Liệu có bất công khi gọi Tiến Linh là "chân gỗ"?

Dù cùng U23 Việt Nam bảo vệ thành công tấm huy chương vàng SEA Games nhưng xuyên suốt giải đấu, tiền đạo Tiến Linh đã liên tục phải nhận những chỉ trích từ một bộ phận người hâm mộ.

Tiến Linh bước vào kỳ SEA Games 31 với tư cách là một trong ba cầu thủ trên 23 tuổi. Chính bởi vậy, những kỳ vọng của người hâm mộ dành cho tiền đạo mang áo số 9 là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh những tiền đạo "đàn em" của anh chưa thể khiến người hâm mộ yên tâm.

Thế nhưng, việc liên tục bỏ lỡ những cơ hội ngon ăn cũng như không thể giúp hàng công U23 Việt Nam thi đấu bùng nổ khiến Tiến Linh nhận về vô số những chỉ trích. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan, đây là một giải đấu mà tiền đạo này đã hoàn thành tốt vai trò của mình.

Đầu tiên, chúng ta cần phải ghi nhận nỗ lực thi đấu của Tiến Linh. Việc gặp chấn thương háng trước thềm trận ra quân đã ảnh hưởng tới phong độ của cầu thủ này. Tuy đây không phải một chấn thương nghiêm trọng nhưng nó kéo dài dai dẳng suốt vòng bảng và khiến Tiến Linh không có được cảm giác bóng tốt nhất. Có thể thấy, tiền đạo khoác áo B.Bình Dương vẫn luôn thi đấu hết mình và di chuyển, tranh chấp không biết mệt mỏi trong những phút thi đấu ở trên sân. Điều đó đóng góp rất nhiều vào quá trình thu hồi bóng và tổ chức tấn công của U23 Việt Nam.

Mặt khác, việc đa phần các đội bóng (ngoại trừ U23 Thái Lan) đều thi đấu phòng ngự mỗi khi đối đầu với U23 Việt Nam cũng khiến Tiến Linh và các đồng đội khó khăn trong việc ghi bàn. U23 Việt Nam bước vào giải đấu năm nay với tư cách là nhà đương kim vô địch, được thi đấu trên sân nhà nên luôn được đánh giá là "cửa trên" ở mọi trận đấu. Điều đó đã khiến các đội bóng khác tỏ rõ quyết tâm "ngáng đường" thầy trò HLV Park Hang-seo bằng một chiến thuật phòng ngự số đông.

Điển hình nhất là ở trận đấu với U23 Malaysia tại bán kết, có những thời điểm, cả 11 cầu thủ Malaysia đều lui về khoảng 2/3 sân nhà để tổ chức phòng ngự. Đương nhiên, việc đối thủ "đổ bê tông" và thi đấu đầy kỷ luật thì chúng ta không nên đòi hỏi việc U23 Việt Nam sẽ có những chiến thắng tưng bừng vì đã qua rồi cái thời U23 Việt Nam sở hữu nhiều nhân tố tấn công xuất sắc như Quang Hải, Công Phượng,...

Và cũng không phải ngẫu nhiên, HLV Park Hang-seo lựa chọn Tiến Linh là một trong ba cầu thủ trên 23 tuổi tham dự SEA Games. Kinh nghiệm thi đấu cùng phong cách chơi bóng phù hợp với triết lý của thầy Park là một trong những điểm giúp tiền đạo gốc Hải Dương có mặt trong đội hình U23 Việt Nam.

Thực tế, tất cả những gì tốt nhất đều đã được Tiến Linh thể hiện ở giải đấu này. Kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu của anh đã giúp những người đồng đội trẻ như Nhâm Mạnh Dũng, Văn Tùng tự tin hơn khi thi đấu bên cạnh số 9.

Dù chỉ ghi được 2 bàn tại SEA Games năm nay nhưng đó đều là những bàn thắng vô cùng quan trọng. Bàn đầu tiên là pha mở tỷ số vào lưới U23 Indonesia, từ đó mở ra một thế trận dễ dàng hơn để giúp U23 Việt Nam có ngày ra quân thuận lợi với chiến thắng 3-0. Bàn thứ hai là pha đánh đầu tung lưới U23 Malaysia ở phút thứ 110 của trận bán kết để giúp đoàn quân của HLV Park Hang-seo có mặt trong trận chung kết.

Đặc biệt, ở trận chung kết, chính Tiến Linh là người đã quan sát tốt và có đường chuyền ra cánh thuận lợi để Phan Tuấn Tài treo bóng giúp Nhâm Mạnh Dũng ghi bàn duy nhất đem về tấm huy chương vàng SEA Games 31 cho U23 Việt Nam.

Không thể phủ nhận trong các trận đấu, Tiến Linh đã bỏ lỡ nhiều cơ hội ghi bàn đáng tiếc nhưng quan trọng nhất vẫn là những đóng góp của anh vào lối chơi chung và thành tích của toàn đội. Đó là điều mà tiền đạo gốc Hải Dương đã làm rất tốt.

Có lẽ, với người hâm mộ, chúng ta nên có cái nhìn bớt khắt khe hơn với Tiến Linh vì dù sao anh vẫn luôn cháy hết mình trong mọi phút giây có mặt trên sân và những đóng góp của anh dành cho U23 Việt Nam ở giải đấu này là không thể phủ nhận.

 Trung Hiếu