Theerathon Bunmathan: Hình ảnh xấu xí trong chức vô địch của Thái Lan

Chức vô địch AFF Cup 2020 của Thái Lan không thể đẹp trọn vẹn trước những hình ảnh xấu xí đến từ Theerathon Bunmathan. 

Lịch thi đấu AFF Cup 2020

Chanathip đưa ra lời khuyên với cầu thủ Việt Nam

HLV Thái Lan: 'Không dừng lại ở chức vô địch Đông Nam Á'

 

Những hình ảnh xấu xí của Theerathon

Trong lần thứ 6 vô địch AFF Cup, Thái Lan đã trình diễn lối đá tấn công đẹp mắt, cống hiến. Để rồi khép lại hành trình lần thứ 6 vô địch giải đấu này, Thái Lan cũng đạt thành tích tốt nhất lịch sử mà chưa một đội tuyển trước đó có thể làm được.  

Cụ thể, kể từ khi AFF Cup chuyển sang thể thức đi và về ở vòng bán kết và chung kết vào năm 2004, chỉ có 3 đội tuyển vô địch AFF Cup với thành tích bất bại. Đó là Singapore (2007), Việt Nam (2018), Thái Lan (2020). Trong đó, Singapore lên ngôi với chỉ 2 chiến thắng, 5 trận hoà (tính trong 90 phút thi đấu). Năm 2018, đội tuyển Việt Nam lập nên thành tích ấn tượng khi vô địch giải với mạch 8 trận bất bại (6 chiến thắng, 2 trận hoà).

Với Thái Lan ở AFF Cup 2020, Chanathip cùng các đồng đội cũng có kết quả tương tự như Việt Nam cách đây 3 năm trước. Đó là 6 chiến thắng và 1 trận hoà. Nhưng xét cả khâu tấn công lẫn phòng ngự, Thái Lan thuyết phục hơn so với Việt Nam. Bằng chứng là ở thành tích ghi bàn, Thái Lan có tổng cộng 18 pha lập công, tốt hơn 1 bàn so với Việt Nam. Ở khâu phòng ngự, Thái Lan chỉ để thủng lưới 3 bàn, ít hơn 1 bàn so với những gì mà Việt Nam phải nhận trước Philippines và Malaysia tại 2 lượt bán kết và chung kết. 

Theerathon thường xuyên chơi tiểu xảo tại AFF Cup 2020 - Ảnh: VFF

Đáng tiếc, chức vô địch của Thái Lan đã không thể đẹp trọn vẹn khi Theerathon Bunmathan có những hành động không đẹp ở giải đấu này. Cùng với Safuwan Bahrudin bên phía Singapore. Theerathon là cầu thủ thứ 2 tại AFF Cup 2020 nhận nhiều thẻ phạt nhất. Trong đó, Bunmathan chịu 3 thẻ vàng trong 2 trận bán kết đi và về với Việt Nam cũng như 1 thẻ vàng trong trận chung kết lượt về với Indonesia. Cũng chính vì thế mà Bunmathan đã lĩnh án treo giò trong trận chung kết lượt đi giữa Indonesia và Thái Lan.

Thêm vào đó, tấm thẻ vàng thứ 3 mà Bunmathan phải nhận đến từ một pha đánh nguội ở cuối trận chung kết lượt về. Ngoài những tấm thẻ vàng trực diện, Theerathon Bunmathan còn được các trọng tài khuất mắt trông coi trong một loạt những pha chơi xấu cầu thủ Việt Nam lẫn cầu thủ Indonesia.

Hai bộ mặt của Theerathon Bunmathan  

Quả thực nếu như có VAR, số thẻ phạt mà Bunmathan phải chịu sẽ còn hơn cả con số 3 mà anh đã nhận chung cuộc. Đơn cử như ở đầu hiệp 1 bán kết lượt đi giữa Việt Nam và Thái Lan, Bunmathan đã có pha vung tay, quật thẳng vào mặt Quang Hải gần đường biên. Nhưng trọng tài biên lại không thông báo để trọng tài chính Al-Adba thổi phạt Bunmathan. Điều đó tạo nên sự bức xúc rất lớn đối với các cầu thủ, giới truyền thông và cổ động viên Việt Nam. Một loạt các trọng tài đều cho rằng đó là một pha đánh nguội xứng đáng nhận ít nhất 1 thẻ vàng. Nhưng tổ trọng tài lại bỏ qua một pha bóng tiểu xảo và xấu xí đến từ Bunmathan. 

Hậu vệ trái của Thái Lan nhận thẻ vàng nhiều nhất AFF Cup - Ảnh: VFF

Kế đến ở hiệp 2 bán kết lượt về giữa Việt Nam và Thái Lan, Bunmathan lại ngựa quen đường cũ với cách chơi thô kệch, xấu xí của mình. Trong một pha bóng chẳng có gì nguy hiểm, Theerathon bỗng dưng chạy về và thúc cùi chỏ vào ngực của Xuân Mạnh. Cầu thủ của Việt Nam khi đó phản ứng quá chậm trước tiểu xảo bất ngờ đến từ hậu vệ trái của Thái Lan. Nếu như đó là những cái đầu nóng đến từ Malaysia, xô xát giữa hai đội đương nhiên sẽ bùng nổ. Khi ấy, hình ảnh của AFF Cup vốn mất bao nhiêu thời gian gây dựng sẽ bị bôi xấu chỉ vì một pha bóng không đáng có. 

Chưa dừng lại ở đấy, trong những phút cuối tại lượt về chung kết AFF Cup 2020, Bunmathan lại tiếp tục chơi xấu cầu thủ của Indonesia, bất chấp thắng lợi đã thuộc về tay Thái Lan đường đường chính chính. Có thể, hành động của Bunmathan nhằm khiến cho đối thủ càng rơi vào trạng thái tâm lý rối loạn, mất tập trung trong thi đấu. Nhưng khi phần thắng đã nghiêng hẳn về Thái Lan thì những pha bóng đó không chỉ khiến Bunmathan đứng trước nguy cơ bị rút thẻ vàng mà còn làm ảnh hưởng đến chính Thái Lan, đội tuyển luôn khát khao mang bóng đá đẹp, tấn công tận hiến tới người hâm mộ. 

Theerathon liên tục có hành động khiêu khích với cầu thủ Việt Nam

Ngoài những hình ảnh xấu xí trong trận đấu, Bunmathan cũng có hành động tranh cãi làm sục sôi cộng đồng mạng hai nước Việt Nam và Thái Lan. Bằng chứng là trong thời điểm đội tuyển Việt Nam hát quốc ca, Theerathon cúi xuống buộc dây giày và sau đó là đứng chống tay cạnh sườn, trong khi đó tất cả các đồng đội của anh đều đứng nghiêm túc. 

Một fanpage nổi tiếng của Việt Nam đã đăng lại bức hình này. Lập tức, các CĐV Thái Lan đã ùa vào và không tiếc lời sỉ nhục CĐV Việt Nam và ĐT Việt Nam. Các trang báo của Việt Nam, Thái Lan liên tục đăng tải sau đó. Và ngay cả là báo nhà nhưng Siam Sports, trang thể thao hàng đầu của Thái Lan cũng chẳng thể bênh nổi hành động xấu xí, thậm chí là vô đạo đức đến từ Bunmathan. 

Cách đây không lâu, HLV Steve Darby, người từng có nhiều năm làm việc ở Đông Nam Á và từng dẫn dắt Theerathon Bunmathan khẳng định cầu thủ Thái Lan là một trong những học trò cá biệt, thích nổi loạn và vô kỷ luật. Dù rằng, ông thừa nhận Bunmathan là một trong những cầu thủ hay nhất của Đông Nam Á. 

Tài đi đôi với tật. Bunmathan cũng từng khiến Thái Lan choáng váng cách đây nửa năm về trước. Lúc bấy giờ, anh đã từ chối thẳng thừng việc trở về thi đấu cho ĐTQG Thái Lan do sợ mất sự nghiệp cá nhân tại Nhật Bản. Lý do mà Theerathon đưa ra là nếu lên tuyển rồi trở về CLB, hậu vệ này sẽ phải cách ly trong vòng 14 ngày ở Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa với việc anh sẽ bỏ lỡ một số trận đấu cho CLB Yokohama F. Marinos tại J-League 1 và đứng trước nguy cơ cao đánh mất suất đá chính.

Một CĐV Thái Lan bày tỏ quan điểm: “Đừng để cá nhân cầu thủ lớn hơn đội bóng. Có rất nhiều cầu thủ có thể thi đấu không tốt hơn, nhưng trái tim của họ luôn hướng về đội tuyển. Hãy quên anh ta đi”. Tài khoản tên Raul Meireles tỏ ra ngỡ ngàng: “Thật không thể tin được. Câu lạc bộ quan trọng hơn đội tuyển quốc gia”. CĐV Dante Red mỉa mai: “Thu nhập từ câu lạc bộ và cuộc sống ở Nhật Bản quan trọng hơn đội tuyển quốc gia Thái Lan. Chúc anh may mắn với sự nghiệp cầu thủ bóng đá”.

Tính cách nổi loạn của Theerathon là một điểm trừ đối với tài năng bóng đá Thái Lan này - Ảnh: Changsuek

Dẫu vậy, dù nỗ lực ở lại Yokohama F.Marinos để bảo vệ sự nghiệp chơi bóng tại J.League, Bunmathan vẫn dính nghiệp quật. Cách đây không lâu, đội bóng hàng đầu của Nhật Bản đã không tiếp tục ký hợp đồng với Bunmathan. Cầu thủ 30 tuổi buộc phải trở về Thái Lan chơi bóng và khó có cơ hội phát triển bản thân ở nước ngoài. 

Tóm lại, không phủ nhận Bunmathan là một cầu thủ rất giỏi trên sân cỏ. Anh có thể xem là hậu vệ trái với tư duy hiện đại nhất Đông Nam Á nói riêng và tiềm năng hàng đầu châu Á nói chung. Nhưng với sự vô kỷ luật, thiếu đạo đức và thích nổi loạn, hình ảnh của Bunmathan chẳng bao giờ so sánh được với những tiền bối Thái Lan như Dusit, Kiatisak hay chính những đồng đội như Chanathip và Teerasil Dangda.