Sàng khôn của ĐT Việt Nam ở đâu?

Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 quả thực quá khó đối với ĐT Việt Nam (ĐTVN). Nhưng trong chặng đường gian khó ấy, thứ quý giá nhất chúng ta có thể có được là những bài học kinh nghiệm rất lớn, đúng như câu "đi ngày đàng, học sàng khôn"...

Nhận định Việt Nam vs Ả-rập Xê-út, 19h00 ngày 16/11

Có nhiều người đã từng nhắc đi nhắc lại một câu nói đại ý rằng “người Việt rất yêu bóng đá, nhưng là thứ bóng đá chiến thắng” với hàm ý rồi sẽ có những áp lực, những chỉ trích, những chê bai dồn lên ông Park Hang-seo một khi ĐTVN gặp thất bại. Nhưng dường như thực tế đã chứng minh rằng nhận định ấy là sai. Tình cảm người hâm mộ dành cho ông Park và ĐTQG vẫn vẹn nguyên bất chấp ĐTVN đã trải qua 6 thất bại liên tiếp từ đầu tháng 9/2021 tới nay.

ĐT Việt Nam còn những động tác tay rất thừa trong các pha tranh chấp tay đôi

Thật ra, kỳ vọng dành cho ĐTVN luôn luôn rất lớn nhưng ở vòng loại thứ 3 này, chính ra thầy trò Park Hang-seo lại chịu ít áp lực nhất. Cơ bản, đa số đều có nhận định rất rõ ràng từ đầu là Việt Nam yếu nhất bảng B nên không mấy người kỳ vọng đội tuyển phải có những kết quả tích cực. Khán giả trông đợi vào diện mạo tích cực hơn là kết quả và đa phần đều đồng quan điểm rằng đây chính là cơ hội để các cầu thủ tận hưởng một trải nghiệm lớn trong sự nghiệp đồng thời cũng là dịp để chúng ta học hỏi thêm.

Vậy thì trong bối cảnh dễ thở như thế, bài học rút ra từ những thất bại là gì? Có một ai đã nhắc tới những bài học ấy hay chưa? Và nếu như có nhận ra bài học nào đó, chúng ta đã có những thay đổi hay không để bắt kịp với nhịp độ bóng đá ở một tầm vóc khác?

Đầu tiên, với cầu thủ, có lẽ chúng ta sẽ nhận ra được những bài học rất cụ thể để thay đổi thói quen chơi bóng của mình. Phải thừa nhận, thế hệ ĐTVN hiện nay có một ưu điểm rất lớn là sự tự tin, thái độ tích cực và dù biết mình, biết người, chúng ta vẫn tiếp cận các trận cầu trước những đối thủ mạnh hơn với sự nể trọng họ chứ không phải là khiếp nhược. Đó là lý do chúng ta có thể thua nhưng không vỡ trận; chúng ta có thể kém hơn nhưng không mất tư thế và khán giả cũng càng yêu mến đội tuyển hơn vì thái độ rất hiện đại này.

Song, phải nói thẳng nói thật là có những “tật xấu” vốn dĩ vẫn tồn tại ở V-League đã biểu hiện qua các trận vòng loại vừa rồi và trước sự khắt khe của một sân chơi đẳng cấp hơn, các thói xấu ấy đã khiến ta phải trả giá. Đó chính là những động tác tay rất thừa trong các pha tranh chấp tay đôi, nặng về tiểu xảo. Ở V League hay ở các vòng sơ loại, hành vi kiểu này dễ có thể qua mắt được trọng tài nhưng ở một cuộc chơi mà VAR đóng vai trò rất quan trọng, cái giá phải trả nhiều khi khiến cầu thủ phạm lỗi trở nên khá ngớ ngẩn.

Bóng đá khó tránh được việc phạm lỗi nhưng phạm lỗi như thế nào lại là câu chuyện khác. Chỉ một cái vung tay nhưng nó có thể được quy về hành vi và thái độ chơi bóng. Chúng ta nói nhiều, phê phán nhiều về một V League khá hoang dã và rừng rú và chúng ta càng phải cần lên tiếng phản biện hơn một khi cái chất hoang dã, rừng rú ấy được bưng nguyên si lên ĐTQG.

Xem thêm

Vì sao ĐT Việt Nam đá 5 hậu vệ vẫn bị khoét cánh?

Đội tuyển Việt Nam ‘mắc kẹt’ vì hàng công

Kế đến là với HLV, bài học kinh nghiệm nào có thể được ông Park đúc rút ra sau những thất bại vừa rồi đây? Về mặt chuyên môn chiến thuật, chắc chắn ông Park sẽ nhận thấy ông cần điều chỉnh gì, lên kế hoạch trận đấu ra sao trước các đối thủ hùng mạnh hơn. Chúng ta không thể đủ kiến thức và tầm vóc để chỉ ra ông Park nên sử dụng chiến thuật gì, lối tiếp cận ra sao. Nhưng riêng việc mở rộng thử nghiệm nhân sự ĐTQG thì có lẽ chúng ta có thể nhận thấy và góp ý.

Ai cũng nhìn thấy khá rõ là sau ngần ấy năm làm việc ở Việt Nam, ông Park Hang-seo gắn khá chặt với các lựa chọn nhân sự quen thuộc của mình và ít mạo hiểm với các thử nghiệm mới. Số lượng cầu thủ ông triệu tập cũng thường chỉ dao động trong vùng 30-35 cẩu thủ thân quen và sau 5 trận đầu tiên của vòng loại thứ 3, ông Park cũng mới chỉ dùng có 20 cầu thủ. Chính sự lệ thuộc vào một công thức cũ đã không mở ra cơ hội để những nhân tố thay thế có thể phát triển năng lực đến trình độ đội tuyển và do đó, mỗi khi chúng ta gặp khủng hoảng lực lượng chấn thương hay thẻ phạt, những người thay thế vẫn không lấp đầy nổi chỗ trống mà đồng đội để lại.

Một ví dụ rất rõ rệt là vị trí của Trọng Hoàng. Thực tế cho thấy, khi Hoàng vắng mặt, phát động bóng từ biên phải của Việt Nam sút giảm chất lượng hẳn. Tất nhiên, ai cũng hiểu là HLV luôn có vùng chọn lựa an toàn của mình, giữ nguyên bộ khung của mình nhưng điều đó không có nghĩa là suốt mấy năm trời không nảy sinh ra những cơ hội cụ thể nào để thử nghiệm và phát triển một vài cá nhân thay thế. Đóng khung trong một lựa chọn thì sẽ dễ bị thụ động với lựa chọn ấy nếu có biến cố phát sinh. Hay như trường hợp của Cao Văn Triền chẳng hạn. Khi không có Hùng Dũng, Triền vẫn không có cơ hội được góp mặt. Trong khi đó, độ tuổi để phát triển và bồi dưỡng kỹ năng cá nhân cho cầu thủ là có hạn. Để qua thời điểm vàng rồi, khó có cách gì để hoàn thiện năng lực cho cầu thủ được nữa.

HLV Park Hang Seo không thử nghiệm nhiều cầu thủ mới

Bài học kinh nghiệm này có lẽ cũng xuất phát từ một áp lực thành tích mà ông Park phải gánh lấy và chính áp lực thành tích mang tính thời vụ cũng là thứ kinh nghiệm rất lớn mà chúng ta cần phải rút ra để xây dựng một nền bóng đá chứ không chỉ đơn thuần xoay quanh việc xây dựng một đội tuyển. Việc gọi lại Hùng Dũng khi anh đang theo một phác đồ điều trị chấn thương ở CLB và theo chuyên gia của PVF đủ cho thấy tính thời vụ trong việc săn đuổi thành tích là như thế nào. Ông Park goi Dũng là để có bước chuẩn bị đầu tiên cho AFF Cup cuối năm và việc gọi lên tuyển để tập luyện và chăm sóc thực tế rất rủi ro khi Dũng sẽ phải thay đổi phác đồ điều trị theo một bác sỹ mới. Mà trước đó, những bài học Văn Hậu, Tuấn Anh, Đình Trọng đã quá rõ rồi.

Chính ông Park đã từng phát biểu đại ý rằng Việt Nam rất cần tham gia vòng loại thứ 3 kiểu này thường xuyên hơn để nâng tầm đội tuyển cũng như nền bóng đá. Nhưng nếu muốn thường xuyên tham gia được vòng loại thứ 3, cơ bản nhất cần phải cân đối lại các giải đấu khu vực như AFF Cup hay SEA Games. Có nhất thiết phải tung hết nhân sự mạnh nhất để giành bằng được huy chương vàng ở sân chơi nhỏ đó hay không? Hay là thay vào đó, VFF nên bắt đầu đặt ra mục tiêu cụ thể là Asian Cup, với lộ trình được đặt ra là khi nào thì chúng ta thường xuyên có mặt ở tứ kết hoặc xa hơn nữa.

Muốn chạm đến giấc mơ World Cup, cần hiểu đó là một quãng đường không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Nó cần được cụ thể hoá bằng các kế hoạch hành động có chiều kích cho nền bóng đá. Nếu chúng ta thường xuyên có mặt ở tứ kết Asian Cup chẳng hạn, chắc chắn câu chuyện đội tuyển thua liền 5 trận ở vòng loại thứ 3 cũng sẽ không còn nữa. Bởi đơn giản, sân chơi như Asian Cup cũng là nơi để cầu thủ học hỏi và trưởng thành đồng thời HLV hoàn thiện chính các ý tưởng của mình khi cầu thủ đã trở nên kinh nghiệm hơn, trình độ hơn. Nhưng muốn HLV và cầu thủ được học hỏi, trước hết chính VFF phải học hỏi trước tiên, bằng bài học như đã nói ở trên: đặt ra một tầm nhìn hướng đến sự tiến bộ.

Hà Quang Minh

XEM THÊM

HLV Park Hang Seo chỉ ra điểm yếu của ĐT Ả-rập Xê-út

HLV Renard Herve không chủ quan trước ĐT Việt Nam

Cơ hội để đội tuyển Việt Nam dự World Cup là bao nhiêu?