Vì sao đội tuyển Việt Nam toàn thua ở vòng loại World Cup 2022

Sau 4 trận đấu đầu tiên, ĐT Việt Nam không có một điểm nào. Những thất bại trước Ả-râ[k Xê-út, Trung Quốc, Oman hay Australia mang cả ý nghĩa khách quan và chủ quan.

Tử huyệt của ĐT Việt Nam ở vòng loại World Cup

1. Đối thủ mạnh, nhiều bài tấn công lạ

Quả thực bơi ra biển lớn thì sẽ gặp sóng lớn, ĐT Việt Nam với tâm thế số 1 Đông Nam Á quả thực đã choáng váng trước sức mạnh ở đẳng cấp châu lục. Các đối thủ dù từ khá đến giỏi đều có những chiêu bài mà đội tuyển Việt Nam dù nỗ lực cũng không thể lường trước. Với Ả-rập Xê-út, chúng ta biết rõ họ mạnh ở hai biên thế nào. Nhưng độ vênh về trình độ đủ khiến cho Việt Nam thua thiệt trong cuộc chiến kéo dài 90 phút.

Sang đến trận đấu với Australia, đối thủ quả thực mới chỉ chơi 60-70% sức mạnh. Nhưng đội bóng từ xứ sở chuột túi vẫn có thể tạo ra khác biệt từ một đường chuyền có quỹ đạo cùng điểm rơi khó chịu đủ để loại bỏ cả hệ thống phòng ngự vốn dĩ đã rất tập trung của đội tuyển Việt Nam. Đấy là khác biệt ở đẳng cấp.

ĐT Việt Nam gặp nhiều đối thủ mạnh với các phương án tấn công lạ ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 - Ảnh: AFC

Trung Quốc và Oman không mạnh như Ả-rập Xê-út hay Australia. Nhưng họ có những chiêu bài đủ để làm đội tuyển Việt Nam gặp khó. Với Trung Quốc, họ bất ngờ chơi thấp để khiến Việt Nam rơi vào lúng túng, trước khi trừng phạt Việt Nam bằng một pha phản công bất ngờ. Để rồi 2 bàn thắng sau đó là dấu ấn của đẳng cấp, với sự khôn ngoan của Wu Lei, cầu thủ đang thi đấu tại La Liga, một trong năm giải VĐQG hang đầu châu Âu hiện tại. Trước Oman, Việt Nam gần như bị động trước màn dàn xếp đá phạt góc số đông trong vòng 5m50.

Rõ ràng, đối thủ mạnh hơn và những chiêu bài độc hơn đủ khiến Việt Nam vừa thua thiệt về trình độ lại vừa bị bất ngờ về các phương án tấn công của đối thủ Việt Nam.

2. V.League bị huỷ bỏ 

Lần đầu tiên trong lịch sử, V.League phải dang dở giữa chừng vì ảnh hưởng khách quan. Dịch Covid-19 khiến cho mùa giải 2021 dừng lại ngay từ tháng 5 với chỉ 12 vòng đấu. Kể từ thời điểm đấy đến nay, các cầu thủ Việt Nam chỉ hoạt động đúng nghĩa với việc lên tập trung ĐTQG rèn luyện và thi đấu.

Số trận đấu bị giảm đi đáng kể khiến cho không nhiều cầu thủ duy trì được phong độ và cảm giác bóng. Nhiều gương mặt đang có phong độ cao ở V.League như Văn Toàn, Văn Đức cũng vì thế mà bị đuối dần. Bên cạnh đó, chính dịch Covid-19 khiến các tuyển thủ phải thường xuyên tập luyện, tập trung ở ĐTQG, xa gia đình trong thời gian dài ngày. Điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, tinh thần của các cầu thủ. 

V.League dang dở ảnh hưởng đến phong độ cầu thủ và quá trình tuyển chọn hiền tài của HLV Park Hang Sẹo - Ảnh: AFC

Một yếu tố nữa liên quan đến HLV Park Hang Seo là vì V.League không thể diễn ra tiếp tục hoặc đan xen với các đợt FIFA Day dành cho ĐTQG nên ông Park không thể tuyển chọn được những cầu thủ tốt nhất ở thời điểm ấy hay tìm kiếm thêm gương mặt mới chất lượng cho đội tuyển Việt Nam. Thành thử, nhà cầm quân Hàn Quốc chỉ còn quanh quẩn với bản danh sách cũ kỹ với những gương mặt thân quen, thay vì tạo nên sự đột phá và đổi mới trong nhân sự như mong đợi. 

3. Chấn thương của một số trụ cột

Ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam không có được lực lượng mạnh nhất. Tại sao ở VCK Asian Cup 2019, một đấu trường ở đẳng cấp châu lục khác, ĐT Việt Nam chơi rất tốt, nhưng tại vòng loại lần này, các cầu thủ lại chơi không như kỳ vọng? Việc thiếu hụt lực lượng là một trong những lý do lớn.

HLV Park Hang Seo đã mất đi những nhân tố chủ chốt ở hàng thủ từng đóng góp thành công cho đội nhà. Đó là Đoàn Văn Hậu, Đặng Văn Lâm và mới đây Nguyễn Trọng Hoàng. Ngoài ra, ở hàng tiền vệ, ông Park cũng không thể có sự phục vụ của tiền vệ con thoi Đỗ Hùng Dũng, người đóng góp không nhỏ ở mặt trận phòng ngự từ xa của đội tuyển Việt Nam.

Sự vắng mặt của Văn Hậu là một tổn thất lớn với hàng thủ Việt Nam

Mất đi quá nhiều nhân tố quan trọng nơi hàng thủ, bức tường kiên cố của ĐT Việt Nam năm nào cũng vì thế mà thủng lỗ chỗ. Nếu như trong khung gỗ là Đặng Văn Lâm, đội tuyển Việt Nam chưa chắc đã thua Oman ở tình huống đá phạt góc như vậy. Nếu như có Nguyễn Trọng Hoàng hay Đoàn Văn Hậu, khả năng tấn công của Việt Nam có lẽ sẽ tốt hơn và đồng bộ hơn so với Tấn Tài và Hồng Duy. Đồng ý rằng Tấn Tài và Hồng Duy đều đã nỗ lực và chơi tốt trong mọi thời điểm. Nhưng suy cho cùng, họ vẫn chưa thể đem lại sự yên tâm cho cả trận đấu so với đôi cánh hoàn hảo mà HLV Park Hang Seo từng có được. 

4. Nhiều cầu thủ có phong độ không tốt

Ngoài câu chuyện chấn thương, phong độ của nhiều trụ cột tụt dốc là điều dẫn đến sức mạnh giảm sút đáng kể của đội tuyển Việt Nam. Điển hình rõ nhất chính là Phan Văn Đức. Cầu thủ từng là nhân tố mang đến thành công quan trọng tại AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019 xuống dốc trầm trọng ở giải đấu lần này.

Không bàn thắng, không kiến tạo và lạc nhịp trong cách chơi của đội tuyển Việt Nam chính là điển hình cho mờ nhạt của Văn Đức. Cái tên tiếp theo là Quang Hải. Ngoài bàn thắng vào lưới Ả-rập Xê-út, tiền vệ của Hà Nội FC cũng không còn duy trì được dấu ấn của ngôi sao như những giải đấu mà anh làm đầu tàu năm 2018 và 2019. 

Phan Văn Đức là một trong số những cầu thủ chơi tệ nhất ở 4 trận đã qua của vòng loại World Cup 2022

Ở hàng thủ, bên cạnh cơn bão chấn thương thì những niềm hy vọng lớn nhất như Duy Mạnh và Ngọc Hải cũng chơi không như kỳ vọng. Theo Sofa Score, Duy Mạnh là cầu thủ tệ nhất của ĐT Việt Nam trong 4 trận vừa qua. Anh nhận 3 thẻ vàng và 2 trong số đó trở thành thẻ đỏ trực tiếp ở trận gặp Ả-rập Xê-út. Đồng ý Duy Mạnh đã có gần 50 phút đầu tiên trước Ả-rập Xê-út không tồi nhưng bỏ qua trận đấu với Australia bị treo giò thì 2 trận kế tiếp gặp Oman và Trung Quốc, Duy Mạnh cũng thi đấu không tốt. Việc phán đoán điểm rơi kém cùng với những pha phạm lỗi là điều có thể nhìn thấy ở một Duy Mạnh có phần bất lực trong tranh chấp bóng với đối thủ.

5. Hệ thống đào tạo thiếu cơ bản ở CLB 

Những lý do xoay quanh chấn thương, phong độ của các cầu thủ chỉ là bề nổi cho một tảng băng chìm với rất nhiều vấn đề còn tồn tại ở bóng đá Việt Nam. HLV Park Hang Seo từng nói rằng, ông không tìm được những con người mới đủ tốt hơn so với những cầu thủ mà mình đã tự tay sàng lọc từ hai lứa 1995 - 1997 và 1997 - 1999. 

Bóng đá Việt Nam bế tắc trong việc tìm thế hệ kế cận đủ tài năng sau lứa Công Phượng, Quang Hải

Thực tế, đây cũng là 2 thế hệ cầu thủ được đào tạo bài bản nhất và có chất lượng cạnh tranh tốt nhất mà bóng đá Việt Nam có được trong khoảng 10-15 năm trở lại đây. Nhưng đằng sau những thế hệ này, chúng ta đang không có được một dàn quân trẻ đủ tốt để sẵn sàng đứng chung mâm với các đàn anh.

Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Văn Toản là những cầu thủ hiếm hoi của đội U22 Việt Nam hiện tại được tạo điều kiện ra sân thi đấu ở cấp độ ĐTQG. Nhưng những gì họ thể hiện là hết sức thất vọng. Thanh Bình vì quá non kinh nghiệm mà để cho Wu Lei vượt mặt trong 2 bàn thua của ĐT Việt Nam trước Trung Quốc. Văn Toản cũng quá ngây thơ khi đối phó với những pha tranh bóng bổng từ phía Oman. Khoảng trống thế hệ đang là điều mà đội tuyển Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung phải đối diện trong tương lai gần. 

6. Khoa học thể thao chưa được đánh giá đúng mức 

Cho đến hiện tại, kiến thức khoa học trong thể thao vẫn là điều mà các cầu thủ Việt Nam còn rất mơ hồ. Chế độ tập luyện, dinh dưỡng, sinh hoạt chưa được chính các HLV chứ chưa nói đến các cầu thủ hiểu một cách chuẩn xác. Trường hợp mới đây của Văn Hậu là một điển hình. Theo siêu cò Jernel Kamensek, người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu phát triển bóng đá châu Âu, chấn thương của Văn Hậu là câu chuyện chung mang tính cơ bản mà đông đảo cầu thủ Việt Nam đều mắc phải. 

Vấn đề của Văn Hậu là không lắng nghe cơ thể

Ông nói: “Vấn đề của Văn Hậu rất đơn giản. Đó là việc không lắng nghe cơ thể. Không phải cứ vào phòng gym, nâng tạ, ăn thật nhiều bữa rồi làm người to ra. Bởi khi người to ra một cách bất thường sẽ khiến cho các cơ tỏa ra. Như thế rất không ổn. Tiếp nữa về vấn đề các cầu thủ ở đội tuyển Việt Nam chấn thương. Có vài người ở đây không chuyên nghiệp. Điều này có thể hiểu theo hướng họ bất chấp mọi giá để giành được thành tích. Và như thế là không chuyên nghiệp cho nền thể thao 

Với trường hợp của Văn Hậu, việc cậu ấy gặp phải như ngày hôm nay là dĩ nhiên. Nếu ai đủ trình độ để quan tâm đến y tế thể thao thì thừa hiểu việc Văn Hậu chấn thương không có gì bất ngờ, mà nó là hệ quả tất yếu của việc ăn sai, hiểu sai, không lắng nghe cơ thể và cũng cực kỳ thiếu chuyên nghiệp trong việc hoạch định những kế hoạch dài hạn và ngắn hạn của nền bóng đá”. 

7. VAR và nỗi buồn của một nền bóng đá còn lạc hậu 

Khi mà các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan hay Singapore đã rất quen thuộc với những chiếc áo đo nhịp tim, huyết áp,… phục vụ trong tập luyện thì cũng chỉ khoảng 4-5 năm trở lại đây, đội tuyển Việt Nam và một vài CLB như TP.HCM, HAGL hay Hà Nội FC mới được tiếp xúc. Còn rất nhiều đội bóng ở Việt Nam, kể cả là chuyên nghiệp quanh năm vẫn chỉ lo xem có đủ cơm để ăn, đủ phương tiện để di chuyển. Một bữa ăn đủ chất dinh dưỡng hay tránh khỏi cảnh nợ lương còn là câu chuyện đau đáu thì đừng nhắc đến những thiết bị tập luyện hiện đại hay sự xuất hiện của công nghệ VAR tại V.League. 

Các cầu thủ Việt Nam bỡ ngỡ với VAR khi ra vòng loại World Cup 2022 - Ảnh: AFC

Thực tế, cách đây 2 năm, VPF đã nghĩ đến việc áp dụng VAR vào V.League. Họ thậm chí còn mời một đối tác về VAR của AFC và các đơn vị truyền hình để tìm cách hợp tác. Tuy nhiên, bên cạnh chi phí lên đến 30-40 tỷ đồng thì việc thực hiện lắp đặt VAR ở Việt Nam cũng không hề đơn giản. Cũng chính vì vậy mà cho đến hiện tại, VAR vẫn là ước mơ chưa thể hiện thực với V.League. 

Không có VAR, công tác trọng tài lại yếu kém, những nhức nhối xoay quanh cầu thủ phản ứng trọng tài quyết liệt, thậm chí là chửi mắng, đuổi đánh hay thường xuyên chơi tiểu xảo, đánh nguội xảy ra qua từng vòng của V.League. Vô hình trung, nó trở thành thói quen mà chính các tuyển thủ quốc gia cũng bị ảnh hưởng. Để rồi trong 4 trận đấu đã qua, chúng ta đã phải trả một cái giá không nhỏ từ những phản ứng xấu xí tại mặt trận châu Á, nơi các trọng tài khắt khe hơn và VAR xuất hiện thường trực như một “vũ khí” chống lại Việt Nam. 

8. Thiếu đối thủ mạnh và một giải VĐQG mạnh

Nói gì thì nói, việc đội tuyển Việt Nam vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022, dù có thất bại liên tục cũng là niềm vui cho những người tâm huyết với bóng đá nước nhà. Bởi trong lịch sử, không phải lúc nào Việt Nam cũng có thể tham dự VCK Asian Cup chứ chưa nói đến vòng loại cuối cùng World Cup để có thể được thi đấu, được tăng trình độ và nâng cao sức mạnh của bản thân như hiện tại.

Có một thời gian dài, chúng ta chỉ quẩn quanh với việc làm thế nào để thắng được Thái Lan, làm thế nào để vượt qua cái dớp Indonesia hay Malaysia. Hoặc nếu ra trường châu lục, những đối thủ mà Việt Nam chạm trán thường chỉ là Đài Bắc Trung Hoa, Syria, Afghanistan… Hoạ chăng, Việt Nam có thể rơi vào bảng đấu của một đội tuyển mạnh và kịch bản cũng ai có thể thấy rõ là thất bại. Bài học mà Việt Nam nhận được cũng chỉ gói gọn trong 90 phút. 

ĐT Việt Nam đang được cọ xát và nâng cao trình độ khi gặp những đội mạnh nhất châu Á - Ảnh: AFC

Do đó, việc Việt Nam được tham dự vòng loại cuối cùng World Cup không chỉ mở ra cơ hội để hiện tại, chúng ta được thi đấu trước các đội tuyển mạnh mà trong tương lai gần, vị thế của Việt Nam giúp chúng ta có cơ hội để tìm các đối thủ mạnh để cọ xát. 

Nhưng câu chuyện đó sẽ chưa thể xảy ra với V.League. Đến thời điểm này, giải đấu vẫn còn trăn trở với việc các đội bóng bỏ giải, các CLB thiếu đủ các điều kiện về tiêu chí bóng đá chuyên nghiệp từ AFC. Đương nhiên, những tuyển thủ quốc gia thi đấu tại V.League cũng vì thế mà như ếch ngồi đáy giếng, không thể nâng cao trình độ của mình.