Chuyển nhượng Hè 2021: Tăng mượn, giảm mua, tích cực dùng “miễn phí”

Mùa hè 2021 chứng kiến một kỳ chuyển nhượng “điên rồ”. Nhưng nhìn chung, xu hướng của thị trường năm nay là giảm sâu lượng chi phí chuyển nhượng.

Các CLB lớn nhất châu Âu đã cắt giảm chi tiêu chuyển nhượng trong mùa hè này, ngay cả khi chúng ta đã có những thương vụ chuyển nhượng đáng chú ý mang tên Lionel Messi và Cristiano Ronaldo. Việc cắt giảm chi tiêu chuyển nhượng phản ánh 2 năm các CLB làm ăn thua lỗ do tác động của đại dịch.

Vừa qua là một kỳ chuyển nhượng các CLB tích cực giảm mức phí chuyển nhượng, tích cực thực hiện các hợp đồng mượn hoặc miễn phí mà nguyên nhân là vì tác động của đại dịch

Theo số liệu từ công ty kiểm toán Deloitte, tổng chi tiêu của 5 giải VĐQG Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italia và Pháp là gần 3 tỷ euro. Con số này đã giảm so với 3,25 tỷ euro của năm trước và kỷ lục 5,5 tỷ euro của năm 2019, năm trước khi đại dịch ảnh hưởng đến doanh thu các CLB. Hiệp hội Các CLB Châu Âu ước tính rằng các CLB trên khắp lục địa già đã thâm hụt 3,6 tỷ euro doanh thu suốt 2 năm qua.

Nhưng trong khi chi tiêu giảm, vẫn có nhiều động thái đáng chú ý của các CLB. Nó bao gồm sự gia tăng các thương vụ “miễn phí” như Lionel Messi đến Paris Saint-Germain khi Barcelona không thể vừa trả lương cho siêu sao người Argentina mà vẫn đáp ứng được yêu cầu từ La Liga.

Ngoài ra phải kể đến các thương vụ “mượn” các cầu thủ chất lượng, ví dụ như Saul Niguez đến Chelsea từ Atletico Madrid và Antoine Griezmann trở lại Atletico từ Barcelona. Những thương vụ mượn cho phép các CLB giảm tải các cầu thủ có lương cao bởi chính mức lương chứ không phải phí chuyển nhượng mới là chi phí lớn nhất với hầu hết các CLB châu Âu. Các hợp đồng mượn thường bao gồm điều khoản tùy chọn hoặc bắt buộc mua đứt để trì hoãn việc trả phí chuyển nhượng sang những mùa sau.

Ông Dan Jones, trưởng bộ phận kinh doanh thể thao của Deloitte, chia sẻ: “Hiện tại đang có sự phân hóa. Các CLB hàng đầu đang chi tiêu nhiều tiền vào các cầu thủ lớn nhất, nhưng mặt khác trên thị trường có rất nhiều thương vụ miễn phí và mượn”.

Biểu đồ minh họa mức chi tiêu ròng của các giải VĐQG hàng đầu châu Âu trong 2 năm 2020 và 2021. Premier League vẫn là giải đấu số một về khía cạnh kim tiền (đơn vị: triệu euro)

Với một số đội bóng, việc giảm mức phí chuyển nhượng càng nhấn mạnh thêm mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính vẫn đang ảnh hưởng. Lãnh đạo một CLB hàng đầu Italia chia sẻ rằng các CLB nhỏ hơn dựa vào việc bán cầu thủ trong tầm giá 10-30 triệu euro để cân bằng ngân sách cho mỗi mùa bóng. Nhưng hiện tại, nhu cầu mua cầu thủ đã giảm. “Thị trường đang bị kẹt lại”, nhân vật này khẳng định.

Tổng chi tiêu của 20 CLB hàng đầu Premier League (giải VĐQG có giá trị cao nhất châu Âu) là 1,1 tỷ euro, giảm 9% so với mùa hè năm ngoái. Và đây là kỳ chuyển nhượng hè thứ hai liên tiếp mà tổng chi tiêu giảm. Các CLB Anh vẫn là những đội bóng hoạt động tích cực nhất lục địa già. Chi tiêu chuyển nhượng ròng của Premier League mùa hè này (chỉ bao gồm mua cầu thủ, không tính việc bán) là 655 triệu euro. Con số này thấp hơn La Liga 65 triệu euro, thấp hơn Serie A 61 triệu euro và thấp hơn Ligue 1 là 15 triệu euro. Các CLB Bundesliga thu về lợi nhuận ròng từ việc bán cầu thủ là 40 triệu euro.

Các khoản chi lớn nhất của Premier League tập trung ở Arsenal, MU, Man City và Chelsea, những CLB có doanh thu cao nhất giải đấu. Tuy nhiên, tính cả giải đấu, chi tiêu chuyển nhượng ròng theo tỷ lệ doanh thu ước tính là 10% trong năm nay, so với 17% của năm ngoái, một dấu hiệu cho thấy các CLB lớn của Anh cũng không nằm ngoài xu thế.

Chi tiêu trong các kỳ chuyển nhượng mùa hè và mùa đông ở Premier League tính từ mùa giải 2003/2004 đến nay (đơn vị: tỷ bảng)

Một điều cần nhấn mạnh là những cầu thủ xuất sắc nhất vẫn được săn đuổi. MU đưa Ronaldo trở lại chỉ với 23 triệu euro, nhưng mức lương của anh có lẽ sẽ cao nhất nước Anh. Real Madrid đưa ra lời đề nghị trị giá 200 triệu euro để cố gắng chiêu mộ Kylian Mbappe từ PSG, dù tiền đạo người Pháp chỉ còn 1 năm hợp đồng nữa. Những người tham gia vào các cuộc đàm phán chuyển nhượng nói rằng động lực khiến Los Blancos quyết tâm với Mbappe chính là vì sự kình địch giữa các CLB.

Chủ tịch Florentino Perez là kiến trúc sư trưởng của dự án Super League trong khi PSG lại là đội bóng phản đối. Những người thân cận với Perez cho rằng việc đội bóng thủ đô nước Pháp chống lại lời đề nghị mà Real Madrid dành cho Mbappe thể hiện sự giàu có và nguồn tiền “không đáy” của họ, đặc biệt trong bối cảnh luật Công bằng Tài chính đã được nới lỏng do đại dịch.

Man City và Chelsea là một trong những đội thể hiện sự quan tâm tới việc chiêu mộ Erling Haaland. Tuy nhiên, họ đã rút lui sau khi biết tiền đạo người Na Uy có giá 500 triệu bảng cho hợp đồng 5 năm, bao gồm lương, phí chuyển nhượng và lót tay cho người đại diện. Một nguồn tin nhấn mạnh: “Phí chuyển nhượng giảm chỉ là phần nổi của vấn đề. Lót tay cho người đại diện vẫn tăng và tiền lương thì thật đáng sợ”.

Tất cả cho thấy một mùa hè mà hầu hết các đội bóng đang cố gắng giảm tối thiểu phí chuyển nhượng và sẽ tính toán hợp lý để bù đắp cho cầu thủ phần nào bằng mức lương nhưng vẫn đảm bảo có lợi cho CLB.

(Theo Financial Times)

 Lê Thành
Từ khóa: