Ligue 1 vượt mặt La Liga để làm đối thủ của Premier League

Từ trước tới nay, dù cùng với Premier League, La Liga, Bundesliga và Serie A hợp thành nhóm 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu nhưng vị thế của Ligue 1 luôn bị đánh giá thấp nhất. Họ từng chẳng thể so được với 2 gã khổng lồ Premier League và La Liga, đến tụt hậu như Serie A hay nhàm chán như Bundesliga cũng có mặt không bằng. Thế mới có chuyện người ta gọi Ligue 1 là "farmer league" - giải đấu của nông dân.

Nhưng trước đà đi lên mạnh mẽ của bóng đá Pháp, với đầu tàu là PSG, Ligue 1 đang đứng lên tự khẳng định sức hấp dẫn của mình. Ở mùa giải mới, đừng nói là thoát khỏi vị trí cuối cùng trong nhóm tinh hoa, đến ngôi á quân của La Liga cũng bị Ligue 1 nhăm nhe cướp lấy. Mùa tới, giải đấu cao nhất nước Pháp sẽ cạnh tranh sòng phẳng với Premier League về hiệu suất người theo dõi và dưới đây là những lý do không thể chối cãi.

Ligue 1 đang trở mình mạnh mẽ để cạnh tranh với các giải bóng lớn của châu lục.

Đầu tiên, sự xuất hiện của những ngôi sao là bước ngoặt lớn nhất. Hãy nói riêng tới Lionel Messi. Dù sở hữu nguồn lực tài chính khủng khiếp nhưng PSG chưa bao giờ dám mơ có thể chiêu mộ siêu sao người Argentina. Nhưng mùa này, El Pulga thậm chí gia nhập sân Parc des Princes theo dạng tự do, đồng thời còn không nhận tiền lót tay.

Tin được không, cầu thủ xuất sắc nhất thế giới đương đại, thậm chí là một trong những người xuất sắc nhất lịch sử, lại đến với giải đấu... nông dân. Hiệu ứng Messi lập tức lan tỏa mà PSG là đội hưởng lợi lớn nhất.

Theo xác nhận từ phía đội bóng nhà giàu nước Pháp, chỉ sau vỏn vẹn 20 phút thì toàn bộ số áo đấu cả sân nhà và sân khách của Messi đã được bán sạch. Lúc này, hệ thống bán hàng trực tuyến của PSG chỉ còn hiển thị áo đấu của Messi phiên bản dành cho cổ động viên nữ và trẻ em mà thôi. Ngay lập tức, rất nhiều các cổ động viên của đội bóng này đã tập trung tại PSG Store để tìm kiếm cơ hội sở hữu chiếc áo đấu Messi.

Chưa dừng lại ở đó, không cầu thủ nào trong lịch sử bán được nhiều áo đấu như Leo trong 24 giờ đầu tiên với 832.000 chiếc áo được bán ra, đạt doanh thủ vào khoảng 105 triệu USD. Kỷ lục cũ trước đó thuộc về "kình địch" cũ của Messi là Cristiano Ronaldo với khoảng 520.000 áo đấu được bán ra trong 24 giờ đầu tiên. Đứng thứ 3 là Neymar với con số "khiêm tốn" là 10.000 áo.

Với số áo đấu bán ra kỷ lục, đội chủ sân Parc des Princes cũng được hưởng lợi khi được nhà tài trợ áo đấu Nike trả cho 10% doanh thu, tức 10,5 triệu USD. Tất nhiên đây chưa phải là con số cuối cùng, khi mà mặt hàng áo đấu của Messi hiện vẫn đang "cháy hàng" do nhu cầu đặt mua áo của các CĐV vẫn đang rất lớn.

Làm một chút so sánh, Barca sẽ có trận đấu bắt đầu mùa giải mới gặp Real Sociedad trên sân Camp Nou vào ngày 16/8. Theo điều tra mới đây của ESPN, trận đấu này có khoảng 30.000 vé được phân phối nhưng cho đến thời điểm này chỉ có 15.280 vé được người hâm mộ mua. Đây là điều hết sức bất thường vì ở những mùa giải trước, khi có mặt của Messi thì vé luôn bán rất chạy.

Ngoài ra, doanh thu bán áo đấu của Barcelona cũng giảm mạnh. Phóng viên ESPN Harvey Miguel tiết lộ: "Những ảnh hưởng tiêu cực từ việc Messi ra đi đã gây tổn thất cho Barca. Vé còn rất nhiều, doanh thu bán áo đấu của Barca cũng giảm 80%".

Trong khi đó, trên mạng xã hội Twitter, rất nhiều người hâm mộ Barca vẫn đang rất tức giận vì ban lãnh đạo đã để El Pulga ra đi. Một CĐV Barca cho biết: "Khi Ronaldo ra đi, Real Madrid vẫn còn Ramos, Modric, Benzema. Còn ở Barcelona, mất Messi thì chẳng còn ai".

Trong khi đó, các trang mạng xã hội của PSG cũng bùng nổ về số người theo dõi. Chỉ trong 24 giờ, tài khoản Instagram, Twitter và Youtube của PSG cùng tăng hơn 1,5 triệu lượt theo dõi. Trang Facebook của đội bóng này cũng tăng thêm 500.000 lượt thích.

Trang Instagram của PSG đã đạt mốc 45,8 triệu người theo dõi sau khi Messi gia nhập. Trước khi chiêu mộ thành công cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, con số này chỉ xấp xỉ 20 triệu.

Kể từ khi Ronaldo rời Real Madrid, trận El Clasico đã mất nhiều giá trị. Giờ đây Messi cũng đi nốt, đặc sản Siêu kinh điển của La Liga còn có gì đặc sắc? Nhiều người thậm chí nói rằng họ thà xem một trận đấu mà biết chắc PSG sẽ nã một cơn mưa bàn thắng vào lưới Nancy vì có Messi, còn hơn là dán mắt theo dõi Vinicius đấu với Braithwaite ở Camp Nou.

Đấy là chưa kể Messi đâu có từ La Liga sang Ligue 1 một mình. Trước đó, biểu tượng sống của thành Madrid từ 2004 tới giờ, Sergio Ramos, cũng đã gia nhập PSG. Hai đội trưởng, hai cây trường sinh của bóng đá Tây Ban Nha, đều cập bến Paris theo dạng tự do. Đó chắc chắn là sự mất mát quá lớn chỉ trong một thời gian ngắn với những người yêu mến La Liga. Nhưng đồng thời, lại là sự bổ sung loại gia vị thượng hạng cho một bàn tiệc vốn đã bao gồm Neymar, Mbappe, Di Maria, Verratti.

Chưa hết, PSG chiều lòng tận cùng ham muốn thưởng thức bóng đá của người hâm mộ khi mang về một nhà vô địch Champions League và Premier League là Georginio Wijnaldum, một nhà vô địch EURO là Gianluigi Donnarumma và một hậu vệ đắt giá nhất nước Pháp là Achraf Hakimi.

Có thể nói, kể từ lúc người Real Madrid khai sinh ra khái niệm "dải ngân hà" trong bóng đá thì phiên bản 2021 là thực thể rạng rỡ nhất, nhưng đặc biệt là nó lại ở Paris của Pháp chứ không phải thủ đô của Tây Ban Nha. 

"Dải ngân hà" PSG với những ngôi sao cực kỳ chất lượng

Nhưng sẽ có ý kiến cho rằng nếu mọi nhân tài lại đổ dồn vào PSG vốn đã siêu mạnh, vậy thì Ligue 1 đâu có khác gì Bundesliga dưới ách cai trị của Bayern Munich, hay Serie A trong một thập kỷ độc quyền của Juventus? Luận điểm này không sai, nhưng chưa đủ.

Đầu tiên, khác hoàn toàn với Bayern, PSG không hề dễ dàng "hút máu" tài năng trong nội bộ Ligue 1. Thay vào đó, dù sự đàn áp của đại diện thủ đô là rất khủng khiếp, các CLB còn lại vẫn liên tục sản sinh ra những cầu thủ vô cùng tiềm năng, khiến cho bóng đá Pháp chưa bao giờ thiếu hụt lớp kế cận.

Có thể kể sơ qua một vài cái tên nhiều khả năng sẽ trở thành sao lớn trong tương lai là Eduardo Camavinga, Jeremy Doku của Rennes, Houssem Aouar, Lucas Paqueta, Bruno Guimarães của Lyon, Boubacar Kamara của Marseille, Jonathan David, Jonathan Ikoné, Renato Sanches của Lille, Aurélien Tchouaméni, Benoît Badiashile của Monaco... Tất cả những cầu thủ trên đều dưới 24 tuổi, người nhỏ nhất thì mới 17 tuổi.

Bất cứ ai trong số những cái tên đó cũng đều đang là mục tiêu tranh giành cực nóng của các đại gia trên thị trường chuyển nhượng. Người ta luôn nói nhiều đến cơ hội tại Premier League, đến việc tạo điều kiện cho tài năng trẻ ở Bundesliga nhưng quên mất một điều rằng Ligue 1 mới là cái nôi sản sinh ra nhiều sản phẩm phong phú nhất, phù hợp với nhiều môi trường khác nhau nhất thế giới.

Nếu muốn có sự kịch tính, Ligue 1 cũng có thể phục vụ bạn. Mùa trước, bất ngờ lớn nhất đã xảy ra khi PSG để mất ngôi báu vào tay Lille với khoảng cách chênh lệch 1 điểm. Nên nhớ, 2 đội bám sau PSG là Monaco và Lyon cũng chỉ kém đại diện thủ đô lần lượt 4 và 6 điểm mà thôi.

Có thể thấy, bóng đá không phải phép 1+1=2 đơn giản như trong toán học. Một đội hình toàn sao không phải lúc nào cũng mặc định giành chiến thắng hay vô địch. PSG thật sự rất mạnh, nhưng đừng bao giờ coi thường nội lực của những kẻ không bao giờ biết bỏ cuộc như Lille, Monaco và Lyon.

Eduardo Camavinga cũng là một cái tên nóng trên thị trường chuyển nhượng hè năm nay

Quan trọng nhất, tin vui dành cho khán giả hâm mộ bóng đá, từ ngày 7/8/2021, VTVcab chính thức trực tiếp phát sóng giải VĐQG Pháp trong 3 mùa giải liên tiếp: 2021/2022; 2022/2023; 2023/2024 trên các kênh thể thao và ứng dụng ON, ON +, ON Sports của VTVcab.

Gói bản quyền của VTVcab trực tiếp trọn vẹn 38 vòng đấu với 6 trận/vòng và các chương trình đồng hành: Tổng hợp trước, sau mỗi vòng đấu và các Bản tin thể thao cập nhật liên tục các thông tin nóng của giải đấu cũng các CLB tham gia.

Với việc sở hữu bản quyền giải VĐQG Pháp 3 mùa giải liên tiếp, VTVcab hứa hẹn đem đến cho tín đồ đam mê bóng đá, đặc biệt là hâm mộ bóng đá châu Âu những "bữa tiệc" thực sự. Bên cạnh Ligue 1, VTVcab hiện đang phát trực tiếp các giải La Liga, các giải bóng đá Anh, UEFA Nations League, vòng loại World Cup 2022 cùng hàng loạt các giải thể thao khác… với bản quyền dài hạn.

 VTVcab