Djokovic thất vọng với cơ chế tiền thưởng quần vợt

Novak Djokovic cho rằng nền quần vợt toàn cầu đang thất bại khi chỉ có khoảng 400 tay vợt kiếm sống được từ môn thể thao này.

Mới đây, tại cuộc họp của Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp, Djokovic đã có phát biểu đáng chú ý: "Rất nhiều các tay vợt đang gặp khó khăn về tài chính, nếu không có hỗ trợ từ hiệp hội thì đó sẽ là vấn đề lớn. Tôi đứng về phía họ".

"Với một môn thể thao toàn cầu, chỉ có 400 tay vợt sống được với nghề là con số quá ít. Đây là thất bại của môn thể thao này. Với mức thu nhập hiện tại, sẽ chẳng có bao nhiêu tay vợt có thể theo đuổi sự nghiệp", Djokovic nói thêm.

Novak Djokovic cho rằng nền quần vợt toàn cầu đang thất bại khi chỉ có khoảng 400 tay vợt kiếm sống được từ môn thể thao này.

Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp (PTPA) do Djokovic cùng các tay vợt khác thành lập từ 3 năm trước, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho các tay vợt đang chật vật kiếm kế sinh nhai. Tay vợt Serbia cho rằng ATP cần thay đổi cơ chế trả thưởng cho các game thủ đơn và những tay vợt chỉ đánh đôi.

Phát biểu của Djokovic được đăng tải sau khi tay vợt Ấn Độ Sumit Nagal chia sẻ rằng trong tài khoản của anh chỉ còn 900 euro. Mặc dù là tay vợt hạng 159 ATP, Nagal không có nhà tài trợ lớn nào mà phải sống nhờ sự giúp đỡ của một tổ chức quần vợt và một công ty nhiên liệu.

Đáng chú ý, Nagal còn là tay vợt hàng đầu của Ấn Độ trong nhiều năm qua. Tay vợt này nổi lên sau khi cùng Lý Hoàng Nam vô địch đôi nam ở giải trẻ Wimbledon 2015. Năm 2020, anh vươn đến hạng 122 ATP, cũng là thứ hạng cao nhất trong sự nghiệp. Anh cũng là tay vợt Ấn Độ duy nhất từng giành vé tham dự nội dung đơn nam ở Olympic và đã thắng được một trận tại giải đấu. Nagal cũng từng 3 lần tham dự vòng đấu chính của Grand Slam. Tại giải Mỹ Mở rộng 2019, tay vợt này thắng được một set trước Roger Federer.

Thống kê từ TennisHQ đưa ra những con số đáng kinh ngạc về thu nhập của các tay vợt. Theo đó, chỉ 150 tay vợt hàng đầu ATP không bị lỗ khi theo đuổi quần vợt. Trong khi đó nếu nằm ngoài top 600, thu nhập của các tay vợt còn dưới mức thu nhập của người đóng gói hàng hay shipper. Đối với các tay vợt ngoài top 1000, số tiền kiếm được mỗi năm không đủ tiền vé máy bay đi du đấu.

Về phía Djokovic, tay vợt số một thế giới đang là người kiếm được nhiều nhất từ các giải quần vợt. Trong năm nay, anh đã nhận về hơn 10 triệu USD, trong đó phần lớn đến từ ba trận thắng ở chung kết Grand Slam.

Nguồn: Kênh truyền hình OnSports

 Anh Quân
Từ khóa: