Messi đi, Barca còn lại gì?

Chia tay cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử đội bóng theo cái cách khó lòng chấp nhận, Barcelona sẽ phải đối diện với thực tại quá nhiều vấn đề và biến đội bóng này trở thành một kẻ tầm thường.

Messi chia tay Barca theo cách đáng thất vọng

Sau buổi họp báo đầy nước mắt chiều qua, chiếc áo số 10 của Lionel Messi đã không còn được đăng ký hay hiện diện trong danh sách thi đấu của Barcelona, bắt đầu từ trận giao hữu truyền thống tranh cúp Joan Gamper với Juventus. Đồng nghĩa La Pulga cũng lỡ hẹn cuộc trùng phùng với kình địch Cristiano Ronaldo, người đã cùng anh tạo nên một thập niên không quên cho La Liga, Real Madrid, Barca và El Clasico.

Trước Juventus, Barca đã giành chiến thắng giòn giã 3-0. Depay (3'), Braithwaite (57'), Puig (90') lần lượt là những cầu thủ lập công. Một kết quả ấn tượng. Nhưng lẩn khuất phía sau, bất kỳ ai cũng có thể nhận ra sự bất ổn với khoảng trống mênh mông mang tên Messi. Không ai đủ sức thay thế siêu sao người Argentina, biểu tượng của Camp Nou, nỗi ám ảnh của Bernabeu, người đã chinh phục thành Rome, bừng sáng tại thánh địa Wembley hay tạo nên kỳ tích tại Berlin.

Thật trùng hợp, cả hành trình thống trị vĩ đại ấy, cũng bắt đầu từ một trận đấu tranh cúp Joan Gamper, vào ngày 24/8/2005, khi Messi vừa tròn 18 tuổi chính thức được đôn lên đội một và đối thủ vẫn là Juventus. “Hãy chiêu mộ cho tôi tên tiểu quỷ kia”, vị chiến lược gia lão luyện Fabio Capello thốt lên như một bảo chứng cho tài nghệ tuyệt luân và tiềm năng hứa hẹn của tài năng trẻ người Argentina. "Trong suốt cuộc đời tôi, tôi chưa bao giờ thấy một cầu thủ nào có tài năng và cá tính như vậy ở độ tuổi như cậu ta, đặc biệt lại còn khoác lên mình chiếc áo của một trong những CLB lớn nhất thế giới", ông tiếp tục.

Messi đã gánh vác Barca quá lâu

Với sự hiện diện của Messi, suốt hơn 15 năm qua Barca nghiễm nhiên luôn có một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới suốt nhiều năm liền, thậm chí xuất sắc nhất và đứng trong hàng ngũ những tài năng vĩ đại bậc nhất lịch sử bóng đá. Phân tích một cách số học, Barca sở hữu 3 cầu thủ đẳng cấp thế giới trong 1 cùng La Pulga.

Đó là một tay săn bàn luôn đảm bảo ghi trên 30 bàn một mùa giải, đỉnh cao là 73 bàn; một chân chuyền xuất chúng luôn biết cách đưa đồng đội vào tư thế dễ nhất để ghi bàn hoặc thực hiện những pha kiến tạo không ai hình dung được; và cuối cùng, dĩ nhiên là một cầu thủ rê bóng xuất sắc nhất thế giới bóng đá từng chứng kiến.

Bộ sưu tập ấy dĩ nhiên vẫn có thể đem để khoe khoang tự hào nhưng không đủ để ưỡn ngực sánh vai với những đội bóng ưu tú nhất của bóng đá châu Âu, bao gồm cả đại kình địch Real Madrid. Đơn cử trong lịch sử Barca, mãi cho đến mùa 1991/92, gã khổng lồ xứ Catalonia mới giành được chức vô địch châu Âu đầu tiên. Không những thế giai đoạn từ 1960 đến 1990, bao gồm cả giai đoạn huyền thoại Johan Cruyff hiện diện, Los Blaugrana chỉ giành được vỏn vẹn 2 chiếc cúp La Liga. 30 năm cho 2 lần đăng quang tại giải VĐQG là con số vô cùng khiêm tốn.

Thế nên, Barca giai đoạn trước kỷ nguyên Messi, bất quá là một thế lực cát cứ tại La Liga, không thể xem là thế lực tại châu Âu. Chỉ đến khi Messi xuất hiện, với sự dìu dắt của Ronaldinho, sự thăng hoa của dàn cầu thủ cây nhà lá vườn La Masia tài nghệ tuyệt luân, hay sự bùng nổ cùng Neymar và Suarez, Barca mới thực sự trở thành thế lực thống trị và khiến cả châu Âu chao đảo.

Pedri hay Fati không còn là tương lai mà là hiện tại của Barca

Cùng Messi, Barca giành 10 danh hiệu La Liga, 7 Cúp Nhà Vua, 4 chức vô địch Champions League cùng hằng hà sa số danh hiệu, kỷ lục và chiến công kỳ vĩ khác. Làm một phép toán đơn giản, nếu không tính kỷ nguyên Messi, phòng truyền thống thánh địa Camp Nou còn bao nhiêu danh hiệu? Câu trả lời là 16 La Liga, 24 Cúp Nhà Vua và duy nhất 1 chiếc cúp châu Âu, thời điểm còn mang tên cúp C1.

Tuy nhiên, càng về cuối kỷ nguyên Messi, khả năng quản trị yếu kém của BLĐ Barca lại đưa đội bóng trở về với hình hài nhỏ bé như trước. Có chăng, vì sự hiện diện của Messi, luôn có một sự e sợ và ảo tưởng nhất định về sức mạnh của gã khổng lồ xứ Catalonia. Hay nói cách khác, tài nghệ siêu quần của La Pulga khiến tất cả phải dè chứng hơn là Barca. Một mình anh quật ngã Chelsea, một mình anh giã nát Liverpool tại trận bán kết lượt đi Champions League 2018/19 là những minh chứng điển hình. Nhưng khi Messi bị phong tỏa, Barca trở nên yếu đuối không ngờ, đồng nghĩa dễ dàng bị quật ngã.

Bây giờ khi không còn Messi, Barca thôi hết ảo vọng và phải đối diện với thực tại. HLV Ronald Koeman sẽ phải xây dựng lại gã khổng lồ xứ Catalonia với điều kiện khốn khó hơn rất nhiều vì không còn siêu sao người Argentina, đồng nghĩa không còn 3 cầu thủ đẳng cấp thế giới trong 1. Để dễ hình dùng, Barca sẽ phải trông chờ vào tài săn bàn Aguero hoặc Antoine Griezmann, những pha rê dắt tạo đột biến của Memphis Depay, Ousmane Dembele hoặc Ansu Fati, và những pha kiến thiết từ Philippe Coutinho.

Riêng Dembele, Griezmann và Coutinho chính là tác nhân lớn đẩy Messi rời khỏi Camp Nou. Gần nửa tỷ euro chi ra cho bộ ba này, đổi lại Barca nhận được sự bất ổn thể chế, cuộc khủng hoảng kinh tế và thành tích bết bát trên sân cỏ. Mở rộng vấn đề, quản trị cũng chính dấu hỏi lớn trong suốt lịch sử Barca. Những vị lãnh đạo của đội bóng xứ Catalonia luôn thiếu tầm nhìn, sách lược hay đơn giản là khả năng điều phối, dẫn đến rất nhiều biến cố trèo ngoe xảy ra, đặc biệt trên thị trường chuyển nhượng.

Bằng chứng là xuyên suốt lịch sử, Barca không thiếu những vụ mua bán ngớ ngẩn và ê chề. Họ để mất Di Stefano vào tay Real, Ronaldo vào tay Inter, Luis Figo lại vào tay Real, Neymar vào tay PSG, và mới nhất là Messi nhiều khả năng cũng vào tay PSG. Ngoài ra, Barca không kiềm tỏa được ngựa chứng Maradona, đốt tiền rước về vô khối của nợ kiểu Dembele, Griezmann hay Coutinho. Nếu liệt kê những bản hợp đồng thất bại nhất lịch sử, dám chắc Barca là đội bóng đóng góp nhiều cái tên nhất, trong đó có những thương vụ kỳ khôi, dở khóc, dở cười kiểu như Keirrison, tiền đạo trị giá 14 triệu euro nhưng chưa một lần khoác áo Los Blaugrana.

Tựu trung, khi không còn Messi, Barca phải tự thân đương đầu với vô vàn vấn đề nội tại. Từ khả năng quản lý yếu kém của ban lãnh đạo, năng lực ban huấn luyện cho đến chất lượng đội hình. Khi Messi hiện diện, những vấn đề này phần nào được lấp liếm bởi một niềm tin quá mãnh liệt được đặt vào cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Nhưng từ bây giờ trở đi, với chừng ấy vấn đề, Barca không thể vỗ ngực thậm xưng là một thế lực của bóng đá thế giới, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Họ sẽ lại là một đội bóng tầm thường và rất lâu nữa hoặc không bao giờ gã khổng lồ xứ Catalonia có thể sản sinh ra một Messi thứ hai.

Dĩ nhiên, không Messi không có nghĩa Barca sẽ chết. Một đội bóng đã tổn tại hơn 100 năm, khi được thành lập từ tận thế kỷ 19 và trải qua vô vàn biến động thời cuộc phải có sức sống mãnh liệt. Không những thế, trong đội hình Barca vẫn có những gương mặt tài năng và hứa hẹn. Chẳng hạn như Frenkie De Jong, Pedri hay Ansu Fati. Nếu những cầu thủ này phát huy hết tiềm năng, biết đâu khi một cánh cửa đóng lại, một chân trời mới lại mở ra cho gã khổng lồ xứ Catalan.

 On Football
Từ khóa: