Tử huyệt của ĐT Việt Nam ở vòng loại World Cup
Những bàn thua của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup có điểm chung là đều bộc lộ một vài điểm yếu cố hữu.
Vì sao đội tuyển Việt Nam toàn thua ở vòng loại World Cup 2022
Cơn ác mộng bóng bổng
Đội tuyển Việt Nam đã nhận tổng cộng 10 bàn thua sau 4 trận đấu ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Trong đó, có đến một nửa là những pha bóng bổng.
Trên thực tế, bàn thua đầu tiên của đội tuyển Việt Nam trong trận gặp Trung Quốc không phải là một quả tạt. Tuy nhiên, bước then chốt trong pha tấn công của đối thủ là một đường phất dài lên tuyến trên mà các học trò của HLV Park Hang Seo đã tranh chấp không tốt. 5 bàn thua còn lại (bàn thứ hai của Ả-rập Xê-út, bàn duy nhất của Australia, 2 bàn sau của Trung Quốc và 2 bàn đầu của Oman) trực tiếp đến từ những quả treo bóng vào vòng cấm.
Đó là những pha bóng bổng mà hàng phòng ngự của đội tuyển Việt Nam không kiểm soát được cầu thủ đối phương. Đó không phải những quả tạt trong trạng thái tĩnh, có nghĩa là bóng được rót vào cho một cầu thủ đối phương chờ sẵn để dứt điểm. Nếu chỉ đơn giản như vậy, hàng phòng ngự được tổ chức tốt với những hậu vệ có chiều cao không tệ của đội tuyển Việt Nam thừa sức hóa giải.
Nhưng cách thức thực hiện những quả tạt của các đội bóng hàng đầu châu Á đúng là có sự khác biệt hẳn so với những đối thủ ở tầm khu vực mà đội tuyển Việt Nam từng đối mặt trước đây. Đó là những đường chuyền vào khoảng trống sau lưng hậu vệ. Cầu thủ đối phương thay vì chờ sẵn để tì đè, chiếm ưu thế về thể hình, họ sẽ di chuyển vào "điểm mù" để đón điểm rơi và tung ra cú dứt điểm.
Đó là cách mà Australia có bàn thắng duy nhất trên sân Mỹ Đình. Trung Quốc ghi 2 bàn thắng từ những quả chuyền ra sau lưng Nguyễn Thanh Bình khi cầu thủ này chẳng thể bắt kịp Wu Lei băng lên. Cả 3 đều là những quả tạt từ cánh trái của đối thủ. Trong khi đó, Ả-rập Xê-út cũng có 1 bàn bóng bổng từ hướng ngược lại, khi cầu thủ của họ lao lên sau lưng Trọng Hoàng để đánh đầu tung lưới đội tuyển Việt Nam.
Trước Oman, 2 bàn thua từ bóng bổng của đội tuyển Việt Nam lại đến theo một kịch bản khác. Đối thủ không đưa bóng đến điểm mù của hàng phòng ngự, mà treo thẳng vào trước khung thành trong những tình huống cố định.
Ở cả 2 tình huống kể trên, hàng phòng ngự của đội tuyển Việt Nam đã không có được sự chủ động cần thiết. Đặc biệt là ở bàn thua thứ hai, một cú đá phạt góc thành bàn của cầu thủ Oman.
Đội bóng Tây Á có một bài tủ trong những tình huống như vậy, khi đẩy 4-5 người áp sát khung thành để cản trở tầm hoạt động của thủ môn Văn Toản. Đó không phải là phương án mới của Oman. Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam biết rất rõ điều đó, nhưng lại không thể tìm ra cách hóa giải.
Ám ảnh phạt đền
4 bàn thua còn lại của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ ba là những quả phạt đền. Không có đội bóng nào bị phạt trong vòng cấm nhiều hơn đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022, tính cả vòng trước.
Có tổng cộng 7 lần các học trò của HLV Park Hang Seo bị thổi phạt 11 mét. Đội tuyển Việt Nam chỉ thoát thua 2 lần trong số đó (1 lần ở trận gặp Thái Lan, lần thứ hai là trận gặp Oman đêm qua). Malaysia, UAE, Oman và Ả-rập Xê-út (2 lần) là những đội chọc thủng lưới đội tuyển Việt Nam từ những quả phạt đền.
Vì sao đội tuyển Việt Nam thủng lưới từ phạt đền nhiều đến thế? HLV Park Hang Seo từng lý giải điều này mới cách đây một tháng.
"Tôi không có lời giải thích nào cho các tình huống cụ thể. Có lẽ đó là thói quen về phòng ngự của các cầu thủ khi tập kỹ thuật từ lứa trẻ. Khó có thể trả lời chính xác là tại sao", nhà cầm quân người Hàn Quốc chia sẻ.
"Ngoài lý do thói quen, tôi nghĩ có lẽ là các đội khác tạo ra áp lực quá nhiều. Khi bị dồn ép nhiều, các cầu thủ buộc phải thực hiện các động tác phòng ngự như vậy. Có thể do chiến thuật, đội hình của chúng ta hạ thấp và khi các cầu thủ bị vượt qua, họ phải phạm lỗi".
Rõ ràng đây cũng là một điểm yếu của đội tuyển Việt Nam và càng được bộc lộ rõ hơn. Các đối thủ mạnh có khả năng uy hiếp lớn hơn, từ đó buộc các học trò của HLV Park Hang Seo bộc lộ sai sót nhiều hơn.
Những quả phạt đền dẫn đến bàn thua nghiệt ngã và có lúc kém may mắn. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, điều đó cho thấy một mặt hạn chế của đội tuyển Việt Nam trong lần đầu bước lên sân chơi ở đẳng cấp cao nhất của bóng đá châu Á.
- "Vua cùi chỏ" Thái Lan quyết tâm bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup
- BLV Quang Tùng khuyên Quang Hải không nên về dự AFF Cup
- VAR rất khó được áp dụng tại AFF Cup 2022
- ĐT Việt Nam mất trụ cột quan trọng tại AFF Cup 2022
- Thái Lan chốt xong sân đá AFF Cup sau khi phải "nhường sân" cho Justin Bieber
- Thái Lan khó thi đấu trên sân nhà Rajamangala tại AFF Cup vì...Justin Bieber
- Malaysia và Indonesia nhập tịch sao khủng châu Âu, quyết đấu ĐT Việt Nam
- Báo Thái Lan: “ĐT Việt Nam nằm ở bảng tử thần”
- HLV Thái Lan thừa nhận Việt Nam mạnh nhất, gửi lời "cầu cứu" tới Chanathip
- Tổng thư ký VFF lên tiếng về kết quả bốc thăm AFF Cup 2022