HLV Mai Đức Chung: Sự vĩ đại đến từ những điều giản dị

Chiến công đưa đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành tấm vé dự World Cup là một dấu ấn đáng nhớ trong sự nghiệp cầm quân của HLV Mai Đức Chung.

Nhưng với vị tướng già này, những vinh quang cùng với sự ồn ào xung quanh nó không thể làm thay đổi sự bình thản và điềm đạm vốn có ở con người ông. Với nhà cầm quân sinh năm 1951, được làm việc và tận hiến hết khả năng cho trách nhiệm mình được giao phó quan trọng hơn tất cả những thành quả mà ông đã và đang giành được trong suốt sự nghiệp của mình. Chính tính cách ấy đã làm nên thương hiệu một ông Chung “xe ca” và càng làm cho những đóng góp của vị HLV này cho bóng đá Việt Nam trở nên đặc biệt.

HLV Mai Đức Chung luôn là một chiến lược gia điềm đạm và đầy tinh thần trách nhiệm

Nếu như bạn không phải là một người yêu bóng đá và thường xuyên theo dõi những sự kiện của bóng đá Việt Nam, bạn sẽ dễ nhầm tưởng HLV Mai Đức Chung là một người thầy giáo trong lần đầu tiên gặp mặt. Phong thái điềm đạm, nhỏ nhẹ, khiêm nhường cùng với cách nói chuyện chậm rãi nhưng khúc chiết, chân thành rất dễ tạo nên thiện cảm từ người đối diện. Người ta thường hay so sánh HLV bóng đá với một vị tướng cầm quân, tuy nhiên ở Mai Đức Chung, chúng ta không thấy nét uy dũng, sự mạnh mẽ “ăn sóng nói gió” của những chiến lược gia giàu cá tính mà một điển hình là người bạn thân của ông Chung, cố HLV Lê Thụy Hải. Ngược lại, ở ông Chung luôn toát lên vẻ của một nhà cầm quân thiên về tâm lý, người bằng sự chân thành mộc mạc của mình có thể thủ thỉ tâm sự với các học trò như một người bạn, một người anh hay một người cha.

Nét tính cách ấy của HLV Mai Đức Chung có lẽ đã được hình thành từ những ngày thơ bé. Ông Chung quê gốc ở Hưng Yên nhưng sinh ra ở làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội và là con thứ 2 trong một gia đình 6 anh chị em. Lớn lên trong những năm cuối thập niên 1950, đầu 1960, trong ký ức của vị chiến lược gia lão luyện này luôn là một Hà Nội trầm mặc, yên tĩnh với những dãy phố dài rợp bóng cây xanh. Đó cũng là nơi ông làm quen với trái bóng lần đầu tiên và nhanh chóng đam mê môn thể thao đầy sức hút ấy. Như lời ông Chung kể lại, có lần ông mải mê đá bóng đến nỗi quên cả trông nồi cơm và bị ăn đòn!

Ở tuổi ngoài thất thập, ông Chung vẫn không quản ngại nắng mưa để tận hiến cho bóng đá Việt Nam

Mẹ của HLV Mai Đức Chung làm việc ở sân Hàng Đẫy. Nhờ vậy thưở nhỏ, ông Chung thường xuyên có được tấm vé vào sân để xem bóng đá miễn phí. Sân Hàng Đẫy được xây dựng vào năm 1958, là “thánh đường” bóng đá đầu tiên ở miền Bắc. Những trận cầu nảy lửa giữa đội tuyển miền Bắc Việt Nam lúc ấy và những quốc gia trong khối Xã hội chủ nghĩa đã hun đúc tình yêu bóng đá trong người cậu bé Mai Đức Chung. Người Hà Nội vốn yêu thể thao, và để có được tấm vé vào sân xem các trận bóng đá, nhiều người sẵn sàng đánh đổi bằng những vật phẩm được xem là cả một gia tài lớn trong thời kỳ ấy như chiếc xe đạp, đồng hồ hay cả áo len. Những người đã sống trong giai đoạn ấy như ông Mai Đức Chung không bao giờ quên được không khí bóng đá trong sáng, lành mạnh ấy.

Năm 1964, vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Đế quốc Mỹ, HLV Mai Đức Chung Chung thi vào lớp dự bị văn hóa của ĐH Thể dục - Thể thao Từ Sơn. Trước khi đến với bóng đá, vì thể hình nhỏ bé ông Chung từng tập qua cả thể dục dụng cụ, sau đó khi đã cao lớn hơn, ông trở về với môn thể thao mà mình đam mê cho đến khi ra trường vào năm 1972. Đội Quân khu Việt Bắc và đội Xe ca Hà Nội đều có lời mời, nhưng ông Chung quyết định chọn Xe ca Hà Nội, nguyên nhân cho biệt danh Chung “xe ca” sau này. Ở đội bóng, ông Chung chơi được ở mọi vị trí, trừ thủ môn.

Sau khi đội Xe ca Hà Nội giải tán, ông Chung nhận lời gia nhập đội Tổng cục đường sắt và đạt đến đỉnh cao sự nghiệp tại đây. Đây cũng chính là nơi mà Mai Đức Chung và Lê Thụy Hải, hai HLV xuất sắc của bóng đá Việt Nam sau này gặp nhau. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của bộ đôi này là chuyến đi cùng vào thành phố Hồ Chí Minh để đá giao hữu với các đội bóng miền Nam năm 1976, một năm sau này đất nước hoàn toàn thống nhất. Trong rất nhiều đội bóng miền Bắc lúc đó, Tổng cục Đường sắt được lựa chọn bởi đó là đội bóng của giai cấp công nhân nên không nhuốm màu sắc chính trị. Các cầu thủ hai miền đã biết tiếng nhau nhưng chưa bao giờ được gặp mặt, tất cả chờ đợi trận đấu đó với một tâm trạng rất hứng khởi vì suy nghĩ rằng khi các cầu thủ giỏi của hai miền được tụ hội cùng nhau, bóng đá Việt Nam chắc chắn sẽ tiến lên một tầm cao mới. Trận đấu đầu tiên của Tổng cục Đường sắt với Cảng Sài Gòn diễn ra vào ngày 7/11/1976. Lượng khán giả đến sân Thống Nhất, trước đó có tên sân Cộng hòa vượt xa so với sức chứa sân, tình hình lộn xộn đến mức lực lượng bảo vệ phải bắn súng chỉ thiên để ổn định trật tự. Bộ đôi Mai Đức Chung và Lê Thụy Hải chính là những ngôi sao của trận đấu ấy. Ông Chung “xe ca” mở tỷ số từ đường chuyền của ông Hải “lơ”, trước khi chính ông Hải “lơ” ấn định thắng lợi bằng một cú dứt điểm đẹp mắt.

Một người thầy luôn tận tâm với học trò

Chính những năm tháng không thể nào quên đó đã để lại dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời HLV Mai Đức Chung sau này. Cả trong sự nghiệp cầu thủ lẫn khi đã trở thành một nhà cầm quân, ông Chung chưa bao giờ từ chối nhiệm vụ mình được giao phó. Và trong sự nghiệp của ông Chung “xe ca”, không thể không nhắc đến quãng thời gian ông gắn bó với bóng đá nữ Việt Nam. Đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu tiên tham dự SEA Games vào năm 1997 và đây cũng là giải đấu lớn đầu tiên HLV Mai Đức Chung dẫn dắt đội. Ngay trong đầu tiên đó, ông Chung cùng các học trò đã giành tấm Huy chương Đồng lịch sử cho bóng đá nữ Việt Nam. Đó là sự khởi đầu cho những thành công sau này của ông Chung với đội tuyển nữ Việt Nam. Các nữ cầu thủ 6 lần bước lên bục cao nhất nhận tấm Huy Chương Vàng SEA Games thì trong đó một mình ông Chung 4 lần là người dẫn dắt đội vào các năm 2003, 2005, 2017 và 2019. HLV Mai Đức Chung còn đưa đội tuyển nữ Việt Nam vô địch Giải vô địch nữ Đông Nam Á 2019 khi đánh bại chủ nhà Thái Lan. Và dĩ nhiên, không thể quên được khoảnh khắc ông Chung cùng các học trò đem về tấm vé dự World Cup bóng đá nữ, một kỳ tích thực sự đáng ngưỡng mộ.

Không phải nhà cầm quân nào cũng sẵn lòng nhận lời làm việc với bóng đá nữ. Ngoài những đặc điểm khác biệt rõ rệt với bóng đá nam về thể chất, tâm sinh lý thì chế độ đãi ngộ cũng là một lý do khiến nhiều HLV ngần ngại khi chuyển sang làm bóng đá nữ. Với đẳng cấp, kinh nghiệm và danh tiếng của mình, ông Chung hoàn toàn có thể trở thành một HLV được săn đón tại V.League cùng mức thu nhập cao như những đồng nghiệp. Nhưng mối duyên nợ với bóng đá nữ cùng tinh thần trách nhiệm với công việc được giao luôn “kéo” ông Chung về với đội tuyển nữ Việt Nam.

HLV Mai Đức Chung đã đạt được rất nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ với bóng đá nữ Việt Nam

Không phải HLV tài năng nào cũng có thể làm việc tốt trong môi trường bóng đá nữ. Một trong những bí quyết của ông Chung chính là tạo nên mối quan hệ thân tình, gần gũi với các nữ cầu thủ. Họ gọi ông là bố, một người bố thực sự luôn quan tâm đến những đứa con của mình, sẵn sàng chia sẻ tâm tư tình cảm cả trong và ngoài sân bóng. Một cựu tuyển thủ nữ Việt Nam chia sẻ: “Bố Chung luôn muốn các nữ cầu thủ phải dũng mãnh trên sân cỏ nhưng nữ tính ngoài đời, từ tác phong sinh hoạt!”. Ông luôn quan tâm đến các học trò của mình từ miếng ăn giấc ngủ cho đến cả những vấn đề lớn như thu nhập để đảm bảo cuộc sống hay tương lai của các nữ cầu thủ sau khi giải nghệ. Trong nhiều năm, HLV Mai Đức Chung luôn là người lên tiếng với sự trăn trở cùng niềm mong mỏi các nữ cầu thủ có được nguồn thu nhập ổn định giúp họ theo đuổi đam mê của mình và cả sau khi đã từ giã nghiệp quần đùi áo số khắc nghiệt. Ông Chung từng trải lòng: “Tôi mong sau khi giải nghệ, các cầu thủ nữ có cuộc sống ổn định, và mong muốn hơn nữa của tôi là các cháu có một gia đình hạnh phúc, đầm ấm”. Nhà cầm quân cũng tâm sự điều ông chờ đợi nhất có khi không phải là những thành tích huy chương mà đơn giản chỉ là những thiệp mời cưới từ các học trò nữ. Đó là niềm hạnh phúc của bất cứ người cha nào có con gái - những “bình rượu mơ” của mình. Một mong muốn hết sức giản dị, hệt như khi ông nói rằng muốn về “ôm vợ một cái và ăn bát canh măng” sau chiến công giành tấm vé đến World Cup.

Sau những giải đấu căng thẳng, vị tướng già lại trở về nơi hậu phương vững chắc

Và sau tất cả những vinh quang và thành tích mà mình đã đạt được, vị tướng già cũng không chút luyến tiếc khi sẵn lòng “cởi áo gấm từ quan”. “Năm nay tôi đã 72 tuổi, ngưỡng tuổi nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Tôi đã sụt ký, mất ngủ trong khoảng thời gian cùng đội thi đấu Asian Cup 2022 vì áp lực và mệt mỏi. Tôi nghĩ đã đến lúc nên dừng lại và nhường vị trí này cho các HLV trẻ hơn. Tôi sẽ hỗ trợ LĐBĐ Việt Nam tìm người thay thế và có thể ứng cử viên sẽ là HLV ngoại quốc. Thời gian tới, tôi có thể giữ vai trò cố vấn cho đội chứ không đảm trách nhiệm vụ trực tiếp nữa" - HLV Mai Đức Chung cho biết. Ở tuổi ngoài thất thập, ông Chung “xe ca” vẫn sẵn sàng bêu nắng giữa buổi trưa Ấn Độ để tập luyện cùng các học trò của mình. Làn da sạm đen cùng 5kg bị sụt của ông trong hành trình giành tấm vé dự World Cup đầu tiên cho bóng đá nữ Việt Nam đã được đền đáp một cách xứng đáng. Nhưng có thể tin rằng tất cả những hy sinh, lẫn vinh quang cùng những phần thưởng từ nó, đều không có nhiều ý nghĩa với HLV Mai Đức Chung, người luôn đơn giản đặt sự tận hiến và trách nhiệm lên hàng đầu.