Chẳng ai thắng được sự tàn nhẫn của thời gian. Dù sẽ không đời nào thừa nhận, nhưng có lẽ Cristiano Ronaldo đang cảm nhận rằng những ngày tháng đỉnh cao đã không còn bên anh nữa.

Từ vị thế Vua Bóng đá

Đúng vậy, chẳng khác nào một vị vua, Ronaldo đã quá quen với việc đi tới đâu, người ta phải cúi rạp trước mình tới đó. Thậm chí từ khi bước sang tuổi 30, vốn là độ tuổi “xế chiều” của bóng đá, siêu sao người Bồ Đào Nha cũng vẫn được các HLV đối xử như một ông Hoàng, với vỏn vẹn 11 lần ngồi dự bị trong suốt 6 mùa giải, qua 273 trận đấu. Mùa 2019/20, ở độ tuổi 35, Ronaldo vẫn góp mặt trong đội hình xuất phát toàn bộ 39 trận đấu anh tham dự ở Juventus.

Phải là một cầu thủ quan trọng nhường nào, được HLV nể trọng nhường nào mới được ra sân nhiều đến thế. Bất chấp tính chất trận đấu, bất chấp mọi tính toán chiến thuật, Ronaldo là cái tên không thể bị ra rìa. Các HLV đều phải xây dựng lối chơi xung quanh anh. Từ những tên tuổi lẫy lừng Sir Alex Ferguson, Carlo Ancelotti, Jose Mourinho, Zinedine Zidane cho tới những HLV trẻ tuổi Andrea Pirlo, Ole Gunnar Solskjaer, không một ai dám khước từ Ronaldo vị thế “cái rốn của vũ trụ”.

Thật vậy, Karim Benzema phải cam phận làm nền cho siêu sao người Bồ mòn mỏi gần hết sự nghiệp, để rồi đến năm 34 tuổi mới đạt đỉnh cao ở Real Madrid. Juventus sẵn sàng dẹp bỏ hết vai trò của mọi ngôi sao khác để dọn đường cho duy nhất Ronaldo tỏa sáng, đến mức anh trai Paulo Dybala phải đăng đàn phản đối. Và hẳn cũng chưa ai quên hình ảnh Ronaldo đứng “chỉ đạo” các tuyển thủ Bồ Đào Nha trong trận chung kết EURO 2016 với Pháp sau khi bị chấn thương rời sân. Hành động ấy đã lấn át hoàn toàn vai trò của HLV Fernando Santos và nhận sự chỉ trích dữ dội từ dư luận trong nước.

Nhưng Ronaldo là như vậy. Anh phải là số một ở bất cứ đâu mình đặt chân đến. Anh bị ám ảnh phải luôn hoàn hảo, phải ra sân và ghi bàn, phải giành chiến thắng.

Trong những cuộc tranh luận không hồi kết về Cristiano Ronaldo và Lionel Messi, cơ sở thường được “phe Ronaldo” dùng để chiếm thế thượng phong là việc CR7 có khả năng thích nghi ở nhiều môi trường khác nhau, trong khi Messi chỉ gắn bó với duy nhất Barcelona (cho tới Hè 2021). Từ Sporting Lisbon, Man United, Real Madrid cho đến Juventus, Ronaldo đều biết cách tỏa sáng và khẳng định tên tuổi. Và ở đẳng cấp siêu sao của mình, mỗi lần anh chuyển CLB, ấy lại là một quả bom tấn được kích nổ.

Ronaldo chuyển nhiều CLB hơn Messi

“Quả bom” đầu tiên là vào năm 2003, Ronaldo chuyển từ CLB quê nhà Sporting Lisbon đến Man United, chính thức bước chân vào thế giới bóng đá đỉnh cao. Đối với một cầu thủ mới 19 tuổi, dù tài năng cỡ nào, con số 19 triệu euro phí chuyển nhượng lúc đó - đưa anh trở thành cầu thủ tuổi teen đắt giá nhất lịch sử bóng đá Anh thời bấy giờ - vẫn là quá mạo hiểm. Nhưng với cá tính quyết liệt của mình, Ferguson thậm chí còn nhạo báng mọi ý kiến nghi hoặc bằng hành động trao cho Ronaldo áo số 7 vĩ đại của những George Best, Eric Cantona và David Beckham, bất chấp anh chỉ xin mặc số áo 28. Một huyền thoại chính thức được viết những chương đầu tiên.

Bảy năm sau ngày được Man United trao chiếc áo số 7, Ronaldo đã được tận hưởng mọi vinh quang tối thượng ở Old Trafford. Anh cùng Man United vô địch Premier League 3 mùa giải liên tiếp 2006/07, 2007/08 và 2008/09, trong đó, anh ẵm luôn danh hiệu Vua phá lưới mùa 2007/08, Chiếc giày vàng châu Âu 2007/08 và cầu thủ Ngoại hạng Anh xuất các mùa 2006/07 và 2007/08. Sau danh hiệu vô địch Champions League 2008/09, anh chia tay Quỷ đỏ, tìm kiếm thử thách mới ở đội bóng vĩ đại nhất thế kỷ XX, Real Madrid.

Ngày Ronaldo đặt chân đến Madrid, 90.000 CĐV đã phủ kiến Santiago Bernabeu để chào đón siêu sao được xem là xuất sắc nhất thế giới thời điểm đó. Không một bom tấn chuyển nhượng nào có thể lớn hơn thương vụ này, dù số tiền chuyển nhượng 94 triệu euro đã nhanh chóng bị phá vỡ bởi Gareth Bale năm 2013 (100 triệu euro). CR7 đã không khiến các madridista phải thất vọng. Sau gần 10 năm cống hiến, giành 2 La Liga (2011/12 và 2016/17), 4 Champions League liên tiếp (2013-2018), 4 Quả bóng Vàng FIFA (2013, 2014, 2016, 2017) cùng nhiều danh hiệu cao quý khác, anh rời Bernabeu với tư cách một trong những tên tuổi vĩ đại nhất lịch sử nhân loại.

Ronaldo trong màn ra mắt lịch sử ở Bernabeu

Năm 2018, Juventus gây ngỡ ngàng khi dốc ngược hầu bao mua Ronaldo, chỉ vài tháng sau khi bị loại ở Champions League bởi cú đúp của tiền đạo này cho Real Madrid, trong đó có cú ngả bàn đèn “chỉ có trong PlayStation”. Ở tuổi 33, CR7 trở thành cầu thủ trên 30 tuổi có giá trị chuyển nhượng cao nhất lịch sử bóng đá, lên tới 117 triệu euro. Anh lập tức giúp Bianconeri giành liên tiếp 2 danh hiệu Serie A (2018/19, 2019/20) và phá vô số kỷ lục lớn nhỏ khác, nhưng vẫn thất bại ở Champions League và nhận nhiều chỉ trích từ dư luận.

Chưa bao giờ thực sự hạnh phúc ở Italia, Ronaldo công khai ý định ra đi với HLV Allegri vào hè 2021. Hệ quả là “quả bom tấn” gần nhất (nhưng chưa biết có phải cuối cùng hay không) đã nổ ra. Nhận được sự thuyết phục của thầy cũ Ferguson, người mà anh coi như người cha thứ hai, cùng nhiều bạn bè khác, Ronaldo quyết định trở lại nơi đã chắp cánh cho sự nghiệp đỉnh cao của mình, Man United, vào tháng 8/2021, theo bản hợp đồng trị giá 15 triệu euro. Chỉ là một con số quá ư khiêm tốn so với danh tiếng lừng lẫy của anh, nhưng tổng chi phí thực tế mà United phải bỏ ra lên tới 60 triệu bảng cho 2 mùa giải. Đổi lại, Quỷ đỏ sở hữu một trong những thương hiệu “hái ra tiền” nhất hành tinh. Tài khoản Instagram của Ronaldo có 400 triệu người theo dõi, 150 triệu trên Facebook và gần 97 triệu trên Twitter. Tổng số lượt theo dõi của United trên ba kênh là 157 triệu, thấp hơn nhiều so với 639 triệu của Ronaldo. Để so sánh, nên biết rằng Paul Pogba “chỉ” có 86 triệu theo dõi và thích trên các nền tảng, David de Gea có 40,7 triệu, Rashford có 26,4 triệu và Bruno Fernandes có 17,3 triệu.

Ronaldo là trường hợp có lẽ là cuối cùng nhắc nhở chúng ta về thời đại của những ngôi sao lớn hơn cả một CLB. Do đó, United có quyền hy vọng sẽ cải thiện cả về khía cạnh kinh tế lẫn vị trí trên BXH. Họ đã nhanh chóng gia tăng số lượt theo dõi trên Instagram từ 43 triệu trước khi CR7 đến lên 54 triệu của hiện tại.

Ronaldo là thỏi nam châm siêu mạnh thu hút người hâm mộ đổ về Old Trafford. Vé xem trận đấu của Man United với Newcastle được bán qua thị trường chợ đen với giá hơn 2500 bảng. Trên mạng xã hội, các cầu thủ cả mới và cũ của CLB đều trân trọng sự trở lại của Ronaldo. Jesse Lingard đăng một bức ảnh chụp cùng Ronaldo từ khi anh còn là một cậu bé. Marcus Rashford viết: “Wow wow wow, đại ca về nhà rồi”, cùng biểu tượng cảm xúc trái tim. Bruno Fernandes tự gọi mình là “Đặc vụ Bruno” trên Twitter sau khi góp công thuyết phục Ronaldo từ chối Man City và trở lại United. Cựu đội trưởng Roy Keane chia sẻ một bức ảnh choàng tay ôm Ronaldo. Cựu thủ môn Peter Schmeichel thì khui một chai champagne trên mạng xã hội.

Về mặt chuyên môn, Ronaldo đã có một màn trở lại Manchester chẳng khác nào trăng mật. Siêu sao người Bồ lập cú đúp vào lưới Newcastle, đưa Quỷ đỏ vươn lên dẫn đầu bảng Premier League ngay trận ra mắt (lần 2). Sir Alex Ferguson mỉm cười mãn nguyện, khi chính ông là người đã gọi cho người đại diện của Ronaldo là Jorge Mendes để thuyết phục cậu học trò mà ông coi như đứa con trai lưu lạc trở lại Old Trafford tháng 8 năm ngoái. Trong phòng VIP, bà Dolores - mẹ của Ronaldo, không thể ngừng cười khi cổ vũ cho quý tử, trên cổ phấp phới chiếc khăn quàng cổ màu đỏ trắng được người hâm mộ United gửi tặng.

Tới thực tại phũ phàng

Sở hữu vị thế và thành tích xưa nay hiếm cùng thái độ tập luyện và gìn giữ bản thân tuyệt đối khoa học, Ronaldo từng cho biết anh đặt mục tiêu chơi bóng đỉnh cao tới năm 42 tuổi. Mới chỉ đầu năm 2022, anh còn tuyên bố mình vẫn sung mãn như ở tuổi 30. Thực tế là vào năm 2018, sau buổi kiểm tra thể lực để gia nhập Juventus, các bác sĩ đã phải kinh ngạc thừa nhận CR7 có cơ thể trẻ hơn tuổi thực đến 13 tuổi. Tức là chuyện anh đủ khả năng thi đấu đỉnh cao ở độ tuổi U50 hoàn toàn không phải viển vông.

Thế nhưng thời gian chẳng bỏ quên ai. Ronaldo quả thực đã duy trì đỉnh cao được lâu hơn đa số cầu thủ bình thường, nhưng có vẻ như rốt cuộc tuổi tác cũng đã bắt kịp anh. Số lần người ta được chứng kiến màn ăn mừng “Siuuu” đặc trưng của CR7 ngày càng thưa thớt, ngược lại, ngày càng dày đặc những hình ảnh giận dữ vì bế tắc và thất vọng. Lần gần nhất là 90 phút bất lực trước Southampton, trước đó là sau tiếng còi mãn cuộc trận hoà 1-1 giữa Man United với Burnley, trận đấu mà Ronaldo đã bị HLV Rangnick lạnh lùng khoá chân trên băng ghế dự bị, sau khi than thở hàng công của mình “quá phung phí cơ hội” ở trận đấu với Middlesbrough tại FA Cup hôm giữa tuần (trận đấu mà Ronaldo đã đá hỏng phạt đền và Man United bị loại sau loạt luân lưu). Mãi tới phút 68, anh mới được tung vào sân thay Edinson Cavani, nhưng cũng chơi mờ nhạt và không thể giúp đội nhà giành trọn 3 điểm.

Hình ảnh Ronaldo dự bị đang dần trở nên quen thuộc

-->> Ronaldo tiếp tục tịt ngòi, MU rơi điểm trước Southampton

-->> Vì sao Ronaldo dự bị trước Burnley?

-->> Ralf Rangnick yêu cầu học trò ngừng than vãn trên mạng xã hội

Kết thúc trận đấu, Ronaldo không ở lại sân để cám ơn các CĐV mà đi thẳng vào phòng thay đồ, giận dữ ném chiếc băng tay (một hành động anh đã làm đi làm lại nhiều lần ở mùa giải này). Chẳng có gì ngạc nhiên, bởi đây đã là trận thứ 5 liên tiếp anh không thể ghi bàn, tính từ trận thắng 3-1 cũng trước Burnley vào ngày 30/12 năm ngoái, giai đoạn “tịt ngòi” lâu nhất ở cấp độ CLB của siêu sao người Bồ kể từ năm 2010. Nếu tính cả cấp độ ĐTQG, Ronaldo cũng đang có chuỗi 5 trận không thể ghi bàn, với lần “nổ súng” gần nhất đã là từ năm 2018.

Gần 6 tháng kể từ khi giấc mơ thành hiện thực với sự trở lại của Ronaldo, người Man United đã bị kéo trở lại thực tế một cách thô bạo. Man United đang đứng thứ 5 trên BXH, kém đội đầu bảng Man City tới 21 điểm, coi như hết hy vọng đua vô địch Premier League. Họ cũng đã bị loại ở cả FA Cup lẫn Cúp Liên đoàn, những đấu trường “vừa sức” nhất với Quỷ đỏ. Danh hiệu duy nhất họ còn có thể hướng tới là Champions League, nhưng với những gì đã thể hiện thời gian qua, chuyện đội bóng này lên ngôi ở đấu trường danh giá nhất châu Âu chẳng khác nào một trò đùa.

Trong bức tranh đã ngả màu u ám đó, không thể phủ nhận Ronaldo vẫn mang đến những nét chấm phá tươi sáng. Anh là chân sút hàng đầu của đội, đã ghi 14 bàn mùa này trên mọi đấu trường, trong đó có những bàn thắng quan trọng ở các trận gặp Newcastle, West Ham, Tottenham, Arsenal hay Norwich, cũng như 4 bàn được anh ghi sau phút 78 giúp Quỷ đỏ vượt qua vòng bảng Champions League. Nhưng thực tế là Man United đã trở nên tệ đi sau khi đưa anh trở lại. Kinh nghiệm và đẳng cấp của anh từng được kỳ vọng sẽ là chất xúc tác cho những tài năng xung quanh như Jadon Sancho, Rashford hay Mason Greenwood bùng nổ. Nhưng thực tế thì Sancho mới chỉ ghi 1 bàn khi cùng ra sân với Ronaldo, con số đó của Greenwood, Rashford, Cavani và Fernandes là 2.

Tất nhiên, sẽ là thiếu công bằng nếu quy chụp thành tích cá nhân kém cỏi của các đồng đội là lỗi của Ronaldo, nhưng rõ ràng hiệu ứng của anh trên sân không hề được như kỳ vọng. Solskjaer đã mất việc chỉ sau 9 vòng Ngoại hạng Anh có Ronaldo trong tay bởi ông không thể tìm ra công thức lắp ráp anh vào một hệ thống chiến thắng, hay có lẽ đơn giản hơn bởi quá phụ thuộc vào Ronaldo, người không còn là một “siêu nhân” như thời sát cánh cùng ông trên sân cỏ. Rangnick cũng đang gặp vấn đề tương tự, thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi phải dọn dẹp hậu quả những biểu hiện giận dữ ngày càng dày đặc của Ronaldo trước truyền thông cũng như trong phòng thay đồ.

Ronaldo giận dữ vì bất lực. Anh chua xót nhận thấy mình đã không còn sở hữu tốc độ xé gió và thể lực bền bỉ suốt 90 phút như thời kỳ đỉnh cao, bất chấp những nỗ lực tập luyện và gìn giữ thể trạng ít ai bì kịp. Anh cay đắng khi những cố gắng của mình không còn thay đổi được cục diện trận đấu. Và dù đã tôi luyện đến mức hoàn hảo những kỹ năng cần thiết để tiến hoá thành một cây săn bàn sát thủ, điển hình là đánh đầu, chọn vị trí và đệm bóng cận thành, nhưng đâu đó trong thâm tâm, dường như Ronaldo vẫn không chấp nhận thay đổi phong cách, không sẵn sàng từ bỏ vị thế trung tâm trong lối chơi của đội để di chuyển ít hơn, “mắc màn” trong vòng cấm nhiều hơn.

Những điểm chạm bóng của Ronaldo ở Premier League 2021/22 (màu sáng cho thấy mật độ điểm chạm dày hơn

Hình ảnh trên đây minh hoạ các pha chạm bóng của Ronaldo ở Premier League. Phần lớn tình huống chạm bóng được anh thực hiện ở cánh trái và nửa sân bên trái. Việc một tiền đạo hoạt động rộng, dạt cánh trong một số thời điểm của trận đấu rất được hoan nghênh trong bóng đá hiện đại, nhưng ở độ tuổi của Ronaldo cùng sự suy giảm về thể chất (anh vẫn là một trong những tiền đạo nhanh nhất Premier League, nhưng không còn nhanh như chính anh một thập kỷ trước), cộng thêm khả năng bọc lót hạn chế từ các đồng đội, đã dẫn tới sự chuệch choạc trong không ít pha lên bóng của United.

Sau tất cả, Ronaldo vẫn là một siêu sao sở hữu những kỹ năng hàng đầu thế giới. Nhưng nhìn nhận một cách tổng thể, có lẽ anh không còn xứng đáng được đứng trong hàng ngũ 10 cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh. Chúng ta đang nhắc đến một cầu thủ đã không giành Quả bóng Vàng suốt từ năm 2017, và thậm chí không lọt vào top 3 vị trí cao nhất cho cuộc bầu chọn này kể từ năm 2019. Sự thật cần phải được chấp nhận: huyền thoại về Ronaldo đang được viết những chương cuối cùng.

 VTVcab
Từ khóa: