Ả-rập Xê-út: Sức mạnh ĐTQG đến từ thành công của giải VĐQG
Ả-rập Xê-út là một ví dụ điển hình cho sự phát triển của ĐTQG dựa trên nền tảng giải VĐQG chất lượng.
Tháng 6 năm 1994 là một cột mốc đặc biệt với nền bóng đá Ả-rập Xê-út. Lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển quốc gia của đất nước Tây Á này đến với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, World Cup. Thậm chí, tại vòng bảng năm đó, pha solo từ phần sân nhà vượt qua 4 cầu thủ tuyển Bỉ của Saeed al-Owairan đã giúp “Chim ưng xanh” đánh bại “Quỷ đỏ” 1-0 và giành vé vào vòng 16 đội với tư cách nhì bảng F.
Dưới sự dẫn dắt của Jorge Solari, Ả-rập Xê-út bấy giờ trở thành đội tuyển Ả Rập thứ hai vào đến vòng knockout World Cup, sau Ma Rốc của kỳ Mundial 86. Kể từ đó về sau, giành vé tham dự World Cup dần trở thành một thói quen với Ả-rập Xê-út, khi đội tuyển này có thêm 4 lần nữa góp mặt tại sự kiện này.
Hơn 27 năm sau đó, những ngày tháng 10 đã qua chắc chắn là giai đoạn đẹp nhất nữa mà nền bóng đá Ả-rập Xê-út mới lại được chứng kiến. Nếu tại châu Âu, Quỹ đầu tư công PIF của Ả-rập Xê-út mua lấy 80% cổ phần của CLB Newcastle Utd tại giải Ngoại hạng Anh; thì những chiến thắng trước Việt Nam, Oman, Trung Quốc và cả trước đội tuyển vốn luôn được xem là số 1 châu Á – Nhật Bản – biến đội tuyển được dẫn dắt bởi HLV người Pháp Herve Renard trở thành cái tên duy nhất trong 12 đội tuyển còn lại của chiến dịch vòng loại World Cup khu vực châu Á nắm giữ thành tích toàn thắng sau 4 lượt trận đầu tiên.
Tháng 11 này, trận hòa 0-0 trước Australia mới đây không khiến vị trí nhất bảng đất của Ả-rập Xê-út bị lay chuyển, khi họ đang có 13 điểm, nhiều hơn 3 điểm so với chính “Socceroos” ở vị trí thứ hai.
Dẫn dắt đội tuyển Ả-rập Xê-út lúc này không ai khác là một gương mặt từng có thời gian làm việc tại Việt Nam, HLV người Pháp Herve Renard. Ông tiếp quản ghế nóng đội tuyển từng 3 lần vô địch châu Á vào tháng 7 năm 2019 sau khi chia tay tuyển Ma Rốc.
Con đường phát triển bằng phẳng của đội tuyển Ả-rập Xê-út được tạo nên từ nền tảng của giải vô địch quốc gia nước này, Saudi Professional League – giải đấu được xem là hấp dẫn nhất châu Á. Bối cảnh nền tài chính khủng hoảng của giải vô địch quốc gia Trung Quốc, Chinese Super League, càng tô đậm sự thành công của Saudi Professional League.
XEM THÊM
- Danh sách ĐT Việt Nam đấu với ĐT Ả-rập Xê-út
- HLV ĐT Ả-rập Xê-út từng dẫn dắt Nam Định
- HLV Park Hang Seo chỉ ra điểm yếu của ĐT Ả-rập Xê-út
4 ngày sau chiến thắng trước Trung Quốc của đội tuyển quốc gia, Al-Hilal và Al-Nassr – hai CLB của thủ đô Riyadh với tổng cộng 26 danh hiệu vô địch quốc nội từng giành được – chạm trán nhau tại tứ kết AFC Champions League. Với việc giải đấu lớn nhất cấp độ CLB của châu Á được phân thành hai khu vực, tạm gọi là bờ Đông và bờ Tây cho đến trước trận chung kết, Al-Hilal và Al-Nassr hiểu rõ đối thủ của một trong hai đội bóng này ở trận chung kết sẽ là một đại diện của Đông Á.
Trước đó, tại tứ kết, Al-Nassr dễ dàng đè bẹp Al-Wahda của Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất 5-1. Trong khi, Al-Hilal đánh bại CLB hùng mạnh Persepolis của Iran 3-0. Tại trận bán kết nội bộ thủ đô Riyadh, một nửa khán đài được phủ màu vàng, nửa còn lại là màu xanh da trời. Al-Hilal chung cuộc giành chiến thắng 2-1. Như những gì cựu HLV người Scotland Graeme Souness từng làm khi cắm lá cờ Galatasaray ở giữa sân sau khi đánh bại kình địch Fenerbahce, hậu vệ Ali al-Bulaihi của Al-Hilal cũng có hành động tương tự, với lá cờ CLB của anh sau trận thắng.
So sánh với các giải vô địch quốc gia khác trong khu vực như Qatar hay UAE, những CLB lớn của Ả-rập Xê-út luôn biết cách tạo nên những bầu không khí náo nhiệt và sôi động trong các trận đấu của họ. Những khán đài được tạo hình độc đáo bởi những rừng người chắc chắn sẽ được tái hiện tại chính Riyadh trong trận chung kết AFC Champions League vào ngày 23 tháng 11 này, khi Al-Hilal chạm trán Pohang Steelers của Hàn Quốc. Nếu giành chiến thắng, Al-Hilal sẽ vượt mặt chính Pohang Steelers để trở thành đội bóng giàu thành công nhất lịch sử AFC Champions League, với 4 danh hiệu vô địch.
Đặt lên bàn cân với giải đấu của Trung Quốc cách đây vài năm trước khi chính sách thắt chặt chi tiêu được Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc đặt ra, Saudi Professional League không trả mức lương khủng cho những cầu thủ ngoại, nhưng giải đấu của đất nước Tây Á này có khá nhiều những ngôi sao.
Đơn cử như Al-Hilal, đội bóng hồi tháng 5 năm nay lần thứ 17 vô địch quốc gia, đã bổ sung thêm những Matheus Pereira và Moussa Marega vào đội hình vốn dĩ đã có sẵn tiền đạo người Pháp Bafetimbi Gomis, cùng một số tuyển thủ quốc gia. Băng ghế chỉ đạo của họ mùa giải này là ai? Là Leonardo Jardim, người từng dẫn dắt Monaco đến với chức vô địch nước Pháp vào năm 2017 và từng vượt qua chính Man City của Pep Guardiola để góp mặt ở bán kết Champions League mùa giải 2016/17.
Hay như trường hợp của CLB Al-Nassr, họ sở hữu cựu tiền đạo Monaco là Abderrazak Hamdallah, tuyển thủ người Cameroon Vincent Aboubakar, gương mặt trong đội hình triển vọng của Champions League 2017 Anderson Talisca, và cầu thủ xuất sắc nhất Nam Mỹ năm 2018 Pity Martinez.
Tương lai của nền bóng đá cũng như của giải vô địch quốc gia Ả-rập Xê-út sẽ còn có thể tươi sáng hơn nữa một khi những vấn đề cố hữu được giải quyết. Chủ nghĩa ngắn hạn vẫn là một căn bệnh mãn tính với nhiều nền bóng đá châu Á, và Ả-rập Xê-út cũng không là ngoại lệ. Tại Saudi Professional League, việc các CLB sa thải HLV đều đặn không còn là chuyện bất ngờ, nhưng nó vẫn gây ra những cú sốc.
Al-Ittihad, đội bóng từng xếp thứ 3 mùa giải trước và đang dẫn đầu BXH mùa giải hiện tại, nắm giữ thành tích bất bại cho đến trước khi bị đánh bại bởi 2 bàn thắng từ Odion Ighalo của Al-Shabab hồi cuối tháng 10 vừa qua, từng sa thải HLV trưởng chỉ sau một trận đấu trong mùa giải này. Hai CLB là Al-Taawoun và Al-Tai thì từng sa thải HLV trưởng của họ chỉ sau đúng 2 trận đấu.
Nhưng đó là câu chuyện của tháng 8. Có nghĩa rằng, đến lúc này, đã có thêm 4 CLB khác cũng thay tướng, nâng tổng số các CLB thay tướng giữa dòng khi mùa giải mới chưa đi được 1/3 chặng đường lên con số 7. Không quá bất ngờ nếu như những HLV dẫn dắt các đội bóng tại Ả-rập Xê-út không thể và không dám nhìn xa trông rộng, cũng như đặt cược vào những gương mặt trẻ.
Giải vô địch quốc gia Ả-rập Xê-út cho phép mỗi CLB chiêu mộ 7 cầu thủ nước ngoài, so với 4 ở hầu hết các giải quốc nội khác của châu Á. Hầu hết, các CLB ở đất nước Tây Á này thích mang về những gương mặt trên hàng tấn công. Đây rất có thể là lý do hoặc cũng là hệ quả của việc nền bóng đá nước này đang không thể sản sinh ra những tiền đạo chất lượng, kể từ sau thời đại của Sami al-Jaber, người từng góp mặt ở 4 kỳ World Cup của Ả-rập Xê-út và đã ghi được 3 bàn trong lịch sử giải đấu lớn nhất hành tinh.
Tiền đạo tuyển thủ Abdullah al-Hamdan đang được kỳ vọng và đã gia nhập CLB Al-Hilal vào tháng 2 năm nay. Song, cầu thủ 22 tuổi mùa giải hiện tại ra sân mới chỉ hơn một giờ đồng hồ tại giải quốc nội. Ra nước ngoài thi đấu có thể sẽ là tương lai với những cầu thủ như Abdullah al-Hamdan, nhưng trước mắt, điều này sẽ chưa diễn ra.
Vấn đề còn nằm ở tính sở hữu của những CLB tại Ả-rập Xê-út. Các CLB hiện vẫn thuộc sở hữu của chính phủ và chưa được phép trở thành những tổ chức thể thao tư nhân. Do đó, các vấn đề quản trị, điều hành và marketing vẫn chưa đạt đến trình độ tương thích với sự phát triển của bóng đá. Có thể nói, một phần trong kế hoạch mang tên “Tầm nhìn 2030” của Ả-rập Xê-út nhằm đa dạng hóa nền kinh tế đã bị trì hoãn.
Bản thân các CLB của quốc gia lớn nhất Trung Đông này vẫn duy trì thói quen nhờ cậy vào các gói cứu trợ của chính phủ và mang trong mình những khoản nợ đáng kể. Bằng chứng là vào năm 2018, Thái tử Mohammed bin Salman của Ả-rập Xê-út, cũng là người vạch ra kế hoạch “Tầm nhìn 2030” và là chủ tịch của Quỹ đầu tư công PIF sở hữu CLB Newcastle Utd, từng bơm 245 triệu bảng Anh để thanh toán các khoản nợ của những CLB ở giải vô địch quốc gia Ả-rập Xê-út.
Những CLB lớn của Ả-rập Xê-út, như Al-Hilal – với hơn 10 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Twitter – hoàn toàn có thể vươn mình hơn nữa nếu trở thành những thực thể thương mại tự cung tự cấp và dẫn dắt các CLB khác của đất nước. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai. Còn hiện tại, đội tuyển Ả-rập Xê-út vẫn đang là một thế lực dẫn đầu của châu Á.
Hoàng Thông - Theo The Guardian
XEM THÊM
- HLV Park Hang Seo làm thế nào để hồi sinh Văn Đức?
- Biểu cảm khó tin của Maguire trên khán đài khi MU thua thảm Man City
- Bộ trưởng Thể thao Indonesia: "Vụ bạo loạn là vết nhơ làm xấu hình ảnh Indonesia"
- Phản ứng của Mbappe trên băng ghế dự bị khi chứng kiến Messi lập siêu phẩm
- Nhân chứng hoảng loạn kể lại nguyên nhân kinh hoàng dẫn đến thảm kịch của bóng đá Indonesia
- Truyền thông thế giới bàng hoàng trước vụ bạo loạn ở giải VĐQG Indonesia
- MU nhận tin vui trước thềm đại chiến với Man City
- Bồ Đào Nha phũ phàng loại Ronaldo khỏi hình ảnh đại diện tại World Cup 2022?
- Thêm một quan chức cấp cao FIFA phải ngồi tù vì tham nhũng
- Link trực tiếp Pau FC vs FC Metz lúc 0h ngày 02/10 giải Ligue 2
- Clip: Mbappe "bẽ mặt" vì dứt điểm kém hơn Neymar, Ramos ở thử thách sút bóng