Brentford: Sự ngông cuồng của tân binh không biết sợ

Địa chấn đã xảy ra ngay trong ngày mở màn Premier League 2021/22 khi đội bóng có lần đầu tiên trở lại hạng đấu cao nhất nước Anh như Brentford đã đánh bại đại gia Arsenal tới 2 bàn không gỡ. Đây là một kết cục ít người dám nghĩ đến trước khi bóng lăn nếu nhìn vào sự chênh lệch quá lớn giữa 2 bên chiến tuyến.

Tuy nhiên, mọi kết quả đều có nguyên nhân của nó và không phải ngẫu nhiên Brentford lại khiến Arsenal choáng váng đến vậy. Bây giờ, hãy cùng tìm hiểu xem rốt cuộc sức mạnh thật sự của đội bóng có biệt danh là Bầy ong này đến từ đâu?

Ai mà ngờ được tân binh mới toe của Premier League lại cho đại diện Big Six nếm mùi cay đắng ngay trận mở màn thế này?

Vì đây là lần xuất hiện đầu tiên của Brentford lại Premier League nên cần điểm qua một chút lí lịch của họ. Đội bóng của thành phố London được thành lập từ năm 1889. Sân nhà của họ là Brentford Community với sức chứa hơn 17.000 chỗ ngồi. HLV trưởng là Thomas Frank - một chiến lược gia người Đan Mạch từng kinh qua các lứa trẻ từ U16 tới U19 quốc gia này, trước khi chuyển sang Brondby và giờ đang ở Brentford từ 2018.

Trong lịch sử 131 năm của Brentford thì ngoài những chức vô địch ở các giải hạng dưới ra, thành tích của họ gần như trắng xóa ở đẳng cấp cao nhất. The Bees chưa bao giờ vượt quá vòng tứ kết FA Cup, cũng mới chỉ vào đến bán kết Cúp Liên đoàn đúng 1 lần vào mùa trước. Ở hạng đấu cao nhất nước Anh, thứ hạng cao nhất của Brentford là vị trí thứ 5 ở mùa 1935/36 - tức là cũng cách đây 85 năm.

Tại xứ sở sương mù, những đội bóng làng nhàng kiểu như Brentford rất nhiều, càng tập trung hơn ở London. Nếu không có chiến tích thăng hạng lên Premier League mùa này, người hâm mộ trung lập có lẽ cũng chỉ biết tới cái tên Brentford thông qua những lần đá giao hữu với các đội bóng lớn mà thôi. Đơn cử như ở mùa hè vừa qua, Brentford đã xuất sắc cầm hòa MU 2-2 ngay tại Old Trafford.

Sự thăng tiến nhanh của Bầy ong khiến nhiều người bất ngờ nếu biết 7 năm trước họ còn chơi ở League One (tức hạng 3), 11 năm trước lóp ngóp ở League Two (hạng 4). Người làm nên hành trình kỳ diệu, đưa đội bóng Tây London đến với vùng đất hứa Premier League là chủ tịch Matthew Benham.

Xuất thân là cựu sinh viên chuyên ngành vật lý tại đại học danh giá Oxford nhưng Benham lại bén duyên trong lĩnh vực tài chính. Với đầu óc tính toán khoa học cùng tư duy luôn ưu tiên tiến bộ của công nghệ, ông thành công rất nhanh trên trường đời. Bây giờ, Benham là một doanh nhân có tiếng trên thị trường cá cược Anh.

Vốn là một fan ruột của Brentford, Benham trở thành chủ tịch của đội bóng này vào năm 2012 sau một cơ duyên từ 5 năm trước đó. Ông dựa vào kiến thức về thuật toán, thống kê và nghiên cứu dữ liệu để điều hành đội bóng. Tôn chỉ của Brentford là lùng mua những cầu thủ giá rẻ nhưng có tiềm năng, đầu tư để họ phát triển và bán đi khi được giá. Cách làm này vừa giúp đội bóng cải thiện chất lượng chuyên môn, vừa có lợi nhuận.

Thế nên, bạn có thể không biết Brentford trước mùa này, nhưng chắc hẳn đã nghe đến Ollie Watkins của Aston Villa, Said Benrahma của West Ham hay Neal Maupay của Brighton. Trong số này, Watkins thậm chí đã được triệu tập lên ĐT Anh. Điểm chung của cả ba cầu thủ trên là đều được Brentford mua về với giá rẻ bèo, nhưng khi bán mang lại cho CLB tới 71 triệu bảng.

Có tiền thì mới có thể nói đến chuyện phát triển. Benham đã cân bằng rất tốt giữa việc kinh doanh và nâng cấp CLB qua từng năm. Đến mùa trước, dù chỉ đứng thứ 3 ở Championship nhưng Brentford lại là đội ghi nhiều bàn thắng nhất với 79 pha lập công. Họ đồng thời cũng sở hữu Vua phá lưới Ivan Toney với 31 bàn. Mà Toney là ai? Tiếp tục là một cầu thủ vô danh nào đó được Benham dùng thuật toán tìm ra từ Peterborough United và ngay lập tức tỏa sáng rực rỡ trong mùa ra mắt CLB mới.

Trước khi được biết đến rộng rãi khi thi đấu cho Aston Villa và ĐT Anh, Ollie Watkins đã từng là một bản hợp đồng rẻ bèo mà Brentford săn được
Và Ivan Toney cũng là một cầu thủ vô danh trước khi trở thành Vua phá lưới của Championship mùa trước

Bây giờ, quay lại với trận đấu chính của chúng ta. Câu hỏi chắc chắn khiến nhiều người quan tâm: Làm thế nào một con ong lạ như Brentford lại có thể chích tới 2 phát chí mạng vào đại gia Arsenal?

Đúng là sức mạnh của Pháo thủ suy yếu khá nhiều khi không thể tung ra sân cặp tiền đạo Aubameyang và Lacazette, nhưng cần nhắc lại một lần nữa rằng đây là trận chiến giữa một nhà vô địch Premier League 3 lần và một đội bóng chưa từng chơi ở hạng đấu cao nhất nước Anh suốt 74 năm qua.

HLV Mikel Arteta đương nhiên cũng nhận ra tương quan trình độ chênh lệch giữa đôi bên. Ông thậm chí tự tin đến nỗi cho cầu thủ trẻ mới đôn lên từ học viện Folarin Balogun đá cao nhất trên hàng công.

Nếu là một người xem đá bóng thông qua thống kê, chắc chắn Arsenal đã làm hài lòng bạn khi vượt trội ở phần lớn các chỉ số. Đội khách cầm bóng tới 65%, dứt điểm tới 22 lần so với 8 của Brentford. Ngoài ra, Arsenal còn thực hiện đến 6 quả phạt góc và 21 quả tạt vào vòng cấm Brentford.

Thế nhưng, ở chỉ số quan trọng nhất là bàn thắng, Arsenal lại không thể thay đổi con số 0. Trong khi đó, Brentford ghi tới 2 bàn, chia đều trong mỗi hiệp. Những thống kê chắc chắn không thể chỉ ra rằng Brentford dù không cầm bóng nhiều nhưng đã tạo nên thế trận pressing tầm cao đến ngộp thở Arsenal.

Pháo thủ phiên bản Arteta vẫn vậy, vẫn cố gắng xây dựng bóng từ thủ môn Bernd Leno, thông qua các trung vệ rồi cứ thế phát triển lên trên. Mùa này, họ đã chiêu mộ được một trung vệ dùng chân rất tốt là Ben White nên càng tự tin hơn với phong cách của mình. Nhưng rốt cuộc thì sao? Arsenal không những không thoát được bóng, lại để Brentford dồn ép, tổ chức vây bắt đến tận vòng cấm và đã rất nhiều lần đội khách phải phá bóng trong thế hoảng loạn.

Ben White chuyền bóng lúng túng, đến chuyên môn sở trường là phòng ngự cũng thảm họa. Tân binh trị giá đến 50 triệu bảng có tỷ lệ thắng đấu tay đôi và tranh chấp trên không đều dưới trung bình. Bàn thua thứ 2 của Arsenal có lỗi lớn của White khi anh chọn sai điểm rơi của bóng và đóng vai người thừa nhìn đối thủ dễ dàng đánh đầu vào lưới trống.

Nhà báo nổi tiếng của xứ sương mù, Piers Morgan, châm biếm: "Arteta hôm trước bảo rằng Arsenal mùa này sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên. Ông đã làm được, ngay vòng 1”.

CĐV Arsenal chắc chắn không muốn nhận sự ngạc nhiên kiểu này từ đội nhà

Nhưng việc Arsenal thi đấu cực tệ không phủ nhận được chuyện Brentford đã có một màn trình diễn để đời trong lần đầu tiên chào sân ở Premier League. Và cái tên nhận được sự chú ý lớn nhất lúc này là HLV Thomas Frank. Ông là một chiến lược gia người Đan Mạch từng kinh qua các lứa trẻ từ U16 tới U19 quốc gia này, trước khi chuyển sang Brondby và dẫn dắt Brentford từ 2018.

Triết lý của Thomas Frank là tấn công, thể hiện qua số bàn thắng nhiều nhất Championship mà Brentford ghi được trong mùa trước. Đến với một sân chơi đẳng cấp cao hơn hẳn là Premier League, Thomas Frank không những không sợ hãi mà tiếp tục thể hiện cá tính nghề nghiệp của mình, xua quân lên dồn ép Arsenal.

Sự hứng khởi này là nét thường thấy của các tân binh và từng được thể hiện ở Norwich hay Sheffield United. Tuy nhiên, trong cách vận hành của Brentford có nét phóng khoáng rất riêng. Đó có thể là sự ngây thơ, hồn nhiên chết người trong tương lai, nhưng chí ít, ở thời điểm này, Thomas Frank vẫn đang chiêu đãi 17.000 khán giả có mặt ở sân Brentford Community một bữa tiệc bóng đá thực sự.

Với đa phần trong số đấy, họ đã chờ cả đời người để được chứng kiến khoảnh khắc Brentford chinh chiến ở hạng đấu cao nhất nước Anh. Niềm vui còn nhân lên gấp bội khi Brentford không chỉ ghi bàn thắng mở màn mùa giải mới, thể hiện sự dũng cảm trước Arsenal mà còn mang về trọn vẹn 3 điểm. Rất nhiều fan Brentford đã rơi nước mắt. Lần đầu tiên sau hơn 500 ngày, một sân bóng tại Premier League mới lại được lấp trọn vẹn 100% sức chứa, với 100% niềm vui sau 90 phút.

Để nói về Brentford, chủ nhân của bàn thắng đầu tiên vào lưới Arsenal - Sergi Canos, xứng đáng làm hình ảnh đại diện. Canos có xuất phát điểm khá cao, từng theo học lò La Masia, từng được ra mắt đội một Liverpool nhưng sau đó lại chìm vào miền ký ức không tên suốt 5 năm. Vì Brentford chưa bao giờ chơi ở Premier League trước đó, giấc mơ được ra sân ở giải đấu hàng đầu nước Anh một lần nữa quá xa vời với cầu thủ người Tây Ban Nha. Vậy mà bây giờ nó đã thành hiện thực, sống động hơn bao giờ hết. Brentford và Canos sẽ cùng nhau tận hưởng cảm giác này đến rất lâu nữa, bởi họ đâu biết sợ là gì!

 

Sergi Canos và đồng đội chẳng có gì phải sợ ở giải đấu năm nay
 VTVcab