Harry Kane và bi kịch của những 'xác sống' vô hồn

Màn trình diễn của Harry Kane trước Chelsea cho thấy cầu thủ này không còn chút động lực nào để cống hiến cho Tottenham.

Harry Kane đã trải qua 90 phút đáng quên tại Chelsea. Trung phong thủ quân của ĐT Anh thi đấu như một kẻ mất hồn trên sân trong khi đội bóng của anh sụp đổ hoàn toàn trước sức mạnh của đối thủ cùng thành phố. Ngôn ngữ cơ thể của Kane trong trận đấu đó nói lên nhiều điều về tâm trạng của anh ở thời điểm này. Sự chán nản, bất cần và có phần thiếu trách nhiệm được thể hiện trong những pha xử lý của Kane. Tiền đạo sinh năm 1993 có lẽ đã không còn khát khao cống hiến cho “Gà trống” sau những nỗ lực rời CLB vào mùa hè này để chuyển đến Man City. Harry Kane không phải là cầu thủ duy nhất từng rơi vào trạng thái “xác một nơi, hồn một nẻo” sau khi không được đáp ứng yêu cầu chuyển nhượng.

Nhưng liệu có phải tất cả các cầu thủ như vậy đều rơi vào trạng thái như tiền đạo của Spurs?

Kane thi đấu như người mất hồn trước Chelsea

Bình luận trên Sky Sport, cựu thủ quân MU Roy Keane cho rằng vấn đề chính mà Harry Kane đang gặp phải có nguyên nhân từ việc anh không thể gia nhập Man City hồi mùa Hè.

“Kane ở trận đấu với Chelsea là hình ảnh khác hẳn với cậu ta khi chơi cho ĐT Anh. Cậu ta không áp sát đối thủ để hỗ trợ phòng ngự, không la hét động viên các đồng đội và thúc giục họ chiến đấu vì đội bóng. Tôi thậm chí không bao giờ thấy Kane đuổi bóng. Khi Tottenham bị dẫn trước 0-2 mà cậu ta vẫn còn biểu diễn cá nhân. Đó là một sự hời hợt chẳng đâu vào đâu!”, Roy Keane, một người nổi tiếng với tinh thần chiến đấu khi còn là cầu thủ, nhận xét.

Và đó không phải là một màn trình diễn mới mẻ gì. Hình ảnh vô hồn của Kane đã kéo dài trong nhiều trận liên tiếp. Ở cuộc đối đầu với Wolves, lần đầu tiên Kane ra sân cho Spurs tại Premier League mùa này, trung phong sinh năm 1993 chạm bóng 14 lần trên sân, tung ra 10 đường chuyền và có 1 cú sút trong 18 phút chơi bóng trên sân, không thể tạo ra một cơ hội nào.

Đến trận tiếp theo gặp Watford, Kane được chơi đủ 90 phút nhưng cũng chỉ chạm bóng 39 lần, có 27 đường chuyền cùng 1 lần dứt điểm. Ở vòng 4 Premier League, Tottenham nhận trận thua đầu tiên trong mùa giải này trước Crytal Palace Palace 0-3, Kane cũng được HLV Nuno Santo cho thi đấu đủ 90 phút nhưng không có nổi cú sút nào, chỉ chạm bóng 38 lần và có 21 đường chuyền trong đó 8 lần không chính xác. Đó là lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, Kane kết thúc một trận đấu mà không có nổi một lần dứt điểm nào, thậm chí không có được một lần chạm bóng trong vòng cấm đối phương.

Và đến sau trận thua Chelsea, lần đầu tiên sau 6 năm, Kane mới lại không ghi bàn ở 4 trận đầu tiên của mùa giải Premier League mà anh thi đấu. Một thống kê đáng buồn, nhưng điều còn đáng buồn hơn nữa với các CĐV Spurs là thái độ thi đấu của tiền đạo này.

Trung phong của Tottenham đã thể hiện phong độ vô cùng kém cỏi từ đầu mùa giải

Ngay cả khi mối quan hệ giữa Kane và các CĐV Tottenham đã sứt mẻ bởi việc anh muốn chuyển đến Man City mùa hè vừa rồi, tiền đạo sinh năm 1993 vẫn là một người hùng đối với họ và một huyền thoại của CLB. Vào tối thứ Năm tuần trước, Kane đã phá vỡ kỷ lục của Tottenham về số lần ra sân ở đấu trường châu Âu trên sân của Rennes, khi có trận đấu thứ 65 để vượt qua kỷ lục cũ của Steve Perryman. Anh cũng đang đứng thứ 3 trong danh sách cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất mọi thời đại của “Gà trống” ở Premier League với 166 pha lập công, chỉ kém người xếp thứ 2 là Bobby Smith có 10 bàn và người dẫn đầu là huyền thoại vừa mới qua đời hôm 19/9 vừa rồi Jimmy Greaves , đã có 220 bàn cho Spurs.

Nhưng theo đuổi những kỷ lục đó không còn là mục tiêu của Kane. Tiền đạo sinh năm 1993 là cầu thủ ra sân nhiều nhất cho Spurs ở Cúp châu Âu, nhưng cột mốc đó đến ở vòng bảng của UEFA Conference League, một giải đấu hạng ba sau Champions League và Europa League. Sự tụt hậu của Tottenham là thấy rõ, nếu chúng ta biết rằng Kane đã đạt cột mốc 50 lần ra sân ở đấu trường châu Âu trong trận chung kết Champions League mùa 2018/19 với Liverpool.

Đó là lý do vì sao Kane muốn ra đi. Tottenham không phải là nơi có thể giúp anh đạt được những danh hiệu lớn trong sự nghiệp của mình. Chuyển đến Man City là một cơ hội không thể bỏ qua. Nhưng Tottenham, đứng đầu là chủ tịch Daniel Levy, đã làm mọi cách để ngăn cản điều đó trong mùa hè vừa rồi khi kiên quyết không chấp nhận để Kane ra đi với mức giá thấp hơn 150 triệu bảng Anh.

Harry Kane mong muốn được chuyển đến Man City trong suốt kỳ chuyển nhượng vừa rồi

Vụ chuyển nhượng đầy drama đã kết thúc với kết quả là Kane không thể rời Spurs. Anh đăng một tâm thư trên trang cá nhân công bố điều này, cùng lời hứa hẹn sẽ tiếp tục cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho đội bóng.

Nhưng đó đơn giản chỉ là những lời sáo rỗng. Tâm trí của Kane không còn ở Tottenham nữa. Daniel Levy và các cộng sự đã thành công trong việc giữ lại “phần xác” của Harry Kane, còn “phần hồn” của tiền đạo này có lẽ đã phiêu du đến Manchester, nơi Man City đang gặp khó khăn trong giai đoạn khởi động mùa giải bởi thiếu một trung phong đẳng cấp trong đội hình.

Các CĐV của Tottenham có thể giận dữ hay thất vọng với Kane. Nhưng nhìn từ góc độ khách quan, Spurs lúc này quả thật không thể đáp ứng được kỳ vọng của Kane. Phong độ của chân sút trụ cột đang thực sự tệ, nhưng màn trình diễn chung của Tottenham cũng không hề ấn tượng. Sau khi mở màn mùa giải với 3 chiến thắng với tỷ số tối thiểu và tạm vươn lên ngôi đầu, “Gà trống” bị “lột mặt nạ” với 2 thất bại liên tiếp trong các trận derby London với Crystal Palace và Chelsea. Đặc biệt ở trận đấu với Chelsea, ứng viên vô địch ở Premier League và Champions League mùa này, Tottenham đã cho thấy sự thua sút rõ rệt về đẳng cấp. Họ chỉ cầm cự được trong 45 phút đầu trước khi vỡ vụn trước đoàn quân của Tuchel trong hiệp 2.

Câu hỏi quan trọng bây giờ là liệu Harry Kane bao giờ mới lấy lại được hình ảnh quen thuộc của mình?

Mbappe vẫn đang chơi tốt ở PSG dù vụ chuyển nhượng sang Real Madrid cũng bất thành

Những cầu thủ rơi vào trường hợp như Kane không phải là hiếm. Kylian Mbappe là một ví dụ. Tiền đạo người Pháp đã được liên hệ với Real Madrid trong cả mùa hè, nhưng đã phải ở lại PSG do đội bóng Tây Ban Nha không thể đáp ứng yêu cầu giá chuyển nhượng. Mbappe có vẻ thích nghi với “trạng thái bình thường mới” tốt hơn Kane. Ngôi sao sinh năm 1998 đã có 4 pha lập công cùng 3 đường kiến tạo tại Ligue 1 từ đầu mùa, là cầu thủ có đóng góp trực tiếp vào các bàn thắng nhiều nhất giải VĐQG Pháp tính đến thời điểm này. Dù vậy, những ai tinh ý có thể nhận ra Mbappe không còn thể hiện niềm vui sướng khi lập công mãnh liệt như các mùa giải trước.

Tuy nhiên, có hai yếu tố rõ ràng giúp Mbappe có tinh thần và màn thể hiện tốt hơn Kane. Thứ nhất là sức mạnh vượt trội của PSG so với hầu hết các đối thủ tại Ligue 1. Thứ hai và quan trọng hơn, hợp đồng của Mbappe chỉ còn thời hạn đến tháng 6/2022 và nếu không muốn ở lại, anh có thể ra đi theo dạng cầu thủ tự do mùa hè tới. Trong khi đó, Kane còn thời hạn hợp đồng với Tottenham đến tận tháng 6/2024, đồng nghĩa với cơ hội ra đi của anh khó khăn hơn nhiều.

Ronaldo cũng phải ở lại MU thêm một mùa sau khi yêu cầu được chuyển nhượng mùa hè 2008

Một trường hợp nổi tiếng khác phải ở lại CLB dù đã đề nghị được chuyển nhượng là Cristiano Ronaldo ở mùa hè 2008. Sau khi đăng quang Champions League mùa 2007/08, Ronaldo đã đề nghị CLB để anh được chuyển nhượng tới Real Madrid. Siêu sao người Bồ Đào Nha thậm chí còn có phát ngôn gây tranh cãi khi tuyên bố mình là “nô lệ ở MU” khi CLB ngăn cản anh đến Real Madrid. Đích thân Sir Alex đã phải gặp riêng CR7 thuyết phục anh ở lại thêm một mùa giải nữa trước khi ra đi. Ronaldo đồng ý, nhưng anh cũng đã khởi đầu mùa giải tương đối gượng gạo. Phải đến ngày 23/9/2008, anh mới có bàn thắng đầu tiên trong mùa giải mới vào lưới Middlesbrough ở Cúp Liên đoàn và không ăn mừng. Ronaldo mất một khoảng thời gian để lấy lại nguồn cảm hứng thi đấu và sau đó, anh trở lại hình ảnh quen thuộc của mình khi ghi 26 bàn trên mọi đấu trường trong mùa giải 2008/09, giúp MU giành chức vô địch Premier League thứ 3 liên tiếp và có lần thứ 2 lọt vào chung kết Champions League. Đúng như lời hứa của Sir Alex, Ronaldo chuyển đến Real Madrid trong mùa hè 2009.

Daniel Levy đã sai khi cố sống cố chết giữ chân Kane?

Với Harry Kane lúc này, tình hình có thể phức tạp hơn nhiều. So với Mbappe bây giờ và Ronaldo của mùa 2008/09, trung phong của ĐT Anh dường như không có một lối thoát hay lời hứa nào để lấy đó làm động lực vực dậy tinh thần đang sa sút. Chứng kiến sự vô hồn như một zombie của Kane lúc này, không hiểu Daniel Levy và các cộng sự của mình đang nghĩ gì khi họ cố sống cố chết để giữ lại một cầu thủ không còn tâm nguyện gắn bó với đội bóng. Còn với Kane bây giờ, có lẽ không gì ngoài động lực từ cá nhân cùng sự kiêu hãnh của một chân sút hàng đầu có thể cứu anh ra khỏi bi kịch của kẻ “hồn một nơi, xác một nẻo” hiện tại.

 Hoàng Giang