez hơi lo xa bởi sở hữu PSG là đối tượng khác hẳn với các tài phiệt như Abramovich hay các hội đoàn như ở TBN. Song, cảnh tỉnh của Fernandez không hẳn là không đáng lưu tâm. Đầu tư nào cũng có chu kỳ của nó cả. Và ở chu kỳ này, nếu PSG không đạt mục tiêu thể thao, họ sẽ phải chờ bao lâu cho một chu kỳ kế tiếp với lực lượng ngôi sao kế tiếp đây?
“Say Goodbye” với thất bại trên sân cỏ, PSG mới có thể “Say Goodbye” với kỷ nguyên bị coi là “dùng tiền mua danh hiệu” như Chelsea đã thực hiện thành công. Đó chính là con đường duy nhất, công thức duy nhất mà sự trỗi dậy của hoàng quyền Paris-Qatar sẽ phải đi qua. PSG trong lịch sử từng nhạt nhoà và dễ bị lãng quyên. Còn PSG hôm nay thì sẽ dễ được nhớ mãi. Chỉ có điều cơ bản là được nhớ trong tư cách nào mà thôi: kẻ chiến bại vĩ đại hay nhà chinh phục trong kỷ nguyên mới?