Chiến thắng của MU trước Leeds phơi bày bản chất bóng đá thời kim tiền

Leeds United có thể chơi pressing hấp dẫn và làm nên bất ngờ trước các ông lớn, nhưng để CLB này vươn tầm đẳng cấp lại là một câu chuyện khác.

Cách dễ dàng nhất để các cổ động viên Leeds nuốt trôi thất bại 1-5 trước MU hôm 14/8 (giờ Việt Nam) là đổ lỗi cho HLV. Nếu một CLB không giành được kết quả tốt hoặc để thua ở một trận đấu lớn, hãy đưa HLV của họ lên đoạn đầu đài.

Cách đây 14 năm, Sir Alex Ferguson từng nói chúng ta đang "sống trong một nền văn hóa chế giễu", nơi các chương trình truyền hình thực tế nuôi dưỡi ý tưởng rằng người hâm mộ, vốn suy nghĩ đầy cảm tính, nên được bỏ phiếu để đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến bóng đá. Thời điểm đó, cựu chiến lược gia người Scotland đang cố gắng bảo vệ triều đại của Steve McClaren ở tuyển Anh.

Bàn gỡ hòa 1-1 chỉ là điểm sáng hiếm hoi của Leeds trong trận đấu trên sân Old Trafford.

Một đội bóng muốn xây dựng lại cần thời gian, tiền bạc, cũng như phải nỗ lực rất lớn trong khâu nghiên cứu và tuyển dụng để tìm ra những cầu thủ chơi tốt ở Bồ Đào Nha, Hy Lạp hay bất kỳ giải vô địch quốc gia nào khác trên thế giới. Tiếp đến là các yếu tố về cấu trúc, chiến thuật, lối chơi. Những vấn đề liên quan đến kinh tế thường không được chú ý tới quá nhiều, bởi xét cho cùng, tất cả đều coi các HLV, những người được phép chi tiêu, không có quyền tự quyết trong chuyện này.

Sau trận thua 1-5 của Leeds trước MU ở vòng đấu khai màn Premier League 2021/22. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Leeds có quá phụ thuộc vào Kalvin Phillips, người đã vắng mặt, hay không? Tại sao đội bóng pressing của Marcelo Bielsa thường thua đậm? Liệu sự cải tiến trong lối chơi của Mason Greenwood có thể giúp Ole Solskjaer tung cả Bruno Fernandes lẫn Paul Pogba vào sân mà không phải hy sinh một tiền vệ phòng ngự nào? Điều đó có ý nghĩa gì với Marcus Rashford?

Mùa giải trước, Leeds cán đích với 59 điểm, tổng điểm cao nhất của một CLB mới thăng hạng trong vòng 2 thập kỷ. Tuy nhiên, đến lúc này, đội chủ sân Elland Road có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng dưới thời Bielsa. Chiến lược gia người Argentina chưa từng trụ lại ở mùa giải thứ tư tại một CLB. Giống như mùa trước, Leeds lại thua 4 bàn trên sân Old Trafford và bài học kinh nghiệm dường như là không đủ, ngay cả khi Bielsa nói đây là màn trình diễn tốt hơn của ông cùng các học trò.

Về cơ bản, MU vượt trội bởi hóa đơn tiền lương của họ cao gấp 5 lần Leeds.

Everton, đội xếp dưới Leeds mùa trước, có quỹ lương cao gấp 3 lần. Tại Premier League 2020/21, chỉ West Brom và Sheffield United có hóa đơn lương thấp hơn Leeds. Về đích thứ 9 là một thách tích phi thường của thầy trò Bielsa và không ai nghĩ việc họ tụt xuống 3-4 bậc ở mùa giải này là một thất bại. Bóng đá hiện đại là cuộc chơi của kim tiền. Và mặc dù nhiều đội bóng nhỏ thỉnh thoảng vẫn có thể thách thức các ông lớn, song để vươn tầm đẳng cấp là điều vô cùng khó khăn.

Ngay cả khi 6 CLB thuộc nhóm Big Six (gồm MU, Man City, Chelsea, Liverpool, Arsenal và Tottenham) đều sở hữu hóa đơn lương hàng tuần vượt quá con số 2,5 triệu bảng, chỉ 3 trong số đó cho thấy nguồn lực tài chính vượt trội. Đó là Man City và Chelsea, những CLB mà nguồn tài chính vốn không phụ thuộc vào thành tích trên sân cỏ. Đại diện còn lại là MU, đội bóng có giá trị thương hiệu khổng lồ nhờ vào di sản vĩ đại trong phòng truyền thống.

MU sở hữu sức mạnh vượt trội từ đội hình gồm nhiều ngôi sao lớn.

Liverpool có thể thách thức danh hiệu mùa này, nhưng quỹ lương của họ chỉ bằng 74% so với MU. Việc chơi tốt ở 2 mùa giải vô địch Champions League và Premier League cho thấy một nỗ lực đáng kể. Tuy nhiên, mùa bóng vừa qua đã phơi bày sự mong manh bởi những chấn thương của đội chủ sân Anfield.

Tương tự với Leicester, CLB cán đích thứ 5 và sở hữu hóa đơn lương cao thứ 8 tại giải, màn trình diễn của thầy trò HLV Brendan Rodgers có thể nổi bật, nhưng sự sa sút ở giai đoạn cuối mùa đã bộc lộ những hạn chế nhất định liên quan nhiều đến tài chính chứ không chỉ dừng lại ở tâm lý thi đấu.

2 thành viên còn lại thuộc nhóm Big Six là Arsenal và Tottenham.

Gà trống đã chơi trận cuối cùng trên sân White Hart Lane vào năm 2017, khi họ giành chiến thắng 2-1 trước MU để đảm bảo vị trí thứ hai chung cuộc. Kể từ đó, họ đã chiêu mộ Davinson Sanchez, Lucas Moura, Serge Aurier, Fernando Llorente, Juan Foyth, Tanguy Ndombele, Steven Bergwijn, Ryan Sessegnon, Giovani Lo Celso, Cristian Romero và Bryan Gil.

Cũng trong giai đoạn này, MU đưa Alexis Sanchez, Victor Lindelof, Nemanja Matic, Romelu Lukaku, Fred, Daniel James, Aaron Wan-Bissaka, Bruno Fernandes, Harry Maguire, Donny van de Beek, Raphael Varane và Jadon Sancho về sân Old Trafford. Liệt kê vậy để thấy, tiền rõ ràng không phải tất cả trong bóng đá, nhưng nó là yếu tố mang đến lợi thế.

Arsenal đã trải qua quá trình đầu tư tương tự trong thập kỷ trước. Pháo thủ đã bạo chi để xây dựng một sân vận động mới, mang về những bản hợp đồng ngôi sao cho đến khi nhận ra cán cân tài chính đã thay đổi và kỷ nguyên của dầu mỏ bắt đầu.

Sau màn trình diễn rụt rè trước Brentford, quá dễ dàng để đổ lỗi cho Mikel Arteta và đặt câu hỏi tại sao con đường huấn luyện của chiến lược gia người Tây Ban Nha này lại được trải đầy hoa hồng đến vậy. Với tất cả những gì Arsenal đã làm trong suốt 2 mùa giải vừa qua, những lời chỉ trích sẽ chỉ tăng lên nếu đội chủ sân Emirates không biết cách lật ngược tình thế. Dù vậy, khoảng cách để họ có thể bắt kịp với nhóm dẫn đầu vào lúc này là rất lớn, trong bối cảnh đội bóng đang cho thấy sự tuyệt vọng cùng một chính sách chuyển nhượng kỳ lạ.

Arteta không đáng phải đưa đầu chịu báng cho những màn trình diễn khập khiễng của Arsenal trong suốt thời gian qua. Bởi suy cho cùng, vị trí chung cuộc của một đội bóng phụ thuộc vào vấn đề tài chính nhiều hơn bất kỳ cá nhân nào có liên quan.