Đình Trọng: Rời Hà Nội để thực sự trưởng thành

Trước khi TTCN 2022 khép lại, V.League chứng kiến một cú sốc thực sự khi trung vệ Trần Đình Trọng quyết định rời CLB Hà Nội để gia nhập Topenland Bình Định theo dạng tự do.

Về mặt lý thuyết, đây là một nước đi khá khó hiểu của cầu thủ sinh năm 1997, đặc biệt là nếu biết ban đầu, cả CLB Hà Nội và Đình Trọng đều muốn tiếp tục bên nhau.

Ở trong một tập thể mạnh là điều mà bất cứ cầu thủ nào cũng muốn, đặc biệt là một đại gia đã ổn định rất nhiều năm như Hà Nội FC. Ở lại thủ đô, cơ hội giành danh hiệu, cũng như suất được lên ĐTQG Việt Nam chắc chắn là cao hơn với Đình Trọng nếu so với Bình Định. Thế nhưng Trọng "ỉn" vẫn quyết định ra đi và để lại rất nhiều nỗi tiếc nuối cho người hâm mộ Hà Nội.

Lý giải về chuyện này, phía Hà Nội, đại diện là Giám đốc Điều hành Nguyễn Quốc Tuấn chia sẻ: "CLB ưu tiên giữ chân Đình Trọng. Bản thân cậu ấy cũng đàm phán trước với Hà Nội, dù nhận được nhiều lời mời hấp dẫn. Tuy nhiên, quá trình đàm phán không thành công.

Có hai nguyên nhân. Thứ nhất, đôi bên không tìm được tiếng nói chung về mức đãi ngộ. CLB rất trân trọng Đình Trọng nhưng mức lót tay ở đội bóng có mức trần, không thể phá vỡ. Thứ hai, Đình Trọng muốn tìm thử thách mới, sau khi đã giành mọi danh hiệu quốc nội với đội bóng".

Đình Trọng đã "no đủ" danh hiệu ở Hà Nội

Cả 2 điều ông Tuấn nói đều được xác thực. Thứ nhất là về mặt động lực, Đình Trọng thực sự đã no đủ ở Hà Nội. Đình Trọng trưởng thành từ lò đào tạo trẻ CLB Hà Nội. Anh thi đấu cho Công An Nhân Dân rồi Sài Gòn FC theo dạng cho mượn từ năm 2014 đến 2017. Mùa 2018, anh trở lại khoác áo đội một Hà Nội, góp phần quan trọng vào chức vô địch V-League 2018, 2019, Cup Quốc gia 2019, 2020, Siêu Cup Quốc gia 2018, 2019, 2020.

Còn về đãi ngộ, theo một vài nguồn tin, Đình Trọng sẽ ký hợp đồng có thời hạn 3 năm với Bình Định, cùng mức phí lót tay lên tới 10 tỷ đồng. Kể cả với một tuyển thủ ĐTQG thì con số 10 tỷ đồng vẫn rất lớn và đủ để hấp dẫn.

Nhưng có một điều người hâm mộ thắc mắc là tại sao phải đợi tới những ngày cuối cùng trước hạn chót đăng ký cho V.League 2022, Đình Trọng mới rời Hà Nội và gia nhập Bình Định? Về vấn đề này, ông Tuấn nói thêm:

"Thời gian qua Đình Trọng liên tục đi cùng đội tuyển nên CLB và cậu ấy không thể trực tiếp đám phán. Chuyện hợp đồng không thể nói qua điện thoại. Khi Đình Trọng trở về sau trận đấu với Trung Quốc ngày mùng Một Tết, đôi bên mới chính thức ngồi lại".

Từ đây có thể nhận thấy rằng đây là mộ quyết định chưa được chuẩn bị trước của Trọng, hoặc chăng ban đầu chỉ là một ý niệm thoáng qua, đến khi thực sự làm việc với BLĐ CLB Hà Nội thì mới thông suốt. Bước ra khỏi vùng an toàn đã khó, bước vội ra còn khó hơn gấp bội. Tâm thư chia tay Hà Nội của Trọng "ỉn" đã nói lên hết tâm sự của anh:

“Đây thật sự là một quyết định quá đỗi khó khăn đối với Trọng. Để đưa ra quyết định khó khăn này, Trọng đã phải suy nghĩ một thời gian rất dài.

Không thể tiếp tục đồng hành cùng Hà Nội FC là một điều tiếc nuối trong sự nghiệp cầu thủ của Trọng. Nhưng đồng thời cũng là một bước tiến mới cũng như là một trang mới trong sự nghiệp cầu thủ. Mong mọi người hiểu và luôn ủng hộ Trọng trong chặng đường sắp tới”.

Chia sẻ trên một diễn đàn khác, Trọng nói thêm: "Trong tim tôi luôn dành tình yêu lớn cho Hà Nội. Tôi nợ nơi đây rất nhiều. Một cầu thủ chuyên nghiệp luôn có những quyết định lớn cho đời mình. Chuyện rời Hà Nội là một quyết định khó khăn và đầy trăn trở. Tôi đã bàn bạc với gia đình nhiều lần trước khi đưa ra quyết định.

Bố mẹ tôi bất ngờ lắm! Ông bà cũng buồn khi tôi đề cập chuyện chia tay CLB Hà Nội. Bố mẹ dặn tôi phải cân nhắc thật kỹ quyết định của mình, nhưng họ cũng nói rằng, ủng hộ tuyệt đối lựa chọn của tôi trên bước đường sắp tới".

Không dễ để Đình Trọng rời Hà Nội

Về phần CLB Hà Nội, Đình Trọng coi như đã trọn vẹn tình nghĩa. Là một cầu thủ không thể thi đấu nhiều suốt 2 năm qua vì chấn thương liên tiếp, ở lại Hà Nội là một lựa chọn dễ dàng hơn nhiều với trung vệ 24 tuổi. Nhưng Đình Trọng không muốn bị gắn mác đang lợi dụng Hà Nội, kéo lùi sự phát triển của đồng đội chỉ để dành suất cho mình.

Hà Nội đang có rất nhiều trung vệ nội chất lượng. Những Việt Anh, Thành Chung, Duy Mạnh, thậm chí cả cậu bé 19 tuổi Vũ Tiến Long cần nhiều không gian để phát triển. Đây đồng thời cũng là một sự cạnh tranh ảnh hưởng tới vị trí đá chính của Trọng.

Đẳng cấp cỡ Đình Trọng ở Hà Nội vốn đã không tầm thường, sang những đội khác càng được nâng niu. Vì thế, như Trọng nói, "Một cầu thủ chuyên nghiệp luôn có những quyết định lớn cho đời mình", và đây là thời điểm thích hợp để anh ra quyết định lớn cho bản thân.

Bây giờ, câu hỏi được quan tâm là: Tại sao Trọng lại chọn Bình Định? Có rất nhiều đại gia khác ở cùng đẳng cấp với Hà Nội, tại sao lại là một đội bóng không có nhiều thành tích ở đất Võ? Câu trả lời có lẽ cũng chỉ nằm ở từ "thử thách" mà thôi.

Khác với dáng vẻ mảnh khảnh, có phần thư sinh của mình, Đình Trọng là một con người cực kỳ thích thử thách. Thử thách càng lớn, hưng phấn càng cao. Nó thể hiện qua thói quen của Trọng trên sân khi anh là một trung vệ nội hiếm hoi có khả năng "săn Tây" đỉnh cao. Kể cả tiền đạo ngoại đối phương có cao lớn, dũng mãnh như thế nào, Đình Trọng cũng không bao giờ ngại đối đầu, thậm chí luôn tìm ra cách để thắng thế.

Chọn Bình Định cũng thể hiện đam mê chinh phục thử thách lớn của Đình Trọng. Qua lời Trọng, chúng ta hiểu được một phần: "CLB Bình Định rất thiện chí và họ cho tôi thấy tham vọng lớn. Nhìn từ việc chiêu mộ cầu thủ, tôi nghĩ, họ đầu tư rất mạnh và có mục tiêu rõ ràng. Không chỉ tôi mà bất kỳ cầu thủ nào cũng muốn được thi đấu trong một môi trường như vậy".

Đình Trọng trong màu áo Topenland Bình Định

Kể từ khi lên hạng ở mùa giải trước, Bình Định đã trở thành "Dải ngân hà" của bóng đá Việt Nam khi liên tục vung tiền chiêu mộ những tân binh đắt giá. Đình Trọng là tân binh thứ 13 của CLB đất Võ ở mùa giải này. Trước đó, hàng loạt cầu thủ như Hà Đức Chinh, Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú, Lý Công Hoàng Anh, Đỗ Thanh Thịnh, Đỗ Văn Thuận, Lynch, Rafaelson, Schmidt... cũng đều quy thuận đội chủ sân Quy Nhơn.

Bình Định với sự đầu tư mạnh mẽ đang trở thành PSG, Man City hay Chelsea của V.League. Điểm chung của cả 3 đội bóng trên đều là trở thành trò cười của cộng đồng fan truyền thống những ngày đầu. Họ bị gắn mác dùng tiền mua danh hiệu, không có truyền thống, không có bản sắc. Những dự án không có cơ sở cốt lõi bị trù sẽ sớm sụp đổ.

Tuy nhiên, như tất cả đều thấy, PSG, Man City và Chelsea đều đang là những đội bóng giành nhiều danh hiệu nhất những năm qua. Họ có thể vung tiền lúc đầu và trở nên khá hỗn tạp, nhưng dưới một bàn tay sắp xếp tài tình, có khoa học, mọi thứ sẽ đâu vào đấy. Một khi tiềm lực kinh tế được sử dụng đúng cách, nó sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Chủ tịch Topenland Bình Định, ông Nguyễn Văn Cường lý giải về cách mua sắm đại gia: “Chúng tôi rất cảm ơn các CLB khác đã tạo điều kiện để chúng tôi có được những cầu thủ tốt để chuẩn bị cho mùa giải mới. Việc gia nhập Bình Định, một CLB với những khát khao lớn sẽ giúp cho các cầu thủ có thêm động lực để cống hiến. Tôi nghĩ điều này Bình Định đang cùng với các CLB khác góp phần nâng cả tầm và chất cho giải V.League. Để từ giải V.League này, sẽ có được những cầu thủ tốt hơn nữa cho đội tuyển quốc gia”.

Bình Định đang đi theo đúng con đường đó và người hâm mộ đất Võ tràn trề tự tin khi mà thuyền trưởng của họ là HLV Nguyễn Đức Thắng - một chiến lược gia trẻ với đầy đột biến trong tư duy.

Chính HLV Đức Thắng cũng là một nguyên nhân lớn giúp Đình Trọng chọn Bình Định, bởi lẽ cả hai đã thân thiết kể từ ngày còn làm việc chung ở CLB Sài Gòn. Nói về người thầy của mình, Trọng "ỉn" cho biết:

"Chuyện với thầy Thắng, tôi với thầy vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp từ ngày còn ở Sài Gòn FC cho đến bây giờ. Hi vọng mọi thứ sẽ được tiếp nối ở môi trường mới".

Chúc Đình Trọng thành công trên con đường mới và với khán giả trung lập, V.League 2022 sẽ càng đáng xem hơn nữa khi ngoài những thế lực cũ, Bình Định cũng là một thỏi nam châm sự chú ý mỗi tuần đấu.