Man City, Chelsea, PSG dạy Newcastle mua sắm thế nào?

Bỗng chốc trở thành đại gia trong làng bóng đá, Newcastle United có thừa những hình mẫu thành công để học hỏi, như Chelsea, Man City hay PSG.

Public Investment Funds, quỹ đầu tư công của Ả-rập Xê-út có tổng tài sản khoảng 320 tỷ bảng. Với việc tiếp quản thành công Newcastle United, họ biến CLB này thành một trong những đội bóng giàu có nhất thế giới bóng đá.

Những ông chủ mới đã cam kết "tạo ra một đội bóng thành công ổn định, thường xuyên cạnh tranh các danh hiệu lớn”. Lời tuyên bố này, kèm theo túi tiền của PIF đủ để khiến các cổ động viên Newcastle United lạc quan. Chắc chắn những người hâm mộ đội bóng có biệt danh Chích chòe đang mong đợi đến kỳ chuyển nhượng để xem đội nhà thay da đổi thịt ra sao.

Hiện tại, kỷ lục chuyển nhượng của Newcastle là tiền đạo Joelinton, đến từ Hoffenheim với giá 39,6 triệu Bảng vào tháng 7/2019. Khi Newcastle United gia nhập hàng ngũ các đội bóng nhà giàu, con số đó trở nên quá nhỏ bé.

Hãy nhìn xem Chelsea, Man City, PSG, 3 đội bóng thành công nhất nhờ việc “dùng tiền mua danh hiệu” đã chi tiêu thế nào trên thị trường chuyển nhượng sau khi đổi đời.

Newcastle gia nhập hàng ngũ đại gia của bóng đá thế giới.

Chelsea (2003)

Chelsea đã có một mùa chuyển nhượng chi đậm chưa từng có trong lịch sử đội bóng, sau khi tỷ phú Roman Abramovich tiếp quản. Đội chủ sân Stamford Bridge đã chi tới hơn 100 triệu Bảng để mua về hơn một đội hình (trong đó chỉ 2 cầu thủ gia nhập theo dạng chuyển nhượng tự do). Scott Parker, Adrian Mutu, Claude Makelele, Juan Veron, Damien Duff và Hernan Crespo đều có giá trên 10 triệu Bảng.

Thế nhưng, trong mùa giải đầu tiên của kỷ nguyên Abramovich, Chelsea chỉ có thể về nhì sau đội hình bất bại của Arsenal - đội bóng mà tỷ phú người Nga định mua lại ban đầu. HLV Claudio Ranieri bị sa thải. Sau đó, Chelsea tiếp tục đổ gần 150 triệu Bảng vào thị trường chuyển nhượng để chiêu mộ cầu thủ. Những bản hợp đồng đáng chú ý nhất là Mateja Kezman (6,75 triệu Bảng), Alex (10,35 triệu Bảng), Jiri Jaroski (10,8 triệu Bảng), Petr Cech (11,7 triệu Bảng), Thiago Mendes (13,5 triệu Bảng), Arjen Robben (16,2 triệu Bảng), Paulo Ferreira (18 triệu Bảng), Ricardo Carvalho (27 triệu Bảng), Didier Drogba (34,65 triệu Bảng).

Dưới thời HLV Jose Mourinho, Chelsea vô địch Premier League 2 năm liên tiếp. Từ đó đến nay, The Blues giành được tổng cộng 15 danh hiệu lớn, trong đó có 5 chức vô địch Premier League và 2 chức vô địch Champions League.

Abramovich là tiên phong của chiến lược dùng tiền mua danh hiệu.

Man City (2008)

Sheikh Mansour, thông qua Abu Dhabi United Group, giúp Man City đổi đời, bắt đầu bằng bản hợp đồng mang tên Robinho. Với giá 32,5 triệu Bảng, tiền đạo người Brazil trở thành cầu thủ đắt nhất trong lịch sử đến với Premier League.

Mùa giải đầu tiên của kỷ nguyên giàu có diễn ra không thuận lợi với Man City khi họ chỉ xếp thứ 10 dưới thời HLV Mark Hughes. Đó là một nỗi thất vọng lớn, khi ông chủ UAE đã chỉ ra tới hơn 140 triệu Bảng để mua về tới 9 cầu thủ.

Mùa tiếp theo, đội bóng này cũng chỉ đứng thứ năm, tức là vẫn chưa được dự UEFA Champions League dù đã mất thêm hơn 130 triệu Bảng nữa trên thị trường chuyển nhượng. Những ngôi sao nổi tiếng hơn bắt đầu được đưa về sân Etihad, đó là Patrick Vieira (tự do), Adam Johnson (7,2 triệu Bảng), Gareth Barry (13 triệu Bảng), Kolo Toure (17 triệu Bảng), Roque Santa Cruz (19 triệu Bảng), Joleon Lescott (25 triệu Bảng) và đáng chú ý nhất là Carlos Tevez cùng Emmanuel Adebayor (cùng 26,1 triệu Bảng).

Mùa 2010/11, họ chiêu mộ Jerome Boateng, James Milner, Aleksandar Kolarov, David Silva, Yaya Toure, Mario Balotelli và Edin Dzeko với tổng cộng gần 170 triệu Bảng. Nhưng cũng phải chờ tới thêm một năm nữa, mảnh ghép cuối cùng cho một đội hình hoàn hảo - Sergio Aguero - mới được chiêu mộ và đem về chức vô địch Premier League nghẹt thở cho Man City.

Tính từ thời điểm đó, không đội bóng Anh nào thành công hơn Man City. Đội chủ sân Etihad đã giành tới 5 chức vô địch Premier League, trong đó 3 lần dưới thời HLV Pep Guardiola. Đi cùng với đó là những mùa hè mua sắm không tiếc tiền. Mới nhất, Man City một lần nữa lập kỷ lục mua cầu thủ đắt nhất Premier League - Jack Grealish trị giá 100 triệu Bảng.

Mansour biến Man City thành thế lực của bóng đá Anh.

PSG (2011)

Đội chủ sân Parc des Princes bắt đầu kỷ nguyên kim tiền vào năm 2011, khi những ông chủ Qatar mà đứng đầu là Nasser Al-Khelaifi mua lại CLB này.

Cũng giống như Chelsea và Man City, trong mùa chuyển nhượng đầu tiên, PSG chưa thể đưa về những ngôi sao lớn, dù cũng bỏ ra tới gần 100 triệu Bảng. Phải đến mùa thứ hai, khi bắt đầu có được thành công và danh tiếng, họ mới đưa về David Beckham, Gregory van der Wiel, Marco Verratti, Zlatan Ibrahimovic, Ezequiel Lavezzi, Lucas Moura và Thiago Silva với tổng giá trị lên tới gần 140 triệu Bảng.

PSG dễ dàng thống trị bóng đá Pháp, nhưng lại không thể giành danh hiệu Champions League trong vòng một thập kỷ qua, bất chấp việc chi ra những con số kỷ lục, vượt qua mốc 100 triệu Bảng, thậm chí 200 triệu Bảng để mua về Neymar, Mbappe.