ĐT Việt Nam có nên chơi tấn công trước Oman?

ĐT Việt Nam đã thua cả 3 trận đấu đầu tiên của vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Trước những đối thủ hàng đầu châu lục, đội bóng của chúng ta đã không thể gây bất ngờ.

Bước vào vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, đối đầu với những đội bóng sừng sỏ nhất của châu lục, ĐT Việt Nam đã không thể gây nên bất ngờ. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi đây mới là lần đầu tiên chúng ta lọt tới vòng đấu này, trong khi thiếu vắng một trong những gương mặt chủ chốt nhất trong cách vận hành lối chơi là Đỗ Hùng Dũng.

Việt mất Dũng “chíp” vì chấn thương khiến ĐT Việt Nam thiếu đi một cầu thủ có thể xem là “động cơ” ở giữa sân, một tiền vệ trung tâm công thủ toàn diện với nền tảng thể chất bền bỉ. Hùng Dũng là gương mặt không thể thiếu trong cách vận hành hệ thống phòng ngự phản công của HLV Park Hang-seo tại bất cứ chiến dịch nào kể từ khi chiến lược gia người Hàn Quốc bắt đầu sử dụng cầu thủ này ở ASIAD 2019 và giải đấu giao hữu trước đó. Tiền vệ của CLB Hà Nội là lựa chọn hoàn hảo trong lối chơi phụ thuộc vào những tình huống chuyển trạng thái nhanh.

Trong các trận đấu vừa qua, đa phần các trận đấu ĐT Việt Nam vẫn tiếp tục thi triển lối chơi phòng ngự phản công sở trường dưới thời HLV Park Hang-seo. Tuy nhiên việc chưa có được điểm số nào khiến giới mộ điệu đặt ra câu hỏi liệu nhà cầm quân người Hàn Quốc có đang lựa chọn đấu pháp quá an toàn. Với những người quan sát bên ngoài, chúng ta dễ dàng nói rằng ĐT Việt Nam nên chơi tấn công nhiều hơn, bởi đã lọt vào vòng đấu này là vượt chỉ tiêu.

ĐT Việt Nam vẫn đá phòng ngự phản công trước các đối thủ lớn (Ảnh: Getty Images)

Tuy nhiên, bất cứ HLV nào vào trận cũng đều có tâm lý muốn giành chiến thắng hoặc ít nhất là 1 trận hòa. Và tùy trường hợp họ sẽ có đấu pháp phù hợp để đội bóng có kết quả tốt nhất trong khả năng. Với HLV Park Hang-seo và ĐT Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nói về lý thuyết thì luôn dễ, nhưng vận hành được hay không là chuyện khác.

Với ĐT Việt Nam, để ngay lập tức thay đổi cách tiếp cận đã quen thuộc từ lâu trong bối cảnh không có nhiều thời gian chuẩn bị không phải điều dễ. Những đối thủ mạnh hơn về nhân sự và cách tổ chức đều có đủ khả năng để không cho chúng ta cầm bóng tấn công. Hơn nữa, với những đội bóng chơi chuyển trạng thái tốt, họ hoàn toàn có thể khiến ĐT Việt Nam nhận bàn thua từ những tình huống triển khai trực diện và nhanh.

Trong trận đấu với ĐT Trung Quốc, khi đội bóng của HLV Li Tie chơi chậm và ĐT Việt Nam tận dụng điều đó để dồn quân đẩy lên cao. Từ một tình huống như thế, ĐT Việt Nam đã bị nhận bàn thua đầu tiên từ một pha bóng đối thủ phất đường bóng dài từ sân nhà trong bối cảnh các cầu thủ chúng ta không có được sự đồng bộ trong hành động phòng ngự.

Trong cuộc đối đầu với Oman tới đây, có lẽ HLV Park Hang-seo sẽ vẫn không mạo hiểm mà đẩy cao đội hình tấn công. Chiến lược gia người Hàn Quốc thừa hiểu khả năng của nhân sự trong tay cũng như có những nghiên cứu với đối thủ. Tốc độ trong phong cách triển khai bóng của Oman là rất cao, chính vì vậy việc dâng cao tấn công chỉ giống như mời gọi đối thủ tự do khai thác những khoảng trống ở phía sau lưng đội hình chúng ta, đặc biệt khi so về thể hình và thể chất ĐT Việt Nam sẽ không thể bằng.

Việc ĐT Việt Nam tiếp tục nhập cuộc với hệ thống thiên về phòng ngự là hợp lý. Một điểm mấu chốt trong cách vận hành của Oman là họ chơi với hệ thống 4-4-2 kim cương tập trung quân số ở trung lộ, chính vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến những tình huống phản công nhanh với trọng tâm hướng vào hai cánh. Với những chân chuyền tốt như Quang Hải, Tuấn Anh hay Hoàng Đức cùng một cầu thủ có bộ kỹ năng để xuyên phá như Văn Đức, ĐT Việt Nam có cơ sở để tin đây sẽ là thứ giúp chúng ta tạo nên một kết quả tích cực.