ĐT Việt Nam và nỗi ám ảnh chấn thương của thầy Park

Nhiều người trong bản danh sách của chiến lược gia Hàn Quốc đã lên tập trung với những vấn đề khác nhau mà họ gặp phải sau các vòng đấu đầu tiên của V.League 2022.

Tình trạng của các cầu thủ này đặt ra một câu hỏi quen thuộc với đội tuyển Việt Nam, đó là liệu sức ép thành tích có đang khiến thầy Park phải liều lĩnh đặt niềm tin vào những gương mặt quen thuộc bất chấp việc họ không ở trạng thái tốt nhất. Nhìn lại những gì đã xảy ra trong những năm gần đây với một vài tuyển thủ, rõ ràng việc triệu tập những người chưa bình phục hoàn toàn chấn thương có thể để lại những hiệu quả rất nghiêm trọng.

Văn Đức đã không kịp bình phục chấn thương và phải rời đội tuyển

Rất nhiều trường hợp trụ cột của đội tuyển đang gặp các chấn thương khác nhau về mức độ nghiêm trọng. Ngôi sao Quang Hải gặp vấn đề ở lưng và không ra sân thi đấu trong trận đấu ngày 12/3 của Hà Nội FC với CLB TP.HCM . Một trụ cột quan trọng của hàng phòng ngự là hậu vệ Bùi Tiến Dũng bị tràn dịch đầu gối và vắng mặt ở trận Viettel và Hoàng Anh Gia Lai hôm 11/3. Bộ đôi tấn công Phan Văn Đức và Nguyễn Tiến Linh cũng đều gặp phải những chấn thương trong thời gian phục vụ cho đội bóng của mình. Phan Văn Đức chỉ đá được có 18 phút trước khi bị thay ra sớm trong trận làm khách của Sông Lam Nghệ An trên sân Sài Gòn, trong khi Tiến Linh cho biết tiền đạo này không đảm bảo thể lực trong đợt tập trung tuyển Việt Nam.

Bùi Tiến Dũng và Phan Văn Đức đều đã được trả về CLB sau khi các bác sĩ xác định chấn thương của họ không thể kịp phục hồi cho các trận đấu sắp tới của ĐT Việt Nam. Tuy nhiên trường hợp của Tiến Linh vẫn chưa rõ ràng.

Tiến Linh đã cho thấy dấu hiệu bất ổn từ trận đấu với Hải Phòng

Trung phong của Becamex Bình Dương đã bật khóc vì nghĩ mình bị dính chấn thương nặng khi được cáng ra khỏi sân ở đầu hiệp 2 sau tình huống va chạm với Ngọc Thịnh trong trận đấu giữa đội bóng của anh và CLB Hải Phòng ngày 13/3. May mắn là điều tệ nhất đã không xảy ra và Tiến Linh đã có thể trở lại thi đấu, thậm chí ghi bàn thắng gỡ hòa 2-2 cho Becamex Bình Dương trên chấm 11m. Tuy nhiên những dấu hiệu bất ổn đã thể hiện trong suốt trận đấu khi trung phong số 1 của đội tuyển Việt Nam liên tục phải xịt thuốc giảm đau vào đùi sau chân phải để tiếp tục thi đấu. Sự nỗ lực của Tiến Linh đến từ việc Becamex Bình Dương vắng mặt tới 8 cầu thủ vì Covid-19 và là người đóng vai trò thủ lĩnh, anh phải thể hiện được tinh thần chiến đấu cao nhất.

Ca chấn thương của Tiến Linh chưa xác định được mức độ nghiêm trọng. Chỉ có một điều rõ ràng là anh đang không ở trong trạng thái thể lực tốt nhất. Tuy nhiên nếu như những cầu thủ không gặp phải một vấn đề nghiêm trọng tới mức độ không thể ra sân và tập luyện bình thường thì chắc chắn, họ vẫn sẽ góp mặt trong đợt tập trung của ĐT Việt Nam.

Nhiều cầu thủ lên tuyển khi không ở trong trạng thái thể lực tốt nhất

Đó là một câu chuyện đã trở nên quen thuộc ở đội tuyển Việt Nam những năm gần đây. Trong tất cả các cuộc hội quân của “Những chiến binh sao vàng”, luôn có những trường hợp tuyển thủ gặp vấn đề về chấn thương, thể lực hay bị quá tải vì mật độ thi đấu dày đặc, nhưng chỉ trừ trường hợp quá nặng phải trả về CLB, còn lại đều được thầy Park giữ lại và sử dụng cho những mục đích khác nhau.

Nhà cầm quân Hàn Quốc từ lâu đã được biết đến là người luôn tin dùng những cầu thủ mà ông đã quen thuộc, bên cạnh yếu tố chuyên môn cùng sự thấu hiểu lẫn nhau giữa thầy và trò còn là vì áp lực thành tích rất lớn mà ông phải gánh vác. Ông Park từng nói một câu nổi tiếng rằng “CĐV Việt Nam yêu bóng đá, nhưng là thứ bóng đá chiến thắng”. Bởi vậy nhà cầm quân Hàn Quốc luôn phải chịu sức ép trước mỗi chiến dịch của đội tuyển và buộc lòng phải lựa chọn những quân bài tốt nhất, quen thuộc nhất của mình để tối ưu kết quả.

Ngay cả khi các trận đấu còn lại ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 với Oman và Nhật Bản chỉ còn mang ý nghĩa thủ tục thì sức ép có kết quả tốt cũng không giảm đi chút nào. Đó là lý do vì sao những thay đổi trong đội hình của ĐT Việt Nam không có nhiều và hầu như chỉ mang tính miễn cưỡng, đáp ứng với hoàn cảnh tức thời.

Tiến Linh đang phải tập riêng và chưa chắc chắn có thể ra sân

Tuy nhiên cách dụng binh đó cũng khiến không ít hậu quả xảy ra với những trụ cột của đội tuyển. Trong những năm qua, đã có rất nhiều tuyển thủ lên tập trung trong tình trạng đang gặp chấn thương hoặc suy giảm thể lực và việc phải nỗ lực để tập luyện, thi đấu cống hiến cho đội tuyển đã khiến vấn đề của họ trở nên trầm trọng hơn.

Đoàn Văn Hậu là ví dụ điển hình nhất. Vào tháng 9/2019, cầu thủ sinh năm 1999 gặp vấn đề đầu tiên ở đầu gối trước khi lên tập trung cùng ĐT Việt Nam chuẩn bị cho lượt trận đầu tiên của vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á gặp Thái Lan. Vào thời điểm đó, chấn thương của anh không mấy nghiêm trọng nhưng đã không được chữa trị một cách dứt điểm. Văn Hậu tiếp tục thi đấu ở SEA Games 2019 và sau đó lên đường sang Hà Lan khoác áo Heerenveen. Tại đây, vào tháng 3/2021, Văn Hậu dính chấn thương đầu gối lần 2.

Đoàn Văn Hậu từng được gọi lên tập trung bất chấp sự cảnh báo về chấn thương của anh

Sau khi hết hạn hợp đồng với Heerenveen tháng 7/2020, Văn Hậu trở về Hà Nội FC. Anh ngay lập tức tiếp tục dính bị phù dập dây chằng chéo trước, chéo sau và gân cơ khoeo, dập sừng sau sụn chêm, sừng trước sụn chêm ngoài độ 1. Đến tháng 10/2020, Văn Hậu trở lại và đá 2 trận cuối cùng của Hà Nội FC tại V.League, tái phát chấn thương và trải qua ca phẫu thuật đầu tiên để điều trị.

Sau khoảng thời gian phẫu thuật và giai đoạn hậu phẫu kéo dài gần nửa năm, Văn Hậu bất ngờ được triệu tập lên đội tuyển để tham dự các trận đấu ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á đầu tháng 6/2021. Ngay khi Văn Hậu được thầy Park gọi lên, trung tâm PVF đã gửi khuyến cáo cho ĐT Việt Nam về trường hợp cầu thủ này và những rủi ro có thể xảy ra khi đốt cháy giai đoạn và để anh trở lại thi đấu quá sớm. Mặc dù đã có những cảnh báo nhưng thầy Park đã quyết định sử dụng hậu vệ trái số 1 của mình trong tổng thời gian 162 phút ở các trận đấu gặp Indonesia, Malaysia và UAE.

Cầu thủ sinh năm 1999 cho đến thời điểm này vẫn chưa thể trở lại thi đấu

Sự vội vàng này đã khiến chấn thương của Văn Hậu không có được quãng thời gian phục hồi lý tưởng nhất. Sau khi trở về từ UAE, hậu vệ này tái phát chấn thương nhưng đến tháng 8/2021, Văn Hậu lại được gọi lên tập trung đội tuyển tiếp tục tham dự vòng loại thứ 3 World Cup. Tuy nhiên do tình hình chấn thương đã trở nên nghiêm trọng, Văn Hậu được HLV Park Hang Seo trả về Hà Nội FC. Tháng 11/2021, Văn Hậu phải sang Hàn Quốc phẫu thuật để dứt điều trị dứt điểm chấn thương dây chằng và sụn chêm đầu gối. Cho đến thời điểm này, thời gian chính xác để hậu vệ trái này trở lại sân cỏ vẫn chưa được xác định.

Văn Hậu không phải là trường hợp duy nhất mà chấn thương trở nên trầm trọng hơn sau khi cống hiến cho đội tuyển. HLV Park Hang-seo từng sử dụng Đình Trọng ở VCK U23 châu Á 2020 khi anh vẫn đang trong quá trình hồi phục, dẫn tới việc chấn thương dây chằng chéo trước mà anh từng phải phẫu thuật hồi tháng 6/2019 bị biến chứng, đồng thời sụn chêm bị tổn thương. Đình Trọng phải phẫu thuật lần 2 và tiếp tục nghỉ thi đấu dài hạn.

Đình Trọng cũng là một cầu thủ bị đốt cháy giai đoạn hồi phục chấn thương

Trung vệ đang thuộc biên chế của Topenland Bình Định cũng từng bị rách bắp đùi ở trận gặp Ả-rập Xê-út ở vòng loại thứ 3 World Cup vì phải vào sân khi đang chấn thương bắp đùi! Trước đó, Đình Trọng dính chấn thương trong thời gian tuyển Việt Nam tập trung tại Hà Nội để chuẩn bị cho trận Ả-rập Xê-út. Khi trận đấu diễn ra, Đình Trọng được HLV Park Hang Seo cho ngồi dự bị. Nhưng sau khi Duy Mạnh bị truất quyền thi đấu vì dính hai thẻ vàng, Đình Trọng đã được tung vào sân thay Tuấn Anh. Nỗ lực quá mức khi chấn thương chưa bình phục đã khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn cho trung vệ sinh năm 1997.

Những gì đã xảy ra với Văn Hậu và Đình Trọng là bài học rất lớn cho đội ngũ y tế của đội tuyển Việt Nam, bởi những cảnh báo về chấn thương và tình trạng thể lực của cầu thủ cần được đưa ra sớm nhất và chính xác nhất để có sự tham vấn cho thầy Park, tránh xảy ra những hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, có lẽ việc mở rộng đội hình và tạo điều kiện cho những gương mặt mới được thử nghiệm ở những trận đấu không có nhiều ý nghĩa về mặt kết quả có lẽ cũng là điều nên cân nhắc. Một trận đấu hay (dù không quan trọng) có thể đem đến nhiều niềm vui, nhưng nếu như niềm vui ấy phải trả một cái giá đắt là chấn thương nghiêm trọng của một trụ cột nào đó trong đội hình thì chắc chắn nó cần phải được tính toán kỹ càng.