Tranh cãi về giới tính của nữ VĐV giành huy chương ở Olympic

VĐV trẻ tuổi Christine Mboma đã phải đối diện với những tranh cãi liên quan tới giới tính của cô khi giành HCB nội dung chạy 200 mét nữ.

Vào hôm qua, VĐV 18 tuổi người Namibia, Christine Mboma đã xuất sắc giành tấm HCB nội dung chạy 200 mét nữ. Tuy nhiên, điều này làm dấy lên nhiều tranh cãi. Trước đó, Mboma từng bị cấm thi đấu ở nội dung chạy 400 mét vì dư thừa lượng testosterone (theo phán quyết của Tòa án trọng tài).

Nữ VĐV này được cho là mắc hội chứng rối loạn phát triển giới tính (DSD). Một người nữ mắc DSD hay liên giới tính được mô tả là người có nhiễm sắc thể giới tính XY, có nồng độ testosterone trong máu ở mức nam giới và có khả năng sử dụng testosterone lưu thông trong cơ thể của họ.

Việc VĐV Christine Mboma có lượng testosterone cao đã nổ ra tranh cãi

Liên đoàn điền kinh Thế giới (WA) đã cố gắng tìm cách hạn chế những VĐV như vậy tham gia các cuộc thi dành cho nữ nhằm bảo vệ những gì theo họ là "sân chơi bình đẳng".

Trước đó, VĐV chạy nước rút người Ấn Độ, Dutee Chand, đã đưa vấn đề này ra Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) vào năm 2015. Sau đó, CAS đã đình chỉ các quy tắc mà WA đưa ra và yêu cầu tổ chức này có bằng chứng cho thấy mức testosterone tăng mang lại lợi thế cho các VĐV.

Do đó, ở kỳ Olympic 2016, 3 VĐV mắc DSD đã được đồng ý cho phép tranh tài.

Tuy nhiên, sau đó, WA đã chỉ ra những dữ liệu cho thấy lượng testosterone lên cao trên mức bình thường với VĐV nữ sẽ có lợi cho họ trong các cuộc cạnh tranh ở đường chạy 400 mét đến 1.500 mét.

Vì vậy, CAS đã đưa ra lệnh cấm các VĐV mắc DSD tranh tài ở những nội dung này, trừ khi họ dùng thuốc giảm testosterone trước đó ít nhất sáu tháng.

Không chỉ Christine Mboma mà người đồng hương Beatrice Masilingi cũng bị cấm tham dự nội dung chạy 400 mét ở Thế vận hội năm nay.

 Minh Long
Từ khóa: