NỘI DUNG: HOÀNG THÔNG LE FOOT / ĐỒ HỌA: Z.K
Premier League vốn đã hấp dẫn, nay sẽ lại càng hấp dẫn hơn khi Ralf Rangnick, thầy của những người thầy tại nền bóng đá Đức sẽ đổ bộ tới nước Anh. Vị HLV, nhà hoạch định chiến lược người Đức sẽ giữ cương vị HLV tạm quyền tại Manchester Utd cho đến hết mùa giải, trước khi giữ trọng trách cố vấn trong ít nhất 2 năm.
Sau bao năm lạc lối kể từ khi Sir Alex Ferguson giải nghệ, Man Utd cuối cùng cũng đã tìm thấy một kiến trúc sư công trình cho một kỷ nguyên mới mà họ đã bị chậm lại rất lâu với nhiều CLB khác. Nhưng theo tiết lộ từ tờ The Athletic, Man Utd thực tế đã tìm tới Ralf Rangnick từ cách đây 2 năm. Đó là vào mùa thu năm 2019, giám đốc bóng đá John Murtough của Man Utd đã tới Leipzig để nghiên cứu cơ sở vật chất và chiến lược của tập đoàn bóng đá Red Bull.
Ngày đó, Ralf Ragnick trong vai trò của một người đồng cấp với John Murtough đã tận tình tiếp đãi và dành thời gian cho vị giám đốc của Man Utd suốt 8 tiếng đồng hồ. Nhưng hóa ra, theo cảm nhận của chính nhà quản lý người Đức, mục đích của chuyến đi ấy không phải là để học hỏi và tìm hiểu về mô hình bóng đá của tập đoàn Red Bull, mà là để tìm hiểu về chính ông.
Sự nghi ngờ của Rangnick càng có cơ sở khi ông biết được rằng một CLB giấu tên nào đó đã tiến hành tìm hiểu về phương pháp làm việc của ông thông qua hai người đồng nghiệp thân cận và cũng là bạn thân: Helmut Gross – một người từng là kỹ sư công trình, sau trở thành một nhà chiến thuật và người thầy hướng dẫn của Rangnick; và Lars Kornetka – cộng tác viên lâu năm của HLV 63 tuổi.
Dựa trên mối quan hệ gắn bó, cả hai đều đánh giá Rangnick là một con người cầu toàn và luôn bị ám ảnh bởi những chi tiết nhỏ nhất trong bóng đá. Tuy nhiên, đã không có một cuộc gọi chính thức nào từ phía Man Utd.
Lần này thì khác. John Murtough đã quyết định nhấc máy gọi cho Ralf Rangnick ngay hôm Man Utd ra thông báo chia tay Ole Gunnar Solskjaer. Không chỉ Murtough, cả giám đốc điều hành Richard Arnold và phó chủ tịch điều hành Ed Woodward cũng gọi điện cho Rangnick.
Ngay từ sau trận thua trước Man City vào ngày 06 tháng 11, Man Utd đã tìm hiểu tình hình của Rangnick tại CLB Lokomotiv Moskva, nơi vị quản lý 63 tuổi đang giữ chức giám đốc phát triển và thể thao.
Đến hôm thứ Ba qua, Rangnick bắt chuyến bay sang Anh, gặp mặt trực tiếp với Murtough, Woodward, Arnold và trưởng bộ phận đàm phán của Man Utd là Matt Judge. Những cuộc phỏng vấn được hoàn tất, tiếp nối là những thỏa thuận về các điều khoản trong hợp đồng được chốt. Vấn đề duy nhất chỉ là chờ cái gật đầu từ CLB Lokomotiv Moskva.
Năm 2020, lần đầu tiên từ năm 2007, bán kết Champions League sạch bóng các đại diện của Tây Ban Nha, 3 trong số 4 đại diện góp mặt cuối cùng của giải đấu là những đội bóng được dẫn dắt bởi những HLV người Đức: Hansi Flick ở Bayern Munich, Thomas Tuchel ở PSG và Julian Nagelsmann ở RB Leipzig. Cả 3 HLV ấy đều có những cách tiếp cận bóng đá khác nhau, nhưng cùng chia sẻ những nguyên tắc chung nhất định và có thể được xem là xuất thân từ một “phong trào” chiến thuật do nhà cách mạng Ralf Rangnick mở ra vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Nói đến Ralf Rangnick là người ta đang nói về một vị HLV, một nhà quản lý bóng đá, cha đẻ của thứ bóng đá gegenpressing nổi tiếng và còn là một nhân vật giàu ảnh hưởng nhất thế giới.
Jurgen Klopp cũng phải trải qua những lần đụng độ với chính Rangnick trên băng ghế chỉ đạo từ thời ở Bundesliga 2 mới ra được hết bài vở. Những Julian Nagelsmann (Bayern Munich), Oliver Glasner (Eintracht Frankfurt), Marco Rose (Borussia Dortmund), Jesse Marsch (RB Leipzig) và Adi Hutter (Borussia Monchengladbach) – tất cả đều từng được dạy bởi những giáo trình HLV mà Rangnick phát triển lúc ông còn giữ vai trò giám đốc bóng đá tại hệ thống các CLB của Red Bull.
Bộ não chiến thuật của Bayern Munich thời Hansi Flick, trợ lý Danny Rohl, là người được Rangnick đỡ đầu. Danny Rohl bắt đầu với tư cách chuyên gia phân tích video cho các đội trẻ của Leipzig trước khi phò tá Ralph Hasenhuttl ở Bundesliga và Southampton.
Bên ngoài lãnh thổ Đức, mạng lưới những cựu học trò, HLV, trợ lý, trinh sát viên, phân tích viên,… dính dáng tới Rangnick kể không xiết. Đơn cử là HLV trưởng PSV Eindhoven, Roger Schmidt, Per Mertesacker của học viện Arsenal, hay Ralph Hasenhuttl của Southampton. Nếu năm xưa Rangnick không giao việc cho Thomas Tuchel ở đội U15 của CLB Ulm, có khi giờ đây người thuyền trưởng The Blues đã làm ông chủ một quán bar ở Stuttgart, chứ không phải là chủ nhân của danh hiệu Champions League 2020/21.
Từ trước khi khái niệm “Moneyball” thật sự được vận dụng trong bóng đá, Rangnick đã nhận ra rằng việc tìm kiếm một HLV phù hợp để cải thiện các cầu thủ là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất để mang đến giá trị. Do đó, các CLB của Rangnick không ngần ngại dành thời gian, tâm sức và cả tiền bạc để chiêu mộ những nhân tài trên băng ghế chỉ đạo. Ví dụ như trường hợp của cựu hậu vệ Bo Svensson từng được Salzburg bỏ ra 1,5 triệu euro để mang về từ đội U19 của Mainz 05, chỉ vì Rangnick tin rằng HLV người Đan Mạch là cái tên phù hợp nhất để dẫn dắt CLB Liefering (đội dự bị của Salzburg ở Áo). Về sau, chính Mainz 05 phải bỏ ra một khoản tiền lớn hơn để chiêu mộ lại Bo Svensson.
Rangnick quan niệm rằng công việc của một HLV giống như một người tiếp thị, tìm cách thuyết phục những khách hàng đa nghi tin vào sản phẩm và ý tưởng của ông. Vì lẽ đó, theo quan điểm của ông, công việc của những HLV hàng đầu chính là khích lệ, truyền động lực để các cầu thủ tin vào tư tưởng bóng đá của họ, để các cầu thủ sẵn sàng thức dậy mỗi buổi sáng và có lý do bước ra sân tập, làm theo những gì HLV yêu cầu, để không ngừng hoàn thiện và tiến bộ. Rangnick gọi đó là “niềm tin, sự đồng cảm và mối quan hệ giữa con người với con người".
Ông còn là người đi tiên phong khi phát hiện và phát triển nhiều cầu thủ xuất sắc nhất bóng đá thế giới thời điểm này, có thể kể đến là Erling Haaland (cựu cầu thủ của Salzburg), Joshua Kimmich (cựu cầu thủ của Leipzig) hay Dayot Upamecano (cựu cầu thủ của Leipzig và Salzburg).
Khi còn dẫn dắt Hoffenheim, ông mang về Roberto Firmino. Trong khi, Sadio Mane từng được ông ký hợp đồng cho Salzburg. Nhiều cầu thủ Liverpool khác hiện tại cũng từng trải qua mạng lưới các CLB của Rangnick trước đây, như Naby Keita, Ibrahima Konate, Takumi Minamino,…
XEM THÊM
Với Ralf Rangnick, ngay từ khi còn nhỏ, ông đã luôn ý thức được rằng cuộc đời mình là dành cho bóng đá, cụ thể là nghề giáo trong bóng đá. Trò chuyện với Red Bulletin vào tháng 10, Rangnick kể lại: “Tôi được sinh ra để trở thành một HLV. Từ khi mới 6 tuổi, khi còn chơi với lũ bạn 10 tuổi, tôi đã muốn chọn lựa, sắp xếp đội hình và chỉ cho chúng thấy rằng chúng có thể chơi hay hơn nữa".
Độ tuổi các cầu thủ có thể khác nhau, có thể già, có thể trẻ, nhưng cứ vào bàn tay của Ralf Rangnick, là ông đều có thể giúp họ trở nên tiến bộ hơn. Trên diễn đàn The Coaches’ Voice vào năm 2018, ông từng viết như sau: “Công việc của tôi là giúp các cầu thủ tiến bộ. Các cầu thủ sẽ nghe theo bạn nếu họ cảm thấy rằng bạn đang giúp họ tiến bộ hơn. Đó mới chính là động lực lớn lao và chân thành nhất".
Đến khi ở độ tuổi đôi mươi, thời còn chơi bóng cho đội hai của Stuttgart và học ngành sư phạm Anh và thể thao ở ĐH Stuttgart, Rangnick đã bắt đầu học những kiến thức cơ bản của phương pháp huấn luyện hiện đại. Một trong những khóa học mới được giảng dạy thời bấy giờ tại ĐH Stuttgart là khoa học thể thao.
“Lớp chúng tôi có 20 bạn nam và nữ, tất cả đều có kiến thức nền về các môn thể thao tập thể”, Rangnick hồi tưởng lại. “Tôi gặp một cô gái chơi cho một đội nữ bóng chuyền xuất sắc và vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng họ luyện tập tới 10 tiếng mỗi ngày, trong đó có 2 giờ ở phòng gym và 2 giờ tập các pha di chuyển chiến thuật. Có thể nói, các môn thể thao khác đã đi trước bóng đá nhiều năm ánh sáng. Chúng tôi hầu như không làm được gì nhiều trong 2 giờ tập luyện đó, gần như chỉ thêm một vài bài tập thể lực".
Rangnick nhận ra rằng nếu có sự chuẩn bị tốt hơn, đặc biệt là về thể lực và những mảng miếng phối hợp tập thể, các cầu thủ có thể đạt được chất lượng thi đấu tốt hơn.
Sau khi chia tay CLB Ulm 1846 của Đức năm 25 tuổi, Rangnick đầu quân cho đội bóng quê hương Viktoria Backnang với tư cách là cầu thủ kiêm HLV trưởng. Ông không khác gì người quản đội khi ấy. “Cha tôi - vốn là một biên tập viên làm công việc dàn trang cho một tờ báo - và tôi đã xuất bản một chương trình tập luyện. Với những kiến thức y học tích lũy được, tôi thường tự đeo băng buộc vết thương cho các cầu thủ. Tôi cũng đã từng ném một thùng bia ra khỏi phòng thay đồ để lên gân trước các cầu thủ, cấm họ hút thuốc trong 2 giờ đồng hồ trước khi bắt đầu trận đấu và giới thiệu những bài tập hồi phục sau khi vận động".
Rangnick về sau nói rằng ông luôn cố gắng tìm kiếm những con người tốt nhất để thực hiện vai trò của các HLV chuyên biệt trong bóng đá hiện đại. Ở những CLB tỉnh lẻ như Backnang, HLV người Đức rõ ràng là người giỏi nhất, vì không có ai sánh bằng ông. Nhưng khi làm việc cho các đội bóng lớn hơn sau này, Rangnick gặp phải một vấn đề. Càng lên cao, ông càng thấy nhiều người làm công việc được giao đơn giản vì họ có thâm niên trong lĩnh vực. Không hề có công cụ kiểm soát chất lượng, không hề có ý thức cải thiện bản thân, và cũng không có thử thách để kiểm định cách làm của họ.
Ông chủ Rudi Assauer của CLB Schalke, người hiếm khi nào không xuất hiện mà thiếu đi một điếu xì gà trong miệng, từng chế nhạo Rangnick cứ thích lo những chuyện vặt vãnh tại một CLB, thậm chí còn chỉ một tài xế xe buýt cần phải làm gì. Nhiều năm sau, Rangnick thừa nhận bản thân ông đúng là đã gặp phải nhiều khó khăn trong việc giao phó quyền hành cho cấp dưới, nhưng phản bác lại câu chuyện mà Assauer từng đề cập như sau: “Tôi chỉ nhúng tay vào vì tài xế của chúng tôi từng bị lạc khi chỉ phải di chuyển từ khách sạn của toàn đội ở Gelsenkirchen đến SVĐ! Trong lịch sử Bundesliga, đó là lần đầu tiên một trận đấu bị trì hoãn chỉ vì xe buýt chở đội chủ nhà đi lạc đường và đến muộn".
Khi còn thi đấu và dẫn dắt Viktoria Backnang, cơ hội giao hữu với Dynamo Kyiv của HLV đại tài Valeriy Lobanovskyi tại trại huấn luyện mùa đông Sportschule Ruit vào năm 1984 đã mang đến một khoảnh khắc bước ngoặt trong sự nghiệp của Rangnick. Đội bóng của Ukraina chơi với một hệ thống kèm người khu vực và pressing phức tạp. Đội bóng hạng sáu Viktoria Backnang của Rangnick hoàn toàn bị áp đảo bởi những làn sóng người bên phía đối thủ.
Trong một khoảnh khắc lúc trận đấu đang diễn ra, khi quả bóng được đá ra biên, Rangnick bắt đầu đếm số lượng cầu thủ Dynamo trên sân. “Tôi bắt đầu đếm, tôi nghĩ chắc họ đang chơi ăn gian, chắc họ có nhiều hơn 2 hay 3 cầu thủ trên sân. Nếu không phải thế thì làm sao họ cứ pressing chúng tôi liên tục khắp mặt sân thế kia.”
Đương nhiên, không có màn gian lận nào cả. Thời điểm ấy, một hạt giống được gieo vào đầu Rangnick. Bị ấn tượng trước thứ bóng đá dồn dập của Dynamo, từ một người thầy, Rangnick trở thành một học trò.
Sau này, Dynamo nếu có điều kiện đều lui tới Backnang để tập huấn. Và cứ mỗi mùa đông, Rangnick đều đến xem họ tập luyện với một cuốn sổ ghi chép. Ông cố gắng tìm hiểu xem đội bóng ấy làm gì và làm như thế nào.
Những hạt giống là những ý tưởng, đâm chồi nên một hình thái bóng đá quan trọng của ngày nay: kèm người theo định hướng bóng, pressing nhóm, áp đảo quân số ở những khu vực trọng yếu, thực hiện nhiều pha tăng tốc đoạt lại bóng, ngay lập tức tấn công dồn dập, không chuyền về hoặc chuyền ngang, chỉ những đường chuyền hướng về phía trước.
Thời đó, một số bài học về chiến thuật Rangnick từng được dạy trong khóa huấn luyện lấy bằng Pro ở Đức vẫn luôn được xem là cốt lõi từ những năm 70, đó là hệ thống có một sweeper và kèm người một-một. Ở Đức là như vậy, thế thì việc gì phải thay đổi?
Cố vấn Helmut Gross của Rangnick, vốn là một kỹ sư công trình nhưng sau này từ học để trở thành một nhà chiến thuật bóng đá, cùng với Rangnick đã giới thiệu một hệ thống mới kết hợp giữa kèm người khu vực và pressing, có tên gọi “ball orientierte Raumdeckung” cho những giải bóng đá hạng thấp ở Tây Nam nước Đức, cụ thể là viết giáo án huấn luyện cho Liên đoàn bóng đá của vùng này. Gross về sau được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận phát triển của Stuttgart vào năm 1989, còn Rangnick thì giành chức vô địch giải trẻ Đức với tư cách là HLV đội U21 hai năm sau đó.
Rangnick được truyền cảm hứng từ AC Milan của Arrigo Sacchi, ông từng xem các băng hình của đội bóng này gửi về từ Italia nhiều đến nỗi hỏng cả đầu băng VCR. Sacchi xuất thân chỉ là một nhân viên bán giày, nhưng trở thành một hình mẫu của Rangnick. Các CLB Bundesliga thời đó hầu hết đều được dẫn dắt bởi các HLV là cựu cầu thủ ngôi sao của họ. Nhưng Sacchi là người đã mang đến một ý niệm mới, phá vỡ đi khuôn mẫu ấy, và cho thấy rằng kiến thức và khả năng huấn luyện quan trọng hơn nhiều so với một sự nghiệp thi đấu đầy danh hiệu.
Nhưng các CLB lớn tại Đức vẫn cứ bảo thủ với những quyết định lựa chọn các HLV không tên tuổi. Vì vậy, Rangnick quyết định từ chức giám đốc đội trẻ và đội nghiệp dư ở Stuttgart vào năm 1994, ngay cả khi đang được cân nhắc trở thành trợ lý HLV của đội một. Ông sang CLB Reutlingen ở giải hạng 3 và giúp đội bóng này giành quyền thăng hạng, từ đó có được cơ hội ở CLB Ulm vào năm 1997, trước khi giúp đội bóng này thăng hạng lên Bundesliga 2.
Đội bóng Rangnick bất ngờ gây ấn tượng mạnh mẽ với giới mộ điệu thời ấy, vì dù là một tập thể thiếu đi các ngôi sao và không có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, nhưng Ulm thách thức các đội bóng tốp đầu nhờ vào hệ thống 4 hậu vệ và cách thức pressing đồng bộ.
Rangnick sau đó đã được mời đến trường quay thể thao của ZDF, một chương trình truyền hình giống với Match of the Day của BBC tại Anh, để giải thích về hệ thống mới lạ của ông trước công chúng. Đó là lần đầu tiên một cuộc thảo luận chiến thuật được phát trên truyền hình toàn quốc, và nó khiến Rangnick có thêm nhiều kẻ thù. Những HLV nổi tiếng bấy giờ không ưa Rangnick, họ khó chịu với những ngụ ý của Rangnick rằng phương pháp huấn luyện tại Đức bấy giờ đã lỗi thời. Những phản ứng gay gắt sau đó được lan truyền khắp các mặt báo lá cải và ông bị chế giễu là một giáo sư, một kẻ lý thuyết dỏm.
Rangnick đã thật sự sửng sốt trước những lời chỉ trích ngày ấy. Ông từng hồi tưởng lại: “Những gì tôi nói thật ra rất tầm thường xét theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng những người khác lại xem đó là một cuộc tấn công của tôi.” Suốt một thời gian dài, Rangnick cảm thấy hối tiếc vì đã lên sóng truyền hình, nhưng ông cũng tin rằng mình không thể bỏ qua cơ hội xuất hiện trước đám đông. Là một nhà giáo trong bóng đá, ông muốn giải thích thứ bóng đá của mình đến càng nhiều người càng tốt. Một người bạn tâm giao của Rangnick đã từng chia sẻ với The Athletic rằng: “Ralf Rangnick là một người rộng lượng và hào phóng khi luôn muốn chia sẻ kiến thức với người khác. Có lẽ, ông ấy đã quá hào phóng với đám đông ngày đó.”
Tại Ulm, Rangnick tiếp tục cùng đội bóng giành quyền thăng hạng năm thứ hai liên tiếp và đến với hạng đấu cao nhất Bundesliga. Thành công này cũng là tấm vé thông hành để Rangnick trở lại Stuttgart nhưng với vai trò HLV trưởng đội một vào năm 1999. Nhưng những vấn đề cũng bắt đầu xuất hiện từ đây và theo ông khắp các CLB về sau. Giới thượng tầng của đội bóng sợ rằng những quyết định thay đổi của Rangnick sẽ gây tổn hại đến trật tự hiện có của đội bóng. Vì vậy nhiệt huyết cải cách của Rangnick cũng dần bị mất đi trong bối cảnh cấu trúc CLB không có được sự thống nhất và ổn định. Ông không hoàn toàn nhận được sự hẫu thuẫn từ Stuttgart khi quyết định đình chỉ Krasimir Balakov, một cầu thủ kiến thiết lối chơi theo kiểu truyền thống của đội bóng, vốn ít di chuyển và ngại tham gia pressing. Vài tháng sau, Rangnick bị Stuttgart sa thải.
“Làm việc với Ralf có thể khó khăn, vì ông ấy luôn mong muốn những sự thay đổi diễn ra tức thời,” một quan chức của Bundesliga quen biết Rangnick từng kể lại với The Athletic. “Gần như không có khái niệm ‘mai sau’ với Ralf. Ông ấy sẽ gọi bạn vào nửa đêm để kể về một ý tưởng nào đó, ông ấy không ngừng suy nghĩ về bóng đá mỗi khi chưa chợp mắt, và ông ấy luôn muốn bạn có câu trả lời ngay lập tức. Ralf là người rất đòi hỏi và khắt khe. Với những người không hiểu về Ralf, họ có thể sẽ cảm thấy bị áp lực vì ông ấy luôn muốn họ không ngừng phát triển và đổi mới nhanh chóng. Nhưng những ai chịu được áp lực đó, họ sẽ phát triển chóng mặt trong sự nghiệp. Ralf thúc đẩy bạn trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.”
XEM THÊM
Bị sa thải khỏi Stuttgart là thất bại đầu tiên trong đời huấn luyện của Rangnick. Ông quyết định xuống tiếp quản Hannover 96 ở giải hạng dưới và giúp đội bóng này có bước nhảy vọt khi thăng hạng vào năm 2002. Một lần nữa, mối quan hệ đổ vỡ với giới lãnh đạo dẫn đến việc HLV người Đức bị sa thải vào năm 2004. Khoảng thời gian ngắn ngủi sau đó với Schalke cũng chứng kiến việc ông phải ra đi, dù được lòng người hâm mộ, nhưng lại không được lòng giới chủ.
Nhưng cơ hội một lần nữa đến với Rangnick, khi tỷ phú Dietmar Hopp tin tưởng giao cho ông dự án đáng chú ý nhất của bóng đá Đức khi ấy, đó là dẫn dắt một CLB cấp làng theo đúng nghĩa đen là Hoffenheim, tọa lạc ở một nơi chỉ có dân số 3260 người, từ giải hạng ba lên đến Bundesliga.
Và Rangnick đã thành công. Hoffenheim của ông trình làng một lối chơi chưa từng thấy ở giải đấu cao nhất nước Đức. CLB là tập hợp của những cầu thủ địa phương bị các đội bóng khác của Đức ngó lơ và những cầu thủ nước ngoài vô danh bấy giờ như Carlos Eduardo và Luiz Gustavo đến từ Brazil, tiền đạo người Nigeria Chinedu Obasi và Demba Ba của Senegal. Cùng với nhau, họ chinh phục các đối thủ bằng thứ bóng đá pressing mạch lạc, hấp dẫn, cường độ cao với những đường chuyền theo trục dọc.
Cựu HLV đội tuyển Đức, Joachim Low sau khi chứng kiến màn trình diễn của Hoffenheim trước đội bóng đầu bảng Bayern Munich vào tháng 12 năm 2008, đã phải thốt lên rằng: “Đó có lẽ là trận đấu tốc độ nhất tại Bundesliga từ trước đến nay. Một thứ bóng đá với chất lượng thuần túy và nó quảng bá cho hình ảnh của giải đấu này.”
Đội bóng xứ Bavaria tuy giành chiến thắng chung cuộc với tỉ số sít sao 2-1, nhưng chính đoàn quân của Ralf Rangnick mới chiếm được cảm tình của tất cả. Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung từng viết “Ngôi sao của Hoffenheim chính là hệ thống của họ”.
Hai từ "hệ thống" không chỉ nhắc đến mỗi khía cạnh chiến thuật. Ralf Rangnick là một trong những vị HLV đầu tiên trên thế giới thuê các chuyên gia phân tích video và những nhà tâm lý học thể thao, nhằm giúp các đội bóng của ông đạt được những “lợi thế biên”. Ông xây dựng một bộ máy đầy khoa học trong chính ban huấn luyện với những con người đảm nhiệm những công việc chưa từng tồn tại ở các CLB bóng đá trước đấy.
Tại Hoffenheim, họ có một chuyên gia phân tích video, một nhà tâm lý học thể thao và đề ra các buổi tập luyện phức tạp khiến các cầu thủ phải chịu áp lực tinh thần tối đa, để khi bước vào trận đấu, họ sẽ dễ dàng đương đầu với hoàn cảnh hơn.
Rangnick từng nói về yếu tố tâm lý và tinh thần trong bóng đá như sau: “Tinh thần liên quan đến những nỗ lực bạn bỏ ra. Bạn có khát khao không? Bạn có quyết tâm đánh đổi để tiến bộ? Bạn có muốn hoàn thiện bản thân từng ngày? Bạn có muốn một cuộc sống chuyên nghiệp? Bạn có thoát được những cám dỗ như rượu chè hay tiệc tùng trong các hộp đêm? Bạn cần một chiếc xe hơi sang trọng hay những thứ khác chỉ vì cái tôi bản thân? Nếu không có một tinh thần và tâm lý phù hợp, bạn hãy quên đi thứ tài năng mình thừa hưởng trong DNA lẫn những gì học được từ người khác. Chúng chẳng còn giá trị gì cả. Tài năng cách mấy mà không có thái độ, tinh thần đúng đắn thì thôi, dẹp hết đi.”
Ngoài ra, thứ bóng đá của Rangnick đòi hỏi khâu chuyển nhượng của CLB cũng phải tương thích theo. Helmut Gross chia sẻ về vấn đề này rằng: “Ralf chỉ mang về những cầu thủ phù hợp để chơi theo cách của ông ấy. Họ chủ yếu là những người trẻ, dưới 23 tuổi, cởi mở, với thể chất mạnh mẽ và nhận thức nhanh. Những cầu thủ lớn tuổi thì thường muốn chơi với tốc độ chậm hơn vì cơ thể và trí óc của họ ngày càng chậm.”
Tư tưởng đó là nhằm phục vụ cho thứ bóng đá của ông. Tại hội nghị bóng đá International Football Arena, Rangnick từng đúc kết triết lý bóng đá của mình như thế này: “Bạn cần phải điều khiển trận đấu cả khi có và không có bóng, không phải thông qua các cá nhân, mà là thông qua khâu chuyển trạng thái, đảo cánh thật nhanh,… tư duy và tìm kiếm phương án chính xác thật nhanh,… đoạt lại bóng trong vòng 8 giây và dứt điểm trong vòng 10 giây.”
Trước công chúng, Rangnick đôi khi xuất hiện với một chút trầm buồn, nhưng khi làm việc với tư cách một HLV, ông trở thành một con người khác. Trợ lý Lars Kornetka từng nhớ lại: “Mọi người gắn bó với Ralf bởi vì ông ấy có sự đồng cảm. Ralf là một người cha đỡ đầu thực sự, luôn có trách nhiệm với các cầu thủ mình huấn luyện và luôn lắng nghe những vấn đề của họ. Những cầu thủ như Demba Ba hay Obasi vẫn thường xuyên liên lạc với ông ấy nhiều năm về sau vì họ đánh giá cao Ralf. Bạn cứ thử nói chuyện với ai đó như Gerald Asamoah (cựu cầu thủ Schalke) mà xem, cậu ấy sẽ kể cho bạn nghe rằng Ralf luôn sẵn sàng chìa tay ra giúp đỡ cậu ấy. Một trong những thứ khó khăn nhất mà Ralf gặp phải chính là việc ông cảm thấy mình đã khiến những cầu thủ phải thất vọng, những người tuy giỏi nhưng lại không thật sự đủ giỏi theo tiêu chuẩn của ông ấy.”
Tuy nhiên, điều HLV người Đức không bao giờ đánh mất chính là thỏa hiệp với niềm tin của chính ông. Chuỗi ngày thăng hoa của Hoffenheim không kéo dài được lâu sau khi tiền đạo Vedad Ibisevic bị rách dây chằng chéo. Dẫu vậy, đội bóng vẫn cán đích chung cuộc ở vị trí thứ 7. Ông chủ Dietmar Hopp âm thầm bán đi Luiz Gustavo cho Bayern Munich với giá 20 triệu euro. Khi hay tin, Rangnick ngay lập tức nộp đơn xin từ chức vì cảm thấy nguyên tắc của mình không được tôn trọng.
Ngày 22 tháng 9 năm 2011, một cuộc hành trình nữa của Ralf Rangnick kết thúc, sau khi ông trải qua 8 tháng dẫn dắt Schalke trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Thời đó, thông báo từ Rangnick được phát đi có nội dung như sau: “Sau khi cân nhắc kỹ càng, tôi quyết định rằng mình cần một quãng thời gian nghỉ ngơi. Đây là quyết định khó khăn. Nhưng nguồn năng lượng của tôi là không đủ để có thể đạt được thành công cùng đội bóng.”
Khoảng thời gian quay lại dẫn dắt Schalke ấy đã đem về cho HLV người Đức danh hiệu lớn đầu tiên trong sự nghiệp, chiếc cúp quốc gia DFB-Pokal cùng thành tích lọt vào tới bán kết Champions League, nơi Schalke của Rangnick bị đánh bại bởi chính Man Utd. Rangnick cảm thấy kiệt sức về thể chất lẫn tinh thần để có thể tiếp tục. Ông được chẩn đoán lâm sàng mắc phải “hội chứng kiệt sức”. Chứng viêm tuyến bạch cầu và chế độ ăn uống không lành mạnh trong một thời gian dài buộc Rangnick phải có một giai đoạn nghỉ ngơi.
4 năm sau, ông chuyến đến làm việc cho RB Leipzig. Nhiều người nghĩ rằng sự nghiệp huấn luyện của Rangnick đã chấm dứt khi ông chấp nhận lời đề nghị của ông chủ Red Bull là Dietrich Mateschitz, để nắm giữ một trọng trách như từng làm tại Hoffenheim trong quá khứ, nhưng ở một mức độ và quy mô lớn hơn khi quản lý nhiều CLB khác nhau của tập đoàn này. Nhưng Rangnick thì không nghĩ vậy.
Khi Leipzig cần một HLV để bắt đầu mùa giải 2015/16, Rangnick quyết định… tự bổ nhiệm chính mình ngồi vào chiếc ghế nóng, vì tin rằng ông là người phù hợp nhất khi ấy. Ông cùng Leipzig giành được suất thăng hạng lên Bundesliga và quyết định lui về cánh gà, hài lòng với công việc giám sát sự phát triển của CLB, của các cầu thủ, và ngày càng có nhiều HLV xuống núi sau khi được đào tạo và dạy bảo từ chính ngôi trường bóng đá mang tên Ralf Rangnick.
3 năm sau, Rangnick tiếp tục lặp lại phép thuật của mình, khi lắp vào vị trí còn khuyết trên chiếc ghế nóng tại RB Leipzig, trong bối cảnh ứng viên Julian Nagelsmann chưa thể rời Hoffenheim. Ông giúp Leipzig về thứ 3 ở Bundesliga và vào đến chung kết cúp quốc gia DFB-Pokal, nhưng để thua 0-3 trước Bayern Munich.
RB Leipzig chính là kiệt tác của Ralf Rangnick, nơi tư tưởng của Rangnick phù hợp một cách hoàn hảo, nơi hiện thực hóa tối đa những ý tưởng bóng đá của ông và vượt qua khuôn khổ sân bóng. Thời còn dẫn dắt lẫn sau khi làm giám đốc bóng đá của CLB, ông giảm độ tuổi trung bình của đội bóng từ 29 xuống còn 24. Sau này, tập thể Leipzig dưới sự dẫn dắt của Julian Nagelsmann từng vào đến bán kết Champions League 2019/20. Rangnick thì trở thành người đứng đầu mảng thể thao và phát triển của cả hệ thống bóng đá Red Bull. Chính sách kế thừa và tiếp nối ở những CLB thuộc Red Bull là một phần công trình của Rangnick, khi những HLV ra đi luôn được thay thế và phong cách chơi bóng không thay đổi.
Dẫu vậy, những người hiểu rõ Rangnick tin rằng từ sâu bên trong, ông vẫn còn ngọn lửa làm HLV, vẫn khát khao một ngày được trở lại chiếc ghế nóng để truyền cảm hứng và chỉ đạo trực tiếp.
Từng có thời điểm trong quá khứ, suýt chút nữa thì Ralf Rangnick đã tới tuyển Anh vào năm 2016, hay tới Everton vào năm 2019, nhưng cuối cùng đội chủ sân Goodison Park lựa chọn Carlo Ancelotti. AC Milan cũng đã đàm phán với Rangnick nhưng rồi người giành chiến thắng là Stefano Pioli. Chelsea mùa giải trước sau khi chia tay Lampard cũng đã nhắm đến Rangnick cho chiếc ghế HLV tạm quyền, trước khi Thomas Tuchel được bổ nhiệm. Bấy giờ, Rangnick cảm thấy quãng thời gian tạm quyền là quá ngắn ngủi để có thể để lại được những dấu ấn. Một số CLB lại không chắc chắn nên để Rangnick làm HLV trưởng hay giám đốc thể thao.
Từng gặt hái được những thành tựu trong cả hai vai trò, Rangnick thường bị cho là một ứng viên vượt quá tiêu chuẩn và quá đáng sợ trong mắt các quan chức lãnh đạo CLB. Chẳng hạn như Liên đoàn bóng đá Đức muốn chọn Hansi Flick, một thành viên lâu năm tại liên đoàn để làm người kế nhiệm Joachim Low, hơn là giao ấn kiếm cho Rangnick. Họ sợ phải thỏa hiệp với Rangnick và bản thân Rangnick luôn sẵn sàng phá bỏ những nền móng cũ kỹ.
Một nhân vật thân cận với Rangnick cho rằng công việc tại Man Utd, vị trí HLV tạm quyền, xem ra là đến đúng thời điểm với ông. Người này từng chia sẻ với The Athletic như sau: “Tôi không nói rằng Ralf sẽ trở nên dịu dàng hơn, vì ông ấy vẫn còn tràn trề động lực và nguồn năng lượng. Nhưng tôi tin Ralf đã học được cách để giao quyền và tin tưởng vào cấp dưới hơn.”
Vai trò tạm quyền của Rangnick cho đến hết mùa giải sẽ chỉ tập trung vào công việc tại đội một, vì vậy những mâu thuẫn nếu tồn tại với giới thường tầng sẽ được thu hẹp phạm vi. Ở tuổi 63, Rangnick có dư thừa kinh nghiệm để quản lý những cái tôi cao trong phòng thay đồ, đồng thời tạo điều kiện để các cầu thủ trẻ phát triển. Nhưng quan trọng hơn hết, người cha đỡ đầu của ngôi trường bóng đá Đức sẽ mang đến một tầm nhìn cho thứ bóng đá có tổ chức, hấp dẫn và đầy năng lượng tại Man Utd trong tương lai.
HLV người Đức tại diễn đàn The Coaches' Voice hồi tháng 9 đã qua từng phát biểu như sau: “Công việc của một HLV trưởng, dù là head coach hay manager, là gì? Đó là có một ý tưởng rõ ràng về lối chơi mà ông ta muốn nhìn thấy ở đội bóng mình dẫn dắt. Ừ thì, đó có thể là một thứ bóng đá kiểu Pep Guardiola, kiểu Diego Simeone, kiểu Hansi Flick, kiểu Julian Nagelsmann hay kiểu Jurgen Klopp. Chúng là những biến thể bóng đá khác nhau, ví dụ Pep Guardiola là một mẫu HLV ưa thích những cầu thủ giàu kỹ thuật, trong khi Jurgen Klopp thì thích những cầu thủ máu lửa heavy metal hơn. Nhưng, điểm chung của tất cả là họ đều biết chính xác thứ bóng đá mình muốn chơi là gì, nó trông ra làm sao. Từ trong đầu của họ đã có sẵn những đoạn băng video sống động của thứ bóng đá hoàn hảo mà họ theo đuổi.”
“Công việc của một HLV bóng đá chính là truyền tải ý tưởng bóng đá trong đầu của họ vào máu thịt, tâm tư và não bộ của các cầu thủ. Tôi gọi đó chính là thúc đẩy, là khích lệ. Đối với cá nhân tôi, khích lệ là chuyển tải niềm tin tuyệt đối vào ý tưởng bóng đá. Những thứ khác chẳng hạn như có một bài phát biểu hùng hồn trước một trận đấu nhằm khơi dậy ngọn lửa chiến đấu và tinh thần các cầu thủ, đối với tôi đó không phải là khích lệ, mà là truyền cảm hứng. Khích lệ theo quan điểm của tôi là chuyển hóa ý tưởng của bản thân thành ý tưởng cho người khác. Nhưng để làm được điều đó, bạn trước tiên phải nhận thức rõ được đâu là thứ bóng đá mà bạn thật sự muốn chơi.”
Trong quá khứ, Rangnick từng cảnh báo rằng những sự thay đổi trên băng ghế chỉ đạo ở các CLB luôn cần đến một cách thức tiếp cận mới về lối chơi, quản trị nhân sự và tuyển trạch. Với Man Utd, họ đã lạc lối kể từ thời hậu Sir Alex.
Ralf Rangnick có lẽ hiểu Man Utd sẽ cần có thời gian để chấp nhận một tư tưởng và chiến lược mới. Những CLB chưa từng thử qua những mô hình mới luôn có sự do dự và chần chừ. Nhưng Man Utd có lẽ đã tới lúc chấp nhận dấn thân vào một hành trình mới, để thật sự thoát khỏi những giá trị cũ kỹ lỗi thời và tin vào một luồng ý tưởng mới, tránh lặp lại những sai lầm quá khứ. Nghĩa là, hãy tin vào Ralf Rangnick. Có thể, dấu ấn của ông sẽ chưa được nhìn thấy vào mùa giải này, nhưng hạt giống thì luôn cần có thời gian để đâm chồi, nảy lộc.
XEM THÊM
Ronaldo sẽ còn ngồi dự bị nhiều dưới thời Rangnick?