Vì sao ĐT Việt Nam thường xuyên bị thổi phạt đền?
Không có đội bóng nào tại vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á phải chịu nhiều phạt đền hơn ĐT Việt Nam.
Lịch thi đấu vòng loại thứ 3 World Cup 2022 của đội tuyển Việt Nam
Thống kê cho thấy tính từ đầu vòng loại thứ hai World Cup 2022 đến hết trận đấu với Ả-rập Xê-út, tuyển Việt Nam bị thổi tổng cộng 5 quả phạt đền, 4 trong số đó dẫn đến bàn thua. Thủ thành Đặng Văn Lâm chỉ có duy nhất một lần cản phá thành công cú sút của Theerathon Bunmathan ở trận hòa 0-0 với Thái Lan trên sân Mỹ Đình.
Không đội tuyển nào tại vòng loại thứ ba phải nhận nhiều tình huống phạt đền hơn ĐT Việt Nam. Thậm chí, thầy trò HLV Park phải nhận nhiều quả phạt 11 m hơn tất cả đối thủ ở bảng B tại vòng loại cuối cộng lại. Đến nay, Ả-rập Xê-út, Nhật Bản và Oman mới nhận một quả phạt đền, trong khi Australia và Trung Quốc chưa từng bị trọng tài thổi 11m.
Penalty thay đổi cục diện
Không khó hiểu khi tất cả những quả phạt đền tuyển Việt Nam phải nhận đều đến từ lỗi của hàng phòng ngự. Trước Thái Lan, Đoàn Văn Hậu đã có tình huống đẩy sau với trung vệ Manuel Tom Bihr ở một pha chống phạt góc. Đến trận gặp Malaysia tại UAE, cũng chính cầu thủ này đã có pha tranh chấp trên không quyết liệt với chân sút nhập tịch Guilherme De Paula.
Sau đó, HLV Park đã yêu cầu các học trò hạn chế đến mức tối thiểu những tình huống phạm lỗi không cần thiết. Tuy nhiên, trước sức mạnh của những đại diện Tây Á, bao gồm UAE và Ả-rập Xê-út, chừng đó là không đủ khi hệ thống phòng ngự của tuyển Việt Nam bộc lộ nhiều sơ hở.
Ở trận đấu với UAE, Bùi Tấn Trường đã có pha lao ra truy cản trái phép với Khalil Ibrahim sau đường chọc khe xé toang hàng phòng ngự ĐT Việt Nam của Abdullah Ramadan. Việc Ali Mabkhout thực hiện thành công quả 11 m sau đó đã báo hiệu cho một thế trận khó khăn với đại diện đến từ Đông Nam Á. Tuyển Việt Nam bị dẫn trước tới 3-0 và chỉ có thể phản kháng ở khoảng 10 phút cuối trận với 2 bàn gỡ của Nguyễn Tiến Linh và Trần Minh Vương.
Tới cuộc đối đầu với Ả-rập Xê-út, Đỗ Duy Mạnh khi ngăn chặn pha dứt điểm của cầu thủ đối phương đã vô tình để bóng chạm tay. Sau khi tham khảo VAR, trọng tài quyết định cho đội chủ nhà hưởng phạt đền, đồng thời truất quyền thi đấu của cầu thủ khoác áo CLB Hà Nội. Tấm thẻ đỏ trở thành bước ngoặt của trận đấu bởi sau đó, Quế Ngọc Hải với tình huống đốn ngã Salem Al-Dawsari đã khiến ĐT Việt Nam nhận quả phạt đền thứ 5 tại chiến dịch vòng loại World Cup.
Điểm chung của những quả phạt đền này là đều đến ở thời điểm căng thẳng trong trận đấu, khi đôi bên đang cầm hòa hoặc khoảng cách tỷ số không lớn và tuyển Việt Nam phải "chịu trận" trước đối thủ. Nếu như thầy trò HLV Park mất 7 trận cho 2 quả 11 m đầu tiên, họ lại bị thổi phạt tới 3 lần trong 2 trận đấu gần nhất. Điều này cho thấy sức mạnh áp đảo của các đại diện đến từ Tây Á, cũng như tâm thế và hệ thống chiến thuật bị thay đổi của ĐT Việt Nam.
Đối đầu những đội bóng được đánh giá cao hơn, chiến lược gia người Hàn Quốc ưu tiên sử dụng sơ đồ 5-4-1, vốn là biến thể của 3-4-3 và triển khai thế trận phòng ngự phản công sở trường. Song, nếu như trước các đối thủ Đông Nam Á, toan tính của ông sớm đem lại hiệu quả thì trước những đối thủ mạnh hơn, việc phòng ngự theo kiểu "đổ bê tông" đôi khi trở thành con dao 2 lưỡi.
Nguyên nhân và giải pháp
Về lý thuyết, sơ đồ 5-4-1 có nghĩa ĐT Việt Nam sở hữu tới 9 cầu thủ phòng ngự khi không có bóng và phải lùi sâu. Dù vậy, mọi thứ chỉ có thể vận hành hiệu quả nếu các cầu thủ thi đấu kỷ luật và giữ cự ly đội hình, thay vì để lộ những khoảng trống cho đối phương khai thác.
Từ trung vệ, hậu vệ biên, tiền vệ cánh, tiền vệ trung tâm khi lùi về cần được phân công công việc một cách rõ ràng để tránh giẫm chân nhau trong bối cảnh cả đội hình đang co cụm phòng ngự ở khoảng phần ba đầu sân. Chỉ cần một mắt xích rời khỏi vị trí, khoảng trống sẽ lập tức lộ ra, thậm chí còn tệ hơn khi một cầu thủ khác quyết định di chuyển để trám vào lỗ hổng người đồng đội để lại.
Tình huống Duy Mạnh cứu một bàn thua trông thấy cho ĐT Việt Nam khi phá bóng ngay trước mũi giày của cầu thủ Ả-rập Xê-út trong hiệp một phản ánh rõ nhất điều này. Bất chấp tuyến tiền vệ lùi sâu và những trung vệ kèm chặt tiền đạo đối phương, các cầu thủ Tây Á vẫn dễ dàng xâm nhập vùng cấm và vượt qua cả Tấn Trường chỉ với một vài đường chuyền.
Dưới thời HLV Park, các cầu thủ được cải thiện rất nhiều về tâm lý thi đấu. Song, đây là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam vào tới vòng loại cuối World Cup. Áp lực đè nặng lên đội tuyển là rất lớn. Trong bối cảnh phải đối đầu với các đối thủ vượt trội về thể hình, thể lực, kỹ thuật và đẳng cấp, việc duy trì sự tỉnh táo 100% suốt hơn 90 phút "chịu trận" là gần như bất khả thi, đặc biệt vào khoảng thời gian về cuối.
Ả-rập Xê-út được hưởng tới 8 quả phạt góc trong trận đấu này, trong khi tuyển Việt Nam không có lần nào. Đội bóng của HLV Herve Renard thực hiện 21 tình huống dứt điểm, gấp 7 lần đội khách. Thống kê áp đảo này cho thấy áp lực cực đại hàng phòng ngự của HLV Park phải chịu trong suốt trận đấu, chưa nói đến những tình huống tranh chấp từ giữa sân hay ngăn chặn đối thủ đưa bóng vào từ hành lang cánh.
Mất Đỗ Hùng Dũng là tổn thất nặng nề nhất của tuyển Việt Nam ở chiến dịch vòng loại World Cup 2022 trước cả khi phải đối mặt với cơn khủng hoảng hàng phòng ngự vì chấn thương. Việc thiếu vắng một tiền vệ phòng ngự có khả năng thu hồi bóng khiến tuyến giữa của HLV Park không giảm tải được quá nhiều áp lực cho hàng thủ. Bên cạnh đó, bộ tứ Phan Văn Đức - Nguyễn Tuấn Anh - Nguyễn Hoàng Đức - Nguyễn Quang Hải đều là những cầu thủ có thiên hướng chơi tấn công.
Cuộc đối đầu với Australia, đại diện hiện đứng đầu bảng B sau khi đánh bại Trung Quốc, sẽ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn nữa. "Socceroos" thường xuyên góp mặt tại các VCK World Cup. Họ cũng đánh bại đối thủ ở trận ra quân với tỷ số 3-0 thuyết phục mà chỉ có một ngày rưỡi tập luyện cùng nhau trước đó. Do vậy, trước khi nghĩ tới chuyện ghi bàn trên sân Mỹ Đình, phòng ngự sẽ là yếu tố sống còn của tuyển Việt Nam.
Hàng phòng ngự đội tuyển đang trở nên "tan hoang" khi Duy Mạnh lĩnh án treo giò, Đình Trọng tái phát chấn thương còn khả năng ra sân của Bùi Tiến Dũng còn bỏ ngỏ. HLV Park buộc phải cân nhắc sử dụng những nhân tố mới, nhưng đi cùng với đó là sự thiếu kinh nghiệm ở các sân chơi đỉnh cao. Phía trên, ông cũng không có nhiều lựa chọn chất lượng cho vị trí tiền vệ phòng ngự khi Lê Tiến Anh được trả về CLB còn Phạm Đức Huy chỉ là phương án dự bị.
Đảm bảo cự ly đội hình, hạn chế những pha phạm lỗi không đáng có, cố gắng giữ quyền kiểm soát bóng và đẩy mạnh phòng ngự từ xa sẽ là những biện pháp giúp ĐT Việt Nam phần nào tránh được việc bị thổi phạt đền. HLV Park cùng các học trò còn khoảng hơn 2 ngày trước khi bước vào trận đấu với Australia. Không loại trừ khả năng với tình hình nhân sự hiện tại, chiến lược gia người Hàn Quốc sẽ cân nhắc thay phần lớn đội hình và vận hành một hệ thống chiến thuật mới để gây bất ngờ trên sân Mỹ Đình.
- Biểu cảm khó tin của Maguire trên khán đài khi MU thua thảm Man City
- Bộ trưởng Thể thao Indonesia: "Vụ bạo loạn là vết nhơ làm xấu hình ảnh Indonesia"
- Phản ứng của Mbappe trên băng ghế dự bị khi chứng kiến Messi lập siêu phẩm
- Nhân chứng hoảng loạn kể lại nguyên nhân kinh hoàng dẫn đến thảm kịch của bóng đá Indonesia
- Truyền thông thế giới bàng hoàng trước vụ bạo loạn ở giải VĐQG Indonesia
- MU nhận tin vui trước thềm đại chiến với Man City
- Bồ Đào Nha phũ phàng loại Ronaldo khỏi hình ảnh đại diện tại World Cup 2022?
- Thêm một quan chức cấp cao FIFA phải ngồi tù vì tham nhũng
- Link trực tiếp Pau FC vs FC Metz lúc 0h ngày 02/10 giải Ligue 2
- Clip: Mbappe "bẽ mặt" vì dứt điểm kém hơn Neymar, Ramos ở thử thách sút bóng