Thai-League vượt xa V.League về chất lượng và sự hấp dẫn
Trên BXH FIFA, ĐT Việt Nam đang đứng trên ĐT Thái Lan, nhưng không có nghĩa là chúng ta có nền bóng đá phát triển hơn nước bạn. Điều đó được minh chứng một cách rõ ràng khi nhìn vào giải bóng đá VĐQG của hai bên.
Thai-League đã bỏ xa V.League!
"Ở khu vực Đông Nam Á, ĐT Việt Nam là một đội bóng mạnh, nhưng giải bóng đá vô địch quốc gia của họ (V-League) cần cải thiện rất nhiều mới có thể nâng tầm nền bóng đá tổng thể. Để thấy rõ hơn, hãy nhìn sang Thai-League, giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Mặc dù giải đấu này cũng cần phải cải thiện, nhưng với chất lượng về mọi mặt từ cầu thủ, sân bãi, hạ tầng,... thì đây là giải đấu tốt nhất trong khu vực. Trước khi trở thành sao hạng A tại J.League, Chanathip cũng là cầu thủ trưởng thành tại Thai-League.
Tôi không muốn phải nói những điều tiêu cực, nhưng cần nhấn mạnh là các giải Đông Nam Á như ở Việt Nam, Indonesia, Singapore,... có chất lượng thấp và cần cải thiện rất nhiều về mọi mặt".
Đây là những phát biểu của HLV trưởng ĐT Thái Lan - Alexsander Polking. Ông đã lấy Thai-League làm tiêu chuẩn để bóng đá Đông Nam Á phát triển.
Những câu nói của HLV Alexander Polking có thể gây mất lòng nhiều người. Tuy nhiên, đó cũng là những câu nói mang tính khách quan và bóng đá Việt Nam cần nhìn nhận lại chính mình. Sau thất bại trước Thái Lan ở AFF Cup 2020 và mới đây là chung kết AFF Cup 2022, ĐT Việt Nam có thể đổ lỗi cho nhiều nguyên nhân, nhưng một thực tế không thể chối cãi là bóng đá Thái Lan đang có những bước đi bỏ xa Việt Nam từ nền móng đến thành tựu.
Tất nhiên, nói thế không phải là phủ nhận những thành tích mà "Các chiến binh sao vàng" đã đạt được trong vài năm gần đây. Nhưng chúng ta cần một nền bóng đá phát triển vững chắc, bền bỉ và lâu dài, thay vì dựa vào một lứa cầu thủ tài năng với một vị HLV “mát tay”, rồi sau đó mơ hồ về những lớp kế cận. Đặc biệt là khi mà giờ đây, ông Park Hang-seo đã nói lời chia tay với ĐT Việt Nam.
Như những gì HLV Polking chia sẻ, nếu muốn có một ĐTQG mạnh trước hết phải có một giải đấu VĐQG tầm cỡ. Hãy nhìn sang Thai-League để thấy V.League nhỏ bé thế nào?
Tại sao Thai-League lại phát triển vượt bậc so với V.League?
Đầu tiên, phải nói đến sự đầu tư về cơ sở hạ tầng.
Đây cũng là yếu tố cho thấy tự tách biệt rõ nét trong kế hoạch phát triển giải đấu của Thái Lan so với Việt Nam. Đất nước xứ chùa Vàng tập trung đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng. Đối với các sân vận động, họ sử dụng giống cỏ chất lượng cùng với đội ngũ chăm sóc cỏ chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm. Chính vì thế mà mặt cỏ ở những SVĐ thuộc giải đấu này được đánh giá là không thua kém gì những sân hàng đầu ở Ngoại Hạng Anh. Thậm chí những tiểu tiết nhỏ trong hệ thống sân như toilet cũng được trang bị và đầu tư hiện đại, nhằm đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người hâm mộ tới thưởng thức bóng đá.
Trong khi đó, các CLB của Việt Nam lại thường đầu tư nhiều hơn về mặt con người, bao gồm ban huấn luyện, các cầu thủ hay truyền thông để tạo nên danh tiếng. Còn hệ thống sân bãi ở V.League có chất lượng khá tệ, với trang thiết bị cũ kỹ, mặt cỏ gồ ghề,... khiến cho chất lượng trận đấu giảm sút vì trái bóng lăn không đúng quỹ đạo, đi kèm với đó là cả những nỗi lo về chấn thương cho các cầu thủ.
Yếu tố thứ hai là tính cạnh tranh.
Thai-League từng có đến 18 đội (ngang số đội ở giải Bundesliga - Đức) tranh tài, với 3 suất xuống hạng vào cuối mùa. Tuy nhiên vì đại dịch Covid mà con số trên giảm xuống còn 16. Còn giải Hạng Nhất của họ cũng có đến 18 đội tham dự. Nhìn chung, những giải đấu hàng đầu của họ có tính cạnh tranh rất khốc liệt, không thua gì những giải đấu của những nền bóng đá phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu.
Không những có tính cạnh tranh cao, giải Hạng Nhất của Thái Lan còn là cái nôi phát triển những tài năng trẻ. Họ đào tạo ra những cầu thủ trẻ tiềm năng, nhưng cũng sẵn sàng bán đi để kiếm lời, khá giống những đội bóng tại châu Âu như: Ajax, Porto, Benfica hay Borussia Dormund… Chiến lược này vừa giúp các đội bóng nhỏ có chi phí để duy trì, lại vừa tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ phấn đấu, tích luỹ thêm kinh nghiệm và phát huy hết tiềm năng.
Nhìn sang V.League, chỉ có 14 đội và giải Hạng Nhất cũng chỉ có 12 đội, suất lên hạng là 1,5 nhưng giải Hạng Nhất rất ít được quan tâm, hầu như không có khán giả. Thậm chí, những cầu thủ đá Hạng Nhất còn không có tiếng bằng nhiều cầu thủ bóng đá Phủi (sân chơi 7 người).
Yếu tố thứ ba là lịch thi đấu.
Kể từ mùa giải năm 2020, Thai-League đã áp dụng lịch thi đấu theo chuẩn các giải đấu châu Âu, tức là từ mùa thu năm nay tới mùa hè năm sau. Điều này đã đem lại lợi ích rất lớn cho giải đấu của họ. Trước tiên là các cầu thủ được phân bố lịch nghỉ ngơi, thi đấu ở CLB cũng như ĐTQG khá hợp lý theo lịch của FIFA. Mặt khác, lịch thi đấu cũng giúp cho thời gian chuyển nhượng của Thai-League được "đồng bộ" với những giải đấu cấp độ cao. Từ đó, các CLB có thể được xuất cầu thủ đi các giải đấu lớn, đồng thời cũng có thể mua về những cầu thủ chất lượng từ các kì chuyển nhượng.
Đối với V.League, dự kiến giải đấu cũng sẽ học theo Thai-League để thay đổi lịch thi đấu. Tuy nhiên đó là câu chuyện của ít nhất 1 mùa giải nữa. Còn ở hiện tại, các cầu thủ vẫn phải thi đấu theo lịch cũ, với những trận đấu khắc nghiệt giữa mùa hè.
Điểm thứ tư cần nhắc đến là chính sách tuyển ngoại binh.
Tại Việt Nam, các CLB thường chiêu mộ các cầu thủ đến từ châu Phi, với lý do chủ yếu là sức khoẻ tốt mà giá trị chuyển nhượng rẻ. Trong khi đó, Thai-League lại ưu tiên những cầu thủ đến từ Brazil. Chính những ngoại binh có lối đá đẹp mắt và kỹ thuật đã giúp chất lượng các trận đấu được nâng tầm. Theo thống kê năm 2020, có đến 1/3 số ngoại binh thi đấu tại Thai-League là cầu thủ gốc Brazil.
Những chính sách, kế hoạch phát triển và sự thay đổi hợp lý trong cách xây dựng giải đấu đã giúp cho Thai-League vượt mặt hoàn toàn giải V.League của Việt Nam. Một thập kỷ trở về trước, V.League là một trong số những giải đấu hàng đầu của châu Á. Ngay cả những ngôi sao của Thái Lan như Kiatisak cũng tìm đến đây để thi đấu và kiếm tiền. Thế nhưng hiện tại, trên bảng xếp hạng các giải VĐQG châu Á, Thai-League đứng hạng 9, còn V.League chỉ đứng hạng 14.
Không những vậy, việc Thai-League được nâng tầm còn giúp cho giá trị các cầu thủ xứ chùa Vàng tăng vọt. Chỉ tính riêng tiền vệ Chanathip đã được trang Transfermarkt định giá 1,2 triệu euro, nhiều hơn rất nhiều so với các ngôi sao trong đội hình tuyển Việt Nam.
Có thể nói, chỉ đứng cạnh giải bóng đá quốc nội của hàng xóm Thái Lan mà giải V.League đã tỏ ra thua kém và nhỏ bé về nhiều mặt. Nếu như không chịu thay đổi phương hướng và các chiến lược ngay từ bây giờ, có lẽ bóng đá Việt Nam vẫn còn rất lâu nữa mới đuổi kịp được Thái Lan, chứ chưa nói gì đến vươn tầm châu lục hay Thế giới.
- Link trực tiếp futsal Việt Nam vs Nhật Bản lúc 18h ngày 2/10, VCK Futsal châu Á 2022
- Link trực tiếp VCK Futsal châu Á 2022: Indonesia vs Li băng
- Link trực tiếp Hà Nội vs Bình Dương lúc 19h15 ngày 1/10, giải V.League 2022
- Link trực tiếp VCK Futsal châu Á 2022: Thái Lan đại chiến chủ nhà Kuwait vì ngôi đầu
- Link trực tiếp SLNA vs Viettel 18h ngày 1/10 giải V.League 2022
- Link trực tiếp Nam Định vs Hà Tĩnh 18h ngày 1/10 giải V.League 2022
- Link trực tiếp Thanh Hóa vs Bình Định lúc 17h ngày 1/10 giải V.League 2022
- Link trực tiếp TP.HCM vs Sài Gòn lúc 19h15 ngày 30/9 giải V.League 2022
- Link trực tiếp Hải Phòng vs HAGL lúc 18h ngày 30/9 giải V.League 2022
- Xem trực tiếp ĐT Việt Nam vs Ấn Độ khi nào, ở đâu?