Olympic, những tấm huy chương và cách chúng ta đánh giá thành công
Đoạt huy chương, đặc biệt tại Olympic luôn được xem là một điều tuyệt vời với bất cứ VĐV nào. Nhưng liệu đó có phải là thành công cuối cùng của thể thao?
Sau nhiều năm thống trị với việc gặt hái khoảng 20 tấm huy chương trong 3 kỳ Thế vận hội gần nhất, các tay chèo của Vương quốc Anh đã tới Tokyo. Và rồi họ rời Olympic năm nay với 2 huy chương - bạc ở nội dung 4 nam và đồng ở nội dung 8 nam - và 6 nội dung về vị trí thứ 4.
“Vị trí thứ 4 quả thực rất tệ”, Graeme Thomas nói sau khi trượt tấm huy chương đồng chỉ vì 3 giây trong nội dung đôi nam hồi đầu tuần này. Các trang thông báo kết quả có thể khiến đội đua thuyền Vương quốc Anh cảm thấy buồn. Nhưng xen giữa những kết quả đáng thất vọng, một vài vận động viên như Helen Glover và Polly Swann, vẫn tìm thấy sự tích cực.
Glover, chủ nhân hai tấm huy chương vàng Olympic 2012 và 2016, trở lại với đường đua vào đầu năm nay sau khi là bà mẹ ba con kể từ kỳ Thế vận hội gần nhất cô tham dự, Trong khi đó, Swann là bác sĩ ở giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 tại Vương quốc Anh năm ngoái. Bọn họ cán đích vị trí thứ 4 ở nội dung đôi nữ hôm thứ 5 vừa qua.
Swann nói: “Với Helen, cô ấy phải chăm sóc 3 đứa nhỏ. Còn tôi, tôi làm việc ở bệnh viện trong suốt 1 năm qua. Tôi nghĩ không có nhiều vận động viên Olympic có thể nói những điều đó và xuất hiện ở chung kết”.
Chúng ta thường đánh giá các vận động viên Olympic bằng số lượng những tấm huy chương họ đạt được, và nó vô tình tạo ra sự sai lệch về cách đánh giá thế nào là thành công. Đó là lập luận của Cath Bishop, cựu tay chèo người Vương quốc Anh đồng thời là tác giả cuốn “"The Long Win: The Search for a Better Way to Succeed” (tạm dịch: Chiến thắng dài hạn: Hành trình đi tìm cách thức thành công tốt hơn).
Bishop nhớ lại khoảnh khắc khi cô và Katherine Grainger về nhì ở Olympic Athens 2004. Thời điểm đó, các bình luận viên nhận xét họ “chỉ được huy chương bạc”.
“Tôi cứ nghĩ mãi: liệu mình có thất bại ở rào cản cuối cùng hay không?”, Bishop chia sẻ với CNN. “Tôi luôn cảm thấy mọi thứ được định nghĩa bằng một tích tắc vượt qua ranh giới, trong khi câu chuyện sự nghiệp của tôi là về tất cả những thứ tôi đã trải qua và trước đó là những thứ tôi đã mang theo bên mình. Tôi không mang theo những tấm huy chương mà tôi mang theo trải nghiệm”.
Với nhiều vận động viên, Thế vận hội được xem là đấu trường đỉnh cao của thể thao, và nhiều người sẽ tự đánh giá mình dựa trên số lượng huy chương được liệt kê bên cạnh tên của họ khi giải đấu kết thúc. Song, Bishop cho rằng cần “mở rộng các tiêu chí đánh giá thành công”, bởi “mục đích của thể thao không phải là tấm huy chương mà là kết nối cộng đồng, khám phá giới hạn về tâ lý, thể chất của con người. Và chúng ta cần trở về với giá trị đó”.
Cảm xúc khi vượt ngưỡng
Một vận động viên Olympic khác đánh giá lại khái niệm thành công là cựu vận động viên đua xe đạp người Mỹ Mara Abbott. Tại Olympic Rio 2016, trong tuần mở màn, Abbott dẫn đầu đoàn đua khi chỉ còn 100m nữa là về đích. Thời điểm đó, cô bị bám đuôi bởi ba tay đua phía sau và cuối cùng Abbott về đích mà không có huy chương nào.
Về thứ tư thì không phải là điều tốt nhất, nhưng với Abbott, cô cũng hài lòng vì đã vượt qua được giới hạn của bản thân. “Tối hôm đó, tôi buồn vô cùng. Nhưng cùng lúc đó, tâm lý, thể chất, cảm xúc của tôi như vượt ngưỡng. Trong suốt 4 giờ đua tôi đã sống bằng tất cả những gì mình có và nỗ lực hướng tới.
Tôi đã không thành công, đó là điều đáng buồn. Nhưng ít khi toàn bộ mọi trải nghiệm trong đời bạn lại đạt đến đỉnh cao trong một khoảnh khắc. Và thật hiếm khi bạn có được đặc ân hoàn thiện một điều gì đó”, Abott chia sẻ với CNN vào năm ngoái.
Ngay sau Olympic 2016, Mara Abbott giải nghệ, đó là điều cô đã lên kế hoạch từ trước. Và cô có cách nhìn riêng của mình về trải nghiệm ở Thế vận hội: “Tôi nhận ra rằng cuộc đời mình sẽ không bao giờ có cơ hội trả qua cảm xúc và thành tích đó nữa. Tôi thấy mình đã có tất cả từ môn thể thao này. Thật buồn, nhưng tôi nghĩ đến lúc phải dừng lại. Tôi đã học hỏi và có được những trải nghiệm mình mong muốn”.
Tái định nghĩa thành công
Tại Olympic London 2012, một chủ hiệu sách ở Vương quốc Anh quyết định trao những tấm huy chương cho các vận động viên về thứ 4. David Michell chia sẻ với BBC rằng ông thực hiện dự án này để bù đắp cho “những tiêu chuẩn và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng” ở Olympic. Tất nhiên, một vận động viên sẽ nhìn nhận thành tích của họ như thế nào phụ thuộc vào những tiêu chuẩn và kỳ vọng họ đặt ra bởi cùng một vị trí chung cuộc, đó có thể là niềm vui của người này nhưng lại là nỗi thất vọng của người khác.
Theo Cath Bishop, việc gắn thành công với màu huy chương ở Olympic một phần do truyền thông và những lời bàn tán tại giải đấu, và một phần là những phần thưởng mà lãnh đạo trao cho các vận động viên đoạt huy chương.
Điều trớ trêu là chính tấm huy chương mà Bishop giành được đã cho cô một nền tảng để thay đổi những định kiến về thành công trong thể thao. “Rõ ràng là tôi không phản đối việc cố gắng hết sức và nỗ lực thi đấu tốt nhất. Tôi không phản đối việc đó. Nhưng làm như vậy chỉ với một mục đích thì khiến kết quả bớt trọn vẹn hơn”, cô bày tỏ quan điểm.
Tại Olympic Tokyo này đã chứng kiến vận động viên thể dục dụng cụ Simone Biles rút lui khỏi các sự kiện để bảo vệ sức khỏe tinh thần, trong khi tay vợt Naomi Osaka đã lên tiếng về áp lực khi thi đấu trước các khán giả nhà. Có lẽ đây là cơ hội nữa để chúng ta tái định nghĩa thành công.
Kình ngư Michael Phelps, vận động viên giành nhiều huy chương vàng Olympic nhất mọi thời đại (23), từng mô tả trạng thái “trầm cảm nghiêm trọng” của anh sau mỗi kỳ Olympic. Hiện tại, Phelps là người ủng hộ nhiệt liệt thay đổi nhận thức về sức khỏe tinh thần và anh muốn chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp trong việc thoát khỏi trầm cảm.
Như anh từng khẳng định: “Những khoảnh khắc, cảm xúc của tôi trong những năm ấy còn tuyệt vời hơn việc giành huy chương vàng Olympic”.
- Biểu cảm khó tin của Maguire trên khán đài khi MU thua thảm Man City
- Bộ trưởng Thể thao Indonesia: "Vụ bạo loạn là vết nhơ làm xấu hình ảnh Indonesia"
- Phản ứng của Mbappe trên băng ghế dự bị khi chứng kiến Messi lập siêu phẩm
- Nhân chứng hoảng loạn kể lại nguyên nhân kinh hoàng dẫn đến thảm kịch của bóng đá Indonesia
- Truyền thông thế giới bàng hoàng trước vụ bạo loạn ở giải VĐQG Indonesia
- MU nhận tin vui trước thềm đại chiến với Man City
- Bồ Đào Nha phũ phàng loại Ronaldo khỏi hình ảnh đại diện tại World Cup 2022?
- Thêm một quan chức cấp cao FIFA phải ngồi tù vì tham nhũng
- Link trực tiếp Pau FC vs FC Metz lúc 0h ngày 02/10 giải Ligue 2
- Clip: Mbappe "bẽ mặt" vì dứt điểm kém hơn Neymar, Ramos ở thử thách sút bóng