Chờ đợi gì ở trận Việt Nam đấu 'trẻ trâu' Campuchia?

ĐT Việt Nam sẽ có dịp gặp một đối thủ đặc biệt nhất ở bảng B – AFF Cup 2020 là Campuchia vào lúc 19h30 ngày 19/12 tới. 

Lịch thi đấu AFF Cup 2021

Đội hình ra sân Việt Nam vs Campuchia, vòng bảng AFF Cup 2021

Sự trùng hợp thú vị báo điềm may cho ĐT Việt Nam

Một Campuchia không biết sợ 

So sánh một trận sinh tử một mất một còn giữa Malaysia và Indonesia thì trận đấu cùng giờ trên sân Bishan với Campuchia của Việt Nam dễ thở hơn nhiều. 

Nói như thế không có nghĩa Việt Nam chủ quan trước Campuchia. Đội tuyển đang được dẫn dắt bởi song tấu Nhật Bản là Ryu Hirose và Keisuke Honda đã mang đến một diện mạo rất mới cho những chiến binh Angkor ở giải đấu này. Nhưng xét về trình độ và thực lực, đặc biệt là cách chơi, Campuchia có thể là một con mồi ưa thích để đội tuyển Việt Nam dội mưa gôn trong màn so tài tới. 

Hãy dành thời gian phân tích Campuchia. Trước giải đấu này, người ta đã chê bai khi nói đội tuyển này chẳng khác gì trẻ trâu thích nổ. Bằng chứng là Keisuke Honda, kiến trúc sư trưởng người Nhật này tuyên bố sẽ tìm mọi cách để đánh bại Malaysia, Indonesia hay Việt Nam trong bảng đấu. Người hâm mộ Campuchia thì tuyên bố đội tuyển sẽ trở thành ông vua mới của Đông Nam Á, khi lứa cầu thủ mà họ tham dự AFF Cup 2020 từng đánh bại cả Thái Lan lẫn Việt Nam ở giải U18 Đông Nam Á cách đây 2 năm về trước. 

Cầu thủ trẻ Campuchia chơi tự tin tại AFF Cup 2020 - Ảnh: AFF

Về phần mình, HLV Ryu Hirose cũng tuyên bố cho dù gặp bất cứ đối thủ nào, đội tuyển Campuchia vẫn sẽ duy trì cách chơi tấn công, kiểm soát bóng, pressing tầm cao. Rõ ràng, với những tuyên bố không sợ trời, không sợ đất như thế, Campuchia chịu rất nhiều sức ép dư luận. Mà đa phần trong đó là những dè bỉu khi Campuchia chẳng khác gì điếc không sợ súng. 

Vậy nhưng, ở một góc độ nào đó, Campuchia đã “nổ” chuẩn trong phát ngôn của mình. Đúng là trước Indonesia, Malaysia và Lào, Campuchia đều vượt trội hơn về tỷ lệ kiểm soát bóng. Theo thống kê, Campuchia kiểm soát bóng 64,7% trước Lào. Khi đấu với Indonesia, đội bóng này kiểm soát bóng tới 54,8%. Trong trận thua trước Malaysia ở lượt đầu tiên, Campuchia cũng kiểm soát bóng tới 56,9%. Rõ ràng, đó là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử bóng đá Campuchia ở các kỳ AFF Cup trước đó. Một Campuchia không biết sợ trước các đội cửa trên đã hiện diện tại giải đấu lần này. 

Thêm vào đó, sau 3 trận đầu tiên, Campuchia ghi đến 6 bàn thắng. Con số này giúp họ vượt qua thành tích tốt nhất trước đó của chính mình ở các năm 2000 và 2002. Khi đó, đội bóng này chỉ ghi tối đa 5 bàn thắng. Sự hiệu quả trên con số bàn thắng và cầm bóng đủ để thấy Campuchia thành công với cách đá kiểm soát thế trận, sẵn sàng chơi đôi công với các đội tuyển mạnh mà cặp bài trùng Nhật Bản - Honda và Hirose đã và đang hướng tới. 

6 bàn thắng mà Campuchia ghi được chia làm hai kịch bản. Trong 2 trận đầu tiên trước Indonesia và Malaysia, Campuchia ghi 3 bàn từ các tình huống cố định (penalty, phạt góc và đá phạt trực tiếp). Ba bàn thắng trước Lào thể hiện rõ tâm thế “cửa trên” hơn của Campuchia. Họ tổ chức triển khai bóng từ dưới lên một cách mạch lạc, tận dụng phá bẫy việt vị của đối phương trước khi thực hiện các pha chọc khe cho Chan Vathanaka và Sieng Changthea thoát xuống và ghi bàn. 

Campuchia rõ ràng là một đối thủ rất khác so với những đội mà Việt Nam đã gặp ở 3 lượt đầu. Bởi trước đó, đoàn quân của HLV Park Hang Seo luôn áp đảo về thời gian cầm bóng và tỷ lệ kiểm soát thế trận, khi Lào, Indonesia, Malaysia đều chủ trương tử thủ để mong hạn chế số bàn thua hoặc cầu hoà Việt Nam. Nhưng khác với 3 đối thủ kể trên có phần sợ Việt Nam, Campuchia tuyên bố sẵn sàng chơi tấn công, kiểm soát bóng ngay cả khi đối thủ có là Brazil đi chăng nữa.

Campuchia vượt trội về kiểm soát bóng trước cả Indonesia lẫn Malaysia - Ảnh: AFF

Việt Nam chờ điều gì khi đấu với Campuchia  Tấn công, kiểm soát bóng vẫn sẽ là kim chỉ nam mà Campuchia lựa chọn khi đấu với Việt Nam vào lúc 19h30 tối 19/12. Điều đó có nghĩa rằng, Campuchia sẽ đẩy cao đội hình, sẵn sàng pressing tầm cao đối với Việt Nam hòng đoạt bóng nhiều nhất có thể trên phạm vi sân của Việt Nam. 

Cách chơi của Campuchia tương đồng với lối đá của Thái Lan. Vì thế, có thể xem đây là một bài test nhỏ với hệ thống tiền vệ và hậu vệ của Việt Nam, trong việc thoát pressing, ngăn đối phương gây sức ép thế nào. Thêm vào đó, việc Campuchia dâng cao cũng tạo nên khoảng trống “mênh mông” sau lưng hàng thủ. Đây sẽ là cơ sở để Việt Nam tổ chức những đường lên bóng chớp nhoáng vốn đã là thế mạnh suốt 4 năm qua dưới thời ông Park Hang Seo. 

Theo đánh giá, chất lượng hậu vệ của Campuchia từ cá nhân đến hệ thống còn khiêm tốn. Điều đó cũng là dễ hiểu khi nòng cốt chính của đội tuyển này là những cầu thủ dưới 22 tuổi. Họ dễ dàng bị chọc thủng lưới từ những pha đá phạt góc. Họ cũng dễ dàng để đối phương qua mặt trong những tình huống đối đầu 1-1.

ĐT Việt Nam có nhiều mục tiêu cho trận đấu với Campuchia - Ảnh: VFF

Song song với đó, đây cũng là thời cơ để Việt Nam có thể tập tận dụng cũng như tổ chức tấn công từ các pha bóng cố định. Tính đến nay, Việt Nam chưa có bàn thắng nào từ đá phạt góc. Chính xác từ sau trận thắng 4-0 trước Indonesia với bàn thắng của Công Phượng sau quả đá phạt góc của Xuân Trường hồi tháng 6 vừa qua, Việt Nam trải qua 12 trận không thể ghi bàn từ phạt góc. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ ghi bàn, tổ chức lên bóng phản công như thói quen, trận đấu với Campuchia có thể xem như một dịp không thể tốt hơn để Việt Nam phá dớp không ghi bàn từ phạt góc kéo dài nửa năm trời.  Ở chiều ngược lại, Campuchia cũng rất lợi hại trong những tình huống bóng chết khi 50% số bàn thắng của họ đến từ các trường hợp như thế. Đó sẽ là cơ sở để đội tuyển Việt Nam rèn luyện thêm trước khi bước vào vòng bán kết gặp Singapore hay Thái Lan, những đội tuyển rất lợi hại trong những pha bóng chết. 

Rõ ràng, ở nhiều góc độ, có thể nhìn nhận đây là một trận đấu mà Việt Nam có nhiều mục tiêu. Thứ nhất, chúng ta đương nhiên muốn có một chiến thắng giòn giã để làm đòn bẩy bước vào bán kết. Thứ hai, Việt Nam cũng muốn cải thiện một vài điểm trong cách tấn công mà một trong số đó là tận dụng tình huống cố định.