Rào cản lớn khiến Quang Hải, Hoàng Đức chưa thể xuất ngoại

Sau lễ trao giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam 2021, một câu hỏi quen thuộc lại được đặt ra là liệu sân chơi V.League đã trở nên chật chội với hai cầu thủ giành được vị trí cao nhất là Bóng vàng Hoàng Đức và Bóng bạc Quang Hải.

Hai tiền vệ tài hoa đều thuận chân trái đang được đánh giá là những ngôi sao có đẳng cấp cao nhất của bóng đá Việt Nam và trong con mắt của nhiều chuyên gia, họ có đủ khả năng để hướng tới những thử thách cao hơn. Bản thân Quang Hải và Hoàng Đức cũng đã nhận được những lời mời hấp dẫn từ các CLB nước ngoài, song việc họ xuất ngoại thi đấu cho đến thời điểm này vẫn chỉ là những lời đồn đại chưa trở thành sự thật. Không ai có thể phủ nhận tài năng của bộ đôi này, song thất bại của những người đi trước cùng với những nét đặc thù của bóng đá Việt Nam có thể đang là những rào cản khiến cho Hải và Đức chưa thể thực hiện những bước đi đầy tham vọng của họ.

Hoàng Đức đã sẵn sàng xuất ngoại sau khi giành danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam?

Gabriel Tan, chuyên gia của ESPN trong một bài viết sau AFF Cup 2020 cho rằng các ngôi sao của đội tuyển Việt Nam như Quang Hải, Hoàng Đức, Tiến Linh đang giống như những “con cá lớn nằm trong ao tù”. Gabriel Tan đánh giá: “Xét về chất lượng chơi bóng, những cầu thủ như Quang Hải, Hoàng Đức và Tiến Linh đều rất xuất sắc nhưng ở thời điểm này họ vẫn đang thi đấu ở giải trong nước. Điều này tạo ra cho họ một cuộc sống quá thoải mái giống như những con cá lớn vùng vẫy trong một cái ao nhỏ. Theo cá nhân tôi, điều này không hẳn là do những cầu thủ này không có khát vọng tiến xa hơn trong sự nghiệp, mà do có sự ràng buộc với các đội bóng mà họ đang khoác áo”. Chuyên gia này cũng tin rằng các đội bóng tại V.League nên tạo cơ hội cho các ngôi sao như Quang Hải và Hoàng Đức ra nước ngoài thi đấu để không lãng phí tài năng của họ.

“Cái ao nhỏ” mà Gabriel Tan đề cập đến chính là “vùng an toàn” của các cầu thủ Việt Nam. Giống như bất cứ một lĩnh vực nào trong cuộc sống, việc bước chân ra khỏi “vùng an toàn” để đón nhận những thử thách mới là một sự đặt cược vào số phận. Tài năng hay đẳng cấp nhiều khi không phải là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công. Tham vọng của Quang Hải hay Hoàng Đức là không phải bàn cãi. Trong bất cứ một ngành nghề nào, khi đã đạt đến một ngưỡng nhất định trong sự nghiệp, không ai không muốn đặt ra những mục tiêu cao hơn để phấn đấu. Thế nhưng để bước ra khỏi vùng an toàn và dấn thân vào thử thách lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đó là một quyết định quan trọng có thể thay đổi cả hành trình sự nghiệp của một con người, nếu nó đi lên thì quá tốt, nhưng thất bại cũng sẽ luôn trực chờ.

Đã đến lúc để Quang Hải thoát ra "ao tù" V.League?

Sẽ thật dễ dàng nếu chúng ta, những người hâm mộ bóng đá đơn thuần, liên tục thúc giục các ngôi sao của bóng đá Việt Nam xuất ngoại để “nâng tầm bản thân và nâng tầm bóng đá Việt” nhưng với các cầu thủ, họ còn rất nhiều thứ để cân nhắc trước khi đưa ra một quyết định ảnh hưởng rất nhiều đến cả sự nghiệp lẫn cuộc sống. Môi trường tại V.League dù có những giới hạn về mặt chuyên môn, nhưng nó đảm bảo cho những ngôi sao như Quang Hải hay Hoàng Đức 2 yếu tố quan trọng: Thứ nhất, họ được ra sân chơi bóng một cách đều đặn trong màu áo CLB và thứ hai, họ luôn có một nguồn thu nhập hấp dẫn, ổn định.

“Vùng an toàn” thì ấm áp dễ chịu, trong khi “biển lớn” thì đầy những thử thách, cạm bẫy không ai có thể lường trước dù những bến bờ mới có thể đầy hấp dẫn. Đứng trước lựa chọn này, tất cả mọi người đều phải cân nhắc kỹ càng. Sự tính toán càng phải kỹ lưỡng hơn khi trước mắt đã có những bài học lớn. Thực tế chỉ ra rằng những trường hợp xuất ngoại trong quá khứ của bóng đá Việt Nam đều không đem lại cho các cầu thủ những bước tiến vượt bậc như người ta kỳ vọng. Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng, hay trường hợp gần đây nhất là Văn Hậu đều đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ đứng ở các CLB nước ngoài. Họ chỉ trụ lại được các đội bóng đó trong một khoảng thời gian ngắn, không tạo nên ấn tượng gì đặc biệt. Một vài người còn dính những chấn thương nghiêm trọng và sẽ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh rất quyết liệt để lấy lại vị trí ở ĐTQG sau khi trở lại.

Rời Hà Nội FC, Hải "con" sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách

Bóng đá Việt Nam chưa có một người tiên phong thành công như Chanathip Songkrasin, ngôi sao số 1 của bóng đá Thái Lan đã khẳng định được đẳng cấp và tên tuổi tại J.League. Ngay sau chức vô địch AFF Cup 2020 cùng đội tuyển Thái Lan và nhận giải thưởng cầu thủ hay nhất giải, Chanathip Songkrasin đã chuyển đến khoác áo đội Kawasaki Frontale, đội bóng đương kim vô địch Nhật Bản. Được biết Kawasaki Frontale đã bỏ ra 3,8 triệu USD, một mức giá kỷ lục trong các vụ chuyển nhượng nội bộ giữa các đội bóng J.League để có chữ ký của “Messi Thái” từ Consodale Sapporo. Trước đó, Chanathip đã xây dựng tên tuổi như một ngôi sao hàng đầu J.League khi có 5 mùa giải khoác áo Consodale Sapporo, ra sân 123 trận, ghi 16 bàn. Đến Kawasaki Frontale là một bước tiến lớn trong sự nghiệp của Chanathip khi đây không chỉ là một trong những đội bóng mạnh nhất Nhật Bản mà còn là một ứng viên hàng đầu tại AFC Champions League.

Chứng kiến những gì Chanathip đã làm được, người hâm mộ bóng đá Việt Nam chắc chắn cũng đặt ra một niềm hy vọng rằng sẽ sớm có một tuyển thủ quốc gia đạt đến đẳng cấp tương tự. Mong mỏi này là điều dễ hiểu, nhất là khi ở những cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Thái Lan trong thời gian gần đây, màn trình diễn của Quang Hải không thua kém quá xa so với trình độ của Chanathip. Sự tiến bộ vượt bậc của Hoàng Đức cũng mang đến những kỳ vọng lớn lao. Trợ lý Lee Young-jin của HLV Park Hang-seo từng khẳng định rằng các ngôi sao của bóng đá Việt Nam như Hoàng Đức và Quang Hải hoàn toàn có đủ khả năng để cạnh tranh vị trí khi ra nước ngoài thi đấu, nhất là ở những quốc gia trong khu vực châu Á. Việc Quang Hải hay Hoàng Đức có thể chơi tốt ở giải Thái Lan hay thậm chí là Nhật Bản, Hàn Quốc với là điều không phải quá xa vời với khả năng của họ.

Chanathip Songkrasin là hình mẫu mà các cầu thủ Việt Nam muốn hướng tới

Tất nhiên để có được thành công như Chanathip là một câu chuyện không hề đơn giản. Để có được vị trí như hiện tại, cầu thủ sinh năm 1993 đã có một quá trình tự rèn luyện cực kỳ khốc liệt. Kỹ thuật và tư duy chơi bóng có thể là thiên phú, nhưng để tồn tại ở môi trường bóng đá khắc nghiệt hơn thì mọi cầu thủ đều cần phải hoàn thiện bản thân ở mức độ cao nhất. Chanathip có thể hình bé nhỏ, nhưng nhờ việc tập luyện chăm chỉ đã giúp cầu thủ này có một thể lực và sự bền bỉ đáng nể. Đây chính là một rào cản “truyền thống” với nhiều cầu thủ xuất sắc của bóng đá Việt Nam muốn tìm đường ra nước ngoài chơi bóng. Dù nền tảng thể chất mặt bằng chung đã được nâng cao hơn đáng kể thời gian gần đây, đặc biệt dưới thời HLV Park Hang-seo, nhưng nó có lẽ vẫn chưa đủ để cho những cầu thủ Việt Nam có được hành trang tốt nhất để bước vào thử thách nơi đất khách, nơi cường độ tập luyện và thi đấu chắc chắn khốc liệt hơn rất nhiều so với môi trường trong nước. Để đạt được thành công như Chanathip, Quang Hải và Hoàng Đức cần có được một sự chuẩn bị tốt nhất cả về thể lực lẫn tâm lý, những nền tảng không thể thiếu để giúp họ phát huy hết khả năng chơi bóng đã được đánh giá cao của mình.

Hoàng Đức cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất trước khi ra nước ngoài thi đấu

Bên cạnh những rào cản về tâm lý và thể lực cầu thủ, cách thức vận hành của bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại vẫn chưa được tối ưu cho các ngôi sao xuất ngoại. Bóng đá Việt Nam dù tiến lên chuyên nghiệp hơn 2 thập kỷ vẫn chưa trở thành một nền công nghiệp vận hành trơn tru với vòng quay tài chính như các quốc gia có nền bóng đá phát triển hơn. Mô hình hoạt động của hầu hết các đội bóng là chờ ông bầu, nhà tài trợ rót tiền đầu tư, mua sắm cầu thủ và hoàn thành chỉ tiêu đặt ra trước thềm mùa giải. Nguồn thu ngược lại đến từ chính hoạt động bóng đá là không đáng kể, nói một cách nôm na là “bóng đá không nuôi được bóng đá”. Các CLB không bị đặt trong guồng quay phải tự tìm cách tồn tại bằng những hoạt động bóng đá, trong đó có chuyển nhượng cầu thủ. Nếu Muangthong Utd sau khi bán Chanathip cho Consadole Sapporo đã dùng khoản tiền đó để tái đầu tư vào bóng đá thông qua chuyển nhượng hay đào tạo cầu thủ thì ví dụ với Viettel lúc này, họ chắc chắn chẳng cần tiền đến mức độ phải bán Hoàng Đức. Trong bối cảnh không bị áp lực kinh tế, các đội bóng V.League có lẽ cũng chẳng muốn đẩy đi những ngôi sao sáng nhất trong đội hình của mình, những cầu thủ có thể thu hút CĐV đến sân và những nguồn tài trợ hấp dẫn khác.

Viettel và Hà Nội FC cần có sự hỗ trợ để hai ngôi sao của bóng đá Việt Nam "bơi ra biển lớn"

Dĩ nhiên vì sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam, nếu như Quang Hải hay Hoàng Đức nhận được những lời mời hấp dẫn, có thể tin rằng Viettel hay Hà Nội FC cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho họ xuất ngoại thi đấu. Nhưng rõ ràng rằng việc để các ngôi sao bóng đá Việt Nam ra nước ngoài thi đấu ở thời điểm này dường như vẫn chưa có được một sự chuẩn bị kỹ càng về mặt nền tảng, chiến lược từ mặt cá nhân đến tập thể. Vì thế, việc những ngôi sao hàng đầu như Quang Hải hay Hoàng Đức ra nước ngoài chơi bóng có lẽ còn cần thêm một khoảng thời gian nữa để trở thành sự thật.