Cú lội ngược dòng của MU và cá nhân Marcus Rashford

Trận thắng vào phút chót của Manchester United trước West Ham có thể là màn lội ngược dòng của Ralf Rangnick và các học trò trong cuộc đua vào tốp 4 mùa này.

Với bàn thứ hai sau hai trận liên tiếp, có lẽ điều đó cũng đúng với Marcus Rashford.

Manchester United cuối cùng đã trở lại vị trí mới mà cũ: tốp bốn đội bóng hàng đầu. Cũng khá lâu rồi, từ sau thất bại trước Leicester City tại King Power hôm 16/10, nơi bắt đầu những ngày tháng khó khăn của Ole Gunnar Solskjaer mà kể từ đó ông không bao giờ trở lại nữa.

Khi Marcus Rashford đệm bóng chuẩn xác từ đường căng ngang của Edinson Cavani khi trận đấu đã bước sang phút bù giờ, ấn định chiến thắng 1-0 trước West Ham tại Old Trafford, Ralf Rangnick nắm chặt tay với khuôn mặt mãn nguyện. Đó mới là lần đầu tiên ông được trải nghiệm cảm giác quản lý CLB hùng mạnh nhất nhì nước Anh của Sir Alex Ferguson. Một Fergie-time phiên bản Đức.

Nhưng người đàn ông được giao nhiệm vụ ổn định đội bóng, sau khi Solskjaer bị sa thải khỏi cương vị huấn luyện vào tháng 11 có một lý do khác để ăn mừng bàn thắng của Rashford: Trong trận thứ hai liên tiếp, Rangnick đánh cược với những sự thay đổi người của mình, và một lần nữa nó tỏ ra chính xác.

Trên sân của Brentford, Rangnick đã hứng chịu sự giận dữ từ Cristiano Ronaldo, khi thay cầu thủ 36 tuổi bằng Rashford. Chỉ 6 phút sau, cầu thủ người Anh ghi bàn thứ ba cho United, giúp họ thi đấu với cách biệt an toàn. 

Dưới sự theo dõi sát sao của máy quay truyền hình, Rangnick thoải mái lý giải cho Ronaldo tại sao ông đã đúng khi thực hiện sự điều chỉnh, dù ai cũng hiểu rằng thay thế cựu tiền đạo Real Madrid giống như một điều cấm kị trong bóng đá.

Đến khi United lội ngược dòng trước West Ham của David Moyes, Rangnick đã mạnh dạn chọn cách tấn công toàn diện để tìm kiếm bàn thắng trong những phút cuối trận. Sau khi thay Anthony Elanga bằng Rashford ở phút 62, Rangnick chơi tất tay bằng cách tung nốt Cavani và Anthony Martial vào thay Fred và Mason Greenwood ở phút 82, đồng thời cho United vận hành với sơ đồ 4-2-4. 

Đó gần như là được ăn cả ngã về không, và thiếu chút nữa Old Trafford trở thành Nhà hát của những ác mộng, khi Tomas Soucek đánh đầu chệch khung thành có vài cm ở phút 87. Nhưng rồi canh bạc của Rangnick đã được đền đáp, khi cả bốn tiền đạo phối hợp với nhau để Rashford ghi bàn thắng quyết định.

Sau trận đấu, cựu chiến lược gia RB Leipzig và Hoffenheim chia sẻ: “Đó là cách thắng lợi tuyệt vời nhất, bởi thời gian không còn đủ để đối phương tìm kiếm bàn gỡ. Chúng tôi đã phải chấp nhận một số rủi ro trong 15 phút cuối cùng, nhưng đó là cách chúng tôi cố gắng để giành chiến thắng trong trận đấu này. Tôi rất vui vì chúng tôi đã làm được.”

Những khoảnh khắc như vậy rất quan trọng đối với một nhà cầm quân, khi họ đang cố gắng giành được sự tin tưởng của một nhóm cầu thủ mới. Nếu bạn chấp nhận rủi ro và nó không may phản tác dụng, các cầu thủ sẽ lập tức đặt câu hỏi về năng lực của bạn. Nhưng nếu thành công, nó chắc chắn sẽ xua tan mọi nghi ngờ tồn tại trong phòng thay đồ.

Rangnick vẫn còn nhiều việc phải làm ở Old Trafford để nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ các cầu thủ của mình. Trên thực tế, nếu xét việc chiến lược gia người Đức chỉ nắm quyền đến khi một HLV chính thức được bổ nhiệm vào mùa hè này, có lẽ ông sẽ không cần đến sự ủng hộ của tất cả mọi người. Nhưng một cách chậm rãi, người đàn ông 63 tuổi này đang dần ổn định con tàu United, ngay cả khi nó vẫn đôi lúc đi chệch hướng.

Dưới thời Rangnick, Man United chỉ để thua 1 trận (trước Wolves đầu tháng 1), cũng như thủng lưới 7 bàn sau 10 trận. CĐV United sẽ rất biết ơn điều này, sau khi chứng kiến David De Gea phải vào lưới nhặt bóng tới 25 lần trong 10 trận cuối cùng dưới thời Solskjaer.

Hàng thủ đã trở nên vững vàng hơn, nhưng nhược điểm là nó đã tạo ra một cơn hạn hán cơ hội và bàn thắng ở đầu sân bên kia. Họ chỉ ghi 7 bàn sau 6 trận sân nhà – 3 trong số đó là vào lưới Burnley, đội cuối bảng Premier League. Đối đầu với West Ham, hàng công United đã có 18 lần dứt điểm, nhưng chỉ có 3 lần trúng đích. Với tỉ lệ chuyển hóa kém như vậy, không ngạc nhiên khi họ gặp khó khăn để đánh bại các đội dưới cơ đến vậy.

Tuy nhiên, chìa khóa thành công của bất kì đội bóng nào là một hàng thủ vững chắc. Với nền tảng có sẵn đó, đội bóng có thể lao lên phía trước và tấn công, với sự tự tin rằng họ có thể để lại những khoảng trống ở phía sau. Man United vẫn chưa tới giai đoạn đó, nhưng sự tiến bộ là có và Rangnick có thể yên tâm hướng tới kỳ nghỉ quốc tế, sau khi chứng kiến đội bóng của mình lần đầu tiên thắng hai trận liên tiếp, kể từ khi ông nắm quyền vào tháng 12.

Cuộc đua giành vị trí thứ tư đang trở nên vô cùng gay cấn, với Man United, West Ham, Arsenal, Tottenham và Wolves chỉ cách nhau 4 điểm, nhưng Man United có một lịch thi đấu dễ dàng vào tháng Hai; đó là cơ hội để họ bứt tốc so với các đối thủ. Họ sẽ chỉ phải đối mặt với Burnley, Southampton, Leeds và Watford vào tháng tới, trước khi trải qua tháng Ba đầy khó khăn trước Manchester City, Tottenham và Liverpool.

Dù vậy, United đang ở một vị thế tốt hơn nhiều so với khi Rangnick mới đến. Một chiến thắng ở phút bù giờ luôn ngọt ngào, dù màn trình diễn trước đó có thể rất tệ, thế nên người hâm mộ Quỷ đỏ cứ tận hưởng đi đã.

Marcus Rashford đang nghĩ gì? Có lẽ là giống như nhìn thấy một cô gái bị bọn lưu manh trấn lột: chứng kiến từ đầu đến cuối mà không thể làm gì, khi phải xem một màn trình diễn trống rỗng, mơ hồ của United từ ghế dự bị suốt một tiếng đồng hồ.

Nếu tạo ra sự kịch tính trong bóng đá là một nghệ thuật, thì Rashford là người nghệ sĩ. Cho dù bàn thắng cuối trận gặp chút rắc rối với luật việt vị, nó cũng đã khiến các nhà báo phải sửa lại bản báo cáo trận đấu của mình. Đây đã là lần thứ tư anh ghi bàn thắng quyết định ở phút bù giờ; chưa một ai làm được điều tương tự ở Premier League.  

Thắng làm vua, mà thua thì phải chịu sự phỉ báng. Như Sơn Tùng MTP từng nói, "Muốn ngồi ở một vị trí không ai ngồi được thì phải chịu những cảm giác không ai chịu được"; đó là cái giá Rashford phải trả khi nhận 200.000 bảng/tuần mà lại tịt ngòi tới 11 trận. Nhưng phải thừa nhận rằng, khả năng chịu đựng của cầu thủ sinh năm 1997 trước những lời chỉ trích trong vài tháng qua là rất phi thường.

Theo Paul Ince, Rashford “không hạnh phúc”. Steve McClaren cho rằng anh “có vấn đề về thái độ”. Dion Dublin nói rằng anh "chán nản". Alan Shearer thậm chí còn gọi điện cho cầu thủ này để xem anh có ổn không. 

Vấn đề của cầu thủ dường như luôn bị thổi phồng quá mức. Đến cái máy cũng sẽ có giai đoạn cùn mòn, huống hồ cầu thủ cũng chỉ là con người. Sẽ có lúc áp lực đè bẹp họ đến nỗi họ chỉ muốn trốn vào nhà vệ sinh trong nửa giờ đồng hồ và ngồi ở đó, nhưng lịch thi đấu ba ngày/trận sẽ không cho phép họ làm điều này. Họ còn chẳng có thời gian để tiêu hóa sự thất vọng, bởi vài ngày sau đã là một thử thách mới.

Khả năng tồn tại dưới áp lực của Rashford đang vượt quá sức chịu đựng của con người, trong bối cảnh mọi hành động, mọi sự thay đổi đều được quay lại, nghiền ngẫm và đưa lên các nền tảng trực tuyến. Khi anh tỏ ra mệt mỏi, thi đấu với chấn thương, nhìn bàn thắng như một thứ xa lạ, anh không khác gì một con bò để truyền thông đem ra mổ xẻ.

Rashford không tệ đến mức đó. Mùa trước, anh có thành tích ghi bàn tốt nhất trong sự nghiệp của mình, dù chỉ ghi được 3 bàn trong 18 trận cuối cùng do phải thi đấu với cái vai đau. Anh là một cầu thủ giỏi, với tốc độ và khả năng di chuyển xuất sắc, cũng như sở hữu một số kĩ năng tuyệt vời, nhưng vẫn thiếu sự ổn định của một sát thủ trước khung thành.

Có lẽ vấn đề của Rashford là tài năng của anh chưa tương xứng với những điều anh đã làm ngoài sân bóng, giúp tài khoản Twitter của anh có thêm chữ MBE (Huân chương Đế quốc Anh). Có thể là do anh đã đá hỏng quả penalty ở trận chung kết EURO 2020, dù chỉ vào sân từ phút 120 để thực hiện điều này. Có thể là do màu da của anh.

Tuy nhiên, thực tế hơn, có thể là do anh đang chơi cho phiên bản của United trong 4 năm qua. Chiến thắng trước West Ham đã đưa họ lên vị trí thứ 4, nhưng đây không phải là một màn trình diễn tốt. Trong phần lớn thời gian trận đấu, United không giống một đội bóng có tuyến giữa. Không một ai ở hàng tiền vệ của họ có thể sánh với Declan Rice, cầu thủ xuất sắc nhất trên sân.

Rangnick, HLV thứ tư của United dẫn dắt Rashford đã đưa anh vào sân khi trận đấu còn nửa tiếng đồng hồ. Ông muốn anh chơi trực diện, khiến các hậu vệ đối phương cảm thấy khó chịu hơn. Trước khi ghi bàn, anh thậm chí khiến Rice phải nhận thẻ vàng vì sự hiệu quả của mình.

Khi tiếng còi mãn cuộc cất lên, Rangnick không tiếc lời ca ngợi Rashford. Các đồng đội vây quanh tiền đạo người Anh như báu vật Hoàng gia. Còn trang Twitter của United đăng tới 9 bài liên quan đến anh chỉ trong 3 tiếng đồng hồ.

Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi, Rashford!

 Thanh Lâm
Từ khóa: