COVID-19 đã thay đổi cán cân quyền lực trên thị trường chuyển nhượng ra sao?

COVID-19 đã thay đổi thị trường chuyển nhượng và mối quan hệ giữa cầu thủ với CLB. Một khi cán cân quyền lực thay đổi, sẽ rất khó lấy lại sự cân bằng.

Suốt hơn 1 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tạo ra tác động quá lớn đến thế giới, trong đó có nền bóng đá. Không chỉ là việc trái bóng ngừng lăn, khán giả ngừng đến khán đài, các cầu thủ trở thành những bệnh nhân của đại dịch, mà nền kinh tế tài chính của môn thể thao vua cũng chịu một tác động nặng nề.

Nếu bạn không để ý, thì có rất nhiều cầu thủ ở các đội bóng hàng đầu thế giới đang bước vào năm cuối cùng của hợp đồng ở mùa giải này. Paulo Dybala, Alexandre Lacazette, Kylian Mbappe, Karim Benzema, Luis Suarez hay thậm chí cả Cristiano Ronaldo đang ở trong tình huống như vậy. Nhưng đó có phải tất cả hay chưa?

Tất nhiên là chưa. Leon Goretzka, Franck Kessie, Marcelo Brozovic, Paul Pogba, Andre Onana, Samir Handanovic, Hugo Lloris... Còn rất nhiều cái tên mà bạn có thể liệt kê ra. Họ đều đang ở trong năm cuối cùng của hợp đồng với đội bóng chủ quản.

Kylian Mbappe và Cristiano Ronaldo đều đang bước vào năm cuối hợp đồng với CLB chủ quản

Ký giả Gabriele Marcotti nhận định trên ESPN như sau: “Trong bóng đá, từng có một quy tắc đơn giản để quản lý đội bóng thật tốt: ngoại trừ những trường hợp hiếm hoi liên quan đến các cầu thủ lớn tuổi hoặc trình độ quá kém, bạn không bao giờ được phép để một cầu thủ ngôi sao bước vào năm cuối cùng của hợp đồng. Điều bạn cần làm là gia hạn hợp đồng trước thời điểm đó”.

Khá dễ dàng để lý giải nhận định của nhà báo người Italia. Khi một cầu thủ bước vào năm cuối hợp đồng, anh ta gần như là người “nắm chuôi dao”, giữ lợi thế trong việc đàm phán với CLB. Nếu đội bóng muốn bán cầu thủ này, mức giá họ nhận được chắc chắn sẽ không cao do cầu thủ chỉ còn 1 năm hợp đồng, anh ta hoàn toàn có thể lựa chọn nhất quyết không ra đi rồi sau đó gia nhập CLB mới theo dạng chuyển nhượng tự do.

Khi đó, mức phí lót tay và lương của họ sẽ cao hơn do đội bóng vừa mua họ không phải trả phí chuyển nhượng. Mùa hè này, Gianluigi Donnarumma, David Alaba hay Sergio Ramos là một vài ngôi sao đã rời đội bóng cũ của họ theo dạng chuyển nhượng tự do như thế.

Chính vì vậy, khi cầu thủ ngôi sao bước vào năm cuối hợp đồng, họ thường có cớ để yêu cầu CLB chủ quản tăng lương. Và mấu chốt vấn đề là đây. Cuộc khủng hoảng do đại dịch toàn cầu gây ra là lý do chính khiến nhiều đội bóng rơi vào tình huống này. Theo con số mà Hiệp hội các CLB Châu Âu (ECA) đưa ra, các đội bóng đã mất hơn 9 tỷ euro trong 2 mùa giải vừa qua. Một con số khổng lồ.

Lý do cho điều này thì khá dễ hiểu. Trước hết là những sân vận động không khán giả khiến các CLB mất một nguồn thu lớn từ tiền vé và dịch vụ trong ngày diễn ra trận đấu, dịch vụ tham quan. Thứ hai, tiền bản quyền truyền hình mà các đội bóng nhận được cũng giảm khi bóng ngừng lăn, như tại châu Âu là từ tháng 3 năm ngoái. Thứ ba, đại dịch là toàn cầu mà bóng đá là một ngành công nghiệp khổng lồ, các thương vụ hợp tác, các nguồn thu từ thương mại và nhà tài trợ cũng giảm.

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn bộ nền bóng đá thế giới, trong đó kinh tế tài chính của các đội bóng chịu tác động nặng nề

COVID-19 tạo ra tình trạng bấp bênh vì các đội bóng không biết nó sẽ kéo dài bao lâu. Họ phải hoạt động trong tình trạng nghe ngóng nhiều hơn vì khi chưa đảm bảo chắc chắn an toàn, bất cứ điều gì tiêu cực cũng có thể xảy ra. Khi mà doanh thu giảm, việc kinh doanh thì lỗ nhiều hơn lãi, các đội bóng đương nhiên phải trở nên dè xẻn trong việc chi tiêu.

Các CLB đều thận trọng với việc tăng lương quá cao để gia hạn hợp đồng. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, bản thân cầu thủ cũng nhận thức rằng đại dịch khiến tất cả bị ảnh hưởng. Hãy lấy ví dụ về Paul Pogba, suốt hơn 1 năm qua tiền vệ này liên tục được đồn đoán sẽ rời khỏi MU. Nhưng cho đến lúc này, chưa có đội bóng nào thực sự được gắn tên một cách nghiêm túc trong tin đồn liên quan đến anh.

Một trường hợp khác là Cristiano Ronaldo. Juventus được cho là muốn có tối thiểu 25 triệu euro dành cho anh. Trong hợp đồng hiện tại, siêu sao người Bồ Đào Nha nhận được hơn 60 triệu euro. Gần đây, Juventus nói rằng họ lỗ 300 triệu euro trong 2 năm, vì thế họ sẵn sàng giảm giá cho bất cứ đối tác nào muốn đàm phán để có được cầu thủ đã ghi 36 bàn mùa trước và là chủ nhân Chiếc giày vàng EURO 2020.

Ronaldo cũng đang khá bình thản với tình hình của mình. Tất cả cho thấy một kỳ chuyển nhượng không giống bất cứ thời điểm nào trước đây: cầu thủ nắm giữ sức mạnh. Các CLB có thể không quá bận tâm khi phải chờ đợi, nhưng càng đến gần thời điểm 30/6/2022, họ sẽ càng “lo sốt vó”. Và một phản ứng dây chuyền là điều có thể xảy ra.

COVID-19 đã thay đổi thế giới bóng đá quá nhiều, trong đó có thị trường chuyển nhượng. Và một khi cán cân quyền lực thay đổi, sẽ rất khó lấy lại sự cân bằng.