Bí quyết khoa học phía sau nhãn quan siêu hạng của Alexander-Arnold
Bí quyết giúp Trent-Alexander Arnold trở thành chân chuyền hàng đầu Ngoại Hạng Anh không chỉ có tài năng thiên phú.
Không có cầu thủ nào chơi ở vị trí hậu vệ tạo ra nhiều cơ hội hơn Trent Alexander-Arnold (77 lần, trong đó 49 lần từ những tình huống bóng sống), ở Ngoại Hạng Anh 2020/21. Mới qua 4 vòng mùa này, gần nhất là chiến thắng 3-0 trước Leeds, cầu thủ 22 tuổi của Liverpool đã đứng đầu về số cơ hội tạo ra cho các đồng đội (20 lần), bỏ xa những người đứng sau là Jack Grealish và Mohamed Salah (cùng 13 lần).
HLV Jurgen Klopp gọi cậu học trò này là "hậu vệ cánh phải xuất sắc nhất thế giới" khi được hỏi liệu có muốn chuyển anh sang đá tiền vệ. Số một thì chưa chắc, nhưng chắc chắn Alexander-Arnold phải nằm trong top 5, thậm chí top 3 cầu thủ giỏi nhất của bóng đá đương đại ở vị trí này, đặc biệt là trong khả năng hỗ trợ tấn công.
Khả năng sáng tạo, hay nhãn quan chiến thuật của một cầu thủ được xem là một yếu tố thiên phú. Nhưng để đạt được đến đẳng cấp như hiện tại, ở tuổi 22, Alexander-Arnold cần cả sự luyện tập theo một chương trình khoa học.
Tiến sĩ Daniel Laby vận hành một phòng nghiên cứu chuyên về khoa học thể thao ở New York. Ông có 30 năm kinh nghiệm làm việc với giải bóng chày nhà nghề Mỹ (MLB), nhưng Alexander-Arnold là khách hàng đầu tiên đến từ Ngoại Hạng Anh của Tiến sĩ Laby. Vị chuyên gia này đã thiết kế cho Alexander-Arnold một chương trình để đánh giá và nâng cao một loại năng lực vốn được coi là thiên phú của một cầu thủ bóng đá - khả năng quan sát.
"Chúng tôi đưa cho cậu ấy những bức ảnh với độ tương phản thấp trong một thời gian rất ngắn", Tiến sĩ Laby nói về bài kiểm tra đầu tiên mà ông đưa ra cho Alexander-Arnold. "Bài kiểm tra này có thể đánh giá một cách chân thực về năng lực thị giác của một cầu thủ mà từ đó chúng tôi sử dụng để dự đoán về hiệu suất thi đấu của anh ta".
Alexander-Arnold có vẻ sốc với độ khó của bài kiểm tra này, nhưng phần tiếp theo mới thực sự là thử thách. Anh phải nhìn những vật thể di chuyển trên màn hình cùng lúc và rồi nhận diện chúng. Mắt không phải là bộ phận duy nhất phải hoạt động hết công suất.
Bài thực hành này kéo dài trong 8 giây, nghe có vẻ ngắn nhưng sẽ không dễ để hoàn thành khi có những tác động gây xao nhãng. Chỉ cần không theo kịp một khoảnh khắc thôi, cầu thủ của Liverpool xem như thất bại. Mục đích của chương trình huấn luyện này là rèn cho Alexander-Arnold sự tập trung giống như một vận động viên bóng chày "khóa tầm nhìn" vào quả bóng đang bay đến.
Hậu vệ người Anh tỏ rõ vẻ thất vọng, nhưng Laby nhận thấy sự quyết tâm của vị khách hàng này. Alexander-Arnold tìm đến một chuyên gia ở tận New York (Mỹ) không phải để bỏ cuộc dễ dàng như vậy. Cầu thủ 22 tuổi dành ra hàng giờ để rèn luyện theo những bài tập mà bề ngoài chẳng có vẻ gì liên quan đến việc chơi bóng đá.
Bước cuối cùng trong chương trình huấn luyện ngắn hạn của Tiến sĩ Laby là đặt Alexander-Arnold vào một hệ thống thực tế ảo được thiết kế riêng cho cầu thủ này.
“Chúng tôi ghi lại 3 trận đấu của Trent từ vài năm trước, chuyển sang định dạng thực tế ảo để cậu ấy được trải nghiệm lại chính mình trên sân, nhìn pha bóng diễn ra trước mắt, qua chân các đồng đội cho tới khi nhận bóng”, Tiến sĩ Laby cho biết.
“Sau đó, cậu ấy sẽ trở lại với thực tại, nhìn xuống chân mình và thực sự có quả bóng ở đó. Cậu ấy phải thực hiện một đường chuyền, và lại quay về thực tế ảo. Chúng tôi sẽ theo dõi đường bóng và đánh giá tính chính xác của pha xử lý”.
Công nghệ giúp đội ngũ kỹ thuật can thiệp vào tầm nhìn thực tế ảo trước mắt Alexander-Arnold để tăng thêm độ khó. Cầu thủ này sau đó sẽ giải thích vì sao anh thực hiện đường chuyền như vậy, và rồi các kỹ thuật viên sẽ mở lại băng hình để Alexander-Arnold biết được trên thực tế, quyết định của anh khi đó là gì.
“Đó là một trong những điều thú vị nhất mà chúng tôi từng làm”, Tiến sĩ Laby chia sẻ.
Điểm số ban đầu của Alexander-Arnold vốn đã cao hơn mặt bằng chung của các cầu thủ bóng đá từng làm việc với Tiến sĩ Laby, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với dân bóng chày. Nhưng điều quan trọng là cầu thủ của Liverpool đã cải thiện được những con số của bản thân một cách đáng nể trong thời gian ngắn, cao hơn 40%, rồi 240%.
Sự khác biệt của hậu vệ cánh phải 22 tuổi so với những người khác là việc anh thực sự cảm thấy điều này là cần thiết.
“Tốt không bao giờ là đủ. Xuất sắc cũng không bao giờ là đủ. Tôi phải trở nên giỏi hơn”, Alexander-Arnold chia sẻ trong một đoạn phim tài liệu được thực hiện về chương trình luyện tập đặc biệt này.
- Biểu cảm khó tin của Maguire trên khán đài khi MU thua thảm Man City
- Bộ trưởng Thể thao Indonesia: "Vụ bạo loạn là vết nhơ làm xấu hình ảnh Indonesia"
- Phản ứng của Mbappe trên băng ghế dự bị khi chứng kiến Messi lập siêu phẩm
- Nhân chứng hoảng loạn kể lại nguyên nhân kinh hoàng dẫn đến thảm kịch của bóng đá Indonesia
- Truyền thông thế giới bàng hoàng trước vụ bạo loạn ở giải VĐQG Indonesia
- MU nhận tin vui trước thềm đại chiến với Man City
- Bồ Đào Nha phũ phàng loại Ronaldo khỏi hình ảnh đại diện tại World Cup 2022?
- Thêm một quan chức cấp cao FIFA phải ngồi tù vì tham nhũng
- Link trực tiếp Pau FC vs FC Metz lúc 0h ngày 02/10 giải Ligue 2
- Clip: Mbappe "bẽ mặt" vì dứt điểm kém hơn Neymar, Ramos ở thử thách sút bóng