Emma Raducanu: ‘Cú nhảy vọt’ trong 3 tháng của nhà vô địch

Cách đây vài tháng, Emma Raducanu từng bỏ cuộc ở Wimbledon vì lý do sức khỏe. Nhưng giờ đây, cô gái trẻ 18 tuổi ấy đã đứng lên đỉnh thế giới.

Emma Raducanu là một cô gái đặc biệt. Lần đầu tiên trong lịch sử các giải Grand Slam có một tay vợt giành chức vô địch mà phải tham gia vòng loại. Điều thần kỳ hơn thế, cô gái này còn không thua một set nào.

Chiến thắng của tay vợt này ở US Open cũng là sự chiến thắng của người Anh. Lần đầu tiên kể từ năm 1977 mới có tay vợt ở đất nước này lên ngôi ở giải đơn tại Grand Slam. Trước đó, Virginia Wade từng làm được điều tương tự ở Wimbledon cách đây 44 năm.

Emma Raducanu giành chức vô địch US Open ở tuổi 18

Tất cả những điều trên để nói về tay vợt năm nay 18 tuổi. Cô đã làm được điều mà rất nhiều VĐV quần vợt đỉnh cao phải mơ ước.

Có thể gọi những gì mà Raducanu làm được là “cú nhảy vọt” bởi cô mới bước vào sự nghiệp quần vượt chuyên nghiệp được… 3 tháng. Trong thời gian ấy, lần đầu tiên cô tham dự giải WTA, lần đầu tiên bước vào giải Grand Slam (nhờ suất đặc cách ở Wimbledon) và lần đầu tiên giành chức vô địch.

Mọi thứ nhanh tới mức ngay cả cô gái người Anh này cũng không thể lường trước được. Cô bước vào giải Wimbledon với vị trí thứ 358 thế giới và tham dự US Open với vị trí thứ 150. Đó đương nhiên không phải giấc mơ từ trên trời rơi xuống, mà là nỗ lực phi thường của Raducanu.

Vài tháng trước, cô từng bị khó thở trong trận đấu với Ajla Tomljanovic tại All England Club. Sau đó, cô thừa nhận: “Tôi nghĩ rằng toàn bộ sự nghiệp của tôi là đuổi theo chính mình”.

Không lâu sau đó, cô tiếp tục bỏ cuộc ở giải Wimbledon vì lý do sức khỏe dù đã lọt tới vòng 4. Nhưng rồi, tất cả đã được bỏ lại phía sau. Những khó khăn ấy giống như bàn đạp để cô vươn lên một cách đáng kinh ngạc.

Raducanu “điên cuồng” lao vào tập luyện để có thể đủ thể lực thi đấu ở cấp độ cao nhất. Sau hàng loạt giải đấu ở cấp độ thấp hơn, rồi tới US Open, cô đã chiến thắng được bản thân mình.

Tay vợt sinh năm 2002 chia sẻ: “Khi bắt đầu ở giải đấu trên sân cỏ, tôi đã cố gắng hoàn thành các trận đấu. Tôi đã có ba tuần để tập luyện trước giải đấu đầu tiên của mình. Tôi từng bước hoàn thiện trong từng trận đấu, từng chiến thắng.

Tôi nghĩa rằng Wimbledon là giải đấu đáng kinh ngạc. Khi bước vào vòng đấu thứ 4, tôi đã tự nhủ rằng thành tích ấy thật tuyệt vời. Nhưng tôi vẫn khao khát. Tôi vẫn làm việc chăm chỉ và không có thời gian nghỉ ngơi. Với mỗi trận đấu, mỗi giải đấu, tôi cố gắng xây dựng sự tự tin và khả năng đánh bóng. Tất cả mọi thứ đã tổng hòa để có được ngày hôm nay (chức vô địch).

Tôi nghĩ rằng một cú đánh tốt ở những thời điểm quan trọng là sự tích lũy những gì tôi đã học được trong 5 tuần qua”.

Emma đang có sự pha trộn của nhiều điều thú vị. Cô gái sinh năm 2002 này có cha là người Romania, mẹ là người Trung Quốc. Cô sinh ra ở Canada nhưng sau đó sang Anh từ năm 2 tuổi. Chính sự pha trộn ấy đa tạo nên cô gái với nhiều điểm mạnh như sự khéo léo của người châu Á, sức mạnh của châu Âu…

Chức vô địch US Open là điều kỳ diệu của cô sau 3 tháng thi đấu chuyên nghiệp

Tài năng quần vợt của Raducanu được bộc lộ khá sớm. Cô chơi quần vợt này từ năm 5 tuổi và bắt đầu có bước tiến thần tốc ở các giải trẻ. Màn tỏa sáng khi lọt vào vòng 4 Wimbledon ngay trong lần đầu tham dự là sự báo hiệu về tương lai tươi sáng.

Tôi luôn ước mơ giành chức vô địch giải đấu lớn. Tôi muốn giành chiến thắng ở giải Grand Slam. Thế nhưng, những gì tôi đã làm cũng như cách tôi vô địch là điều không thể tin được. Khi còn bé, tôi đã mơ về những điều lớn lao nhất. Đó là khoảnh khắc chiến thắng, được ăn mừng cùng những thành viên trong đội. Những điều ấy cứ lởn vởn trong đầu tôi mỗi đêm”, Raducanu chia sẻ.

Trong thành viên của "team Raducanu", có cả cha và mẹ cô, Ian và Renee, những người không thể sang tận nơi để cổ vũ trực tiếp cho con gái vì dịch bệnh Covid-19.

Ông Ian luôn là nguồn cổ vũ lớn lao cho con gái. Nhà vô địch US Open nhớ lại: “Tôi rất muốn họ có mặt tại đây. Chúng tôi muốn ăn mừng cùng nhau. Tôi biết dù theo dõi từ quê nhà nhưng họ sẽ rất tự hào vì tôi.

Bố tôi hay nói: ‘Con tốt hơn cả những gì bố nghĩ đấy!’. Điều đó là sự trấn an với tôi. Ông là người khó tính nhưng chính điều đó giúp tôi có được hôm nay”.

Ở tuổi 18, Raducanu đang thể hiện bước chạy điềm tĩnh tới lạ thường, khi chế ngự được cảm giác phấn khích, cả sự cường điệu về thành tích của cô ở quê nhà.

Dù nhận được rất nhiều lời chúc mừng, bao gồm cả Nữ hoàng Anh nhưng cô gái vẫn điềm tĩnh: “Tôi vẫn chưa kiểm tra điện thoại của mình. Tôi hoàn toàn không biết chuyện gì diễn ra ở bên ngoài. Chúng tôi bước vào căn phòng yên tĩnh và tận hưởng không khí chiến thắng. Chúng tôi là một đội, với sự nỗ lực của cả nhóm.

Tôi không biết bao giờ mình sẽ trở về nhà. Tôi không biết mình sẽ làm gì vào ngày mai và cũng chưa có kế hoạch nào trong tương lai. Tôi chỉ quan tâm muốn bình yên tận hưởng của sống của mình”.

Raducanu thể hiện sự điềm tĩnh đáng kinh ngạc ở tuổi 18

Chính sự điềm tĩnh ấy, Raducanu đã mang tới sự khác biệt với đối thủ Fernandez trong trận chung kết. Trên hành trình bước lên đỉnh cao, cô gái trẻ người Anh đã vượt qua hai nhà cựu vô địch là Naomi Osaka và Angelique Kerber, cùng với những tay vợt trong top 5 như Elina Svitolina và Aryna Sabalenka.

Tấm séc trị giá 1,8 triệu bảng cho nhà vô địch nó thực sự lớn với Raducanu. Bên cạnh đó, cô cũng nhảy từ thứ 150 lên 23 thế giới.

Tuy nhiên, tay vợt này lại không xem đó là áp lực. Cô chia sẻ: “Tôi hoàn toàn không thấy điều đó là áp lực. Tôi chỉ mới 18 tuổi và chỉ làm mọi thứ tự do theo cách của mình. Đó là cách mà tôi gáp lực với mọi thứ khó khăn trên đất Mỹ. Tôi nghĩ rằng mình không thay đổi điều gì”.

Ngay cả đối thủ Fernandez cũng thừa nhận: “Ema là tay vợt giỏi. Cô ấy thi đấu cực kỳ tự tin. Thật không may là tôi đã mắc nhiều lỗi. Hy vọng chúng tôi có thể thi đấu với nhau trong nhiều trận chung kết khác”.

Chức vô địch ở tuổi 18 là điều tuyệt vời nhất với Raducanu. Tuy nhiên, đó có thể chỉ là bước khởi đầu của huyền thoại…

 Minh Long
Từ khóa: