Cesar Azpilicueta: Thủ lĩnh đích thực của Chelsea

Trong lịch sử hào hùng gần 120 năm của mình, Chelsea có rất nhiều đội trưởng huyền thoại. Thế hệ xưa nhớ về Ron Harris, lứa 8x không ai có thể quên Dennis Wise, gạch nối quá khứ và hiện đại chắc chắn là John Terry.

Tất cả những cái tên kể trên đều rất nổi bật, đầy cá tính và làm nên thương hiệu riêng. César Azpilicueta khác xa những tiền bối của mình, anh âm thầm, khiêm nhường và chẳng bao giờ là một ngôi sao bóng bẩy. Nhưng Azpilicueta luôn xứng đáng một chỗ trong ngôi đền của các huyền thoại The Blues.

Azpilicueta là một món hời của Chelsea

Cách đây không lâu, rất nhiều fan Chelsea đã kỷ niệm 9 năm ngày Azpilicueta gia nhập Stamford Bridge. Mùa hè 2012, hậu vệ người Tây Ban Nha đến từ Marseille với cái giá chỉ 7 triệu bảng. Rất ít người nghĩ một sự đầu tư khiêm tốn như vậy có thể mang tới một trong những cầu thủ thành công bậc nhất lịch sử Chelsea.

9 năm trôi qua, Azpilicueta chẳng còn thiếu danh hiệu gì ở cấp độ CLB. Anh đã 2 lần lên ngôi vô địch Premier League, 1 Champions League, 2 Europa League, 1 Siêu cúp châu Âu và vô số chiến tích lẫy lừng khác. Nếu có chăng, Azpilicueta chỉ thiếu một sự công nhận cho bản thân mình, từ giới chuyên môn trung lập.

Chứ còn với fan Chelsea, Azpilicueta không cần phải chứng minh thêm điều gì cả. Sự tận tụy của cầu thủ 32 tuổi là một thứ tài sản vô giá. Chelsea dưới thời Roman Abramovich không thiếu tiền, và sự thực là họ đã chi ra rất nhiều tiền để chiêu mộ lực lượng. Nhưng rốt cuộc, họ lại có được Azpilicueta với một mức giá không tưởng, biến anh thành món hời để đời của Tây London.

Sự cao cả của Azpilicueta nằm ở việc anh thực sự yêu môn thể thao này. Nghe có vẻ sai sai, cầu thủ nào mà chẳng yêu bóng đá. Đúng là như thế, nhưng không phải ai cũng chấp nhận thi đấu trái sở trường của mình. Còn với Azpilicueta, được ra sân đã là một hạnh phúc, chạm tới quả bóng mỗi tuần đã là một đặc ân.

Azpilicueta chưa bao giờ khiến người khác phải cảm thấy mình là một thứ gây cản trở, một cái gai trong mắt. Azpilicueta chính là mẫu người mà ai cũng quý mến, chỉ muốn góp sức vào thành công của tập thể. Chẳng thế mà khi nhận nhiệm vụ đá hậu vệ phải, hậu vệ trái, thậm chí wing-back phải, rồi trung vệ, Azpilicueta chẳng bao giờ chối từ.

Gọi Azpilicueta là gì cũng được, vì anh đâu có quan trọng điều đó. Là một hậu vệ phải khi được mua về, nhưng Azpilicueta lại thành danh những ngày đầu ở Stamford Brigde với vị trí bên hành lang đối diện. Khi đó, Ivanovic quá xuất sắc ở cánh phải, trong khi cánh trái khủng hoảng với chấn thương của Ashley Cole. Thế là Jose Mourinho đã điều Azpilicueta sang đóng thế bất đắc dĩ. Nhưng có ngờ đâu, một cascadeur cũng có thể giành giải Oscar.

Vào cuối mùa 2013/14, Azpilicueta nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm do các đồng đội bình chọn. Mourinho phải thốt lên: "Azpilicueta là mẫu cầu thủ mà tôi thích nhất. Tôi nghĩ một đội hình với 11 Azpilicueta sẽ vô địch Champions League bởi vì bóng đá không phải trò chơi của tài năng thuần túy".

Ngay cả ở mùa 2014/15, khi Chelsea bỏ ra tới 15,8 triệu bảng cho Filipe Luis - cầu thủ vừa vô địch La Liga cùng Atletico, để thay thế cho Cole, Azpilicueta vẫn là sự lựa chọn số 1 bên hành lang trái. Chính Luis thừa nhận mình không có cơ hội ở đó khi Azpilicueta lúc nào cũng như một viên kim cương, toàn diện hoàn hảo.

Ở thời điểm Antonio Conte mới nhậm chức, lúc cực kỳ bối rối với nhân sự, ông cũng kéo Azpilicueta sang cánh trái. Hậu vệ người Tây Ban Nha giống như tổng đài cứu hộ, chưa bao giờ nói không với bất kỳ bàn tay cần trợ giúp nào.

Mourinho cực kỳ hâm mộ Azpilicueta

Nhưng Azpilicueta đa nhiệm không có nghĩa là anh không đủ tài năng để chơi cố định một vị trí. Trái lại hoàn toàn, Azpilicueta được đánh giá là một trong những hậu vệ xuất sắc nhất kỷ nguyên Premier League và đã vươn tầm thế giới. Azpilicueta không có nhiều kỹ năng như Dani Alves, không thông minh được như Phillip Lahm nhưng bù lại, cực kỳ biết mình biết người.

Azpilicueta hiểu rõ nhất khả năng của mình. Anh không bao giờ chủ quan, luôn tận hiến khi được ra sân. Chính vì thế, rất ít khi bạn thấy Azpilicueta mắc lỗi hay để xuống phong độ trong vài tháng, thậm chí là vài tuần.

Azpilicueta mạnh nhất ở khả năng đeo bám và bọc lót. Chính vì thế, trong các hệ thống phòng ngự 3 trung vệ, và khi cần sẽ biến chuyển thành hàng thủ 5 người, Azpilicueta cực kỳ phù hợp. Mối quan hệ giữa Azpilicueta và đàn em Reece James chính là ví dụ điển hình nhất.

Khi chơi ở vị trí trung vệ lệch phải, Azpilicueta có thừa sự tỉnh táo và kinh nghiệm để bọc lót cho người đồng đội trẻ tuổi. Nhưng khi James có vấn đề gì, ví dụ như lĩnh thẻ đỏ trong trận đấu với Liverpool mới đây, Azpilicueta lại được điều chuyển lấp vào vị trí của James một cách ngon lành. Hàng thủ của Chelsea vẫn vững hệt như chưa có chuyện gì xảy ra, vì thế mới có chuyện 10 người của The Blues đã buộc 11 người của Liverpool bất lực trong việc ghi bàn suốt 45 phút hiệp 2.

Màn tráo đổi luân phiên giữa Azpilicueta và James trong mùa trước cũng cực kỳ thú vị. Mỗi khi đối đầu với Leicester, HLV Thomas Tuchel lại kéo James về trung vệ để tận dụng tốc độ tốt của cầu thủ người Anh nhằm khóa chặt Jamie Vardy. Nhưng chỉ vài ngày sau, ở trận chung kết Champions League gặp Man City, lại là Azpilicueta ở vị trí trung vệ. Sự biến hóa này những đội khác không thể làm được, cả Chelsea cũng không thể nếu thiếu một cầu thủ đa nhiệm như Azpilicueta.

Ngoài ra, đừng coi thường khả năng lên tham gia tấn công của Azpilicueta. Sau 300 lần ra sân ở Premier League, Azpilicueta đã ghi được 9 bàn thắng. Nhưng điểm cần lưu ý là Azpilicueta đã có 33 kiến tạo, cùng tỷ lệ tạt bóng chuẩn xác trung bình 22%. Hẳn tất cả fan Chelsea vẫn nhớ combo phối hợp hiệu quả của mùa 2017/18 khi Azpilicueta cứ tạt bóng là Alvaro Morata lại đánh đầu ghi bàn.

Tài năng của Azpilicueta không hề khiêm tốn như bản tính của anh

Cuối cùng nhưng cũng quan trọng nhất, Azpilicueta chính là chất kéo kết dính phòng thay đồ Chelsea qua rất nhiều giai đoạn. 9 năm ở Stamford Bridge, Azpilicueta giờ là thành viên lâu năm nhất của The Blues. Anh đã trải qua rất nhiều thời kỳ quản lý, và hiểu rõ đội bóng này vận hành như thế nào.

Sự linh hoạt, thích nghi nhanh là điều được đề cao ở Chelsea. Chỉ những cầu thủ làm quen nhanh với biến cố mới có thể tồn tại được. Azpilicueta không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình mà còn giúp đỡ rất nhiều đồng đội, để họ cảm thấy không đơn độc trong một môi trường khắc nghiệt nhất thế giới bóng đá.

Sau khi Terry ra đi, băng đội trưởng được giao lại cho Garry Cahill nhưng giai đoạn 2017-2019 chứng kiến phong độ đi xuống thấy rõ của trung vệ người Anh. Mùa 2018/19, Cahill thậm chí chỉ được ra sân có 8 trận, trước khi bị thanh lý vào cuối mùa. Thủ lĩnh thực sự của Chelsea từ thời điểm đó đã là Azpilicueta, trước khi chính thức nhậm chức vào mùa hè 2019.

Cũng là một cầu thủ thi đấu ở hàng phòng ngự nhưng Azpilicueta không phải mẫu ngôi sao kiểu như John Terry. Azpilicueta không thể lao lên tấn công và ghi bàn phút cuối như người đàn anh của mình. Nhưng bù lại, Azpilicueta là người đội trưởng khiêm tốn nhất mà Chelsea từng có, luôn nhận mọi phần hy sinh về mình và nhường vinh quang cho đồng đội.

Trong chiến tích vô địch Champions League mùa trước, mọi người chắc chắn sẽ nhắc nhiều đến Mason Mount, Kai Havert, Jorginho, N'golo Kante. Nhưng những con người kia sẽ chẳng bao giờ là một khối thống nhất nếu thiếu sự lãnh đạo bền bỉ của "Dave" - biệt danh trìu mến mà các đàn em dành cho Azpilicueta.

Mới đây, tân binh mới mà cũ Romelu Lukaku cũng tiết lộ một chi tiết về thủ lĩnh thực sự của Chelsea: "Azpi là đội trưởng, anh ấy đã ở đây nhiều năm và là một thủ lĩnh vĩ đại. Khi tôi đang trong quá trình tự cách ly, Azpi đã nhắn tin cho tôi, anh ấy cho tôi cảm giác rằng mình chưa bao giờ rời xa CLB này".

Những hành động nhỏ bé đấy mới chính là con người của Azpilicueta, mới thực sự là chân giá trị của người đội trưởng có 1 không 2 này trong lịch sử Chelsea.

 VTVcab