Bầu Đức đã tiêu tốn hàng nghìn tỉ để làm bóng đá như thế nào?

Chủ tịch CLB HAGL Đoàn Nguyên Đức tiết lộ đã chi hơn 2.000 tỷ đồng sau 22 năm làm bóng đá.

Tôi đã tốn kém trên dưới 2.000 tỷ đồng cho sau 22 năm qua cho bóng đá. Làm bóng đá rất tốn kém và phức tạp. Năm nay tôi 62 tuổi, có thể điều hành đội bóng thêm 10 năm. Nhưng tôi muốn đội bóng và học viện phải tồn tại mãi.

Tôi nghĩ đến lúc thay đổi rồi, tôi tìm đến đối tác có khả năng tài chính rõ ràng để phát triển đội bóng và học viện", bầu Đức trả lời phỏng vấn tại buổi công bố nhà tài trợ và đổi tên CLB thành LP Bank Hoàng Anh Gia Lai.

Nghe ông nhắc đến con số 2000 tỷ đồng ông bầu này đầu tư cho bóng đá, nhiều người có lẽ cũng phải giật mình. Tuy nhiên con số này hoàn toàn là thật khi để có được một LP Bank Hoàng Anh Gia Lai như hiện tại, bầu Đức đã phải đầu từ không chỉ tiền bạc mà còn là cả sức lực, trí tuệ và tình cảm.

Đầu những năm 2000, bầu Đức đã có nước đi táo bạo, tạo nên một cơn sốt khi lặn lội sang Anh để học hỏi một cách làm khác - phát triển bóng đá bền vững từ CLB Arsenal. Tháng 3/2007, bầu Đức động thổ xây dựng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal - JMG trên khu đất 5 ha, khu đất trước đó đã trồng cao su đến tuổi thu hoạch.

Để có sự đồng hành của Arsenal và gắn tên CLB nổi tiếng nước Anh vào học viện của mình, bầu Đức đã phải chi ra ít nhất 5 triệu USD/năm, tức là 10 năm tương đương 50 triệu USD (khoảng hơn 1200 tỉ).

Không chỉ có vậy, các học viên tại học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal - JMG đều được chu cấp ăn ở học toàn bộ. Theo thống kê mỗi năm 1 cậu bé được đào tạo tại Học viện HAGL tiêu tốn khoảng 1 tỷ đồng. Như vậy, trong suốt từng ấy năm với 4 khóa đào tạo, bầu Đức cũng đã mất khoảng 20 triệu USD (khoảng gần 500 tỉ).

Lứa các cầu thủ đầu tiên của học viện HAGL thậm chí còn được đầu tư cho đi tập huấn, giao hữu tại nước ngoài. Như lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường,... thường xuyên được đi tập huấn tại các nước như Anh, Pháp, Nhật,... Chi phí tập huấn của các học sinh học viện trong hơn 10 năm hoạt động rơi vào khoảng 5 triệu USD (khoảng 120 tỉ).

Không chỉ chú trọng đầu tư cho đào tạo bóng đá trẻ, bầu Đức còn mạnh tay chi tiền cho các hoạt động của CLB Hoàng Anh Gia Lai. Theo báo cáo tài chính mới nhất của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), hiện giá gốc của khoản đầu tư vào CLB HAGL là gần 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty đang phải trích lập dự phòng cho toàn bộ khoản đầu tư này.

Báo cáo tài chính của HAG cũng cho biết, kể từ năm 2009, công ty thường xuyên phát sinh các khoản chi trả hộ chi phí cho CLB HAGL. Năm 2009, mức chi hộ này là 340 triệu đồng, nhưng đã tăng lên gần 10 tỷ đồng sau đó một năm.

Trong giai đoạn 2011-2014, các khoản chi hộ chi phí này liên tục tăng lên hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đến năm 2014, mức chi hộ này đã lên tới gần 58 tỷ đồng. Năm 2021, tập đoàn HAGL cũng đã cho CLB HAGL vay gần 39 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2022, ngoài hơn trăm triệu đồng tiền chi trả hộ chi phí, công ty của bầu Đức còn cho CLB HAGL vay gần 24 tỷ đồng.

Nên biết rằng, một CLB muốn thi đấu tại V.League cần tối thiểu 50 tỉ đồng/năm để duy trì hoạt động. Đây là chưa kể những khoản thưởng theo thành tích hay những chi phí phát sinh nếu CLB được thi đấu tại các đấu trường cấp châu lục. Chi “khủng” như vậy trong khi nguồn thu trực tiếp từ tiền bán vé, áo đấu, bản quyền truyền hình… lại không đáng bao nhiêu khiến các CLB tại V.League nói chung và HAGL nói riêng liên tục thua lỗ và phải sống bằng tiền của các ông bầu.

Những người có trí nhớ tốt sẽ thấy rằng khi mới làm bóng đá, bầu Đức cũng đi theo đúng con đường nhiều ông bầu khác ở Việt Nam đều làm là tung tiền mua ngôi sao để cạnh tranh cúp vô địch, làm hình ảnh quảng bá thương hiệu. Gần 20 năm trước, đội bóng phố núi từng sở hữu “dream team” với một loạt ngôi sao Thái Lan như Kiatisuk, Dusit hay Thonglao… chưa kể các cầu thủ Việt Nam chất lượng cao. Nhờ vậy, đội bóng phố núi mới có 2 chức vô địch V-League liên tiếp 2003 và 2004.

Việc liên tục bỏ tiền đầu tư vào bóng đá khiến bầu Đức có thời điểm gặp khó khăn về kinh tế. Những năm 2015, bầu Đức cùng tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã phải bán đi hàng loạt mảng kinh doanh, tài sản cá nhân để cơ cấu nợ cho tập đoàn.

Có thời điểm bầu Đức đã phải cắn răng bán đi các mảng đang có lãi như mía đường, chăn nuôi, bất động sản,... nhưng ông vẫn quyết tâm giữ lại mảng bóng đá dù thua lỗ nặng nề.

Thực tế, HAGL tại V-League 2023/2024 chỉ là đội bóng trung bình yếu. Đúng vào ngày cuối cùng của kì chuyển nhượng, họ có được sự phục vụ của tiền đạo Jhon Cley từ CLB Công an Hà Nội. Đây là tân binh chất lượng và nổi bật nhất của đội bóng phố núi.

Với sự xuất hiện của nhà tài trợ mới, NHM đang đặt niềm tin lớn vào việc đột bóng này sẽ có những bứt phá về thành tích trong thời gian tới như bầu Đức tuyên bố: "Một mình tôi làm HAGL cũng khiến các đối thủ gặp khó. Giờ có doanh nghiệp mới đồng hành, đội HAGL còn mạnh hơn nữa. Hôm nay có HLV Kiatisak ở đây, tôi muốn nói cậu ấy rằng mùa này có thể bỏ đi nhưng mùa tới sẽ phải vô địch".

 Anh Quân
Từ khóa: