Bóng đá SEA Games đã qua thời 'vô bổ'?

Khi bóng đá Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, nhiều người cho rằng VFF không cần phải đặt nặng chuyện thành tích của các đội tuyển ở những giải đấu tầm khu vực như AFF Cup hay SEA Games nữa mà nên hướng sự ưu tiên đến những mục tiêu lớn hơn.

Việc V.League và các giải đấu quốc nội phải tạm hoãn để đội U23 có thêm thời gian chuẩn bị cho SEA Games 31 và VCK U23 châu Á từng phải nhận những lời chỉ trích và cả sự châm biếm của một bộ phận dư luận. Song nếu nhìn sang sự chuẩn bị của các nền bóng đá mạnh tại Đông Nam Á cho kỳ SEA Games sắp tới, chúng ta có thể nhận thấy rằng họ cũng đang thể hiện sự nghiêm túc khi hướng đến giải đấu từng bị xem là “vô bổ” này.

Bóng đá nam tại SEA Games từng bị chính các quốc gia tham dự không coi trọng

Bóng đá nam tại SEA Games trên thực tế là sân chơi cho các cầu thủ trẻ. Bắt đầu từ vài kỳ SEA Games gần đây, có vẻ như các đội mạnh trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan dường như không còn mặn mà trong cuộc cạnh tranh tấm HCV môn bóng đá nam. Có vẻ như thành tích ở SEA Games không còn là mục tiêu quan trọng mà chỉ là bàn đạp để bóng đá trẻ Thái Lan hướng tới các đấu trường lớn hơn.

Tại SEA Games 30, đội U22 Thái Lan chỉ tập trung trong khoảng thời gian ngắn và không tung lực lượng mạnh nhất tham dự. “Voi chiến” thậm chí còn “từ chối” quyền bổ sung 2 cầu thủ quá tuổi theo điều lệ giải.

Đứng từ góc nhìn về khía cạnh chuyên môn bóng đá, chiếc HCV bóng đá nam SEA Games hầu như không đem đến một “bước nhảy vọt” nào vượt bậc. Giống như Thái Lan, Singapore đã từ lâu không quan tâm đến thành tích ở SEA Games. Malaysia hay Indonesia cũng thường xuyên coi đây là nơi rèn luyện cho các cầu thủ trẻ hơn là một cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành lấy thành tích, huy chương.

Nhưng bây giờ, ngay cả mục tiêu là sân chơi cho các cầu thủ trẻ của SEA Games cũng đang mất dần ý nghĩa. Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á đang nỗ lực xây dựng lại giải vô địch U23 khu vực được tổ chức 2 năm/lần, với chức đội vô địch gần nhất chính là của U23 Việt Nam tại Campuchia hồi đầu năm. Bên cạnh đó, giải U23 châu Á cũng diễn ra 2 năm/lần sẽ là cơ hội để các nền bóng đá Đông Nam Á tự định vị sức mạnh, sự hiệu quả trong công tác đào tạo trẻ và đánh giá nguồn lực tương lai.

Giải U23 Đông Nam Á khiến cho ý nghĩa "sân chơi trẻ" của bóng đá tại SEA Games mất ý nghĩa

Ý nghĩa và giá trị của tấm HCV SEA Games vì vậy lại càng mờ nhạt, nhất là khi một đội bóng muốn đoạt HCV có thể phải trải qua đến 7 trận đấu trong thời gian chưa đến 1 tháng, một mật độ thi đấu kinh khủng và bất hợp lý.

Bóng đá Việt Nam có những đặc thù khác so với những đối thủ cùng khu vực. Niềm khao khát có được tấm HCV bóng đá nam đầu tiên trong lịch sử luôn đè nặng lên vai các cầu thủ trước mỗi kỳ SEA Games. Áp lực thành tích cũng như kỳ vọng từ người hâm mộ khiến cho VFF luôn xem SEA Games là một đấu trường quan trọng, đặt những mục tiêu rất cao. Còn nhớ trước SEA Games 30, HLV Park Hang-seo từng có ý định giao trợ lý dẫn dắt đội U22 Việt Nam, tuy nhiên sau các cuộc làm việc với ngành thể thao, nhà cầm quân người Hàn Quốc đã phải thay đổi ý định, trực tiếp cầm quân ở SEA Games 30. U22 Việt Nam năm ấy đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử khi đem về tấm HCV, giải tỏa được “ẩn ức” kéo dài trong mấy chục năm của bóng đá Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam đã giải tỏa cơn khát HCV ở kỳ SEA Games 30

Nhưng khi đã lên đến đỉnh cao nhất, câu hỏi lại được đặt ra là bây giờ bóng đá Việt Nam sẽ coi SEA Games là một đấu trường có ý nghĩa như thế nào? Khi đã có được những thành tựu và bước tiến lớn, liệu rằng đã đến lúc chúng ta không cần phải “ăn thua đủ” ở các giải đấu trong khu vực, dẹp bỏ “bệnh thành tích” để có những đường hướng phát triển cao hơn, xa hơn?

Câu trả lời đã được đưa ra từ cách chuẩn bị của VFF cho SEA Games 31. Để nhường chỗ cho đội tuyển Việt Nam (dự vòng loại thứ ba World Cup 2022), U23 Việt Nam (dự SEA Games và giải U23 châu Á) tập trung, V.League đã phải nghỉ thi đấu gần 4 tháng (chính xác là hơn 100 ngày). Trước khi nghỉ tới gần 4 tháng, giải V.League mới khai mạc và thi đấu được 4 vòng đấu và phải tới tháng 7, giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam mới quay trở lại để thi đấu vòng 5. Việc nhiều cầu thủ phải nghỉ thi đấu trong thời gian rất dài sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng duy trì phong độ của họ. Bên cạnh đó là gánh nặng kinh tế của các CLB khi vẫn phải trả lương cho các cầu thủ trong thời gian nghỉ.

Nhiều ý kiến cho rằng việc tạm dừng V.League cho SEA Games là không cần thiết

HLV Mano Polking của Thái Lan từng đánh giá: “Ở Thái Lan, các CLB luôn tập trung tối đa để giành danh hiệu. Việc nghỉ thi đấu quá lâu cũng không có lợi, nhất là khi nó ảnh hưởng tới nhà tài trợ và bản quyền. Không một đội bóng nào tập trung dài như đội tuyển Việt Nam. Đó là cách làm không bình thường nếu so với trên thế giới”.

Rõ ràng mục tiêu bảo vệ tấm HCV SEA Games trên sân nhà vẫn rất quan trọng với bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, những diễn biến khi giải đấu đã sát đến ngày diễn ra lại cho thấy không chỉ U23 Việt Nam thực sự nhìn nhận đây là một cuộc cạnh tranh danh hiệu nghiêm túc.

U23 Thái Lan cũng đặt quyết tâm rất cao ở kỳ SEA Games tới đây

Mới đây, LĐBĐ Thái Lan (FAT) cũng đã thông báo quyết định cân nhắc dồn lịch Thai League và hoãn Cúp Quốc gia để U23 Thái Lan có được lực lượng tốt nhất tham dự SEA Games 31. Theo đó, vòng đấu cuối cùng giải VĐQG Thái Lan sẽ được đẩy từ ngày 7/5 lên 4/5. Trong khi đó, các trận bán kết và chung kết cúp Liên đoàn Thái Lan dự kiến diễn ra vào các ngày 11/5 và 15/5 sẽ được dời tới ngày 25/5 và 29/5.

Ngay lập tức, một số đội bóng chuyên nghiệp Thái Lan đã phản ứng rất quyết liệt và gây ra những cuộc tranh cãi căng thẳng. Hai đội bóng là Buriram United và Chonburi quyết không chịu nhả người tham dự SEA Games khiến cho U23 Thái Lan có thể mất tới 10 cầu thủ. Giám đốc điều hành giải vô địch quốc gia Thái Lan, Korrawee Prissananthakul chỉ trích gay gắt Liên đoàn bóng đá nước này quá đặt nặng thành tích ở SEA Games. Ông chia sẻ: “Chúng ta đang mắc căn bệnh thành tích và quá dễ dàng thỏa mãn với những mục tiêu nhỏ ở phía trước. Nếu như bóng đá Thái Lan không thoát khỏi tư duy ao làng Đông Nam Á thì bao giờ chúng ta mới có thể mơ tới tầm thế giới. SEA Games chỉ là nơi để những cầu thủ trẻ, mới nổi thi đấu cọ xát. Điều đó có thể giúp họ phần nào trong chặng đường phía trước. Thành công ở SEA Games chẳng giải quyết vấn đề gì. Nó chỉ có ý nghĩa đơn thuần là một tấm HCV thôi”. Đó là một vấn đề tranh cãi đã trở nên rất quen thuộc ở Việt Nam.

Thái Lan muốn "ăn thua đủ" với Việt Nam ở kỳ SEA Games 31?

Khác với SEA Games 30, lần này U23 Thái Lan sẽ tận dụng tối đa quyền bổ sung cầu thủ khi trong danh sách sơ bộ gồm 50 cầu thủ của họ có tên hàng loạt tuyển thủ quốc gia dày dạn như thủ môn Kawin, trung vệ Roller, các tiền vệ Sarach, Worachit, Suphan, Phitiwat và Weerathep. Sau nhiều năm “ngó lơ” SEA Games, người Thái có thể đang thật sự cần một tấm HCV SEA Games, một cách để họ chứng minh rằng bóng đá Thái Lan vẫn đang ở đẳng cấp số 1 khu vực sau khi đã để cho Việt Nam tạm thời vượt mặt vài năm qua.

Không chỉ Thái Lan, các đội bóng khác như Malaysia và Indonesia cũng đang chuẩn bị cho giải đấu một cách rất chỉn chu. Trong danh sách dự SEA Games, HLV Brad Maloney của tuyển U23 Malaysia đã gọi 19/23 cầu thủ từ đội hình vượt qua vòng loại U23 châu Á 2022 tháng 10 năm ngoái. U23 Malaysia còn triệu tập các ngôi sao đang chơi bóng tại nước ngoài như tiền đạo Hadi Fayyadh và đặc biệt là tài năng trẻ Luqman Hakim từ CLB KV Kortrijk của Bỉ.

Malaysia cũng triệu tập ngôi sao trẻ Luqman Hakim về dự SEA Games

Indonesia của HLV Shin Tae-yong cũng sẽ là một đội bóng đáng gờm. Trong danh sách triệu tập U23 Indonesia, có tới 23 người từng khoác áo ĐTQG. Đội bóng xứ vạn đảo gọi những ngôi sao đang thi đấu ở nước ngoài như Egy Maulana, Witan Sulaeman (CLB FK Senica - Slovakia), Asnawi Mangkualam (Ansan Greeners, Hàn Quốc), Elkan Baggott (Ipswich Town, Anh) và Pratama Arhan (Tokyo Verdy, Nhật Bản), HLV Shin Tae-yong cũng triệu tập 4 cầu thủ quá tuổi là Marc Klok (cầu thủ nhập tịch gốc Hà Lan), Irfan Jaya, Ricky Kambuaya và Fachruddin Aryanto trong bản danh sách sơ bộ này. Sự vắng mặt đáng tiếc nhất của U23 Indonesia là của Saddil Ramdani khi CLB Sabah của Malaysia từ chối nhả người.

Egy Maulana, ngôi sao của Indonesia sẽ có mặt ở kỳ SEA Games này

Nhìn vào danh sách các cầu thủ cũng như sự chuẩn bị của các đội bóng ở kỳ SEA Games tới đây, có thể thấy rằng giá trị và ý nghĩa của giải đấu đang được nâng tầm trở lại. Các đội bóng mạnh đều đang thể hiện sự quyết tâm rất cao để “hạ bệ” U23 Việt Nam ngay trên sân nhà. Đó là một tín hiệu vui, đảm bảo cho chất lượng của môn bóng đá ở các kỳ SEA Games vốn đã xuống cấp từ nhiều năm nay. Những cuộc cạnh tranh quyết liệt, nghiêm túc ở tất cả các giải đấu chính là con đường tốt nhất để nâng tầm bóng đá Đông Nam Á. Tuy nhiên, các liên đoàn thành viên có lẽ cũng cần có một sách lược để cân bằng lợi ích giữa các đội tuyển và CLB, thay vì hy sinh quyền lợi của một bên để tối ưu kết quả của bên còn lại.