U23 Việt Nam tái ngộ U23 Uzbekistan và ký ức Thường Châu 2018

Cuộc đối đầu này sẽ làm nhiều CĐV nhớ về trận chung kết giải U23 châu Á giữa hai đội tại Thường Châu 2018.

Hơn 4 năm đã trôi qua và lứa cầu thủ của hai bên tham dự trận đấu “Thường Châu tuyết trắng” đều đã không còn là những tài năng trẻ. Họ đều có những bước tiếp theo trong sự nghiệp của mình sau giải U23 châu Á, nhưng không phải ai cũng có được những thành công.

Cuộc tái ngộ giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan gợi lại nhiều ký ức trong lòng người hâm mộ

Trận chung kết giữa U23 Uzbekistan và U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á 2018 là cuộc đối đầu giữa hai đội bóng gây ra nhiều bất ngờ nhất. Cả hai đội đều kết thúc vòng bảng không phải với vị trí dẫn đầu. Ở bảng đấu của mình, U23 Việt Nam đứng thứ nhì sau U23 Hàn Quốc. Trong khi đó U23 Uzbekistan cũng xếp thứ 2 sau U23 Qatar ở bảng của mình. Cả hai đội bóng lọt vào chung kết đều đã thất bại ngay ở trận ra quân.

Nhưng từ vòng knock-out trở đi, cả U23 Việt Nam lẫn U23 Uzbekistan đều thi đấu cực hay và lần lượt vượt qua các đối thủ được đánh giá cao hơn. U23 Việt Nam lần lượt vượt qua U23 Iraq và U23 Qatar sau những loạt sút luân lưu căng thẳng. U23 Uzbekistan thì vượt qua hai đại diện hùng mạnh của Đông Á là U23 Nhật Bản và U23 Hàn Quốc bằng thứ phong độ hủy diệt. Họ thắng U23 Nhật Bản 4-0 ở tứ kết trước khi tiếp tục loại U23 Hàn Quốc 4-1 sau 120 phút thi đấu.

Đối đầu với nhau ở trận chung kết trên mặt sân phủ đầy tuyết, U23 Uzbekistan được đánh giá cao hơn U23 Việt Nam. Ngược lại, thầy trò HLV Park Hang-seo bước vào trận đấu với tinh thần rất cao. Họ đã làm nên lịch sử khi đưa đội bóng lọt vào một trận chung kết cấp châu lục lần đầu tiên cho bóng đá Việt Nam. Nòng cốt của U23 Việt Nam khi đó là sự kết hợp giữa những cầu thủ từng dự U20 World Cup 2017 và các sản phẩm xuất sắc của lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai JMG, được xem là “thế hệ vàng” tiếp theo của bóng đá Việt Nam.

Lứa cầu thủ tại U23 châu Á 2018 được xem là "thế hệ vàng" tiếp theo của bóng đá Việt Nam

Chất lượng trận đấu chung kết đã bị ảnh hưởng khá nhiều bởi điều kiện thời tiết khi mặt sân phủ trắng tuyết. U23 Uzbekistan vượt lên dẫn trước ngay từ phút thứ 8 bằng bàn thắng của trung vệ Rustam Ashurmatov trong một tình huống phạt góc. Nhưng các học trò của HLV Park Hang-seo không dễ đầu hàng. Ở các trận đấu với U23 Iraq và U23 Qatar trước đó, U23 Việt Nam cũng đều từng rơi vào hoàn cảnh bị dẫn bàn rồi ngược dòng. Vì thế tâm lý của các cầu thủ không dễ dao động dù để đối thủ vượt lên rất sớm ở trận chung kết.

Mãi đến phút 41 của hiệp 1, U23 Việt Nam mới có được thời cơ rõ ràng nhất để gỡ hòa khi được hưởng một quả đá phạt. Các cầu thủ đều hiểu rằng họ phải chắt chiu cơ hội này, hình ảnh những đồng đội gạt tuyết để Quang Hải có được điều kiện tốt nhất thực hiện quả đá phạt là một trong những khoảnh khắc gây xúc động nhất trong hành trình của U23 Việt Nam năm đó. Hải “con” đã không phụ lòng đồng đội và người hâm mộ khi vẽ một đường cầu vồng hoàn hảo vào khung thành U23 Uzbekistan và đưa trận đấu trở lại vạch xuất phát.

Hình ảnh các cầu thủ gạt tuyết để Quang Hải đá phạt làm nhiều người cảm động

U23 Uzbekistan đã cố gắng giải quyết trận đấu sớm khi ào ạt tấn công ngay đầu hiệp 2, nhưng họ đã vấp phải một hàng phòng ngự kiên cường và được tổ chức tốt của thầy Park. Trận đấu phải kéo dài đến hiệp phụ và cũng phải đến những phút cuối cùng, U23 Uzbekistan mới có được bàn thắng quyết định nhờ công tiền đạo vào sân thay người Andrey Sidorov.

Dù thất bại nhưng các cầu thủ U23 Việt Nam vẫn là những người hùng trong mắt các CĐV. Họ được chào đón một cách chưa từng thấy khi trở về nước và trở thành những ngôi sao được săn đón trong suốt một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất sau khi “cơn sốt U23 Việt Nam” qua đi chính là sự trưởng thành của thế hệ Thường Châu. Phần lớn đội hình U23 khi đó đều trở thành các tuyển thủ trụ cột của đội tuyển quốc gia.

Họ tiếp tục cùng thầy Park gặt hái những thành công khi lọt vào bán kết ASIAD 2018, vô địch AFF Cup 2018, lọt vào tứ kết Asian Cup 2019 và có tấm huy chương vàng đầu tiên ở SEA Games 2019. Cũng chính lứa cầu thủ U23 Thường Châu của Quang Hải, Duy Mạnh, Tiến Dũng, Văn Hậu, Văn Đức, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh đã góp công lớn trong việc đưa đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup đầu tiên trong lịch sử.

Phần lớn các cầu thủ trẻ ở Thường Châu giờ đã trở thành các tuyển thủ quốc gia

Không phải người hùng Thường Châu nào cũng có được bước thăng tiến trong sự nghiệp sau đó. Nhưng với lứa U23 Việt Nam dự chung kết U23 châu Á 2018, họ có thể tự hào vì những đóng góp sau đó trong sự đi lên của bóng đá Việt Nam nói chung. Quang Hải, biểu tượng của lứa Thường Châu 2018, giờ đã là một ngôi sao hàng đầu của Đông Nam Á và chuẩn bị xuất ngoại để đối diện với những thử thách mới.

Ngược lại, lứa cầu thủ của U23 Uzbekistan vô địch U23 châu Á đã không có được bước phát triển đột phá để trở thành những ngôi sao của bóng đá châu Á. Rustam Ashurmatov, trung vệ ghi bàn mở tỷ số trong trận chung kết tại Thường Châu 2018, sau đó 1 năm đã chuyển từ đội bóng trong nước Bunyodkor sang Hàn Quốc chơi bóng cho Gwangji, giúp đội bóng này vô địch K.League 2 rồi chuyển tới Gangwon. Anh ở Hàn Quốc 3 mùa nhưng không để lại nhiều dấu ấn và mới trở về Uzbekistan để khoác áo CLB Navbahor Namangan. Ashurmatov vẫn là tuyển thủ quốc gia, nhưng từ năm 2018 tới nay anh mới có 14 lần ra sân trong màu áo ĐT Uzbekistan.

Hậu vệ Rustam Ashurmatov (số 2) từng vô địch K.League 2

Andrey Sidorov, người hùng ghi bàn thắng quyết định đem về chức vô địch cho U23 Uzbekistan thì có sự nghiệp vô cùng lận đận. Khi tham dự U23 châu Á 2018, anh là tiền đạo thuộc biên chế Pakhtakor. Thành công từ giải U23 châu Á không giúp cho Sidorov có được bước tiến lớn trong sự nghiệp, anh liên tục bị cho mượn và rời Pakhtakor năm 2020. Hiện tại chân sút này đang chơi cho đội bóng trong nước Kokand 1912. Sidorov từng ra mắt ĐTQG năm 2018 nhưng cho tới nay anh mới có đúng 1 lần được ra sân ở ĐT Uzbekistan.

Andrey Sidorov sau bàn thắng quyết định vào lưới U23 Việt Nam có sự nghiệp rất mờ nhạt

Odiljon Hamrobekov, người nhận giải thưởng cầu thủ xuất sắc nhất ở giải U23 châu Á 2018 là một trong số ít cầu thủ của lứa 2018 vẫn còn có chỗ đứng trong ĐTQG ở thời điểm hiện tại. Mặc dù vậy, tiền vệ sinh năm 1996 cũng chỉ thi đấu cho các CLB ở trong nước và thất bại khi chuyển tới UAE khoác áo Al-Alhi.

Odiljon Hamrobekov không thành công khi sang UAE chơi bóng

Jasurbek Yakhshiboev, người đã ghi 3 bàn trên hành trình vào đến chung kết của U23 Uzbekistan năm 2018, được xem là có khả năng phát triển thành ngôi sao mới của bóng đá Uzbekistan. Anh rời Pakhtakor Tashkent năm 2020 để chuyển tới Belarus chơi bóng. Sau đó, Yaskhshiboev chuyển tới Ba Lan khoác áo Legia Warsaw của Ba Lan và được cho mượn sang Sheriff Tiraspol. Yaskhshiboev đã để lại dấu ấn lớn khi ghi bàn giúp đội bóng của Đảo Síp vượt qua Real Madrid ngay trại Bernabeu ở Champions League đầu mùa giải năm nay. Dù vậy, Yaskhshiboev vẫn còn một chặng đường rất dài để trở thành một cầu thủ tiếng tăm như Eldor Shomudorov, chân sút Uzbekistan đang khoác áo AS Roma.

Jasurbek Yakhshiboev ghi bàn thắng lịch sử vào lưới Real Madrid hồi đầu mùa

Dostonbek Khamdamov, tiền vệ cánh trái đá quả phạt góc giúp Ruslan Ashurmatov ghi bàn mở tỷ số vào lưới Việt Nam được xem là cầu thủ nổi bật nhất của U23 Uzbekistan dự giải U23 châu Á 2018. Khamdamov bắt đầu được chú ý khi có một màn trình diễn xuất sắc tại FIFA U20 World Cup 2015 , nơi anh ghi 3 bàn và giúp U20 Uzbekistan vào tứ kết trước khi bị loại bởi Senegal. Với màn trình diễn này, anh trở thành cầu thủ Uzbekistan đầu tiên được bình chọn là Cầu thủ trẻ châu Á của năm. Năm 2019, Dostonbek Khamdamov cũng được bình chọn vào đội hình tiêu biểu của Asian Cup 2019. Tuy nhiên sau đó, đà phát triển của cầu thủ sinh năm 1996 đã chững lại khi anh chuyển sang UAE chơi bóng và không tạo được dấu ấn nào đáng kể.

Khamdamov được đánh giá rất cao nhưng lại không phát triển được hết tiềm năng

Uzbekistan đã không thể tận dụng được lứa cầu thủ vô địch U23 châu Á để có được những bước tiến lớn đối với nền bóng đá của mình. Tại Asian Cup 2019, họ bị loại từ vòng 1/8 trong khi ở năm 2015, họ từng lọt vào tứ kết và 2011 thậm chí còn đi đến trận bán kết. Tại vòng loại World Cup 2022, họ cũng không thể vượt qua được vòng loại thứ 2 để bước vào vòng loại thứ 3 như ĐT Việt Nam. Điều đó cho thấy rõ ràng việc thành công ở các giải trẻ chưa bao giờ là bảo chứng cho thành công của một lứa cầu thủ sau đó. Nếu không có một chiến lược phát triển liền mạch và cụ thể, một thế hệ cầu thủ đầy tài năng hoàn toàn có thể bị lãng phí.