Cầu thủ Việt & giấc mơ châu Âu: Chờ lời giải từ Quang Hải

Tiền vệ Nguyễn Quang Hải được cho là sẽ sang châu Âu thi đấu trong thời gian tới. Đây sẽ là thử thách không nhỏ cho ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay bởi giấc mơ châu Âu chưa bao giờ dễ dàng đối với các cầu thủ bóng đá Việt Nam.

Theo một số nguồn tin, Quang Hải đã bày tỏ nguyện vọng được sang châu Âu thi đấu trong vòng 1 năm để được cọ xát, tích lũy kinh nghiệm ở môi trường bóng đá hiện đại, đỉnh cao

"Hải con" thừa nhận áp lực việc có nhiều cầu thủ Việt Nam từng xuất ngoại thi đấu chưa thành công nhưng anh sẽ quyết tâm tạo khởi đầu mới cho bóng đá Việt Nam. Bên cạnh đó, Quang Hải cũng muốn được thử sức ở môi trường bóng đá hiện đại, đỉnh cao để cọ xát, tích lũy thêm kinh nghiệm.

Quang Hải là ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại. Tiền vệ người Hà Nội là nhân tố chủ chốt trong hành trình kỳ diệu giành ngôi Á quân giải U23 châu Á trên đất Trung Quốc. Anh đã cùng ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 và cùng U23 Việt Nam giành HCV SEA Games 2019.

Thông tin về tương lai Quang Hải cũng được tờ báo thể thao uy tín thế giới là ESPN theo dõi sát sao. Thậm chí, ESPN còn tiết lộ Quang Hải chuẩn bị xuất ngoại thi đấu.

"Quang Hải được đánh giá là một trong những tài năng triển vọng nhất châu Á. Tuy nhiên, cầu thủ này vẫn thi đấu trong nước trong màu áo Hà Nội FC thay vì ra nước ngoài. Thông tin báo chí cho biết Hà Nội FC đã không thể giữ chân được Quang Hải sau khi đàm phán không thành công. Ngôi sao sinh năm 1997 được cho là sẽ chuyển sang châu Âu thi đấu sau khi trở thành cầu thủ tự do vào tháng 4", ESPN viết.

Trong màu áo đội tuyển Việt Nam, Quang Hải luôn thi đấu xuất sắc và làm niềm cảm hứng cho toàn đội. Anh và các đồng đội lần đầu tiên lọt vào vòng loại cuối một kỳ World Cup và cũng là đội bóng Đông Nam Á có thành tích tốt nhất ở vòng loại này. Nhiều người tin rằng đây là thời điểm thích hợp để Quang Hải phát triển sự nghiệp ở nước ngoài.

ESPN cũng hy vọng Quang Hải sẽ tạo ra nhiều khác biệt khi thi đấu ở nước ngoài, thay vì ngồi dự bị như một số ngôi sao bóng đá Việt từng "xuất ngoại".

"Thế hệ hiện tại được xem là thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam nhưng chưa ai có thể tạo ấn tượng ở nước ngoài. Hậu vệ trái Đoàn Văn Hậu không ra sân lần nào ở giải Hà Lan trong thời gian khoác áo Heerenveen. Trong khi đó, tiền đạo Nguyễn Công Phượng chỉ thi đấu đúng một trận cho Sint-Truiden trong thời gian cho mượn ở Bỉ", tờ báo này nhận định.

Sau khi kết thúc hợp đồng với CLB Hà Nội, Quang Hải sẽ trở thành cầu thủ tự do và sẽ chuẩn bị cho kế hoạch xuất ngoại của mình. Cách đây ít ngày, người đại diện của Quang Hải cho biết nếu không gia hạn hợp đồng với Hà Nội FC, Quang Hải sẽ không thi đấu cho CLB nào khác ở V-League trong thời điểm này. 

Theo tìm hiểu, bến đỗ mới của Hải 'con' sẽ là một CLB tại Thuỵ Sỹ hoặc Áo. Hợp đồng giữa hai bên sẽ tạm thời kéo dài 1 năm. Dựa vào khả năng hòa nhập cũng như đóng góp cho đội bóng mà Quang Hải sẽ được gia hạn tiếp hay không.

Thực tế là bóng đá Việt Nam cũng từng có nhiều cầu thủ xuất ngoại sang châu Âu thi đấu nhưng thành công thu về là rất khiêm tốn nếu không muốn nói là vô cùng nhạt nhòa.

Cầu thủ Việt Nam đầu tiên được thử sức ở trời Âu là tiền đạo Nguyễn Việt Thắng. Tuy nhiên, cầu thủ này chỉ được gửi đến đội trẻ Porto của Bồ Đào Nha theo lời giới thiệu của HLV Calisto, từ năm 2004 đến 2005. Dẫu là một tiền đạo chất lượng cùng thể hình lý tưởng 1m80 nhưng Việt Thắng cũng chỉ được tập luyện chứ không được ra sân thi đấu cùng CLB Porto.

Với những cầu thủ từng được xuất ngoại sang châu Âu, trường hợp của Lê Công Vinh được xem là thành công nhất. Công Vinh đã được thử sức ở CLB Leixoes trong 4 tháng. Đây cũng là đội bóng cũ của HLV Calisto, cựu thuyền trưởng ĐT Việt Nam.

Tiền đạo sinh năm 1985 có trận đấu chính thức đầu tiên ở giải VĐQG Bồ Đào Nha là cuộc đối đầu với UD Leiria vào tháng 10/2009, Leixoes thắng 3-2. Dù không ghi bàn nhưng đây là dấu mốc lịch sử khi anh trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên được thi đấu ở một giải VĐQG của châu Âu. Chỉ gắn bó trong một thời gian ngắn, Công Vinh thi đấu 1 trận giải VĐQG, 1 trận Cúp Quốc gia và ghi được 1 bàn thắng trước khi trở lại khoác áo Hà Nội T&T tại V.League 2010.

Sau lứa của Công Vinh và Việt Thắng, phải tới năm 2019, bóng đá Việt Nam mới có thêm cầu thủ thử sức tại trời Âu. Đó là tiền đạo Nguyễn Công Phượng. 

Sau hai chuyến đi đến Nhật Bản và Hàn Quốc không mấy thành công, tiền đạo xứ Nghệ chuyển đến một đội bóng châu Âu với niềm hy vọng tràn trề. Sint-Truiden từng được xem là “bàn đạp” để Công Phượng phát triển tài năng và tích luỹ kinh nghiệm thi đấu.

Nhưng thực tế, trình độ bóng đá của cầu thủ Việt vẫn còn một khoảng cách rất xa với bóng đá châu Âu. Thời điểm đó, Công Phượng chỉ có thể trụ lại trong nửa mùa giải ở Sint-Truiden. Anh có 20 phút ra sân tại giải VĐQG Bỉ, nhưng đó lại là trận đấu mà Sint-Truiden thảm bại 1-6 trước Club Brugge.

Sau thất bại ở trời Âu, Công Phượng được “giải cứu” và trở về khoác áo CLB TP.HCM trước khi quay lại đội bóng cũ Hoàng Anh Gia Lai và vẫn đang "yên phận" tới thời điểm này.

Sau chuyến xuất ngoại của Công Phượng, thêm một cầu thủ nữa của lứa thế hệ vàng bóng đá Việt Nam được thử lửa tại châu Âu là hậu vệ Đoàn Văn Hậu.

Tháng 9/2019, Đoàn Văn Hậu chính thức ra mắt SC Heerenveen với bản hợp đồng cho mượn kéo dài 1 năm, với giá trị chuyển nhượng vào khoảng 1,5 triệu euro (khoảng 38,3 tỷ đồng). Tại giải vô địch quốc gia Hà Lan, mức lương tối thiểu trước thuế mà Đoàn Văn Hậu nhận được vào khoảng 11 tỷ đồng/năm, qua đó trở thành cầu thủ được hưởng mức lương cao nhất Việt Nam và cũng là cầu thủ Việt Nam đắt giá nhất từ trước đến nay.

Cho tới tháng 3/2020 Văn Hậu chỉ ra sân chính thức được 4 phút cho đội một ở Cúp Quốc gia Hà Lan. Phần lớn quãng thời gian còn lại Văn Hậu làm quen với băng ghế dự bị hoặc là cầu chủ chính của đội Jong Heerenveen. Đến ngày 30/6/2020, hợp đồng đã kết thúc và Văn Hậu không còn là người của Heereveen. Sau đó, Đoàn Văn Hậu sẽ tiếp tục thi đấu cho Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội tại giai đoạn hai của V.League 2020.

Trong số những cầu thủ Việt Nam xuất ngoại, Đoàn Văn Hậu có nhiều tiềm năng thành công nhất khi hội tụ các yếu tố trẻ, khỏe và có thể hình tốt. Tuy nhiên, thu hoạch lớn nhất của anh khi chuyển sang SC Heerenveen thi đấu chỉ là sự phát triển về cơ bắp.

Có thể nói từ trước tới nay, việc các cầu thủ Việt xuất ngoại và thi đấu tốt ở các giải đấu trong khu vực và châu lục đã khó, chứ chưa nói là được sang trời Âu thi đấu. Việc được thi đấu tại trời Âu thực sự vẫn là một giấc xa vời với các cầu thủ Việt.

Thách thức lớn nhất trong hành trình tới châu Âu thi đấu và tỏa sáng của các cầu thủ Việt chính là vấn đề thể hình, thể lực. Chưa kể với đó, khi phải sang một môi trường mới, văn hóa mới, ngôn ngữ mới, chắc chắn đó cũng là những thử thách với các cầu thủ Việt. 

Như HLV Alfred Riedl chia sẻ. “Tôi nghĩ không có vấn đề gì nếu các cầu thủ Việt Nam thi đấu ở những nước khác nhau trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng nếu họ nhận lời đề nghị từ các giải đấu có trình độ cao hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc thì sẽ khó khăn hơn. Bởi cầu thủ Việt Nam sẽ phải đáp ứng cả hai tiêu chí là kỹ thuật và thể chất.

Thử thách sẽ càng lớn hơn nếu lời mời đó đến từ một giải đấu ở châu Âu. Sẽ có một loạt các vấn đề mà cầu thủ Việt Nam phải đối mặt như thời tiết, khẩu vị, sức khỏe. Tốt hơn hết là cầu thủ đó không nên đi một mình mà cần có 2 người để hỗ trợ lẫn nhau”.

Lời nhắn nhủ của ông Riedl cũng là những gì mà các cầu thủ Việt đang lo ngại. Chúng ta không chỉ gặp bất lợi về thể hình, thể lực, sức mạnh mà ngoại ngữ vốn không phải là điểm mạnh của phần đông cầu thủ Việt khi hòa nhập với một đội bóng mới tại châu Âu.

Ông Jernel Kamensek, chuyên gia môi giới cầu thủ người Slovenia, cũng chia sẻ quan điểm của mình về cầu thủ và bóng đá Việt Nam. Theo đó, ông chỉ ra lý do vì sao các cầu thủ của Việt Nam hầu như không có cơ hội sang châu Âu thi đấu, và chừng nào vẫn còn thực trạng đó, thì cơ hội giành vé dự World Cup của bóng đá Việt Nam vẫn chỉ là giấc mơ mà thôi.

Theo Kamensek, người đã có nhiều năm làm việc với bóng đá Việt, không có CLB châu Âu nào muốn bỏ dù chỉ 1 euro để mua cầu thủ Việt Nam. Lý do là các đội châu Âu thường hướng đến các thị trường cấp thấp như châu Á với mục tiêu tìm những cầu thủ giá rẻ có tiềm năng phát triển để đào tạo rồi bán lấy lời, nhưng cầu thủ Việt khi đủ khả năng sang châu Âu rồi thì hầu như không còn tiềm năng phát triển.

Cầu thủ Việt thường đạt giới hạn của họ khi mới chỉ 23-24 tuổi, do vậy không hứa hẹn lợi ích kinh tế. Họ cũng có thể chất không ấn tượng, đặc biệt với yêu cầu cường độ vận động mạnh.

Ngay cả Quang Hải, cầu thủ giỏi nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại, cũng không đủ trình độ để đá chính tại châu Âu, theo nhận định của Kamensek. 

Kamensek cũng khẳng định: “Nhưng nếu bóng đá Việt Nam muốn nói đến việc dự World Cup thì không thể nào chỉ có các cầu thủ đá ở V-League được, vì đá ở V-League thì không đủ trình độ đến với World Cup”.