Bóng đá ở Olympic: Giá trị của tấm huy chương

Olympic là đấu trường thể thao danh giá nhất thế giới. Song, với mỗi người, giá trị của tấm huy chương giành được ở đây có ý nghĩa khác nhau.

Dani Alves gần như đã có một sự nghiệp viên mãn. Anh đã giành chức vô địch quốc gia ở 3 giải đấu khác nhau, vô địch châu Âu trong màu áo CLB và vô địch Nam Mỹ cùng đội tuyển quốc gia.

Tổng cộng, anh đã giành 42 danh hiệu trong sự nghiệp cầu thủ và chính thức là cầu thủ thành công nhất lịch sử về mặt danh hiệu. Nhưng khi HLV Andre Jardine đề nghị anh thực hiện một nhiệm vụ mới, ánh mắt anh vẫn sáng lên.

HLV trưởng đội tuyển bóng đá nam Olympic Brazil bảo với Alves rằng sự nghiệp của anh vẫn còn thiếu một thứ: một tấm huy chương Olympic. “Hãy bổ sung nó để hoàn thành CV của cậu”, Jardine nói. Vậy là ở tuổi 38, bước vào thập kỷ thứ ba trong sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp, Alves lại lên đường. Anh không muốn để cơ hội tuột qua tay.

Dani Alves tham dự Olympic ở tuổi 38

Đối với Jardine, người chỉ hơn Alves 3 tuổi, lời đề nghị đó là điều hết sức dễ hiểu. Môn bóng đá nam tại Olympic là môn thi đấu dành cho những vận động viên U23 (kỳ Olympic này là U24 do đã bị hoãn 1 năm), ngoài ra mỗi đội chỉ được bổ sung thêm 3 cầu thủ quá tuổi.

Jardine đã cân nhắc những phương án tốt nhất để điền 3 cái tên đó trong danh sách của Brazil khi chấn thương đã khiến Alves bị loại khỏi danh sách tham dự Copa America. Và Olympic là cơ hội cuối cùng của một người “được toàn bộ các cầu thủ Brazil tôn trọng, một thủ lĩnh, một nhà vô địch”, một người không chỉ “nhiều sức hút” mà còn giàu kinh nghiệm dẫn dắt các đồng đội trẻ. Đó là một cơ hội quá tốt, không thể chối từ.

Alves nói: “Những thử thách như thế này thực sự khiến tôi phấn khích. Các kỳ Thế vận hội thật kỳ diệu: nghĩ về chúng khiến lòng bạn bồi hồi cảm xúc. Đại diện cho đất nước, người dân ở một đấu trường quan trọng như Thế vận hội thực sự là điều tuyệt vời”.

Nhưng dù Alves có cơ hội bổ sung thêm một tấm huy chương vào bộ sưu tập của mình, đại diện cho màu cờ sắc áo tổ quốc, thì có thể đó không phải lý do lớn nhất để giải thích cho sự hiện diện của anh tại Olympic này.

Vấn đề không nằm ở động lực. Alves có mặt ở Nhật Bản để thi đấu và giành chức vô địch. Nhưng như anh nói, “khát vọng cuối cùng” là cạnh tranh một vị trí ở đội tuyển Brazil tham dự World Cup năm sau. Đây là cơ hội để anh đưa ra một lời khẳng định và chứng minh anh vẫn có thể chơi bóng đỉnh cao khi xung quanh là những đồng đội kém mình tới 15-16 tuổi.

Đa phần các đội tuyển lớn đều không có các ngôi sao lớn nhất tham dự môn bóng đá nam Olympic. Thành phần Olympic Đức không có ai vừa tham dự Euro 2020

Sự đặc biệt của môn bóng đá nam Olympic chính là những cầu thủ lão tướng như Alves có thể xuất hiện trong một tập thể gồm toàn những cầu thủ U24. Điều đó đôi khi đặt ra dấu hỏi về ý nghĩa đích thực của tấm huy chương của bộ môn này.

Hãy nhìn những cầu thủ quá tuổi khác như Alves ở Olympic Tokyo để thấy rõ điều đó. Pháp chọn Andre-Pierre Gignac và Florian Thauvin, hai cầu thủ đang thi đấu ở Mexico, và tiền vệ Teji Savanier - đó đều là những cầu thủ không phải xuất sắc nhất của đất nước hình lục lăng.

Trong khi đó, Argentina và Romania chỉ điền tên một cầu thủ quá tuổi. Thành phần của Đức không có một cầu thủ nào vừa tham dự Euro 2020. Không có quá nhiều quốc gia mặn mà việc cử đi những cầu thủ có thể coi là ngôi sao. Hay nói đúng hơn là không thể, vì các CLB không bắt buộc phải nhả cầu thủ cho Olympic.

Chỉ Tây Ban Nha là quốc gia bóng đá lớn hiếm hoi tỏ ra nghiêm túc với tấm huy chương vàng môn bóng đá nam Olympic. 6 cầu thủ vừa lọt vào bán kết Euro là Pedri, Unai Simon, Eric Garcia, Pau Torres, Dani Olmo và Mikel Oyarzabal đã tới Nhật Bản.

Tất nhiên, các cầu thủ khi có mặt ở Nhật Bản sẽ coi việc tham dự một kỳ Thế vận hội là đặc ân hiếm có. Những người đã từng tham dự các kỳ Olympic trước, bao gồm các ngôi sao đã thành danh tại các giải vô địch quốc gia lớn ở châu Âu, đều cảm thấy kinh ngạc bởi bầu không khí của làng vận động viên.

Có thể bạn đã quên: Messi và Aguero từng giành huy chương vàng Olympic

Song, thành công - hay thất bại - ở nội dung bóng đá nam Olympic chưa bao giờ thực sự có ý nghĩa quá to tát với các cầu thủ và đội tuyển. Lionel Messi mới đây đã giành được chức vô địch Copa America, đó là phần thưởng xứng đáng sau những năm tháng theo đuổi một danh hiệu cùng đội tuyển Argentina.

Với Argentina, đó cũng là danh hiệu đầu tiên họ giành được kể từ năm 1993. Nhưng có thể bạn đã quên Argentina đã từng giành huy chương vàng môn bóng đá nam ở Olympic 2004 và 2008, trong đó Messi là thành viên của đội hình năm 2008. Nhưng ít khi người ta nhắc đến nó như một cột mốc của họ. Điều này nói lên giá trị của môn bóng đá nam tại Olympic: nó là giải đấu lai giữa một giải trẻ và một giải cho cầu thủ trưởng thành.

Tuy nhiên, với bóng đá nữ lại là câu chuyện khác. Thế vận hội là đấu trường quan trọng và danh giá nhất với bóng đá nữ. Khi cựu tiền đạo Abby Wambach của Mỹ xuất bản một cuốn sách vào năm 2019, điều mà cô ghi ở trang bìa không phải là “nhà vô địch World Cup” mà là “chủ nhân hai tấm huy chương vàng Olympic”.

Tất nhiên, ở mức độ nào đó, nó là cách cô tiếp thị sản phẩm của mình tới lượng khán giả không quan tâm bóng đá, song có thể thấy đó là kết quả của sự lựa chọn xem đấu là danh hiệu giá trị hơn.

Trái ngược với bóng đá nam, Olympic là đấu trường danh giá nhất của bóng đá nữ

Đội hình mà Mỹ tung ra ở lượt trận đầu tiên chỉ có 2 sự thay đổi so với đội hình đá chính trận chung kết World Cup 2 năm trước. Rất nhiều tên tuổi lớn của bóng đá nữ thế giới có mặt ở Tokyo, điều đó nói lên Thế vận hội thực sự là một giải đấu toàn sao của bóng đá nữ.

Olympic là đấu trường đỉnh cao của các môn thể thao, điều đó không hoàn toàn đúng. Và giành huy chương vàng hay tham dự Olympic luôn có ý nghĩa, chỉ có điều ý nghĩa đến mức độ như thế nào thì không cố định.

Alves coi đó là một bước đệm trong hành trình. Messi có thể không xem nó có quá nhiều giá trị. Những ngôi sao nữ như Megan Rapinoe hay Marta thì xem đây là mục tiêu cần chinh phục. Không ai giống ai, và giá trị của tấm huy chương có thể cao hoặc thấp tùy mỗi người.

(Theo New York Times)