Huy chương Olympic đáng giá bao nhiêu?

Các vận động viên tham dự Olympic Tokyo 2020 đang cạnh tranh khốc liệt để có cơ hội làm nên lịch sử và mang về những tấm huy chương quý giá cho nước nhà - theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Mọi huy chương giành được, bất kể là vàng, bạc hay đồng, tất cả đều quý giá.

Cựu VĐV điền kinh người Anh Kelly Sotherton, chủ nhân của hai tấm HCĐ nội dung phối hợp tại Olympic Athens 2004 và chạy tiếp sức 4x400m tại Olympic Bắc Kinh 2008, chia sẻ với CNN Sport rằng những tấm huy chương này là lời nhắc nhở về sự chăm chỉ và nỗ lực của cô đã được đền đáp xứng đáng như thế nào.

Những tấm huy chương mang nhiều ý nghĩa tinh thần hơn là vật chất với các VĐV.

"Tôi sẽ không bao giờ bán huy chương của mình. Chúng mang rất nhiều ý nghĩa. Thật tuyệt khi đôi khi tôi có thể cầm nó lên và đeo vào cổ", Sotherton chia sẻ về việc cô không bao giờ đóng khung để có thể tận hưởng cảm giác đeo huy chương bất cứ lúc nào.

Thiết kế của huy chương thay đổi qua các kỳ Thế vận hội. Lần này chúng là tác phẩm của nhà thiết kế người Nhật Bản Junichi Kawanishi. Mỗi huy chương vàng, bạc, đồng đều có đường kính 85mm và độ dày từ 7,7-12,1mm.

Trên thực tế, HCV được làm từ bạc nguyên chất mạ vàng, với khoảng 6 gam vàng trên tổng trọng lượng 556 gam. HCB được làm từ bạc nguyên chất và nặng khoảng 550 gam, trong khi HCĐ nặng khoảng 450 gam và được làm từ 95% đồng cùng 5% kẽm.

Với giá hiện hành, HCV sẽ trị giá khoảng 800 USD nếu được nung chảy, trong khi HCB có giá 450 USD và HCĐ là 5 USD.

Đầu tháng 7, một tấm huy chương của người chiến thắng tại Olympic Athens 1896 đã được bán với giá 180.000 USD trong một cuộc đấu giá. Trong khi đó, HCV của VĐV bắn súng người Cuba Leuris Pupo từ Olympic London 2012 là 73.200 USD, còn HCV nhảy xa của Ivan Pedroso từ Olympic Sydney 2000 được đấu giá lên tới 71.335 USD. Tất cả đều được bán bởi RR Auction, một đơn vị tổ chức đấu giá đặt trụ sở tại Boston (Mỹ).

Song, những mức giá đó chưa là gì so với con số 1,46 triệu USD được trả cho HCV của Jesse Owens tại Olympic Berlin 1936 trong một cuộc đấu giá vào năm 2013. Đây được coi là tấm huy chương quan trọng bậc nhất trong lịch sử Olympic, và là 1 trong 4 huy chương mà Owens, VĐV da màu người Mỹ, giành được tại kỳ Thế vận hội năm đó.

Theo Richard Gladdle, thành viên của đơn vị đấu giá Baldwin ở London (Anh), các VĐV thường có xu hướng giữ lại huy chương mà họ giành được. Ông chia sẻ với CNN Sport: "Những tấm huy chương này hiếm khi được rao bán. Khi họ đưa chúng ra đấu giá, phần lớn là nhằm mục đích gây quỹ từ thiện".

Huy chương Olympic duy nhất mà Baldwin bán được là tấm HCV từ năm 1912, kỳ Thế vận hội cuối cùng mà HCV được làm hoàn toàn từ vàng.

 Tuấn Tú
Từ khóa: